Trần Tiến - Chu Cẩm Phong: Nhà văn - Liệt sĩ - Anh hùng lực lượng vũ trang

Chủ tịch nước vừa ký Quyết định 212 QĐ/CTN phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho nhà văn – liệt sĩ Chu Cẩm Phong. Trước đó, tác phẩm của anh đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật (2005).

Trần Tiến (Chu Cẩm Phong là tên hiệu viết văn) sinh 1941 tại Hội An - Quảng Nam.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng Hợp, ngành Văn năm 1964, anh tình nguyện vào chiến trường Liên khu V công tác, chiến đấu. Ở đây, anh đã làm công tác văn nghệ, tuyên huấn, trụ bám cơ sở, chiến đấu như một người lính. Gian khổ ác liệt của chiến trường anh chịu đựng hết, từ gùi gạo, làm rẫy, bom đạn… Và anh đã cùng đồng đội đi về những nơi ác liệt nhất, ở đồng bằng, trong những năm địch điên cuồng phản kích.

Anh đã hy sinh trong một trận địch càn, sau khi chiến đấu, ngày 11/5/1971 tại Duy Xuyên – Quảng Nam. Khi đó anh tròn 30 tuổi, và tình yêu với người bạn gái chiến trường đang nồng nàn như bao tình yêu trên đời này…


Nhà văn Trần Tiến - Chu Cẩm Phong.

Tác phẩm để lại: Mặt biển, mặt trận (1968), Rét tháng Giêng (truyện ký); Nhật ký chiến tranh (1999)… Cuốn Nhật ký của anh được một sĩ quan quân đội Sài Gòn cứu thoát và tặng lại cho Hội Văn nghệ Quảng Đà sau chiến tranh. Ngồn ngộn sự việc, con người, cuộc chiến và trung tâm cuốn sách là chính tác giả với những tình cảm về đất nước, nhân dân, các bà mẹ, em bé giao liên và người anh yêu, bè bạn…

“Chu Cẩm Phong ghi chép rất kỹ lưỡng. Trong cuốn sổ tay để lại anh tả từng khuôn mặt người, ghi từng câu nói, từng từ lạ, những từ mang bản sắc vùng đất cùng những vật dụng mà bà con dùng ở từng vùng…

… Những gì anh viết ra chỉ là một phần rất nhỏ so với những điều anh thu nhặt được. Anh hiểu thấu đáo nhiều việc xảy ra ở đồng bằng, miền núi Khu V. Tạng của anh là tạng của một nhà tiểu thuyết lớn. Nhưng tôi cứ nghĩ về anh như nghĩ đến Trần Đăng”.

Nhà văn Thanh Quế, bạn văn, bạn chiến đấu của Chu Cẩm Phong, nhận xét.

***

Trần Tiến là một thanh niên xương xương, gầy, với một nụ cười dễ mến, chiếc khăn rằn ngang cổ mùa rét… Anh là Bí thư Chi Đoàn, “hạt giống đỏ” và được kết nạp Đảng từ thời sinh viên.

Ít nói, và nói nhỏ nhẹ, anh học chăm chỉ, cuối khóa tốt nghiệp làm luận văn về Kinh Thi!

Nếu như không có chiến tranh, có thể anh đã trở thành một nhà nghiên cứu Văn học Trung Hoa cổ.

Nhưng anh đã xung phong đi chiến trường. Anh đã gánh trên vai mình cuộc chiến khốc liệt. Thư anh gởi từ chiến trường ra cho chị Hồ Hoa, bạn gái thời Phổ thông, anh nói anh bây giờ chỉ còn là “bộ xương cách trí” (môn học sinh vật ngày xưa). Ăn củ dớn, rau rừng, gùi gạo, gùi sắn hàng mấy ngày đường… nhưng đã ăn thua gì so với khốc liệt của bom đạn địch… Chí kiên cường, kiên định, tình yêu nước son đỏ từ ngày còn là học sinh miền Nam trên ghế nhà trường, đã đưa anh đi qua trọn vẹn con đường chiến đấu sinh tử.

Có đôi lần, bạn bè Chu Cẩm Phong tự hỏi: Giá như còn sống đến thời nay, thời “thị trường, biến động lớn”, Chu Cẩm Phong (hay cả Lê Anh Xuân… ) sẽ ra sao, sẽ nghĩ sao?

Những người cầm bút, vinh dự có Chu Cẩm Phong trong hàng ngũ của mình. Anh cùng lứa tuổi với nhiều người trong chúng ta, nhưng anh đã trở thành người thầy tinh thần, người anh hùng cầm bút của thế hệ chúng ta.

HỒN VIỆT