Trạng Bùng đi sứ

Năm Đinh Dậu (1597), Phùng Khắc Khoan được cử đi sứ nhà Minh. Bấy giờ nhà Minh nhận hối lộ của họ Mạc, cắt chức An Nam Quốc Vương của vua Lê, không nhận sứ nhà Lê. Khắc Khoan phải chờ vua Minh cho phép.

Trong khi chờ đợi ngoài cửa Nam Quan, Khắc Khoan viết thư cho Súy ty nhà Minh, kể rõ: “Họ Mạc cướp ngôi vua Lê là trọng tội, trời không dung đất không tha. Nay con cháu nhà Lê tới đợi mệnh mà quan chức Thiên triều lại giúp nhà Mạc ngăn trở nhà Lê. Như thế là về bè với kẻ gian tà, hại người ngay thẳng, còn lấy gì để tỏ đại nghĩa với thiên hạ và giúp danh giáo cho đời sau?...”.

Thấy lời thư chính trực, chân thành, người Minh khen là có nghĩa, mới cho sứ nhà Lê qua cửa Nam Quan. Khắc Khoan mới được đến Yên Kinh. Tới đây, quan bộ Lễ nhà Minh hội kiến với Khắc Khoan. Vốn coi thường viên sứ của một nước mới thoát khỏi nạn nhiễu nhương, quan bộ Lễ tìm cách chê trách:

- Sao người vàng của nhà Lê đem cống không đúc như của nhà Mạc, tức là không cúi mặt mà ngẩng mặt?

Khắc Khoan ôn nhu nhưng kiên nghị đáp:

- Nhà Mạc cướp ngôi, đích danh là nghịch, phải đúc người vàng cúi mặt. Còn nhà Lê khôi phục, trung hưng, danh nghĩa là thuận, đúc người vàng ngẩng mặt hoan hỉ. Vả lại đã bao đời nay người vàng ngẩng mặt đã thành quy cách thông thuộc. Nếu nay bắt theo kiểu nhà Mạc thì sẽ lấy gì để phân biệt thuận nghịch, làm rõ phải trái?

Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, Kép Thầy Phan Huy Chú viết: “Phùng Khắc Khoan người làng Phùng Xá, tục danh làng Bùng, huyện Thạch Thất (Sơn Tây). Lúc trẻ đã nổi tiếng văn học; theo học Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, kiêm thông cả thuật số. Nhưng chí khí hào mại, không ra thi với nhà Mạc. Đầu đời Lê Trung Tông, Khắc Khoan quy thuận nhà Lê. Đỗ đầu thi Hương. Thái sư Trịnh Kiểm gặp ông, biết là người học thức, mưu lược, cho tham dự việc cơ mật… Đến đời Lê Thế Tông có khoa thi Hội, Phùng Khắc Khoan thi đỗ Hoàng giáp; lần lượt được thăng các chức: Đô cấp sự, Hồng lô tự khanh, Thị lang bộ Công…”.

Quan bộ Lễ nhớ lại tờ biểu của Mạc Đăng Dung xin hàng nhà Minh dạo trước có viết: “Họ Lê vận nước đã suy, ngày càng chìm đắm: Lê Chu (Tương Dực) bị giết. Lê Huệ (Chiêu Tông) dời bỏ kinh đô. Lê Khoáng (Cung Hoàng) bị bệnh chết sớm. Nay có kẻ mang tên là Lê Ninh, để nói rằng họ Lê chưa hết, nhưng Ninh chính là con của Nguyễn Kim. Họ Lê quả là không còn ai…”. Quan bộ Lễ đưa lời lẽ của họ Mạc ra để chất vấn Khắc Khoan. Khoan giải đáp tức thời:

- Đó là những điều gian trá. Sự thực là Mạc Đăng Dung hai lần mưu sát vua Lê. Giết Chiêu Tông ở phường Đông Hà; ép Cung Hoàng cùng mẹ đẻ tự tử ở nơi giam hãm. Còn nói sai rằng Lê Ninh là con của Nguyễn Kim, sự thực Ninh là cháu năm đời của vua Thánh Tông, có đông đảo đồng tộc chứng thực.

Tội lỗi rành rành nhưng Dung lấy vàng bạc đút lót quan nhà Minh ở vùng biên giới để họ che giấu bớt. Rồi lừa phỉnh thiên tử nhà Minh bằng cách đúc tượng vàng thay mình dâng hiến. Khi quan quân thiên triều đến vấn tội, Dung buộc dây vào cổ, ra vẻ tự trói, chân đi đất, tay nâng tờ biểu xin hàng. Cắt năm động ở trấn Yên Quảng nộp cho thiên triều để xin thụ phong Đô thống sứ.

Hèn hạ như thế, họ Mạc không được phép đúc người vàng thay mình như cách thức thời Lê. Bởi thời Lê, vua Thái Tổ xưa trong vòng mười năm làm cho nước Nam đại định; làm cho tướng sĩ của Vương Thông cởi giáp cầu hòa, để được cấp ngựa thuyền, lương thảo về nước.

Từ đấy đến hơn trăm năm sau, các vua Lê lần lượt được phong An Nam Quốc Vương. Mãi đến lúc họ Mạc gây rối tiếm ngôi mới có biến đổi. Sự thực hiển nhiên như thế, khác nhau tựa ngày với đêm, không được phép nhập nhằng lộn thau với vàng.

Khắc Khoan cương nghị nhưng từ tốn, thuyết giải minh bạch, khiến quan bộ Lễ chăm chú lắng nghe. Ông ta ngắm vị sứ tóc bạc râu dài, tuổi ngoài 70, phong tư hiền hậu, lời đúng lẽ phải, càng nghe càng thấy nể trọng. Ông ta nhận sẽ tâu lên thiên tử nhà Minh.

Sự thực đến tai vua Minh, sứ nhà Lê mới được vào chầu. Vua cho việc người vàng lại theo thể thức cũ như đối với nhà Lê trước kia… Khắc Khoan ngẫm thấy những điều ông vừa nói là cần. Lâu nay có những sự thực nhưng tự thấy bất lợi người ta không dám nói. Như chuyện nước Nam mấy phen kháng Tống cự Nguyên… Nay xem ra quan bộ Lễ là người “tri lễ”, biết nghe những điều khó nói, nên cần nhắc để ông ta nhớ.

pic

Minh học: Đinh Dũng

Ở đây mấy ngày, Khắc Khoan biết nước Tàu đang có chuyện lo ngại. Nhà Thanh nhòm ngó đất đai cương vực nhà Minh. Khắc Khoan bỗng nhớ chuyện thời trước, nhà Tống bị nhà Nguyên xâm lược. Ông kể cho quan bộ Lễ nghe:

- Thời ấy vua tôi nhà Tống bị giặc Nguyên đuổi về phía Nam, nhiều người trốn sang Đại Việt, được nhà Trần dung nạp, tướng võ được theo quân đánh giặc Nguyên, quan văn được thu dụng theo tài…

Chuyện cũ khiến quan bộ Lễ liên tưởng đến chuyện đương thời. Ông ta chú ý nghe và tỏ ra có thiện cảm với sứ nhà Lê. Ông ta nói nhỏ rằng: “Vừa qua vua Minh đã phong cho họ Mạc chức Đô thống sứ. Nay đang xem xét để làm lại”. Cắt chức Đô thống sứ của nhà Mạc, để chuyển sang cho vua Lê, ban cho ấn bạc, sắc phong, giao sứ thần mang về. Việc tưởng nhiều phiền toái nhưng không ngờ suôn sẻ, tuy chưa đạt sở nguyện.

Vào dịp ở Yên Kinh, Khắc Khoan làm 30 bài thơ mừng lễ sinh nhật vua Minh. Vua ngự lãm rồi phê: “Thế mới biết nhân tài không chỗ nào không có. Đọc thơ Khoan đủ thấy lòng trung thành. Rất đáng khen”. Khi giao tiếp với sứ thần Triều Tiên là Lý Toái Quang, Khắc Khoan cầm bút là viết ngay thành thơ tặng bạn. Toái Quang tỏ ra phục tài.

Tiếng đồn rộng khắp, người Trung Quốc khen Khắc Khoan là sứ giỏi. Về nước, ông được vua Lê Thế Tông khen. Chúa Trịnh Tùng rất kính trọng, gọi ông là Phùng tiên sinh chứ không gọi tên. Người trong nước đều gọi ông là Trạng nguyên: “Ông Trạng Bùng”.

Trạng Bùng sống đến 86 tuổi. Người ta tiếc là ông không sống thêm 34 năm nữa để chứng kiến sự thăng trầm của cuộc bang giao Nam Bắc. Để thấy chuyện nhà Thanh đuổi nhà Minh khỏi Yên Kinh xuống Quảng Tây. Vua Minh Vĩnh Lịch phải phong chức An Nam Quốc Vương cho vua Lê Thần Tông và phong chức Đô thống sứ cho chúa Trịnh Tráng.

Biết là vua Minh yếu thế, phải xuống gần nước An Nam nhằm tìm chỗ dựa, tìm phên dậu che chắn, chúa Tráng cho quan sang Tàu trả ấn Đô thống, xin đổi làm An Nam Phó quốc vương. Vua Minh phải y cho và sai sứ sang nước Nam tuân hành.

Vua lại còn ghi trong tờ sắc nói với Tráng: “Gần đây trẫm đóng ở Việt Tây (Quảng Tây), để mưu đồ khôi phục (đất đai bị nhà Thanh chiếm). Thế quân ta (Minh) rất mạnh, kể có hàng muôn. Khi những quân trước kia lần lượt rút đi, chỉ có nhà ngươi (Tráng) vẫn dâng biểu xin cống. Trẫm rất khen ngợi”.

Người ta suy đoán: có thể vua Minh phải tỏ thái độ như thế là do thấy sự thực: “Có lo chạy lánh giặc xa. Mới hay hòa hữu lân gia ở gần”.

Bút Ngữ