Khoảng 19 giờ ngày 8-3-2013, VTC phát chương trình truyền hình về núi Dục Thúy (Ninh Bình) và nhà văn hóa, nhà thơ lớn Trương Hán Siêu. Chương trình được dàn dựng công phu, quay phim và hậu kỳ chu đáo, rất đáng được trân trọng. Song có một điều băn khoăn, may sao tôi lại được xem lần hai khi chương trình này phát lại vào hôm sau, lúc khoảng 18 giờ ngày 9-3-2013. Cả hai lần tôi đều xem một cách tình cờ, nhưng rất chăm chú, ở quê nhà.
Trong phim có đoạn giới thiệu về Trương Hán Siêu: Biết tài Trương Hán Siêu, nên Trần Hưng Đạo đến tận nơi (Ninh Bình) để hỏi Trương Hán Siêu về mưu kế đánh giặc Nguyên. Trương Hán Siêu đã bày cho Trần Hưng Đạo kế làm vườn không nhà trống, lấy cương thắng nhu, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh... Trần Hưng Đạo nghe theo và cho phổ biến đến tận các làng xã (tôi nhấn mạnh - TNM), do đó đã góp công to lớn vào cuộc kháng chiến chống Nguyên.
Tôi coi đây là một phát hiện lớn, vì trước đó, tôi chưa từng nghe, chưa từng đọc ở bất cứ đâu về những điều kỳ diệu hiếm có đó. Như vậy (nếu đúng) mưu kế thắng giặc để làm nên thiên tài quân sự của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn mà ta từng tôn vinh từ xưa đến nay, là chúng ta đã bị nhầm, nói theo ngôn ngữ dân gian là “ăn quả lừa”. Đó là mưu kế của Trương Hán Siêu mà Hưng Đạo vương chỉ là người thực hiện. Thực tình là tôi rất nghi ngờ điều này. Bởi nhiều năm nay, ta có xu hướng bịa thêm cho các danh nhân, điều mà suốt đời họ không hề có, và cũng không hề muốn. Và sự bịa tạc đó, không chỉ “viết vào giấy dán ngay lên cột...”, mà còn khắc cả vào đá, dựng thành bia, nghi ngút khói hương... Chao ôi! Nếu các vị “hiển thánh”, linh thiêng mà biết được, chắc chắn sẽ rất phiền lòng... Ví như Trần Quốc Tảng mất ở Cửa Ông - người ta đã xây lăng mộ cho ông. Ví như Trần Quốc Nghiễn mất ở Hồng Gai - người ta đã khắc vào bia đá... Cả hai đều là con của Trần Quốc Tuấn. Và còn nhiều nữa. Nhiều nữa...
Chúng ta đều biết Trương Hán Siêu xuất thân là môn khách của Trần Hưng Đạo, được Trần Hưng Đạo nuôi dưỡng, dạy bảo và tiến cử, có tham gia kháng chiến chống quân Nguyên. Năm 1300 Hưng Đạo vương mất, năm 1308, Trương Hán Siêu mới được vua Anh Tông bổ làm Hàn lâm học sĩ. Đời vua Minh Tông, Trương Hán Siêu giữ chức Hành khiển, năm 1351 làm Tham tri chính sự. Trương Hán Siêu mất năm 1354, sau Hưng Đạo vương những 54 năm, sau chiến thắng Bạch Đằng những 66 năm. Không biết ông sinh năm nào, thọ bao nhiêu tuổi.
Ta thử liệt kê những tên tuổi quen thuộc: Trần Thái Tông mất năm 58 tuổi (1218-1276), Trần Thánh Tông mất năm 50 tuổi (1240-1290), Trần Nhân Tông mất năm 50 tuổi (1258-1308), Trần Anh Tông mất năm 44 tuổi (1276-1320)... Đó là vua. Còn các tướng thì Trần Liễu mất năm 40 tuổi (1211-1251), Trần Tung mất năm 61 tuổi (1230-1291), Trần Quang Khải mất năm 53 tuổi (1241-1294), Trần Quốc Tảng cũng mất năm 61 tuổi như Trần Tung, ông bác ruột mình (1252-1313)... và các nhà văn hóa thì Mạc Đĩnh Chi mất năm 66 tuổi (1280-1346), Trần Tiến mất năm 61 tuổi (1709- 1770), Lê Quý Đôn mất năm 58 tuổi (1726-1784), Nguyễn Du mất năm 54 tuổi (1766-1820), Phạm Đình Hổ mất năm 61 tuổi (1768-1839)...
Như thế đủ thấy, ngày xưa, thọ đến 70 tuổi đã là rất hiếm (Nhân sinh thất thập cổ lai hy - thơ Đỗ Phủ). Ta biết ông mất năm 1354. Vậy ta cứ cho là ông thọ hơn người là 70 tuổi đi, thì ông sinh năm 1284, vào cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ hai, 1285, ông mới khoảng 1 tuổi, kháng chiến chống Nguyên lần ba, cuối năm 1287, ông mới khoảng 3 tuổi và kết thúc chiến tranh, 1288, ông mới có khoảng 4 tuổi... Thêm 5 tuổi nữa, ông thọ 75 tuổi đi - hơn người thêm nữa - thì ông sinh năm 1279, vào cuộc kháng chiến lần thứ hai, 1285, ông mới 6 tuổi, vào cuộc kháng chiến lần ba, cuối năm 1287, ông mới 8 tuổi, kết thúc chiến tranh, ông mới 9 tuổi. Lại thêm 5 tuổi nữa đi, càng thọ hơn nữa - ông thọ đến 80 tuổi, cái tuổi ít ai nghĩ đến và cũng khó tin là có - thì ông sinh năm 1274, vào cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ hai, 1285, ông mới khoảng 11 tuổi, kháng chiến chống Nguyên lần ba, cuối năm 1287, ông mới khoảng 13 tuổi và kết thúc chiến tranh, 1288, ông mới có khoảng 14 tuổi... theo tôi 14 tuổi là cùng.
Chưa thấy ai nói Trần Quốc Tuấn đến tận Ninh Bình hỏi kế của cậu bé Trương Hán Siêu, những năm đó khoảng từ 1 tuổi đến 14 tuổi là cùng và dùng mưu kế của cậu bé ấy mà đánh tan được tên đế quốc mạnh nhất thế giới thời bấy giờ để đại định được thiên hạ. Chao ôi! Đất nước ta...
Tôi đề nghị các nhà làm phim này chỉ giáo cho và các vị nghiên cứu có chuyên môn khoa học tin cậy, xem xét lại điều rất mới này, để nếu đúng như thế, tôn vinh Trương Hán Siêu là một “thần đồng - thiên tài quân sự”, hiếm có không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới, từ khởi thủy có loài người cho đến nay.
Cũng gần như tương tự với phim là một trường hợp khác.
Kiệt tác của Trương Hán Siêu là Bạch Đằng giang phú. Tôi chắc là ông viết áng văn bất hủ này khi tuổi đã cao, ngang hàng với “các bô lão”, được các “bô lão vái chào”... bởi lúc đó chiến công thời đánh giặc, chỉ còn là vang vọng của quá khứ, rất oanh liệt, nhưng cũng... đã rất xa xăm.
Căn cứ vào những điều đó mà tôi áng chừng ông viết bài phú trên, khoảng 50 năm sau chiến thắng Bạch Đằng, tức là khoảng 15 năm trước khi ông mất. Nếu ông sống đến 80 tuổi - cái tuổi ở thời đó rất hiếm và có thể nói là rất khó tin - thì năm viết bài phú này, ông khoảng trên dưới 65 tuổi, khi ấy ông đã già và đã là một vị quan to trong triều. Nên nhớ, năm 1308, tức là 20 năm sau chiến thắng Bạch Đằng (1288-1308), 8 năm sau khi Trần Hưng Đạo đã mất ( 1300-1308), ông mới được bổ làm Hàn lâm học sĩ, một chức quan văn không có thực quyền.
Gần đây, tôi có đọc một bộ tiểu thuyết lịch sử viết rất công phu của một nhà văn rất tâm huyết với nhà Trần, thời Trần, mà tôi rất cảm mến và trân trọng. Tài liệu ông sử dụng rất phong phú. Kiến giải của ông sung mãn và dồi dào. Tôi cũng nhận ra những thông điệp có ý nghĩa sâu sắc mà tôi nghĩ là ông muốn gửi gắm tới các thế hệ bạn đọc.
Ông viết đến thế cũng là hết cái tâm của ông, hết cả cái tài của ông. Tiếc rằng, ở một số trường hợp, ông đồng nhất chuyện dân gian hay truyền thuyết với lịch sử, một điều thường thấy ở Việt Nam. Và điều đó đã làm vơi đi ít nhiều độ tin cậy của người đọc. Tôi chỉ nói một đoạn ông viết về Trương Hán Siêu, mà về thời gian, tôi không hiểu sao ông lại có thể nhầm lẫn ở một trường hợp đơn giản như vậy. Ấy là nhà thơ Trương Hán Siêu, theo ông, đã hoàn thành bài phú Bạch Đằng giang ngay “vài năm sau” (tôi áng chừng “ vài năm” là từ 3 đến 5 năm) - khi kết thúc chiến tranh, trên sông Bạch Đằng vừa chiến thắng, đã có người hoài cổ rồi:
Khách chơi sông chừ ủ mặt
Người hoài cổ chừ lệ chan
Đó là một điều khó tin. Rồi nhà thơ Trương Hán Siêu lại đọc trực tiếp cho Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn nghe, tại đại bản doanh của người, ở Vạn Kiếp, vị đại anh hùng dân tộc đã khoảng 63 - 65 tuổi, khi mà hai vua Trần và các tướng soái anh hùng Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư... và nhiều tên tuổi hiển hách võ công khác..., vừa mới đánh xong quân Nguyên, lưỡi gươm chắc vẫn còn chưa bay hết mùi tanh hôi của máu quân thù:
Buồn vì cảnh thảm, đứng lặng giờ lâu
Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá?
Các anh hùng vẫn còn đang tại vị chứ, vừa mới thắng giặc xong, sao đã đâu vắng tá được? “Nhà thơ thần đồng” Trương Hán Siêu mới chỉ khoảng đến 18 tuổi đời này là cùng, kể cũng “to gan” thật, khi dám đọc câu thơ ấy... trước mặt Trần Quốc Tuấn (nếu Trương Hán Siêu thọ đến 80 tuổi như tôi đã tính ở trên - một tuổi rất khó tin là có - thì ông mới 18 tuổi, nếu không, còn ít tuổi hơn). Chưa kể ở cái tuổi ấy mà viết “các bô lão hỏi ý ta sở cầu...” rồi các bô lão “vái ta mà thưa rằng...” thì tôi e ngại quá. Vậy mà nét mặt vị Quốc công bừng sáng... vì vui sướng, và rồi rất bất ngờ, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đứng lên vái Trương Hán Siêu một vái... (!)
Còn tôi, tôi vái ông nhà văn này ba vái...