Trồng người

BÙI TRỌNG LIỄU
(Nguyên GS Đại học Paris)

Có người nhắc tôi là Tết năm Canh Tý (1960), Hồ Chủ tịch phát động phong trào “trồng cây” (kéo dài một tháng từ 6/1/1960 đến 6/2/1960). Hồ Chủ tịch lại có câu nổi tiếng, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Vì lợi ích mười năm thì phải trong cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.

Cụ là người thâm hiểu Hán học, chắc Cụ lấy từ điển tích Quản Trọng thời Xuân Thu. Quản Trọng sinh năm 725 trước Công nguyên, mất năm 645 trước Công nguyên, là nhà chính trị và nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc, Tướng quốc nước Tề, giúp vua Hoàn Công, làm nên nghiệp bá.

Kế sách của Quản Trọng là: “Kế sách cho một năm, lấy việc trồng lúa làm đầu. Kế sách cho mười năm, lấy việc trồng cây làm đầu. Kế sách cho trọn đời, lấy việc trồng người làm đầu. Lúa, trồng một gặt một. Cây, trồng một hái mười. Người, trồng một gặt trăm”. Nguyên văn trong sách Quản tử của ông, phiên âm là: “Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc. Thập niên chi kế mạc như thụ mộc. Chung thân chi kế mạc như thụ nhân. Nhất thu nhất hoạch giả, cốc dã. Nhất thu thập hoạch giả, mộc dã. Nhất thu bách hoạch giả, nhân dã”.

Lợi ích của việc trồng cây, và nhất là việc “trồng người”, thật đã quá rõ. Nhưng vấn đề chính cho hiện nay là “trồng người” như thế nào đây, vì hô khẩu hiệu không thì chưa đủ.

Tháng 1 năm 1946, Hồ Chủ tịch có nói câu: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Tôi nghĩ rằng chữ “được” trong câu “ai cũng được học hành” này không chỉ mang ý nghĩ tinh thần “không bị cấm”, mà còn mang ý nghĩa được nâng đỡ về mọi mặt, kể cả vật chất.

 

Bước đầu “trồng người”, phải là từ đó. Thoạt mới nghe tưởng như là dễ, là hiển nhiên. Thế nhưng ngày nay, 63 năm sau, sao lại vẫn còn có người mù chữ, sao vẫn có học sinh phải bỏ học vì gia cảnh, ngay ở bậc phổ cập? Chiều ngày chủ nhật 30.9.2007, nhân chuyến công du tại Pháp, có buổi gặp gỡ của ông Thủ tướng với Việt kiều tại Sứ quán Việt Nam ở Paris. Trả lời một câu hỏi về học phí, ông Thủ tướng nói: “Tiếu học và Trung học cơ sở không phải đóng học phí”.

Tôi không phải là người duy nhất nghe được lời này. Nhưng tôi lại thấy có người giải thích: phải biết phân biệt “học phí” với các “phí” khác như chi phí học tập, chi phí cho việc tu sửa trường học, bàn ghế, dụng cụ, sinh hoạt này nọ mà các gia đình “phải tụ nguyện” đóng góp, ngay cả trong hệ công lập (Hệ tư lập thì tôi không bàn, ai có tiền cứ việc trả; tôi chỉ nói hệ công lập, vì nó hoàn toàn thuộc nhà nước). Và trong cả các cấp học cao hơn nữa, cũng thấy đang có đề án tăng học phí từ phía Bộ, thậm chí còn nghe có người dừng một cụm từ “tiền nào của nấy” làm như trí tuệ có thể là một thứ hàng hóa thuận vừa bán, cứ có tiền là mua được.

Có lẽ đấy là một số người chủ trương nhân dân “trồng tiền” để họ gặt lãi, chứ đâu có phải là “trồng người”. Nếu gia đình người dân phải tự mình lo “trồng người” cho con cháu mình, trong khi còn tồn tại một bộ máy quản lý Giáo dục Đào tạo lớn và một ngân quỹ công đồ sộ từ thuế của dân, thì “Quốc sách hàng đầu của nhà nước có ý nghĩa gì?

“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”

Hồ Chí Minh

Lại có một giai đoạn, hình như chưa chấm dứt được, người ta trọng số lượng thay vì trọng chất lượng, cho nên mới đẻ ra các loại nhầm chưa sửa được xong: “học sinh ngồi nhầm lớp, “nhà giáo đứng nhầm lớp”, “nhà quản lý giữ nhầm ghế”. Đấy là “trồng thành tích”, không phải là trồng người”.

Lại có khía cạnh này nữa. Sao lại có việc đạo văn, có bằng cấp giả, có luận án tiến sĩ không hợp trình độ, có mạo nhận, có tiếm xưng, sao lại có quan chức do bằng cấp dỏm mà được bổ nhiệm và vẫn nhởn nhơ với địa vị? Trí tuệ không phải là cứ có thế mạnh là có thể chiếm đoạt được Nếu để tồn tại mấy sự việc này, thì là “trồng quan chức” chứ đâu phải là “trồng người”!

Ta có câu chuyện cổ tích dân dã: Hổ hỏi trâu đang cày cho người ở ruộng: “Mày to lớn vậy mà sao bị người xỏ mũi bắt đi cày?”. Trâu trả lời: “Tại người nó có trí khôn”. Hổ hỏi người “Trí khôn mày đâu, phải đưa nộp tao, nếu không thì tao ăn thịt mày”. Người đáp: “Trí khôn tôi để ở nhà, để tôi chạy vê lấy ra mang nộp ông. Nhưng nếu tôi chạy về nhà, thì ông ăn mất trâu của tôi. Vậy để tôi trói ông vào gốc cây đã, rồi tôi về nhà lấy trí khôn ra nộp ông”. Hổ đồng ý. Người trói hổ vào gốc cây, rồi lấy bắp cày vừa phang vào hổ vừa bảo: “Trí khôn của tao đây”.

Thời nào cũng có “hổ”, mà lại là hổ dữ. Vấn đề là “người” hiện nay có biết “trí khôn” của mình để đâu không để mà trị hổ? Cho nên, “trồng người”, thời này lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.