TRONG ĐẦM GÌ ĐẸP BẰNG SEN

HOA SEN - Tên khoa học nelumbo nucifera Gaertn  Họ nelumbonaceae

Cây có thân rễ, hình trụ mọc trong bùn. Lá  và hoa có cuống dài, mọc vượt khỏi mặt nước. Cuống có gai nhỏ. Phiến lá hình khiên đường kính 60-70cm, có gân đồng tâm, tỏa tròn.

Hoa lớn có màu trắng, hồng hoặc tím hồng, vàng xanh… Hột già cũng có hai thứ khác nhau. Cây sen trắng cho hột có vỏ ngoài màu xanh. Cây hoa tím hồng cho hột có vỏ màu cánh giáng. Ngoài ra còn có loại sen nhỏ gọi là sen sẻ trồng trong chậu để làm cảnh. Cây sen có nhiều công dụng. Hột sen có thể ăn sống lúc còn non. Hột già (liên nhục) dùng nấu chè, nấu cháo, làm mứt. Tim sen (liên tâm) có vị đắng chữa bệnh mất ngủ, suy nhược thần kinh. Gương sen (liên phòng) làm thuốc cầm máu, chữa ứ huyết, tiểu ra máu. Chung  quanh gương sen có nhị vàng dày đặc. Mỗi tua nhị tận cùng bằng một hột gạo màu vàng,  tỏa hương thơm nên nhiều người dùng ướp trà. (Xin lưu ý – Trên thị trường có một loại trà sen nhưng không thì hề được ướp với nhị hoa sen thiên nhiên  mà ướp với một loại hóa chất có tinh thể giống bột ngọt, mùi thơm không giống mùi hương của hoa sen chút nào). Phần nằm trong bùn có củ sen, ngó sen cũng là những thức ăn quen thuộc của các bà nội trợ. Toàn thể các bộ phận của cây sen từ hoa lá thân rễ thứ gì cũng có chỗ dùng, hoặc là thực phẩm, hoặc là dược phẩm.

     Ở nước ta hoa sen được trồng ở nhiều nơi, để ăn hoặc làm cảnh. Mùa nước nổi ở Đồng Tháp Mười, miền Tây Nam bộ - hoa sen mọc hoang dã trên những cánh đồng mênh mông. Hột sen già, khô trên cây. Người ta hái hột sen khô đem về rang muối, ăn như ăn đậu phụng rang. Ở Huế có giống sen quí trồng ở hồ Tĩnh Tâm và các kênh đào thuộc khu vực Hoàng thành, Đại nội. Hột sen Huế nổi tiếng là thơm ngon. Mùa thu hoạch người ta đếm từng hột mà bán, gọi là bán trăm chứ không phải cân kí lô hay xúc từng lon như ở các nơi khác. Ngày nay du khách đến Huế thì nhiều mà hột sen Huế thứ thiệt thì ít nên có những loại hột sen khô, chất lượng kém được thương lái thu mua từ các nơi khác đem về tham gia thị trường khiến người mua rất dễ bị lầm.

     Hoa sen có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Ai Cập có giống sen cho hoa màu xanh, ngó sen có vị ngọt. Ở Nam Mỹ có giống sen Victoria Regia kích cỡ khổng lồ, đường kính ngọn lá  có khi hơn 3m. Lá mọc tiếp xúc với mặt nước, có thể chịu được trọng lượng 50-60kg nên có thể dùng làm phương tiện chở người và hàng hóa  như một loại thuyền thúng. Không hiểu bằng cách nào giống sen ấy  du nhập vào Việt Nam, hiện nay đang được trồng thành công ở chùa Phước Kiến, xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.

 

 

  Sen là loài hoa có mối quan hệ sâu sắc rộng lớn và lâu dài  trong đời sống văn hóa của nhân loại. Trong nền văn hóa Ấn Độ, hoa sen được tôn vinh là cực phẩm danh hoa. Gần đây hoa sen cũng đã được  đề xuất làm quốc hoa của Việt Nam với sự nhất trí cao.

 Trước tiên là trong nghệ thuật ẩm thực - hột sen được dùng trong nhiều món đặc sản mặn và ngọt. Trà mạn sen là thức uống tao nhã thanh khiết nhất của người Á Đông. Thứ đến là trong nghệ thuật tạo hình. Hình ảnh hoa sen xuất hiện rất sớm trong các tác phẩm điêu khắc và kiến trúc đền đài cung điện mang dấu ấn của các nền văn hóa rực rỡ. Ở Việt Nam, đó là dấu ấn mỹ thuật thời Lý Trần, tiêu biểu là hình ảnh hoa sentrong tổng thể kiến trúc chùa Một Cột (Hà Nội). Hoa sen là cảm hứng bất tận trong các tác phẩm hội họa, ca, múa nhạc cổ điển và đương đại kể cả nghệ thuật thứ bảy. Trong các phim tài liệu và phim truyện đoạt giải cao nhất của đạo diễn NSND Hồng Sến - thường có hình ảnh rất ấn tượng của những cánh đồng hoa sen Tháp Mười. Dĩ nhiên bên cạnh hoa sen thường có hình dáng của người đẹp. Hoa sen và người đẹp là đề tài muôn thuở của nghệ sĩ sáng tác. Đó cũng là nguồn cảm hứng của Lý Bạch trong bài thơ Đường Thái liên khúc (bài thơ Hái hoa sen), Trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi có bài Ngọc tỉnh liên phú (Hoa sen trong giếng ngọc) rất nổi tiếng trong văn học. Ca dao Việt nam có bài hoa sen:

Trong đầm gì đẹp bằng sen
   Lá xanh bông trắng giữa chen nhị vàng
   Nhị vàng bông trắng lá xanh
   Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Chỉ có bốn câu lục bát mà cụm từ lá xanh, bông trắng, nhị vàng được tác giả đảo xuôi đảo ngược một cách tài tình. Có người bình giải rằng rằng hoa sen cũng như con người - vì gần bùn nên phải lật đi lật lại cái lý lịch để thẩm tra xem có đúng là “chẳng hôi tanh mùi bùn” hay không? Nếu cách giải thích nầy là đúng thì đây là một sự trịch thượng của chủ nghĩa lý lịch làm tổn thương đến phẩm chất cao quí của hoa sen. Nhà thơ Phùng Quán và nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng rất dị ứng với câu “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Ông Tường cho rằng hoa sen không phải gần bùn mà sinh ra từ bùn - nhưng là thứ bùn rất sạch và là tinh hoa của đất,của nước chứ không thể đánh đồng với loại bùn tanh hôi ở cống rãnh. Còn Phùng Quán thì liên hệ cụ thể đến những hạng người biến chất - được nuôi dưỡng, lớn lên từ bùn nhưng khi công thành danh toại lại trở mặt chê bùn là tanh hôi. Phùng Quán làm một bài thơ rất xót xa kết thúc bằng những lời phẫn nộ: “Nhân danh bùn/Nhân danh Sen/ Tôi đề nghị: Đuổi câu phản trắc này ra khỏi kho báu dân gian”. Những  phát biểu  trên đều có cái mới và mặt tích cực trong cách nhìn về văn học gắn với quan điểm chính trị. Nhưng xin đừng quên rằng ca dao có trước những thứ nhức nhối về chính trị xã hội trong thời đại chúng ta - có trước rất lâu. Tác giả bài ca dao hẳn chỉ muốn tôn vinh loài hoa này chứ không hề có ý đồ gì về chính trị. Vậy không nên giận cá chém thớt, làm tổn thương  bài ca dao hiền lành vô tội này.

    

Thật ra phẩm chất của hoa sen đã được khẳng định từ ngàn xưa, trong đời sống tâm linh và trong triết học của người Á Đông. Trong kinh Phật, hoa sen có tên tiếng Phạn là Padma - là biểu tượng của sự thuần khiết hồn nhiên. Theo kinh Lalitavistara thì phần tâm linh con người là vô nhiễm, như hoa sen - gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.Còn theo Phật giáo Mật tông thì tâm linh con người giống như đóa sen hàm tiếu - khi Phật tính phát triển thì hoa sẽ nở. Đó là ý nghĩa của việc đức Phật ngự trên tòa sen. Hột sen có thể ngâm sâu dưới bùn cả trăm năm nhưng đến khi hội đủ điều kiện vẫn có thể nẫy mầm.Cũng như Phật tâm của mỗi người, có thể tiềm ẩn rất sâu kín nhưng khi phủi sạch bụi trần vẫn có thể minh tâm kiến tánh để bước vào cõi giác ngộ.

 

     Sau cùng, có đôi điều rất cũ nhưng cũng rất mới để nói với các bạn trẻ về loài hoa nầy. Đó là do cái ấn tượng về hoa sen trong đời sống tôn giáo, tâm linh quá sâu đậm nên nhiều người cho rằng hoa sen chỉ để cúng trên bàn thờ hoặc dành cho các bà đi chùa, không thích hợp với giới trẻ. Đây là điều hiểu lầm lớn nhất đối với hoa sen. Trong thần thoại Ấn Độ cách đây hơn ba ngàn năm đã có  vị thần TÌNH YÊU tên là KAMA - được biểu thị bằng hình ảnh một cậu bé vai mang cung tên. Cung làm bằng cây mía và tên là những búp sen. Thần dùng cung tên ấy để bắn vào trái tim những người yêu nhau. Người Hy lạp sao chép (bây giờ thường gọi là “đạo”) mô hình Kama của người Ấn Độ rồi chế biến ra thành thần Tình Yêu của người Âu là cậu bé CUPIDON mang những mũi tên sắt của chiến binh. Rồi từ hình ảnh thần Cupidon, không biết ai đó đã sang tác ra văn ảnh trái tim có mũi tên xuyên qua. Nếu vẽ cho đúng bản gốc thì xuyên qua trái tim không phải là mũi tên sắt nhỏ máu của Cupidon mà là đóa hoa sen xinh đẹp của thần Kama. Bởi vì trong tình yêu, không chỉ có nỗi đau mà còn có vị ngọt và hương thơm.

      Và nếu hiểu cho đúng sách vở thì biểu tượng của tình yêu không phải là những đóa hoa hồng  như bây giờ mà chính xác - hoa sen mới là ngôn ngữ đầu tiên của tình yêu.

 

 

* Hoàng Phủ Ngọc Phan *