Trong văn phải có võ

Sinh thời dù hơn kém nhau 22 tuổi, nhưng có lẽ vì phục tài nhau, lại hợp ở cái tính thích xê dịch “Giang hồ mê chơi quên quê hương” nên nhà văn Nguyễn Tuân và thi sĩ Tản Đà là cặp bạn vong niên tri âm, tri kỷ.

Một lần, Nguyễn tiên sinh bất chợt lên Bất Bạt thăm ông bạn già vừa hoàn thành Giấc mộng con II làm thi sĩ rất vui, bày cơm rượu khoản đãi bạn thịnh tình. Cuộc rượu đang vui, bỗng thi sĩ Tản Đà vơ lấy con dao phay, nhảy lên giường múa vù vù, nhìn rất dữ, làm Nguyễn tiên sinh vừa thán phục, vừa kinh ngạc, cứ trố mắt mà nhìn: Cụ Tản Đà lại dở chứng gì đây?


Ảnh minh họa.

Múa dao phay xong, Tản Đà mới lộ nguồn cơn với bạn văn rằng, trong văn phải có võ. Người quân tử chỉ tu văn là chưa đủ, phải tu võ để có dũng khí khi cầm bút trước những bất bằng trong cuộc đời.

Trong các thiên ký của Nguyễn Tuân không thấy ông nhắc về chuyện “trong văn phải có võ” mà Tản Đà trao gửi.

Nhưng điều dễ nhận thấy phần sau cuộc đời sáng tác của cụ Nguyễn thưa vắng dần những thú thưởng ngoạn cầu kỳ một chén trà sớm mai, một ly rượu với mặc khách, một viên kẹo mạch nha, một tiếng hát của mấy cô Mộng, một cuộc chém treo ngành dưới chân tường thành, một trận hỗn chiến phải dùng đến ngón đánh bút chì với bọn bật hồng…

Ông bước vào đời sống kháng chiến và kiến quốc với nhiều thiên tùy bút tươi rói về những con người giàu lý tưởng, giàu tình yêu thương, giàu dũng khí và trách nhiệm với cuộc sống.

Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi là một trong những tác phẩm văn học viết ở phần cuối đời của nhà văn Nguyễn Tuân cũng góp phần, không chỉ mới mẻ, sâu sắc với ngòi bút tài hoa, mà còn tràn đầy dũng khí trong cuộc đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Tâm sự trong văn cần có võ, người viết văn phải có dũng của Tản Đà có lẽ không chỉ nói với giới cầm bút, trước những bất bằng của đời sống. Vì thế, nhắc lại tâm sự của cụ Tản Đà vẫn thấy không thừa.

Ngày nay, xã hội đang phát triển với tốc độ chóng mặt, còn đây đó điều bất cập, ngang trái nên vẫn cần những dũng khí để đứng thẳng đấu tranh, góp phần làm cho cuộc sống trong lành hơn, tốt đẹp hơn.

Trong khi còn đây đó những kẻ thoái trí, kẻ a dua, kẻ ngậm miệng ăn tiền thờ ơ, vô cảm với cái xấu, cái ác thì người có dũng khí - nói như cụ Tản Đà là “có võ” dám đứng thẳng đấu tranh vì sự lành mạnh và văn minh của đời sống xã hội, quả thực cần thiết và đáng trân trọng biết bao…

HÀ LÊ HÀ