Trung Quốc

Cách đây hơn 30 năm (1978), Trung Quốc tiến hành “cải cách, mở cửa”; và thực hiện một cuộc thay đổi vĩ đại trong lịch sử của mình. Từ năm 1978 đến 2007, GDP của Trung Quốc từ 364,5 tỉ nhân dân tệ (NDT) tăng lên 24,950 tỉ NDT; bình quân hàng năm tăng 9,8% (gấp 3 lần mức tăng của thế giới)… Một đất nước có 1,3 tỉ dân, làm được như vậy, quả là kỳ tích!

Nhưng bên cạnh sự tăng trưởng “nóng” như vậy, Trung Quốc cũng đã để lại cho đất nước mình nhiều thương tổn, nhiều nguy cơ; và cũng làm cho thế giới lo ngại. Hố sâu ngăn cách thành thị - nông thôn; ngăn cách giữa các khu vực; tài nguyên - môi trường bị xâm hại nặng nề; thu nhập người giàu - người nghèo quá cách biệt; giáo dục - y tế còn nhiều bất cập… Đặc biệt, tham nhũng nổi lên gay gắt (từng có Ủy viên Bộ Chính trị hay Phó Chủ tịch Quốc Hội bị truy tố).

Một bạn đọc Trung Quốc viết về “giấc mơ Trung Quốc” bá chủ thế giới như sau: “Nền kinh tế bong bóng của TQ trông thì đẹp đẽ nhưng không hữu dụng. Quan chức tham nhũng thành phong trào, thiếu tinh thần yêu nước, lấy đâu ra lòng vì dân, vì nước. Xã hội chênh lệch, tình trạng chênh lệch giàu nghèo ngút trời, mâu thuẫn nhiều vô kể, thực phẩm ô nhiễm, xã hội thiếu pháp chế dân chủ - một quốc gia như thế mà tranh giành ngôi lãnh đạo với Mỹ, chẳng phải là nói mê giữa ban ngày đó sao?” (Lương Bác Văn).

Trung Quốc kiên trì con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Nhưng trước hiện trạng xã hội như vậy, nhiều học giả, nhiều nhà bình luận cho là Trung Quốc đi con đường tư bản chủ nghĩa toàn trị - Khổng giáo! Thực ra thì, từ sai lầm tả khuynh của “cách mạng văn hoá”, đưa Trung Quốc tới nguy khốn, mà cứu nguy, mà phát triển đến như vậy, điều đó chứng tỏ trí tuệ Trung Hoa, tài trí Trung Hoa… quả là “đặc sắc”. Với một đất nước như vậy, những mất cân đối, những thương tổn là khó tránh. Làm gì có được mà không mất. Bài học của Trung Quốc cũng là bài học cho ta, của ta.

Nhưng Trung Quốc càng lớn mạnh, thế giới càng lo ngại. 1,3 tỉ dân với những vấn đề của nó đã đặt ra những vấn đề khách quan về tài nguyên, về phát triển. Cái mà người ta gọi là “công xưởng thế giới” ấy tiêu tốn biết bao nhiêu năng lượng trong sản xuất hàng rẻ để xuất khẩu - cạnh tranh, mà họ thì không đủ năng lượng. Một số người Trung Quốc có những giấc mơ bá chiếm, đứng đầu thế giới. Một số người có những luận điểm cực kỳ hiếu chiến, tuyên bố sự “đặc chủng” của người Trung Hoa hệt như phát-xít Đức đã từng tuyên bố và hành động.

Trung Quốc tăng cường quân sự, tranh chấp biển đảo và biên giới với nhiều nước, trong đó có nước ta. Trong khi Trung Quốc lớn mạnh nhanh, thì Mỹ lại đang suy yếu và đang mất vai trò số 1. Dù cho Trung Quốc còn lạc hậu nhiều bề so với Mỹ trên nhiều phương diện, thì tương lai Trung Quốc trỗi lên, cũng sẽ phát sinh nhiều hệ lụy.

Việt Nam ta bao giờ cũng coi trọng tình hữu nghị truyền thống: láng giềng, anh em, đồng chí… với Trung Quốc. Và chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng thương lượng hoà bình. Vấn đề biên giới trên bộ, vấn đề vịnh Bắc bộ… đã được giải quyết thỏa đáng. Còn lại vấn đề biển Đông, chúng ta muốn như lời lãnh đạo Trung Quốc lấy “đại cục” làm trọng, tìm ra giải pháp được hai bên chấp nhận để duy trì hoà bình, ổn định. Nhưng dù là nước nhỏ so với Trung Quốc, Việt Nam quyết bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của mình.

Bài toán Trung Hoa là bài toán phải tính tới, phải “giải”, phải tìm ra “đáp số” trong tầm nhìn trước mắt và trong lâu dài đối với Việt Nam ta.

GS-TS MAI QUỐC LIÊN