Truyện tranh Bác Hồ - bước ngoặt lớn của xuất bản Việt Nam

Truyện tranh chưa phải là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây truyện tranh Việt Nam xuất hiện trong các nhà sách và dần dần không còn là hình ảnh xa lạ với độc giả nhỏ tuổi. Dịp 2/9 năm nay, Nhà xuất bản Kim Đồng bất ngờ mang đến cho độc giả nhỏ tuổi một bộ sách về Bác Hồ bằng truyện tranh khá thú vị.

Bác Hồ là nhân vật vĩ đại nhưng cũng rất gần gũi và bình dị trong tâm thức của người Việt Nam. Hình tượng Bác Hồ được tái hiện dưới nhiều loại hình nghệ thuật, tư liệu quý giá từ màn ảnh nhỏ sân khấu, hội hoạ, văn học… Riêng trong lĩnh vực văn học chúng ta có thể kể đến các tác phẩm dành cho thiếu nhi như: Búp sen xanh (Sơn Tùng), Theo chân Bác (Tố Hữu), Lăng Bác Hồ (Tô Hoài), Gặp Bác (Nguyễn Huy Tưởng), Từ Làng Sen (Sơn Tùng - Lê Lam), Cha và con (Hồ Phương)…

 Tuy nhiên tất cả những ấn phẩm đó đa phần là hồi ký và mang nặng giá trị tư liệu. Đối tượng để tiếp cận tác phẩm thường ở lứa tuổi trung học cơ sở - từ 10 tuổi trở lên. Viết về Bác hẳn nhiên phải xuất phát từ những câu chuyện có thật. Và bản thân những câu chuyện đó đã chứa đựng, đã toát lên sự cao đẹp. Với câu hỏi như một thôi thúc: Làm thế nào để hình ảnh Bác Hồ kính yêu gần gũi hơn nữa với lứa tuổi nhi đồng Việt Nam hôm nay và mai sau?

Liệu có thể chuyển thể những câu chuyện quen thuộc về Bác dưới hình thức mới mẻ mà chưa một ai từng làm là Truyện tranh hay không? Ý tưởng của Nhà xuất bản Kim Đồng hình thành một bộ truyện tranh về Bác Hồ có từ rất lâu, nhưng để chính thức bắt tay vào thực hiện thì mới chỉ cách đây hai năm.

Ông Nguyễn Huy Thắng - Phó Giám đốc NXB Kim Đồng

Thuận lợi về phần lời - các câu chuyện có thật về Bác được chính những người gặp Bác, chứng kiến và kể lại đã được tập hợp in ấn khá rộng rãi trên sách báo - thế nhưng, toàn bộ cái khó lại chính là phần tranh minh hoạ. Sở dĩ các tác phẩm văn học dù là hồi ký, tư liệu nhưng vẫn có sức sống lâu bền vì tất cả chúng ta đều biết, đều tưởng tượng, đều hình dung được trong hoàn cảnh đó, câu chuyện đó phong thái Bác thế nào, suy nghĩ Bác thế nào… mà không cần cụ thể.

Nói về hình ảnh của Bác Hồ, hoạ sĩ Thành Chương chia sẻ: Khi Nhà xuất bản Kim Đồng đưa ra ý tưởng này, tôi đã rất tán thành vì Bác Hồ là một con người vĩ đại, làm sách về Bác Hồ không bao giờ thừa. Truyện tranh về Bác là một mảng mới, chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến đồng tình và phản ứng. Phản ứng không phải vì công việc làm sách mà vì cách thức đưa hình tượng Bác Hồ vào truyện tranh như thế nào, vì tấm lòng của tất cả người dân Việt Nam dành cho Bác quá lớn.

Trước đây, khi bàn về vấn đề đặt tượng Bác Hồ ở đâu, như thế nào đã được các Hội đồng chuyên môn lựa chọn và quyết định. Đến khi đưa bức tượng đó được đưa ra ngoài trời thì lại thấy lo ngại và có rất nhiều ý kiến phản ứng, không thể để Bác dầm mưa dãi nắng như vậy. Lấy một ví dụ nhỏ như vậy để thấy việc khắc hoạ hình ảnh cụ thể của Bác luôn là thách thức, luôn là đòi hỏi cao và phải có sự thận trọng của người hoạ sĩ. Phải bắt tay vào làm và từng bước hoàn thiện, nếu cứ ngại và nấn ná thì bao giờ mới có truyện tranh về Bác.

Hiểu rõ những đòi hỏi cũng như khó khăn đặt ra khi thực hiện bộ truyện tranh về Bác Hồ, trong suốt hai năm qua Nhà xuất bản Kim Đồng đã đi tìm cho mình nhiều đối tác tin cậy. Đó là công ty Phan Thị, đảm nhiệm phần kịch bản và vẽ tranh cùng sự đóng góp của các hoạ sĩ tên tuổi, các nhà văn, nhà sử học, nhân chứng như: Thành Chương, Lương Xuân Đoàn, Phan Kế An, Sơn Tùng, Dương Trung Quốc… cùng các tài liệu sách báo liên quan.

Hình ảnh Bác Hồ được tái hiện bằng tranh vẽ từng được sử dụng trên nhiều ấn phẩm sách báo, nhưng phần lớn là hình thức vẽ tranh và chú thích ở dưới khá truyền thống. Với bộ truyện tranh Bác Hồ sống mãi thì hình thức chuyển tải nội dung được thay đổi hoàn toàn. Tranh và lời được kết hợp nhuần nhuyễn theo hình thức truyện tranh. Từng phần minh hoạ được tái hiện, diễn giải bằng lời khiến các em nhỏ có thể kể lại cho những em bé hơn, chưa biết đọc thông thạo.

Đánh giá về cách làm của Nhà xuất bản Kim Đồng, ông Nguyễn Kiểm - Cục trưởng Cục Xuất bản cho rằng đó là cách lựa chọn đúng, phù hợp với lứa tuổi nhi đồng hiện nay, không nên cho rằng, truyện tranh về Bác Hồ phải nhất thiết thể hiện bằng cách cổ điển. Ông cũng tán thành việc mỗi cuốn sách trên 30 trang, in màu, giấy tốt dừng lại ở mức giá 12.500 đồng. Với mức giá này, các em thiếu nhi, nhất là những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa có cơ hội được đọc nhiều hơn.

Năm cuốn đầu tiên trong bộ sách: Từ mái ấm Nà Lọm, Mệnh lệnh của Bác Hồ, Thăm làng cá Cát Bà, Cháu muốn xem nhà Bác, Hãy yêu thương các cháu

Đánh giá cao loạt đầu của bộ sách, ông cũng cho biết thêm, ngoài việc giới thiệu các thư viện mua bộ sách thì tới đây sẽ có Quỹ hỗ trợ xuất bản Việt Nam với kinh phí 300 tỉ đồng có thể sẽ đầu tư việc chuyển ngữ sang tiếng Anh cho bộ sách, nếu có chất lượng đánh giá tốt. “Những câu chuyện về Bác Hồ chúng ta đã biết và giờ đây đọc lại chúng ta thêm một lần nữa xúc động”. Ông hi vọng bộ sách hoàn toàn có cơ sở để không dừng lại ở con số 20 như dự định ban đầu.

Bộ sách Bác Hồ sống mãi lần đầu tiên kể lại những câu chuyện về Bác bằng truyện tranh không sử dụng những yếu tố hư cấu. Phía khai thác phần lời là công ty Phan Thị lý giải: Bởi mỗi câu chuyện được kể lại đã chứa đựng một câu chuyện đầy đủ, với thông điệp ngầm. Mỗi khi nghe những câu chuyện đó chúng ta đều xúc động và thấy được sự chân thật rồi. Khi bắt tay vào cùng làm với Nhà xuất bản Kim Đồng, điều chúng tôi muốn hướng tới trong mỗi tập sách là thông điệp: “Sống trên đời cần có một tấm lòng” (chữ của Trịnh Công Sơn).

Có lẽ xuất phát từ thông điệp đó, và đối tượng là các em nhi đồng nên bộ sách hướng tới những điều dung dị nhất. Trong phần phát biểu của ông Nguyễn An Tiêm - Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản đánh giá cao sự ra đời của bộ sách trên ba khía cạnh, ngoài ý nghĩa thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” và chào mừng 2/9 thì những câu chuyện đời thường dung dị, chân tình của Bác với các cháu thiếu nhi cho chúng ta hiểu thêm một điều quý giá nữa: Chúng ta không chỉ học tập Bác những điều lớn lao mà ngay cả những việc nhỏ nhất trong đời thường.


Cùng đồng hành với cuốn sách trong suốt hai năm kể từ khi bắt tay vào làm, cho đến hôm nay 5 tập sách đầu tiên ra mắt đã trở thành hiện thực. Trong niềm vui ngày ra mắt, họa sĩ Thành Chương chúc mừng thành công bước đầu của Nhà xuất bản Kim Đồng. Theo ông thì có thể yên tâm về nội dung cũng như hình thức của cuốn sách. Sự ra đời của truyện tranh Bác Hồ là bước ngoặt lớn trong xuất bản. Hoạ sĩ hy vọng các cuốn sách hoàn thiện hơn nữa trong những lần xuất bản sau thì bộ sách sẽ sống được với thời gian.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn

Còn hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn cũng bày tỏ sự bất ngờ và thú vị mà Kim Đồng dành cho các em thiếu nhi, ông ví đây là thể nghiệm táo bạo nhưng tự tin. Với hoạ sĩ Phan Kế An - người đã từng được sống cũng Bác, được vẽ tranh về Bác thì đánh giá: “Bộ truyện tranh màu này đã góp phần làm cho tình cảm giữa Bác và các cháu ngày càng đậm đà, dù Bác đã đi xa… Tuy nhiên ông cũng cho rằng bộ sách cần khắc hoạ chính xác hơn, mạnh mẽ hơn để thể hiểu rõ hơn tính cách, phong thái của Bác”.

Việc lần đầu tiên xuất bản truyện tranh về Bác Hồ thể hiện nỗ lực, cố gắng cũng như mong muốn đa dạng của độc giả. Có thể sẽ còn, hoặc không tránh khỏi một vài thiếu sót, nhưng với tinh thần xây dựng, cầu tiến, tin rằng bộ sách sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng ở thể loại truyện tranh.

Theo Tổ Quốc

Hiền Nguyễn