Tết cuối cùng ở vùng căn cứ

Thất bại thảm hại trên các chiến trường, chính quyền ngụy thực hiện ý đồ co cụm lực lượng, quyết giữ cho bằng được các địa bàn trọng yếu, các cơ quan đầu não, hòng chờ đợi một “phép màu” từ nhà cầm quyền Mỹ lúc bấy giờ, nhằm lật ngược thế cờ trên toàn mặt trận. Nhưng tất cả đối với họ hầu như đã muộn, hết mặt trận này đến mặt trận khác, bộ đội miền Bắc và quân giải phóng miền Nam dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và sâu sát của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã liên tiếp đánh bại các đợt phản công cứu vãn tình thế của địch, giành quyền làm chủ trên các mặt trận, tạo lợi thế để các lực lượng của ta nhanh chóng mở rộng vùng giải phóng, theo đó bà con trong các khu dồn vùng lên phá bỏ ấp chiến lược, hàng rào kẽm gai, gồng gánh đưa nhau về quê cũ. Thời điểm cuối năm 1974, đầu năm 1975, thành phố Đà Nẵng trở thành nơi trú ẩn của các loại tàn quân bại trận thuộc các quân binh chủng của ngụy quân ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên dồn về, trong khi đó nhân dân ở nhiều vùng từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Nam cũng bị địch tuyên truyền, lôi kéo ép buộc đi theo để che đạn cho chúng cũng đổ về Đà Nẵng ngày một thêm đông, tất cả biến Đà Nẵng trở thành nơi hỗn độn… Chính quyền ngụy gần như mất quyền kiểm soát tại địa bàn chiến lược xung yếu này, rõ ràng đây là thời cơ để Khu ủy 5 quyết định mở đợt tổng tiến công giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng, hang ổ cuối cùng của địch ở Vùng I chiến thuật.

Đêm nào địch cũng cho trận địa pháo 105 ly đóng ở Đồn Đờ Ni (nay là khu vực thuộc cơ quan Ủy ban nhân dân phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) và trận địa pháo binh ở gần Cống Tiềm bắn cầm canh xuống vùng An Nông, Trà Lộ (Hòa Hải), Điện Bình (Điện Bàn), có lẽ chúng sợ quân cách mạng về tập kết ở hướng đông nam đợi lệnh tiến công vào Sân bay Nước Mặn nhằm phát triển vào thành phố từ hướng này. Mặt khác, địch cho xe ủi cày trắng chung quanh khu căn cứ cơ quan chúng tôi đóng, chúng muốn tạo một “vành đai trắng” để dễ bề kiểm soát. Thế là cơ man nào là mìn chúng tôi đặt lẫn vào trong những ụ cát đã bị chúng cày xới mất hết dấu vết, chúng tôi đã phải tiếp tục gài mìn để bảo vệ cơ quan đầu não của quận, vừa mở những lối mòn mới để tránh đi vào khu vực cài đặt những bãi mìn trước đây, thế nhưng đã có trường hợp các anh ở trên chiến khu về do không nắm chắc tình hình địa bàn, thông tin liên lạc bị gián đoạn nên cũng đã xảy ra sự hy sinh thật đáng tiếc, như trường hợp anh Lê Văn Sáu.

Cánh trẻ chúng tôi đêm đêm nằm nghe tiếng hú cuối tầm của đạn pháo, sau đó là tiếng nổ đinh tai và tiếng mảnh đạn găm vào bờ hầm phầm phập mà  xót ruột, cứ lo các chú, các anh chị đi họp ở Đặc khu đang trên đường về lại cơ quan, hay đi công tác ở nội thành về có bề gì thì khổ.

Một chiều cuối tháng chạp năm 1974 (Giáp Dần), chúng tôi gồm ba người được anh Lê Văn Nhung, Chánh văn phòng Quận ủy quân 3, gọi tập trung để giao một nhiệm vụ quan trọng, đó là hết sức bí mật tìm cách luồn lách thoát khỏi sự bao vây của địch để cơ động đến các cơ sở mật ở xã Hòa Phụng, Hòa Vang (bây giờ là phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) để tiếp nhận và vận chuyển toàn bộ hàng tết mà Đặc khu ủy phân phối và hàng tiếp tế do các cơ sở của ta quyên góp ủng hộ, dứt khoát phải đi và về ngay trong đêm.

Chúng tôi được chị Sơn, vừa là nuôi quân vừa là y tá của cơ quan cho “ưu tiên” ăn cơm chiều trước. Kiểm tra súng đạn đầy đủ, khi mặt trời vừa nấp sau đỉnh núi chúng tôi khoác gùi nhanh chóng lên đường, lẫn vào bóng đêm với cự ly người cách người 10 mét, ba chúng tôi bám theo mương máy Điện Bình, lội ra Bàu Sen rồi theo con sông Cái khi đi khi lội ngược về phía núi Ngũ Hành Sơn. Trên đỉnh núi thỉnh thoảng có đèn pha cực mạnh của bọn địch chiếu xuống, những lúc ấy chúng tôi đứng bất động chờ đèn pha quét qua rồi mới đi tiếp, có chỗ không thể đi trên cạn nên chúng tôi phải lội sông, trời đã vào xuân nhưng cái rét cuối đông vẫn còn đọng lại làm da ai cũng tái nhợt. Mặc, nhiệm vụ phải hoàn thành ngay trong đêm, thôi thúc chúng tôi khẩn trương hơn bao giờ hết, vả lại cơ sở mật cũng đang nóng lòng chờ chúng tôi đến để bàn giao hàng tết.
Vượt qua sự kiểm soát của địch ở Cống Tiềm, chúng tôi bí mật áp sát nhà cơ sở và gõ ám hiệu mật như đã quy định. Tiếp nhận tín hiệu trả lời đúng, chúng tôi thở phào bước vào nhà cơ sở, bà con ôm chầm chúng tôi thăm hỏi chẳng khác gì người thân ruột thịt đi xa lâu ngày mới về. Ba anh em chúng tôi thật xúc động trước tình cảm sâu nặng của bà con, vừa trả lời vừa khẩn trương tiếp nhận hàng tết như kế hoạch, chóng vánh ba chiếc gùi đã được chứa quà hết cỡ, nào là bánh mứt, hạt dưa, rượu, thuốc lá, đường, nếp, mắm, bột ngọt… kể cả khăn tay, thư chúc tết của Thường vụ Khu ủy Khu 5, của Đặc khu ủy Quảng Đà, nói tóm lại là không thiếu thứ gì cho những ngày tết. Biết là lúc quay về sẽ khó khăn và nguy hiểm hơn lúc đi, chúng tôi rối rít cảm ơn bà con và nhanh chóng quay về căn cứ, trên đường về chúng tôi không lội sông mà cẩn thận mở lối đi trên cạn để bảo đảm quà tết không bị ướt.

Trong sương đêm của những ngày giáp tết trời se se lạnh, ba anh em chúng tôi cảnh giác canh chừng địch mật phục. Bọn địch đóng trên núi Thủy Sơn thỉnh thoảng lại bắn mấy quả pháo sáng để thăm dò bóng dáng “Việt cộng”, điều này đã quá quen với chúng tôi, nhưng đáng gờm nhất là khi chúng sử dụng máy bay trực thăng HU1A bay thấp và soi đèn vào trong từng bụi cây khóm lá, vào từng đám lục bình ven sông để truy tìm, chỗ nào nghi ngờ chúng liền bắn đại liên xối xả. Gần sáng, chúng tôi về tới căn cứ, trao đổi ám hiệu xong chúng tôi lại thở phào nhẹ nhõm, mệt nhưng thật là vui vì vừa hoàn thành nhiệm vụ trọn vẹn. Những điếu thuốc Rubi Quân tiếp vụ do chính tay anh Nhung bóc ra tưởng thưởng được đốt lên chuyền nhau hút tỏa mùi thơm lựng, nhanh chóng xua đi sự mệt mỏi, thêm vào đó là những tiếng cười rúc rích đùa vui chờ sáng của cánh trẻ chúng tôi. Tiếng gà gáy bên kia Cồn Chờ (thôn 4 Điện Dương, Điện Bàn) đã vang lên mồn một xuyên màn sương đặc quánh đang phủ kín trên mặt nước Bàu Sen, đoạn cuối của con sông Điện Bình, đoạn sông mà chúng tôi vẫn thường mò cua, bắt ốc ăn thay cơm chống đói trong những ngày thiếu gạo do bị địch bao vây càn quét.

Đúng chiều 28 Tết năm ấy chúng tôi lại được lệnh bí mật vượt qua hệ thống kiểm soát ngặt nghèo của địch, bám sát mép biển Điện Dương tiến về  Vùng 5 Hòa Hải để tiếp tục nhận quà tết từ cơ sở trong nội thành Đà Nẵng gởi tặng cơ quan ăn tết. Mặt trời vừa nấp sau lưng núi thì từ Bàu Sen chúng tôi bơi qua sông Điện Bình để tiếp cận Cồn Chờ, đây là điểm tập trung để xuất phát thực hiện nhiệm vụ. Dìm chiếc xuồng con dưới đám lục bình, chúng tôi kiểm tra lại súng đạn và các vật dụng mang theo, sau đó bắt đầu băng qua hết nổng cát này đến nổng cát khác để tiếp cận nhà của cơ sở, do vậy chúng tôi phải ngụy trang đề phòng lúc địch bắn pháo sáng rất dễ lộ, bên cạnh đó bọn địch còn sử dụng loại đèn pha cực mạnh bố trí sát mép nước ở phía đông sân bay Nước Mặn, liên tục quét dọc bờ biển khiến đội hình chúng tôi không thể cơ động nhanh được. Khi đến khe cạn giáp với Vùng 5 Hòa Hải chúng tôi phải tăng cường quan sát cảnh giác địch, tổ chức vượt qua khe từng người một, cuối cùng thì cũng tiếp cận được với nhà cơ sở đầu tiên. Sau lần phát tín hiệu liên lạc đầu tiên, chúng tôi nhận được giọng ngái ngủ từ bên trong: “Ở đây không chứa Việt cộng mô, các ông đi chỗ khác mà tìm hỉ”, biết có điều gì bất ổn, chúng tôi phân công cảnh giới các hướng và tiếp tục phát ám hiệu liên lạc, cánh cửa bên hông nhà hé mở và câu đầu tiên chúng tôi nghe cơ sở thì thào trong tiếng gió biển là: “Mấy đứa bây liều rứa, tụi lính dù mới vừa ở đây, cả đại đội lựng... thôi dô đây chớ lạnh”, hèn gì mà chúng tôi phát tín hiệu liên lạc thật lâu bà con mới dám ra mở cửa. Tiếp đó là tiếng kẻng báo yên hòa trong tiếng hát những bài ca cách mạng rộn ràng của các em thiếu nhi đã phá tan bầu không khí ngột ngạt ban đầu, tiếng gọi ơi ới thăm hỏi nhau vang lên khắp xóm, chúng tôi đến từng nhà cơ sở thăm hỏi, động viên bà con và đón nhận những tình cảm thắm thiết của mọi người. Tranh thủ tình hình yên ắng, chúng tôi khẩn trương tiếp nhận quà tết đóng vào gùi và bịn rịn chia tay bà con về lại khu căn cứ, riêng thịt heo thì cơ sở sẽ ngụy trang bí mật chuyển vào gần vùng căn cứ của quận trong sáng 30 Tết.

Trời tối đen như mực, thỉnh thoảng địch lại bắn vài quả pháo sáng, chốc chốc lại thấy máy bay “con sâu” với đôi chong chóng phành phạch bay ngang qua bầu trời theo hướng Duy Xuyên, Hội An về Đà Nẵng và ngược lại, đó là những chuyến bay vận tải chuyển xác lính và thương phế binh ngụy từ các chiến trường Quảng Nam về Quân y viện Duy Tân (nay là Bệnh viện C17). Đến khoảng hơn 3 giờ sáng chúng tôi đã về đến cơ quan, lại một nhiệm vụ được hoàn thành hết sức tốt đẹp.

Và theo như kế hoạch đã hiệp đồng, trưa 30 Tết chúng tôi lại được Chánh văn phòng Quận ủy Lê Văn Nhung phân công đi lấy thịt heo do cơ sở chuyển vào đúng vị trí gần căn cứ như kế hoạch, anh Nhung cắt cử tôi và ba người nữa có nhiệm vụ băng qua đỉnh cồn lúp xúp cỏ dại và lau lách để vào khu vực mà cơ sở đã đặt hai giỏ thịt heo. Lợi dụng lúc địch sau buổi cày ủi buổi sáng đang tập trung ăn trưa, chúng tôi ngụy trang thật tốt và bò, rồi trườn qua những lối mòn mới khai thác, từng mét và từng mét một chúng tôi cũng băng qua được đỉnh cồn và nhanh chóng phát hiện hai giỏ thịt heo nặng ngót một tạ, được cơ sở che giấu khéo léo trong một lùm cây mà địch không ngờ tới. Thế là cứ hai người chuyển một giỏ theo cách người trước nằm kéo, người sau nằm đẩy, cứ thế nhích dần các giỏ thịt heo về đơn vị. Từ nơi lấy thịt heo về đơn vị theo đường chim bay cũng chỉ khoảng một cây số, mà chúng tôi phải hì hục mất đến gần 4 giờ, cuối cùng thì ngót một tạ thịt heo dành cho ăn tết cũng về đến cơ quan trong niềm hân hoan của cả đơn vị. Chiều ấy sau khi cử người theo lối chúng tôi chuyển thịt heo về đi ngụy trang xóa dấu vết (đây là nguyên tắc hoạt động trong vùng địch kiểm soát), còn lại thì anh chị em bắt tay vào việc chế biến các món ăn chuẩn bị cho buổi liên hoan đón giao thừa mừng năm mới của cơ quan.

Đúng giao thừa năm ấy, toàn cơ quan thức dậy để đón năm mới 1975, Xuân Ất Mão, sau lời chúc tết ân cần và dặn dò động viên khích lệ của chú Sáu Trung (tức đồng chí Đặng Phước Trung, nguyên Bí thư Quận ủy quận 3), bánh kẹo, thịt heo cùng các món khác được dọn ra để mọi người liên hoan đón mừng năm mới. Quả là đã thật lâu lắm rồi chúng tôi mới được ăn một bữa ngon đến vậy, cánh trẻ chúng tôi đang sức ăn sức lớn nên thịt heo có lẫn ít cát (do bị kéo qua cồn cát cả 4 tiếng đồng hồ không cách gì rửa sạch cho hết) cũng không sao, thương là thương mấy chú, mấy anh lớn tuổi hay đau ốm như chú Sáu Trung, anh Ba Vân…

Đang ngon miệng, bỗng chúng tôi nghe “đùng đùng” nho nhỏ, đích thị là tiếng đề pa của pháo địch, mọi người khẩn trương vào hầm trú ẩn, trong nháy mắt đã nghe tiếng hú cuối tầm của những quả đạn 105 ly bắn từ trận địa pháo của địch ở Cống Tiềm, có mảnh pháo găm vào bờ hầm, bờ ruộng nghe phùm phụp, có mảnh bay cắt gọn mấy bụi tre nghe răng rắc, bỗng có ai đó khẽ chửi đổng bọn lính ngụy: “Tổ cha bay, giữa đêm giao thừa cũng bắn cầm canh cầm cháo, không để ai yên”, mấy chị phụ nữ nghe tiếng chửi đổng lại cười khúc khích. Chờ dứt đợt bắn cầm canh của pháo địch, chúng tôi ra khỏi hầm trú ẩn kiểm tra lán trại thì mới biết rằng pháo địch đã “dọn” gần sạch đồ ăn thức uống đang dở bữa của chúng tôi, cây cối xung quanh thì bị băm nát gãy đổ ngã nghiêng, bùn đất văng tung tóe, mấy lán trại của cơ quan quận đội gần khu trung tâm của căn cứ cũng cùng chung số phận, may mà chung tôi kịp vào hầm trú ẩn, nếu không thì chắc chắn đã có thương vong. Thật là một đêm đón giao thừa mang đậm ký ức chiến tranh!

Mai Mộng Tưởng