Có dịp đi Mỹ nhiều lần nhưng lần này đúng vào cuối năm; tôi cũng tò mò muốn biết lễ Giáng Sinh và đón năm mới ở Mỹ ra sao. Nhất là khi tôi sang thành phố San José, California, thành phố có đông người Việt nhất ở phía Bắc Cali với dân số cả trăm ngàn người Mỹ gốc Việt.
- Ở Mỹ làm gì có Tết mình đâu mà ăn Tết!
Người bạn đồng hành ngồi bên cạnh tôi trên chuyến xe đò Hoàng - công ty xe khách khá thành công của người Việt tại bang California, từ Los Angeles đi San José, đã thản nhiên trả lời khi tôi hỏi thăm việc chuẩn bị Tết Canh Dần 2010 của bà con người Việt bên này.

Cây thông đã giảm giá 50% nhưng vẫn yên ắng không người mua…
Với chất giọng xởi lởi của người Sài Gòn, chị giới thiệu tên là Lan, sinh sống ở Mỹ đã hơn 20 năm, và còn cho biết lý do đi San José để dự tiệc sinh nhật thứ 80 của mẹ chồng - Mấy năm rồi, vợ chồng mình bận quá đâu lên thăm bà được.
Tuyến đường dài tới hơn 6 giờ xe chạy, nên nhà xe “khuyến mãi” cho mỗi khách một ổ bánh mì thịt và chai nước suối.
Chị Lan nói, ở Mỹ, không có ai chơi sang, xin nghỉ để ăn Tết đâu! Tết Tây thì được nghỉ 1 ngày; còn Tết Ta mọi người vẫn đi làm bình thường. Mạnh nhà nào nhà nấy tổ chức ăn Tết, có cúng mời ông bà về nhà ăn Tết thì cũng mời các cụ vào buổi tối thôi - trừ khi Tết rơi vào ngày cuối tuần - Chúc Tết bạn bè thì cũng chỉ “alô” là tốt rồi! Còn Tết Tây, Noel thì chưa có năm nào buồn hơn năm nay…
Có dịp đi Mỹ nhiều lần nhưng lần này đúng vào cuối năm; tôi cũng tò mò muốn biết lễ Giáng Sinh và đón năm mới ở Mỹ ra sao. Nhất là khi tôi sang thành phố San José, California, thành phố có đông người Việt nhất ở phía Bắc Cali với dân số cả trăm ngàn người Mỹ gốc Việt.
Nhưng thực tế đã khác xa với những lời chúc của bạn bè khi tiễn tôi ra sân bay. Càng đến gần lễ Giáng Sinh, không khí ngoài đường phố ở San José càng vắng lặng, trái ngược hẳn với vẻ chộn rộn ở thành phố quê nhà.
Tại các khu vực bán cây thông tươi, cả một rừng thông vẫn yên ắng dù bảng giá ghi giảm đến 50% hoặc giá còn đồng hạng 22 USD/cây (còn 1/3 so với mấy năm trước).
Đi ngoài đường, lâu lâu chúng tôi mới thấy chiếc xe có chở cây thông trên mui. Anh bạn cùng đi cho biết, trước đây, người ta đã mua thông trước Giáng Sinh cả tháng; tuần lễ trước Noel, gần như xe nào cũng có cây thông đi kèm.
Đi vào những Great Mall, khu trung tâm mua sắm lớn mới thấy có màu sắc của lễ Tết qua các bảng bán hàng giảm giá “sale off” treo khắp nơi, giảm giá đến 70-80%. Ở các khu vực trung tâm, mới thấy mấy cây thông lớn được trang trí quà cùng chuỗi đèn màu nhấp nháy.
Chúng tôi vào Great Mall, trung tâm mua sắm sang trọng ở San José, cuối tuần nhưng vẫn vắng khách. Thời buổi kinh tế khó khăn, người đi chơi nhiều hơn người có nhu cầu mua sắm. Chỉ có các cháu nhỏ là hồn nhiên vui đùa tại góc giải trí, chơi trò chơi hoặc chạy đuổi nhau quanh chân cha mẹ chúng.
Ở các khu chợ có đông người Việt, ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế càng thấy rõ hơn. Đến Grand Century, thương xá được thành lập từ năm 2000 với gần 100% người Việt buôn bán, hoặc vào Lion Plaza, khách ra vào rất thưa thớt, dù vào ngày nghỉ cuối tuần; một số cửa hàng tạp phẩm và gian hàng ăn uống đã phải đóng cửa vì thu không đủ bù chi.
Kinh tế khó khăn, thời tiết ở Mỹ hình như cũng khắc nghiệt hơn. Ngay ở California, tiểu bang có tiếng là ấm hơn so với các tiểu bang khác, nhưng mùa đông năm nay lại có mưa nhiều và lạnh hơn mọi năm. Nhiều hôm, sương mù dày đặc kéo dài đến quá trưa. Rặng núi phía bắc tuyết rơi trắng đỉnh, một hiện tượng hiếm thấy ở Cali.
Tại một số khu vực dọc con đường lớn như Capitol, góc Silver Creek và King Ave, nhiều nhóm người - đa số là người Mễ, đứng co ro chờ việc, họ tụm nhau lại dựa nhau hơi ấm tránh rét. Cần dọn vườn, mé cây, dọn kho hoặc bất cứ việc gì, người ta thường ra đây thuê, công lao động khoảng 20-25 USD/ngày (trị giá hơn 3 tô phở).
Dọc đường, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp người cầm tấm bìa ghi chữ “Homeless” - không nhà; “I’m hungry!”- tôi đói hay đơn giản là yêu cầu giúp đỡ: “Help!”, tóc đen và cả tóc vàng, đàn ông có và đàn bà cũng có. Trước vài cửa hàng người Việt, người xin tiền ăn mặc lịch sự hơn và họ cũng không ngại ngần lặp đi, lặp lại câu: “Cho tôi xin 1 đô!” khi thấy người đồng hương. Thật xót xa khi thấy một số khuôn mặt còn trẻ!

Thất nghiệp nhiều, số lượng người xin ăn ngày càng đông trên đường phố.
Tối tối, đi ăn ở những quán ăn Việt Nam, tôi thấy có một số nhà chăng đèn quanh vườn, trước nhà, trông rất vui mắt. Một số nơi còn gắn mô hình ông già Noel với các con tuần lộc cử động được chân, đầu khá sinh động. Các bạn tôi cho biết đó là những nhà chưa có người thất nghiệp.
Năm nay, chưa tới 10% nhà có trang trí cây thông và đèn mừng Giáng Sinh đã phản ảnh khá trung thực tình hình khó khăn của người Việt đang sinh sống trên đất Mỹ. Nhiều công ty nhỏ đã phải bán lại, giải thể hoặc phải sáp nhập với công ty khác. Khi xét chọn giảm nhân viên, chủ hãng luôn chú ý đến số lao động da màu.
Ở bất cứ đâu, bị thất nghiệp cũng là nỗi lo lắng đối với người lao động; nhưng ở Mỹ - vào lúc tình hình kinh tế suy thoái kéo dài như hiện nay, bị mất việc còn là nỗi kinh hoàng cho cả một gia đình.
Với tỷ lệ 15% người thất nghiệp trên toàn nước Mỹ, nỗi ám ảnh mất việc đi liền với mất tất cả. Có nhà, có xe hơi, nhưng toàn là trả góp hàng tháng; chưa kể đủ các loại phí, thuế, tiền bảo hiểm cũng đều phải đóng đủ. Không có việc làm, không có tiền trả cho ngân hàng 3 tháng liền thì nhà, xe không còn.
Tuy có trợ cấp thất nghiệp - kéo dài ra được 2 năm dưới thời Tổng thống Obama, nhưng không dễ gì tìm được ngay việc làm khác. Cô bạn học ở quận Cam, nam Cali mà tôi vừa ghé thăm cho biết, tới mỗi kỳ lãnh lương, ai cũng hồi hộp vì sợ phải nhận cái phong bì lớn - đựng thông báo cho nghỉ việc.
“Ngành giáo dục mà cũng lo bị thất nghiệp sao?” tôi ngạc nhiên hỏi và bạn tôi cho biết, mới đây, mấy chục thầy cô giáo đã biểu tình vì vô cớ bị mất việc rồi!
Trước đó một ngày, khi đưa tôi vào khu Phước Lộc Thọ, Little Sài Gòn - nơi được xem là khu Thương xá sầm uất nhất Nam Cali của người Việt, cô bạn tôi đã giới thiệu trước: “Năm nay, thất nghiệp nhiều, Phước Lộc Thọ cũng ít người vô, các cửa hàng bán vàng và hàng thời trang trên lầu cũng vắng lắm!”.
Chiều thứ bảy mà các quán hàng ăn vốn tấp nập trước nay vẫn còn trống nhiều bàn; nhóm HO - những người sang Mỹ theo diện bảo lãnh của Chính phủ Mỹ - chuyên ngồi tụm năm, tụm ba, rôm tả bàn thời sự, chửi bới lung tung ngay cổng vào của khu Thương xá trước kia nay không thấy đâu nữa. Có lẽ, họ đã đổi đề tài, rằng lúc này phải “tay làm, hàm nhai”, để làm giúp người thân thay vì chỉ ngồi nói chuyện “đội đá, vá trời” chăng?
Đi một vòng các quán hàng trong Phước Lộc Thọ, hình ảnh Tết được nhận ra với những chuỗi lồng đèn đỏ đã cũ treo ở sảnh chính, những quầy hàng bao quanh một sân khấu ca nhạc, bày bán phong bao lì xì, hoa mai, hoa đào giả…
Chúng tôi đón năm mới 2010 tại San José. Đêm giao thừa Tết Tây ở Bắc Cali “nguội” hơn mọi năm do không có thông báo điểm đốt pháo hoa trên mạng như thường lệ.
Đúng 12 giờ đêm, trời thật yên và tĩnh lặng… Xa xa vọng lại tiếng bắn pháo hoa rời rạc. 15 phút sau, có tiếng pháo nổ từ căn hộ đầu phố - chắc chủ hộ là người Việt Nam, tiếng pháo nổ đanh trong đêm vắng, nghe lạc lõng làm sao.
Trở vào nhà, chúng tôi bật ti-vi, ngồi xem đài Quê Hương, chương trình truyền hình của người Việt ở Cali cũng nhạt, chỉ chiếu cảnh đón Tết ở New York và các nước khác.
Sáng đầu năm mới, khi đến Thiền viện Vô Ưu, ngôi chùa mới thành lập cách nơi ở hơn 30 phút xe chạy, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi không có đến một chiếc xe, một bóng người, kể cả các sư cô. Chánh điện đóng cửa. Dạo một vòng quanh chùa, chúng tôi đọc được rất nhiều câu thư pháp viết trên đá của tác giả Thanh Sơn - nghe nói của Phật tử từ Việt Nam gởi tặng. Cô cháu tôi đứng chụp với phiến đá có câu mà cháu rất thích: “Thay đổi cách nhìn, cuộc sống sẽ thay đổi”. Đúng là như vậy thật!