LTS: Bài của GS Vũ Khiêu đến chậm, không kịp in vào số Tết. Hồn Việt đăng trong số Tân niên này, trân trọng cảm ơn giáo sư.
Lại một năm cũ đang qua, năm mới đang tới. Lại một lần đất nước Việt Nam nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày Tết. Tết đã từ lâu đời trở thành những ngày thiêng liêng nhất trong một năm của con người Việt Nam.
Từ cảnh đông tàn âm u và rét mướt, thiên nhiên đang chuyển mình để đem lại những ngày xuân ấm áp tươi vui. Cùng với sự đổi mới của thiên nhiên, con người cũng đổi mới bản thân mình, cũng từ cái cũ chuyển sang cái mới. Những gì còn sai sót, còn chưa đạt, còn chưa hay, hãy lui về quá khứ. Những thắng lợi, những thành công, những gì tốt đẹp được ghi nhận, tạo thành sức mạnh và niềm vui để vươn lên phía trước.
Con người gắn bó hơn nữa với gia đình và xã hội. Mỗi cá nhân và cả cộng đồng sống giữa tình yêu thương, cùng hướng về những hoài bão mới, với một tinh thần tràn đầy lạc quan và một trách nhiệm đầy nghị lực. Phải chăng đó chính là những nét tiêu biểu cho những nét đẹp nhất của văn hiến Việt Nam cả ở văn hóa và ở con người.
Nếu tình yêu thương, tức truyền thống yêu nước thương người, là đặc điểm cơ bản nhất của Văn hiến Việt Nam thì đặc điểm ấy thể hiện rõ nét nhất trong ngày Tết ở gia đình Việt Nam.
Sự phát triển của đất nước khiến cho sự chuẩn bị Tết không mất nhiều công sức như ngày xưa. Nhưng tinh thần và ý nghĩa của ngày Tết Việt Nam vẫn không hề giảm sút. Hàng Tết bắt đầu phong phú từ trước một tháng. Chợ hoa được tổ chức ở nhiều địa điểm đã nhộn nhịp người mua, người bán và rực rỡ mọi sắc màu.
Từ trưa ngày 30, sự nhộn nhịp đã lắng đọng dần. Người mua sắm đã bớt đông hơn. Mọi người dần trở về với cuộc sống ấm áp của gia đình. Bánh chưng đã được gói bán ở các cửa hàng. Nhưng việc nấu bánh chưng vẫn còn được tiến hành ở nhiều gia đình, coi như một thú vui được cùng nhau quây quần trò chuyện.