Tu báo hiếu của người Khmer

Tu báo hiếu là một truyền thống tốt đẹp lâu đời của người Khmer theo đạo Phật Nam Tông ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Việc tổ chức đám tu - theo cách gọi của người địa phương về việc tổ chức lễ nhập tu báo hiếu - thường được tổ chức vào khoảng thời gian trước hoặc sau tết Chôl Chnăm Thmay. Trong lần đến Trà Vinh mới đây, chúng tôi may mắn được tham dự một đám tu diễn ra trong hai ngày 9-10 tháng 5 Âm lịch (tức ngày 10-11 tháng 6).

Nét đẹp của lễ nhập tu

Có mặt tại chùa Âng (P.8, TP.Trà Vinh) vào buổi sáng ngày mùng 9 tháng 5 Âm lịch, chúng tôi có dịp trò chuyện ông Thạch Xăng và cậu con trai của ông là Thạch Tấn (17 tuổi). Ông Xăng vui vẻ cho biết hôm nay đưa Tấn đến chùa để các sư cạo đầu, chuẩn bị cho việc tiến hành lễ nhập tu vào ngày mai. “Tôi vui lắm vì giờ đây con trai tôi đã đến tuổi trưởng thành thực sự”. Niềm vui của ông Xăng cũng là niềm vui chung của 9 ông bốn bố người Khmer khác trong buổi sáng hôm nay, khi họ cùng đến chùa Âng để các sư tiến hành việc cạo đầu cho những người con trai đến tuổi trưởng thành của mình.

Hòa thượng Thạch Sok Xane, trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội phật giáo Trà Vinh, trụ trì chùa Âng cho biết: Khi người con trai nào muốn vào chùa tu thì từ vài tháng trước ngày nhập tu (ngày này đã được định sẵn khi các sư bàn bạc với các gia đình có con đi tu), họ phải xin cha mẹ vào chùa gặp các sư xin học thuộc vài bài kinh cơ bản để chuẩn bị cho ngày nhập tu. Trước ngày lễ chính thức một ngày, người con trai đó sẽ phải vào chùa làm lễ cạo đầu, thay quần bằng chiếc xà rông, thay áo bằng một khăn vải trắng được khoác lên vai từ trái sang phải. Tấm vải trắng mới này được gọi là Pênexo – một khi khoác tấm vải trắng này tức là anh ta đã từ bỏ thế tục. Lúc đó mọi người gọi anh là Nec, có nghĩa là rồng.

Sau khi chứng kiến lễ cạo đầu chiều hôm đó, chúng tôi theo chân cha con ông Thạch Xăng về nhà của họ, ở cách chừa Âng chỉ hơn 1 kilômét, để tham gia một buổi lễ có tên Bank-Bom-Buôn. Tại buổi lễ Bank-Bom-Buôn, các sư được gia đình mời đến tụng kinh, cúng Tam bảo và thọ giới theo Phật. Tham dự buổi lễ này còn có tất cả bà con dòng họ, bà con lối xóm đến dự rất đông nên đây cũng là dịp để người con trai sắp đi tu như Thạch Tấn gặp gỡ, nói lời chia tay với bà con, bạn bè trước khi đi tu. Dịp này cũng là cơ hội cho mọi người gửi lời chúc tốt đẹp cho người sắp đi tu. Buổi lễ vì thế diễn ra trong không khí vừa trang nghiêm vừa nhộn nhịp, xôm tụ. Ông Thạch Xăng cho biết một số gia đình có điều kiện còn thuê đội nhạc sống đến thể hiện những bản nhạc truyền thống có tiết tấu sôi động của đồng bào Khmer.


Cạo đầu là nghi thức đầu tiên.

Sáng hôm sau, sau bữa cơm chia tay với gia đình, khoảng hơn 10 giờ những gia đình có con đi tu sẽ hẹn nhau tập trung lại một địa điểm. Những nhóm người của từng gia đình sẽ hòa thành một đoàn người chung đông đúc để cùng diễu hành, đưa con cháu họ đến chùa nhập tu. Đoàn người đông như hội bởi trong đó có bạn bè thân quyến, họ hàng, người thân, bè bạn của người đi tu. Trong đoàn người có người mang lễ vật, người cầm ô che nắng, kẻ khiêng trống… vừa đi vừa tấu nhạc hết sức vui nhộn.

Khi đến chùa, đoàn người tiếp tụ diễu hành vòng quanh chánh điện của chùa ba vòng rồi mới vào trong làm lễ. Ở trong chánh điện, sư cả của chùa sẽ làm thủ tục gọi là Uppachhe - giảng dạy, hỏi và đọc các điều của luật tu hành cho các Nec nghe. Các Nec do đã học bài kinh trước nên đối đáp được tất cả những câu hỏi mang tính thử thách này. Khi được chấp thuận thì Nec mới đi thay xà rông và khăn trắng bằng áo cà sa để chính thức trở thành các ông lục trong chùa.

Tiếp nối truyền thống báo hiếu mẹ cha

Một thủ tục quan trọng không thể thiếu trong buổi lễ nhập tu của người thanh niên Khmer là họ phải thọ giới 10 điều của Phật giáo: 1. Không sát sinh; 2. Không trộm cắp; 3. Không tà dâm; 4. Không nói dối; 5. Không uống rượu; 6. Không ăn ngoài bữa; 7. Không xem múa hát; 8. Không dùng đồ trang sức; 9. Không chiếm ghế cao và giường êm; 10. Không đụng đến vàng bạc. Sau hoàn tất các lễ thọ giới này, người con trai sẽ tiếp tục một cuộc sống tu hành, học đạo kéo dài tiếp.


Một nghi thức trong buổi lễ nhập tu báo hiếu.

Ý nghĩa lớn nhất của việc đi tu báo hiếu không phải để người tu trở thành Phật mà để thành người. Theo quan niệm của người Khmer trước kia và bây giờ vẫn vậy, việc tu là chuẩn bị cho người thanh niên có đủ đạo đức, kiến thức, lòng nhân ái để sau khi rời chùa sẽ biết cách xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa. Bởi việc tu học ở chùa, dưới sự chỉ dạy của các vị sư có tâm, có kiến thức là một cơ hội tốt để cho họ có được chữ nghĩa, đạo lý và rèn luyện đức hạnh.

Trước đây thời gian tu báo hiếu thường kéo dài từ một đến vài ba năm. Ngày nay vì có một số thanh niên do theo học văn hóa chưa kết thúc, hoặc có những gia đình quá khó khăn, thiếu lao động thì con em của họ không có điều kiện đi tu lâu ngày nên luật tu hành cũng không quá khắt khe như xưa nữa. Việc tu báo hiếu bây giờ cứ để người tu tùy duyên gắn bó với nhà chùa, có thể tu vài năm, vài tháng, vài ngày, thậm chí chỉ 24 tiếng đồng hồ. Nhưng nhất định người con trai dân tộc Khmer phải trải qua thời gian tu mới được cộng đồng chấp nhận.

Theo truyền thuyết, nguồn gốc của việc tu báo hiếu của người Khmer xuất phát từ câu chuyện về hai mẹ con người Khmer. Vì chồng mất sớm nên người mẹ trong câu chuyện này phải thay cha làm nghề săn bắt để nuôi con. Là một đứa trẻ thông minh, có lòng nhân từ nên từ nhỏ khi thấy mẹ sát sinh hại vật tội lỗi, Socpenh Kokma - đứa con trai - đã trốn mẹ lên chùa gần nhà để xin được đi tu nhằm phần nào hóa giải tội lỗi giúp mẹ. Khi người mẹ chết, oan hồn của bà đã không bị quỷ dữ hành hạ dù bà đã sát sinh rất nhiều khi còn sống. Bà có được sự may mắn đó chính là nhờ đức độ tu hành của con mình đã giúp bà hóa giải những tội lỗi. Từ đó câu chuyện cảm động, người con trai Khmer đến tuổi trưởng thành đều đến chùa tu một thời gian để tạo phước báu cho cha mẹ như một cách báo hiếu công sinh thành dưỡng dục.

Bài và ảnh: MỄ THUẬN