NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỘC ĐÁO VÀ MANG NHIỀU Ý NGHĨA
* PV: Đã từng có dịp ăn Tết cổ truyền tại đất nước chúng tôi. Các bạn cảm thấy thế nào?
- Elliot Nicholls (tình nguyện viên của tổ chức phi chính phủ Healbridge thực hiện dự án về sức khoẻ sinh sản, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc):
Thật tuyệt vời!

Elliot Nicholls.
Tuy tôi chưa có dịp ăn Tết tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM… nhưng được đón Tết với người dân miền núi cũng thật thú vị.
Tôi đã có dịp đi nhiều nơi nhưng có lẽ, ít có nơi nào mà người dân lại thân thiện và mến khách như đồng bào dân tộc Dao ở bản Tả Phìn (Lào Cai) với những phong tục tập quán vô cùng độc đáo, mới lạ. Tôi đã uống (rượu) rất nhiều và có hôm say tuý luý. Nhưng mà vui! Các thiếu nữ ở đây rất đẹp và vô cùng dễ mến, họ đưa chúng tôi đi chơi khắp các làng bản, đến đâu cũng được mời uống rượu. (cười).
- Andrea Salas:
Thú thật, khi chưa đến Việt Nam, những điều tôi được biết về đất nước các bạn chỉ là chiến tranh, đói nghèo và lạc hậu. Nhưng khi có cơ hội (Andrea Salas hiện đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ của Canada giúp Việt Nam trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo - PV), chính cha tôi là người đã động viên tôi lên đường.

Andrea Salas.
Tuy mới sang Việt Nam gần một năm nhưng đất nước các bạn đã để lại trong tôi thật nhiều ấn tượng. Đặc biệt là ngày Tết cổ truyền với những phong tục tập quán lâu đời chưa bị mai một. Có người nói: Ngày Tết khiến con người xích lại gần nhau hơn, sống lương thiện hơn… và tôi nhận thấy đúng như thế!
- Sanada Noboru (GV tình nguyện dạy môn vẽ và thể dục tại Trường Tiểu học Ninh Sơn, Bắc Giang):
Tôi có may mắn được ăn hai cái Tết ở Việt Nam. Tuy phong tục và tập quán ở mỗi nơi một khác nhưng tựu trung lại, ngày Tết đều là dịp để người thân gặp mặt nhau, nghỉ ngơi và vui chơi thoả thích mà không phải lo nghĩ đến những mưu sinh của cuộc sống hàng ngày.

Sanada Noboru
Việt Nam và Nhật Bản có những nét tương đồng trong truyền thống văn hoá, nên tôi không cảm thấy buồn khi phải sống xa nhà mà ngược lại, tình cảm thân thiện của mọi người dành cho tôi khiến lúc nào tôi cũng cảm thấy như đang ở nhà mình…
PV: Điều gì trong ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam khiến bạn ấn tượng nhất?
- Elliot Nicholls:
Lễ hội Lồng Tồng (hội xuống đồng - PV) của người Mông. Thật thú vị! Phải nói rằng tôi đã rất may mắn khi được tham dự lễ hội này.
- Sylvie Joannelle:
Ôi giời ơi! Tôi đã được mọi người kéo đi hết nhà này đến nhà khác để chúc Tết nhau. Tôi nhận được rất nhiều lời chúc, toàn những điều tốt đẹp thôi! (Cười).

Sylvie Joannelle.
- Sanada Noboru:
Tôi thích nhất là được đi phiên chợ Tết ngày 30, phiên chợ cuối cùng trong năm. Ai cũng cố gắng mua sắm thật nhiều, nào hoa, nào bánh, nào mứt… để đãi bạn bè, người thân trong mấy ngày Tết.
Thú vị nhất là được tắm nước lá mùi! Bác Hưởng gái - chủ nhà, nơi tôi ở, nấu cho tôi một nồi nước lá mùi thật to và giục tôi tắm. Mới đầu tôi còn ngần ngại nhưng sau khi được nghe bác giải thích, tắm nước lá mùi sẽ giúp cho tâm hồn ta thanh sạch, sảng khoái hơn, đầu óc minh mẫn hơn, gột bỏ hết những muộn phiền của năm cũ, giống như là… tẩy trần vậy (cười sảng khoái). Thật tuyệt vời!
GIỚI TRẺ ĐANG QUAY LẠI VỚI VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG.
PV: Trong tâm thức của người Việt xưa và nay, ngày Tết cổ truyền là một dịp để sum họp gia đình. Dù có bận bịu với công việc đến mấy, những người đi làm ăn xa cũng cố gắng thu xếp để trở về nhà. Nhưng một số bạn trẻ, đặc biệt là thế hệ 8X- 9X Việt dường như đã nghĩ khác. Từng có thời gian sống, làm việc và tìm hiểu về văn hoá Việt Nam, suy nghĩ của các bạn về nhận xét vừa rồi?
- Elliot Nicholls:
Với nhiều bạn trẻ thế hệ 8X - 9X, có lẽ những cái Tết thuần Việt với “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” thật khó hình dung trong tưởng tượng.
Qua lời kể của những người đi trước, Tết cổ truyền Việt Nam với những phiên chợ quê ngày 30, hay thức canh nồi bánh chưng đợi đón giao thừa… như một thước phim đẹp, rộn rã sắc màu nhưng quá xa vời vì điều đó đã thuộc về quá khứ, không gần gũi với thực tế cuộc sống hối hả, sôi động ngày nay.
Có một số bạn trẻ theo “chủ nghĩa xê dịch” và cảm thấy… khoái chí khi lang thang đón Tết ở một tỉnh miền núi phía Bắc, một bãi biển đẹp ở miền Trung hay du lịch ra nước ngoài… Đó là điều có thật! Ngay cả thế hệ trẻ ở đất nước chúng tôi, nhiều người cũng có cùng suy nghĩ.
Bạn thấy đấy, nhiều bạn trẻ nước ngoài đã chọn Việt Nam như một điểm đến thú vị đầy hấp dẫn, đặc biệt trong những ngày Tết cổ truyền. Có thể nói các tỉnh miền núi phía Bắc với những phong tục tập quán độc đáo của cộng đồng các dân tộc nơi đây thu hút chúng tôi nhiều nhất…
- Sanada Noboru:
Nơi tôi sống và làm việc thuộc một huyện miền núi, đời sống của người dân còn nghèo và gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, những người trẻ mà tôi biết, cứ mỗi cuối năm họ đều trở về nhà và những niềm vui rộn lên trong ánh mắt. “Thịt mỡ, dưa hành…” như bạn nói không phải là ký ức đối với đời sống của người dân ở đây mỗi dịp xuân về.
Có lẽ do sự thương mại hoá chưa “chạm” đến nên những giá trị văn hoá truyền thống vẫn được gìn giữ. Họ vẫn thích ngồi canh nồi bánh chưng thức đợi giao thừa hay náo nức rủ nhau đi phiên chợ ngày 30 mua hộp bánh, cành hoa… về chưng bàn thờ. Đó là một nghi lễ đẹp trong đời sống hiện đại. Chỉ tiếc rằng ở các thành phố lớn, một số bạn trẻ đã không còn thích nghi lễ này!
- Sylvie Joannelle:
Thời đại internet, cuộc sống diễn ra với tốc độ rất nhanh, ngày càng có nhiều điều khiến người ta quan tâm hơn. Theo quan sát của tôi, không chỉ riêng thế hệ trẻ mà một số người Việt Nam không còn quan trọng ngày Tết mặc dù họ vẫn chờ đón dịp trọng đại này.
Bạn tôi thuộc thế hệ 8X, Tết năm ngoái đã “quảy” ba lô đi du lịch một mình mặc dù cả năm cô ấy đã sống xa nhà. Trong suy nghĩ của cô ấy, gia đình và ngày Tết quan trọng nhưng không phải là tất cả. Cô ấy có quá nhiều việc phải làm, nhiều thứ để quan tâm; những mối quan hệ bạn bè, xã hội chằng chịt… đã lấy đi của cô ấy hầu hết thời gian. Cô ấy từng tâm sự với tôi rằng, Tết chỉ là một dịp nghỉ xả hơi, ngoài ra không còn có ý nghĩa nào khác. Tôi thấy hơi thất vọng!
PV: Điều đó có đáng để chúng ta lo ngại, bởi vì như thế đồng nghĩa với việc văn hóa và truyền thống đang dần mai một? Lớp trẻ đang quay lưng lại với cội nguồn?
- Andrea Salas:
Tôi không nghĩ như vậy! Mặc dù những người trẻ ở đất nước các bạn rất nhanh nhạy trong việc hội nhập với thế giới nhưng điều đó không có nghĩa là họ đang quay lưng lại với cội nguồn và văn hoá truyền thống như lời nhận xét vừa rồi.

Ngược lại, nhiều bạn trẻ tôi biết, họ rất có ý thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Điều đó không có nghĩa là cứ phải nói lên thành lời. Bạn có công nhận với tôi không?
- Sanada Noboru:
Không, không hẳn thế! Bạn hãy đi chợ hoa, hãy ghé bất cứ một ngôi nhà nào dù ở nông thôn hay thành thị, rất nhiều người trẻ mà các bạn gọi là thế hệ 8X - 9X chăm chút chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền. Ngày càng có nhiều bạn trẻ đọc sách, lên mạng… tìm hiểu về cuộc sống, công việc của ông bà mình ngày xưa, của thế hệ đi trước. Giá trị truyền thống không hề bị mai một mà chỉ có chút thay đổi cho phù hợp với thời đại mình đang sống mà thôi!
PV: Xin cảm ơn và chúc các bạn đón một cái Tết cổ truyền tại đất nước chúng tôi thật ý nghĩa! Chúc vạn sự như ý!