Tuồng trong Festival Tây Sơn – Bình Định

NGỌC TỈNH

Festival Tây Sơn – Bình Định lần đầu được tổ chức, một chương trình nghệ thuật đầy cố gắng, nhưng cũng khó mà gây được ấn tượng thật đặc biệt. Bình Định đã huy động 50 tỉ đồng để làm Festival, xây dựng các trung tâm văn hóa, tổ chức lễ hội… Đó là một cố gắng văn hóa lớn để giới thiệu Bình Định với cả nước và quốc tế, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa…

Bình Định, không ai quên được chiến công của người anh hùng Tây Sơn Nguyễn Huệ, cũng như không thể quên Bình Định – Bồng Sơn từng là “thủ đô” của Liên khu V kháng Pháp 9 năm; và chiến công đánh tan một Trung đoàn lính Pháp tinh nhuệ ở An Khê… và Quy Nhơn ngày tập kết… 20 năm chống Mỹ, Bình Định chịu bao đau thương và càng đau thương càng anh hùng.


Nghệ sĩ Hoàng Đức vai Phàn Địch Công

Hôm nay, đi trên những con đường của thành phố Quy Nhơn rộng, thoáng, rợp bóng cây bàng, cây bằng lăng đổ dài ra vịnh biển đẹp, đi qua trung tâm văn hóa với pho tượng đồng Nguyễn Huệ cưỡi ngựa cầm gươm oai vũ quét quân Thanh “như quét đàn kiến” (“Hàn các anh hoa”) và đi qua ngôi trường trung học Colège Quy Nhơn nơi ngày xưa các nhà thơ Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Yến Lan, Quách Tấn…, tôi tiếc không còn các anh để về vui với Quy Nhơn – Bình Định những ngày này.


Nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim vai Đào Tam Xuân

Chợt nhớ câu thơ Chế Lan Viên về nhà thơ Tố Hữu, người đã bị đi đày “đường qua mấy phố Quy Nhơn” thời ấy: “Vẫn buồn câu chuyện cũ – Tự ngày Quy Nhơn nọ. Sao tôi vui đi học. Trong lúc anh tội tù? Có anh chăng trong ngục. Ở bên đường tôi qua? Có anh từng đến quét. Ở sân trường tôi xưa? Mà lòng tôi không biết – Mà óc tôi không ngờ? Có bao giờ anh gọi. Mà tai tôi làm ngơ?”.


Nghệ sĩ Ưu tú Hán Văn Tình vai Bố Đề

Chế Lan Viên là một thiên tài thơ của thế kỷ XX đã mượn lời của thi hào Goethe nói về Voltaire và Russeau, và “Nếu Tố Hữu là người kết thúc thơ Việt thế kỷ XX, thì Chế Lan Viên là người khởi đầu thế kỷ XXI”, Chế Lan Viên – “Bàn Thành tứ hữu”, Hàn Mặc tử… và các nhà thơ, nhà văn hóa ở Bình Định, gắn với Bình Định… nên có mặt trong Festival hơn nữa cũng như “tiếng gà gáy đêm hôm tiễn biệt người đi tập kết” và 30 năm chiến đấu kiên cường cũng nên có mặt, dù là thấp thoáng, trong những đêm lễ hội ở đất này…

*

Tìm về Festival Bình Định – Tây Sơn, tôi tìm về những đêm tuồng Quy Nhơn hội tụ đủ các nhà hát tuồng Bắc Trung Nam … Tuồng ngày nay dường như đã lùi vào quá khứ, sau khi lên đến đỉnh điểm của nghệ thuật cổ điển.

Tôi đã gặp Shakespeare trên sân khấu tuồng Việt Nam” – một chuyên gia sân khấu Ba Lan đã kinh ngạc thốt lên như vậy. Vậy thì sao nó chết? Và làm sao cho nó sống lại? Tuồng cũng như nhạc giao hưởng, múa ballet, kinh kịch của Trung Hoa và nói chung văn học cổ điển Việt Nam và thế giới, là những loại hình nghệ thuật đặc sắc, thâm thúy, nhưng phải học, phải được giáo dục thẩm mỹ thì mới hiểu.


Nghệ sĩ Ưu tú La Cháu vai Thạch Hoài

Ngày xưa, ít có cái để xem, mà văn hóa truyền thống, văn hóa phương Đông – Trung Hoa còn thịnh ở ta, người xem, cả quí tộc lẫn bình dân, tìm đến tuồng… Ngày nay, chắc là phải bằng giáo dục, qua giáo dục… mà bảo trì tuồng cổ. Mỗi một học sinh trung học phải một lần được đến nhà hát xem một vở tuồng (hoặc chèo, cải lương…) kinh điển và xem đó là một môn học. Và nếu từ tuổi thơ, anh hiểu nó, yêu nó, biết nó là Shakespeare của dân tộc anh, thì anh sẽ bảo vệ nó bằng mọi giá.


Nghệ sĩ Ưu tú Tuyết Mai vai Chung Vô Diệm

Những đêm tuồng Quy Nhơn năm nay, từ Đào Tam Xuân (Nhà hát tuồng Trung Ương); Diễn vô đình (Nhà hát tuồng Đào Tấn – Bình Định); Trầm Hương Các (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh – Đà Nẵng); Sơn Hậu (Nhà hát tuồng Thanh Hóa); Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu (Nhà hát tuồng Thành phố Hồ Chí Minh)… đều là những vở kinh điển, với một dàn diễn viên thượng thặng, hiếm quý… là một cái vốn sống của nghệ thuật dân tộc mà Nhà nước, Trung ương với địa phương và tất cả những ai quan tâm tới văn hóa dân tộc, nên có những giải pháp cấp bách, hữu hiệu để bảo vệ, duy trì và phát huy.