Đậu bắp cho ngày đông

Đậu bắp là loại rau quả phổ biến chứa nhiều chất dinh dưỡng. Hạt đậu bắp cũng chứa nhiều chất đạm và chất béo. Thuốc sắc từ đậu bắp còn có tác dụng giải nhiệt, hạ sốt, trị chứng ho, viêm họng… Vì thế, đậu bắp vừa ăn, vừa có thể làm thuốc chữa bệnh, nhất là cho những ngày đông lạnh.

        Gọi là đậu bắp vì thân cây giống cây đậu, nhưng lại cho trái giống như hạt bắp nên gọi là đậu bắp. Một số địa phương nước ta còn gọi đậu bắp là cây mướp tây, bông vàng, thảo cà phê... Lâu nay, dân gian nhiều nơi đã biết dùng thân, lá và trái non đậu bắp để trị các chứng tiểu khó, bệnh lậu; rễ và lá non chữa viêm họng, ho khan… Thuốc sắc từ lá, thân và rễ cây đậu bắp phơi khô có thể giải nhiệt, hạ sốt, trị chứng ho, viêm họng, nhiễm trùng đường tiểu. Hơn thế, đậu bắp còn có tác dụng giải khát, thanh nhiệt, thường được chế biến dưới dạng nấu canh chua, ăn kèm các món nướng… có thể vừa ăn lại vừa uống để chữa bệnh. Khi nấu, đậu bắp tiết ra chất nhầy càng cô đặc nhiều hơn vì thế nên nấu chín ở nhiệt độ thấp, vừa phải và tránh nấu, nướng đậu bắp ở nhiệt độ cao, tốt nhất là hấp chín.

 

 Đậu bắp có tác dụng chữa bệnh


 

Hành trình xuyên lục địa
        Có nhiều tranh cãi về cội nguồn của cây đậu bắp. Theo nhiều người thì đậu bắp có xuất xứ từ Đông Nam Á, có người lại nói nó có từ Tây Phi và nước Ethiopi. Ở thế kỷ thứ XXII và XXIII, người Ai Cập và tộc người Moors của Tây Ban Nha thường dùng ngôn ngữ Ả Rập là Bamya khi nhắc đến đậu bắp ngụ ý nó đến từ phương đông. Theo thời gian, đậu bắp du nhập vào Tây Nam châu Á qua biển Đỏ xuyên qua đến bán đảo Ả Rập rồi sa mạc Sahara. Năm 1216, người ta ghi nhận một người Moors lần đầu tiên đến Ai Cập sau khi nếm thử đậu bắp đã tấm tắc khen ngon và đưa nó vào thực đơn của mình. Từ Ả Rập, nó được trồng phổ biến tại những bờ biển Địa Trung Hải và phía Đông. Từ Ả Rập, nó được các nô lệ vận chuyển bằng đường thủy đến Mỹ đến vùng Atlantic để buôn bán vào năm 1658 sau đó, nó trôi giạt đến Braxin. Đến năm 1986, các chủ trại ở Đông Nam Nigeria mở rộng đồn điền trồng trọt kết hợp các loại ngũ cốc và rau quả trong đó có đậu bắp để làm thực phẩm cung cấp trong nước.

Bài thuốc của mọi nhà
        Có lẽ, nhiều người không mấy thiện cảm với chất nhầy của đậu bắp, nhưng khi ăn cùng với những thức ăn chứa nhiều cholesterol và chất béo chất nhầy của đậu giúp “cầm chân” hai nguy cơ này trong đường tiêu hóa. Vì thế, nó cũng là toa thuốc gia truyền để giảm cholesterol máu và mỡ máu. Cùng với chất nhầy, chất xơ của đậu bắp kích thích hoạt động của nhu động ruột nên có tác dụng nhuận tràng, chống táo bón, ngừa đầy hơi nhất là những người cao tuổi có bệnh cao huyết áp và xơ vữa mạch máu. Khi ăn vào ruột, đậu bắp tạo môi trường thuận lợi cho vi khẩn “có ích” ký sinh trong ruột phát triển. Do đó, việc tiêu hóa sẽ tốt hơn, giảm các cơn đau ruột và làm lành các vết loét trong ruột. Cũng nhờ chứa nhiều chất xơ, lại giàu vitamin, chất khoáng nhưng lại ít năng lượng nên đậu bắp thích hợp cho những người có chế độ ăn uống giảm cân.

        Dân gian còn lấy lá và rễ đậu bắp để đắp vết thương rất công hiệu. Đậu bắp còn non thường có vị hơi chua và mát nên nếu cắt ăn chung với cơm có thể trị viêm đường tiết niệu. Còn nước sắc hoặc hãm để uống thay nước trà thậm chí súc miệng từ lá và rễ được cắt nhỏ phơi khô giúp chữa viêm họng, ho. Mỗi ngày uống từ 10g – 16g. Nếu ép nước đậu còn non để uống có tác dụng đẩy lùi chứng viêm tấy màng nhầy, chữa bệnh tiêu chảy kèm sốt cao, đau bụng, ngứa ngáy ngoài da. Bài thuốc này đặc biệt hữu dụng ở những người có vấn đề về hô hấp kèm theo tiết nhiều chất nhầy.

        Không ít người chọn hạt đậu bắp nướng chín làm bài thuốc quen thuộc giúp tăng bài tiết mồ hôi, trong chữa trị và ngăn chặn chứng co thắt bắp thịt. Những ai muốn giảm đường trong máu cũng đừng quên món ăn đậu bắp dân dã này. Thai phụ mong mẹ tròn con vuông có thể ăn món đậu bắp nấu canh chua, đậu bắp xào tôm, ăn lẩu với đậu bắp, đậu bắp tẩm bột chiên giòn ăn chung rau xà lách… vì trong đậu chứa nhiều axít pholic tự nhiên tuyệt vời tốt cho sức khỏe. Riêng chị em phụ nữ, một số món ăn tuy hơi béo từ đậu bắp như đậu bắp xào, hấp mỡ hành hoặc hấp chấm với mắm kho quẹt còn giúp làm đẹp.

        Đậu bắp tuy giàu dinh dưỡng, không độc hại và an toàn cho ngay cả trẻ em và phụ nữ mang thai, tuy nhiên nên lưu ý là không ăn đậu bắp cùng lúc với uống thuốc, hãy uống thuốc trước bữa ăn 1 - 2 giờ. Còn với đàn ông, cần cảnh giác với chiết xuất từ đậu bắp vì có thể giảm lượng tinh hoàn và tác động phần nào đến chức năng tuyến tiền liệt mặc dù không có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Theo langvietonline.vn