Trong quyển Đối diện với chiến tranh của giáo sư Lý Chánh Trung (Nxb Trẻ, 2000) in lại những bài chọn lọc giáo sư đã viết trên hai tờ nhật báo Tin Sáng và Điện Tín trước năm 1975, có một tấm hình, ở trang 68, chụp anh Huỳnh Tấn Mẫm, tay cầm cuốn Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa, và tôi, với chú thích: “Sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm (phải) giải thích Hiến Pháp với dân biểu Hồ Ngọc Nhuận về điều khoản cấm bắt người trái phép, sau khi chánh quyền Thiệu cho cảnh sát tấn công trụ sở sinh viên tại 207 Hồng Bàng, Q.5”.
Ai đã chụp bức hình này? Ai đã ghi lời chú thích nêu trên đây? Tôi không biết. Chỉ biết ở cuối sách có ghi: “Ảnh tư liệu của tác giả”. Và khi nhận được sách tặng, hồi tháng 6/2000, tôi có viết thư cám ơn giáo sư, vừa để hỏi lại cho rõ về bức hình, cũng như về vài chi tiết liên quan đến việc đóng cửa hai tờ Tin Sáng và Điện Tín giáo sư viết trong “Lời nói đầu” của cuốn sách. Rất tiếc đến nay tôi vẫn chưa biết được gì hơn! Tôi có hỏi Mẫm, Mẫm cũng không biết gì hơn tôi.
Dù sao, cũng xin cám ơn “ai đó” đã cho độc giả biết “một sự thật”. Đó là một dân biểu Quốc hội Việt Nam Cộng Hòa đã có hân hạnh được một sinh viên “lên lớp” về Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa!
Nhưng cũng lại có một “sự thật khác”, mà tôi xin kể, về bức hình nêu trên.
Một đêm tôi đang ở trong nhà thương Phước Kiến, đường Nguyễn Trãi, với hai con gái đầu lòng được một người bạn học cũ là bác sĩ Huỳnh Văn Xuân cắt amygdale.
Ai giết sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật
Đường phố Sài Gòn mấy ngày này treo đầy biểu ngữ màu tang, tiếc thương sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật, và lên án sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm là “kẻ sát nhân”.
Cô Nguyễn Thị Yến và anh Nguyễn Văn Thắng - Thắng cao - tìm đến. Nằm ở bệnh viện mà cũng bị mò ra! Hai anh chị sinh viên này có tài dò la hay nhà tôi đã bật mí?

Sinh viên học sinh miền Nam biểu tình chống Mỹ.
Yến và Thắng tìm tôi bàn kế giải vây, và giải oan cho Huỳnh Tấn Mẫm.
Ai giết sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật? Đến bây giờ ắt nhiều người biết. Riêng tôi trước sau không hề biết, cũng không hỏi. Chánh quyền Sài Gòn lúc đó lại cứ đổ riệt cho sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, đang trốn, là kẻ giết người!
Càng trốn càng củng cố cáo lý của cảnh sát đang ra sức lùng sục, giăng bẫy để bắt Mẫm cho bằng được. Mà ló ra là tức khắc đưa đầu vào lưới, cải chính minh oan sao cho kịp! Tình thế thực tiến thoái lưỡng nan! Tôi hẹn Mẫm qua Yến và Thắng, có mặt một sáng sớm bên cạnh Hạ Nghị Viện, nay là Nhà hát Thành phố. Tôi nhớ có dặn Mẫm phải nguỵ trang để đi đường. Để đánh lạc hướng công an, sinh viên tung tin Mẫm sẽ xuất hiện và họp báo tại trung tâm sinh viên Phật tử của thầy Thiện Minh, số 294 Công Lý, nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Mẫm đến trễ giờ hẹn. Chắc không bao lâu, nhưng tôi thấy như dài vô hạn. Bên kia đường, nơi trụ sở các Uỷ ban Hạ Nghị Viện, ngày nay là khách sạn Caravelle mới, dân biểu Đinh Văn Đậm đang đứng tán gẫu với một ký giả. Họ đang kéo tay nhau chuẩn bị băng qua đường sang chỗ tôi, càng làm tôi thêm lên ruột!
Một chiếc honda xịch đến, Mẫm nhảy xuống kịp lúc. Vừa giáp mặt, tôi “mắng” Mẫm như tát nước: “Cậu làm ăn bê bối! Hẹn giờ nào mà bây giờ mới tới? Lần sau còn vậy chắc cậu nghỉ việc luôn!”. Vừa “mắng” tôi vừa đẩy Mẫm vô cửa hông Hạ Viện, theo một cầu thang cuốn, nhanh chân đi lên lầu. Cửa hông này chỉ dành cho các thừa phát lại và tống thư văn của Quốc Hội, cấm người lạ. Các dân biểu cũng ít qua lại cửa này. Số nhân viên đi làm sớm có mặt tại chỗ hôm đó ắt phải nghĩ tôi đang “nổi giận” vì một anh thư ký mới chưa quen việc. Dân biểu Đậm và anh ký giả cũng không tiện giữ tôi lại để gạ chuyện. Họ đâu biết tôi “giận giả” mà “lo thiệt”! Tôi lo Mẫm bị phát hiện.
Ông Đệ Nhất
Xế bên đầu cầu thang trên lầu là văn phòng ông Đệ Nhất Phó Chủ tịch Hạ Nghị Viện, bác sĩ Hồ Văn Minh. Cửa không khoá, tôi đẩy Mẫm vào và chộp máy gọi Hồ Văn Minh.
Minh không hề biết trước kế hoạch của tôi, cũng không hề hỏi lại cụ thể phải đến ngay Hạ Viện để làm gì. Anh chỉ biết xách áo đi liền, theo cú gọi của tôi.
Cái gì, một thời, đã gắn bó và khiến một số người chúng tôi tin tưởng sống chết với nhau đến vậy?
Minh và tôi có thời cùng học chung lớp ở Taberd và hoạt động xã hội chung, nhưng chưa hề thề thốt theo chung một ngọn cờ nào. Đảng phái cũng không, mà có đảng còn không ngăn được người của họ xé rào theo chúng tôi. Quyền lợi thiểu số đối lập không có gì, ngoài những trù ẻo, rình rập, đàn áp của chánh quyền. Nhưng quyền lợi phe đa số thân chính có thừa cũng không ngăn được người của họ xé lẻ bỏ phiếu cho Đối Lập. Nếu không có phiếu “đi đêm” của phe đa số, Đối lập thiểu số không làm sao có được chiếc ghế Đệ nhất phó chủ tịch Hạ viện cho Hồ Văn Minh, suốt nhiệm kỳ I.
Trong khi nhóm “Xã hội mới” của chúng tôi chỉ vỏn vẹn có mười một người, không đủ túc số để lập thành một khối đối lập chính thức, phải liên kết với vài nhóm lẻ khác. Trong khi Nguyễn Bá Cẩn, “con gà” của đa số, sau này là thủ tướng, phải chịu lép vế ngồi ghế “đệ nhị”, cũng suốt nhiệm kỳ I.
Nếu không có phiếu “tiêu lòn” của phe đa số thân chính, Đối Lập cũng không thể giành được chiếc ghế Chủ tịch Ủy ban Nội vụ cho Hồ Ngọc Cứ, chức Chủ tịch Ủy ban Bài trừ Tham nhũng cho Ngô Công Đức, hay chức Chủ tịch Ủy ban Xây dựng Nông thôn cho tôi. Tất nhiên có một số ghế, Đối Lập cũng không thể giữ lâu hoặc không sao giành nổi. Giành được Ủy ban Nội vụ cho anh Cứ, một nhiệm kỳ, là quá lắm rồi, đừng hòng tranh chấp Ủy ban Quốc phòng, Ngân sách Tài chánh hay Kinh tế…
Dù vậy, anh Nguyễn Văn Thanh, nguyên Tỉnh trưởng Vĩnh Bình, thuộc khối Xã hội chúng tôi, cũng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng được một năm. Kỹ thuật, kỷ luật kiểm phiếu và kiểm tra lẫn nhau trong phe đa số ngày càng gắt gao, hiệu quả. Có những màn giám sát họ bày ra cho các nữ dân biểu “phe ta” thủ diễn thật là tân kỳ, độc đáo.
Lá bùa Hiến Pháp
Như đã hẹn trước, khi Huỳnh Tấn Mẫm đã “đột nhập” thành công vào Hạ viện, cuộc “họp báo giả” ở Trung tâm Quảng Đức liền được sinh viên thông báo dời về Hạ Viện, để “họp báo thiệt”. Hằng trăm ký giả, công an, sinh viên ùn tranh nhau kéo đến chật cả tiền sảnh Hạ Viện, tràn cả ra đường…
Ông “Đệ Nhất” Hồ Văn Minh trao cho Huỳnh Tấn Mẫm một quyển Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa, và cùng tôi đưa Mẫm xuống tiền đình Hạ viện để ra mắt báo chí. Quyển Hiến pháp trong tay Mẫm chính là “lá bùa hộ mệnh” để Mẫm… thoát nạn. Làm sao bắt giữ Mẫm và vu cho Mẫm tội giết người khi Mẫm đường hoàng đi ra từ Quốc hội? Với Hiến pháp trong tay? Với hàng trăm ký giả chứng kiến, cùng hai nhà Lập pháp “có cỡ” hộ tống? Và với hàng trăm sinh viên hoan hô? Cùng không biết bao nhiêu công an chìm nổi chỉ biết đứng đực trố mắt ra nhìn? Hoặc chụp hình… “kỷ niệm”?
Một sự xuất hiện với “khí thế” như vậy mà không có “ai đó” “chớp lấy” hình để chú thích “sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm giải thích Hiến pháp với dân biểu Hồ Ngọc Nhuận ở… trụ sở sinh viên…” thì cũng uổng! “Ai đó”, tôi không biết. Hỏi Mẫm, Mẫm cũng không hay. Hỏi giáo sư Lý Chánh Trung, thì… khá lâu sau giáo sư mới cho biết đó là do một người con của giáo sư làm việc ở một cơ quan thông tấn xã đã hỏi xin ở đâu đó. Và đó là sự thật thứ hai về bức ảnh tôi và Mẫm…
Nói về “lá bùa” Hiến Pháp, tôi nhớ năm 1968 tôi cùng một đoàn dân biểu Quốc Hội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sang gặp ông Harriman, trưởng đoàn thương thuyết của Hoa Kỳ tại Hội nghị Paris về hòa bình Việt Nam, và ông Phạm Đăng Lâm, trưởng đoàn Việt Nam Cộng Hòa, đại sứ tại Pháp. Là một người đối lập, tôi thành thật hỏi ông Lâm, là người tranh đấu cho quyền lợi Việt Nam Cộng Hòa tại bàn đàm phán, có trách cứ Đối Lập điều gì và muốn ở Đối Lập điều gì không?
Sau một chút ngẫm nghĩ, ông Lâm đáp: “Tôi không trách gì, chỉ xin các ông tôn trọng Hiến Pháp, vì Hiến Pháp là đất đứng của chúng ta”. Tôi hớn hở: “Đại sứ khỏi lo. Những gì Đối Lập làm là tranh đấu để thực thi Hiến Pháp, để bảo vệ Hiến Pháp. Chính Tổng thống mới là người ngồi xổm lên Hiến Pháp”…
Những người tiếp tay cho cộng sản
Lại nói về Mẫm
Anh Lâm Chánh Nghĩa, một chỉ huy cảnh sát Đô Thành, tiếp tôi trong đám tang anh Lâm Phi Điểu, một anh bạn dân biểu Quốc hội Lập Hiến. Hai anh Lâm hình như là anh em “chú bác” với nhau. Hơn một lần, trên đường phố, lính của Nghĩa đã đụng độ với tôi. Mà có được lệnh nương tay hay không, tôi không biết.
Anh Nguyễn Kiên Giang – “anh Hai” Kiên Giang, chủ bút báo Thời Đại, chủ tịch Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt, không phải nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà – từng nói trước nhiều người: “Cảnh sát không dám mạnh tay với thằng Nhuận, vì sợ… đi tù!”. Cảnh sát sợ đi tù vì, anh cười giải thích: “Tụi nó sợ lỡ tay, thằng Nhuận ngã ra chết bất tử!”. Anh cũng thường xuyên “tuyên truyền” rằng tôi ỷ mình… ốm yếu, bị đụng nhẹ cũng có thể gây án mạng rắc rối như chơi, nên cứ chống tới tới… Một mình ôm một đống “chức tước ăn giỗ”, đi học tập cải tạo về anh Nguyễn Kiên Giang vẫn chứng nào tật nấy, đến chết vẫn cà rỡn. Và không người làm báo nào ở Sài Gòn cũ mà không thương nhớ anh, người có công gầy dựng Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt.
Biết tôi khá thân với Lâm Phi Điểu, Lâm Chánh Nghĩa thân tình nói:
- Tôi ức anh cứ đi binh mấy thằng cộng sản!
Tôi cười:
- Tôi binh sinh viên chớ đâu có binh cộng sản. Sao cậu không đi vô rừng đánh cộng sản mà ở đây “đánh” sinh viên? Đánh sinh viên mới là tiếp tay cho cộng sản! Tôi thì ngược lại.
- Anh nói ngược đời! Mẫm là cộng sản, tụi nó là cộng sản hết! Học không lo học, lo đi phá rối…
Nghĩa tức cũng phải. Tôi nói anh “đánh” sinh viên là “oan”. Nhiệm vụ của anh là dẹp biểu tình, ai cũng vậy… Lâm Chánh Nghĩa là một trong những chỉ huy cảnh sát hiếm hoi ở lại hợp tác với anh Triệu Quốc Mạnh, tân Giám đốc Cảnh sát Đô Thành, thả tù chánh trị một ngày trước 30/4/1975, theo lệnh của Đại tướng Dương Văn Minh, tân Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa…
Nguyễn Cao Kỳ “xớt” Huỳnh Tấn Mẫm
Huỳnh Tấn Mẫm một lần nữa lại bị bao vây, truy bắt, Trung tâm sinh viên Phật tử một lần nữa lại dậy sóng.
Cảnh sát chưa tấn công vì lực lượng sinh viên quyết thủ hay vì cảnh sát chưa xác định được mục tiêu? Tôi không biết. Tôi hay tin khi hai bên đang vờn nhau. Ai báo tin, tôi không nhớ…
Chiếc La Dalat cà mèn của tôi, mà cảnh sát Sài Gòn đã nhẵn mặt, bất ngờ xông thẳng vô sân Trung tâm Quảng Đức, quay đầu ra đường. Anh em sinh viên nhào lại bu kín, hè nhau buông các tấm phủ xuống, che chiếc xe bít bùng. Trong tích tắc, tôi lái vọt ra đường, đạp lút ga hướng về sân bay Tân Sơn Nhất. “Lực lượng rằn ri” hùng hổ đuổi nà. Gần tới phi trường, thay vì chạy thẳng hay rẽ vô trại Phi Long của tướng Kỳ, tôi đột ngột dừng xe lại, chậm rãi cuốn các tấm phủ lên, và ngồi lại sau tay lái châm… thuốc hút! Trong xe, ngoài tôi, không một bóng người…
Biết trúng kế, và chắc là có chửi thề, cảnh sát hối hả quay đầu xe. Để về gặp lại một Trung tâm sinh viên cũng… trống trơn như chiếc La Dalat của tôi. Hay chỉ lác đác vài người, mà không có Mẫm!
Một chiếc jeep nhà binh, ngay sau khi tôi “điệu” hết cảnh sát về Tân Sơn Nhất, đã ập vào Trung tâm Quảng Đức, bốc Huỳnh Tấn Mẫm chạy thẳng về Dinh Quốc Khách ở góc đường Công Lý – Hiền Vương, nay là Trung tâm Văn hóa Thiếu nhi, góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Thị Sáu. Chiếc jeep ập vào bốc Mẫm là của Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ và Dinh Quốc Khách lúc bấy giờ cũng thuộc quyền Phó Tổng thống.
Tiếp tay cho cộng sản, như vậy, không chỉ có mình tôi. Và lần này vai chánh không là tôi, mà là tướng Nguyễn Cao Kỳ. Riêng trò cút bắt giữa tôi và cảnh sát thì còn nhiều, cả chục năm cộng lại chắc cũng giải buồn được vài canh.
Những sinh viên tham gia các “trận” giải vây cho Mẫm những ngày đó, đông lắm, nay ít nhất cũng ngoài bốn mươi, hoặc trên dưới năm mươi. Nhiều người hẳn đã thành bậc ông bà, trong nhà, ngoài đời. Phần lớn hẳn đã “đổi đời”.
Riêng “Mẫm và tôi” ví như một thứ chuyện dài, như Mẫm thường nhắc. Với những lần trốn ở nhà Thiếu tá Đường, Thiếu tá Lộc, Trung tá Đẩu, tùy viên Đại Tướng Dương Văn Minh. Với những lần xuống đường, với những lần gặp nhau trong Khám. Nhưng chắc Mẫm nhớ nhiều hơn và chính xác hơn, nên để phần Mẫm…
(*) | Đầu đề do Hồn Việt đặt. |