Về bài "Một sự ngộ nhận đáng tiếc"

Sau khi đăng bài báo trên đây của đồng chí Trần Trọng Tân, chúng tôi có nhận được bài viết của GS Song Thành, 3800 chữ, đã được viết từ tháng 11/2009. Nội dung là: nếu bài đó không phải là của Nguyễn Ái Quốc thì là của ai, ai trong số những người Việt Nam ở Paris khi ấy ai có khả năng là tác giả của bài Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ…? Theo GS Song Thành, người đó chỉ có thể là Nguyễn Ái Quốc.

Chúng tôi đã định đăng bài đó để thảo luận, nhưng rồi lại nhận được thư của GS Song Thành tỏ ý không muốn in bài đó nữa. Lý do là e sẽ xảy ra một cuộc tranh luận phức tạp, và vào lúc này, điều đó chưa hẳn có lợi. Ông có khuyên chúng tôi nên báo cáo và dành phần đó cho các cơ quan có thẩm quyền hơn.

Chúng tôi thấy lời khuyên của GS Song Thành có lý. Chúng tôi xin chuyển ý kiến của đồng chí Trần Trọng Tân đến các cơ quan hữu quan nghiên cứu về Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa Mác… để nghiên cứu và kết luận.

Về phần mình, chúng tôi thấy rằng, khi một tác phẩm còn chưa xác minh chắc chắn tác giả, thì chúng ta nên cẩn trọng, dè dặt trong bình luận và phân tích, kết luận. Bài báo của GS Song Thành cung cấp một chi tiết là trong Báo cáo, có nói đến việc năm 1921, tác giả có về Việt Nam, “Trở lại Bắc Kỳ 1921, tôi đã tham dự một đám tang” mà Nguyễn Ái Quốc thì có về Việt Nam năm 1921 đâu.

Vậy đó là ai? Trong nhóm “Ngũ Long” (Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền)…, thì Nguyễn Thế Truyền được Nguyễn Ái Quốc giao cho việc trông coi tờ Le Paria sau khi Nguyễn Ái Quốc rời Paris đi Moskva. Nguyễn Thế Truyền có tham gia Đảng cộng sản Pháp, làm Thư ký Liên hiệp Thuộc địa… Sau này, từ 1927, Nguyễn Thế Truyền mới rời bỏ chủ nghĩa Cộng sản, phản đối học thuyết đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản, lập Đảng An Nam độc lập… Ngoài Nguyễn Thế Truyền ra, còn có ai có thể viết bản Báo cáo đó?

Đây là một vấn đề văn bản, một vấn đề lịch sử, một vấn đề lý luận liên quan đến việc đánh giá chủ nghĩa Mác, rất phức tạp. Nguyễn Ái Quốc năm 1923 vừa đọc xong Luận cương của Lênin để gia nhập Quốc tế thứ 3, đã đọc thêm những tác phẩm nào trong kho tàng đồ sộ chủ nghĩa Mác để có thể nêu lên nhận định đó. Người đã coi Lênin là “vầng mặt trời chói lọi”, mà Lênin là học trò kế tục Mác, liệu có thể đánh giá Mác như thế chăng? Nguyễn Thế Truyền xem ra có lý hơn, vì ông ta phản đối học thuyết Mác…

Đây là những ý kiến rất sơ bộ, rất mong các bậc thức giả cao minh chỉ giáo và làm sáng tỏ. Còn trong khi chưa thể có một kết luận dứt khoát thì sự thận trọng vẫn là hơn.

HỒN VIỆT


Bài liên quan: