1) Mỗi lần đi lễ ở Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ thờ các vị vua Hùng, thủy tổ dân tộc Việt Nam, chúng ta đều thành kính và ngưỡng mộ đi vào bằng cổng chính, dưới bốn đại tự 高山景行. Bốn chữ này có nguồn gốc từ bài Xa hạt trong Tiểu Nhã, Kinh Thi: “高山仰止, 景行行止 – Cao sơn ngưỡng chỉ, Cảnh hàng hành chỉ”. Nhưng vì chữ 行 trong 景行 có nhiều âm (hành, hạnh, hàng, hạng), nhiều nghĩa nên có người đọc là “Cao sơn cảnh hạnh” hiểu là “Núi cao, đức sáng”; có người đọc là “Cao sơn cảnh hành” hiểu “hành” là “hành vi, việc làm”; lại có người đọc “Cao sơn cảnh hành”, “Cao sơn cảnh hàng” hiểu là “Núi cao, đường lớn”…
a) Năm 2005, tác giả Nguyễn Minh Tường viết:
“Câu này nói tắt từ hai câu của bài Xa hạt, phần Tiểu Nhã trong Kinh Thi. Nguyên văn: “Cao sơn ngưỡng chỉ; Cảnh hàng hành chỉ”. Nghĩa là: “Núi cao thì ai cũng muốn trông; Đường lớn thì ai cũng muốn đi”.
Đương nhiên, “Núi cao” và “Đường lớn” ở đây phải hiểu theo nghĩa bóng để chỉ “Đức lớn của các Vua Hùng” và “Con đường lớn trở về cội nguồn của dân tộc”(1).
b) Năm 2007, nhà thơ Ngô Văn Phú “truy nguyên và lý giải” rằng 4 chữ ấy là “Cao sơn cảnh hạnh”. Tiếp đó, có người Bàn thêm về bốn chữ trên cổng Đền Hùng: 高 山 景 行 tán đồng đây là hàm ý đức hạnh và sự tu dưỡng của con người ta và cho rằng cuộc tranh luận này đã “có thể đi đến hồi kết”. Năm 2010, báo Giáo Dục & Thời Đại có bài Cao sơn cảnh hành giải thích: Cao sơn có nội hàm là đạo đức cao thượng, là lý tưởng thiêng liêng. Cảnh hành có nội hàm chỉ những hành vi quang minh chính đại, nhằm hiện thực hóa lý tưởng, đạo đức. Tóm lại, Cao sơn cảnh hành là khẩu hiệu tôn vinh đức hạnh cao cả v.v… Tiếc rằng chưa có bài nào đủ sức thuyết phục. Bài Bàn thêm về bốn chữ trên cổng Đền Hùng: 高 山 景 行 còn giới thiệu không sát đúng nội dung Xa hạt, coi đây là chuyện “gặp được người con gái út đẹp, hân hoan sắm sửa xe nhằm đánh tới nhà nàng xin được cưới về”(?); bài Cao sơn cảnh hành suy diễn lan man và dẫn hai câu “Cao sơn ngưỡng chỉ, Cảnh hành hành chỉ” thành “Cao sơn ngưỡng hề, Cảnh hành hành hề”!(2).
Rốt cuộc vẫn tồn tại ba cách đọc: “Cảnh hạnh”, “Cảnh hành”, “Cảnh hàng” và nhiều cách hiểu khác nhau.
Không phải chỉ ở Việt Nam có cách đọc và hiểu khác nhau về hai chữ 景行 là “Cảnh hạnh” hay “Cảnh hành”, “Cảnh hàng” mà ở Trung Quốc – quê hương của hai chữ ấy – cũng có tình hình tương tự, dù trong số họ không ít người thuộc làu cả nguyên tác bài thơ Xa hạt. Vì sao vậy?
2) Vì hai lẽ:
a) Trước hết là do nhược điểm tiên thiên của chữ Hán. Chữ Hán vốn là thứ chữ không giữ được liên hệ ngữ âm cố định với thực tế ngôn ngữ, nhiều khi cùng một tự dạng (mặt chữ) mà khác âm khác nghĩa, phải có chú âm thật chính xác mới mong khắc phục được nhược điểm này.
Do vậy, chỉ một chữ 行 trong 景 行 mà người đọc là “xìng” – âm Hán Việt là “hạnh” (đức hạnh), người đọc là “xíng” – âm Hán Việt là “hành” (hành vi, con đường), người khác lại đọc là “háng” – âm Hán Việt là “hàng” (vẫn là con đường)…
b) Nhược điểm tiên thiên này của chữ Hán lại diễn biến qua thời gian khiến cho cùng một chữ mà xưa đọc khác, nay đọc khác, thậm chí “kim cổ tùy nghi”. Chữ 行 vừa nói trong Từ hải lớn Trung Quốc năm 1947 khi đọc là “xíng” âm Hán Việt là “hành” có một nghĩa là “con đường” kèm theo nhiều dẫn chứng, được Từ điển Hán Việt Thiều Chửu ở Việt Nam phỏng theo. Học sinh Từ hải Trung Quốc năm 1991, chữ 行 khi đọc là “xíng” âm Hán Việt là “hành” có một nghĩa là “con đường”, nhưng ghi rõ đây là âm cổ, nghĩa cổ. Trái lại, Học sinh Từ nguyên Trung Quốc năm 1991, chữ 行 khi đọc là “xíng”, âm Hán Việt là “hành” có đến 11 nghĩa mà không có nghĩa nào là “con đường”, trái lại, chữ 行 khi đọc là “háng” âm Hán Việt là “hàng” mới có một nghĩa là “con đường”, được Từ điển Hán Việt Trần Văn Chánh ở Việt Nam phỏng theo. Tân Hoa tự điển năm 1950 hay Hán Pháp từ điển năm 1959 cũng vậy: trong Hán Pháp từ điển, chữ 行 khi đọc là “xíng” âm Hán Việt là “hành” không có nghĩa nào là “con đường”, nhưng khi đọc là “háng” âm Hán Việt là “hàng” thì có nghĩa đầu tiên là “ligne” (đường, tuyến, đường lối…).
Vậy là cùng một chữ 行 là “con đường” có thể đọc là “xíng”, là “háng” (âm Hán Việt là “hành”, là “hàng”) nhưng rồi âm “xíng” là “con đường” vốn phổ biến lùi dần vào dĩ vãng, trở thành âm cổ; từ đó chữ 行 đọc là “háng” (âm Hán Việt là “hàng”) mới có một nghĩa là “con đường”. (Có lẽ vì vậy mà Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh năm 1931 chỉ có chữ “Cảnh hạnh” (景行) = “đức hạnh cao minh” và “Cảnh hàng” (景行) = “đường lớn và sáng”, chứ không có chữ “Cảnh hành”?).
3)Đi thẳng vào nguồn gốc 4 đại tự đang bàn, xin dẫn nguyên văn chữ Hán, phiên âm Hán Việt bài Xa hạt và bản tạm dịch của chúng tôi(3) để tiện tham khảo. Bài chỉ 125 chữ, gồm 5 khổ thơ 6 câu, diễn tả niềm vui, lòng mến mộ của chú rể trên xe ngựa dọc đường đón dâu về trong ngày cưới: (xem trang 11).
“Cao sơn ngưỡng chỉ, Cảnh hành (hàng) hành chỉ” là hai câu đầu của đoạn kết. “Cao sơn” là “núi cao”. “Ngưỡng” là “ngẩng mặt lên, ngước mắt lên”. “Cảnh” là “lớn”, là “sáng”. “Cảnh hành” hay “Cảnh hàng” (景行) là “đường lớn và sáng” thì 行 này là danh từ; còn “hành chỉ” (行止) thì 行 này là động từ. “Chỉ” là trợ ngữ từ chấm câu, tỏ ý khẳng định: “Núi cao, tự nhiên ta ngước mắt trông lên thôi! Đường lớn, thênh thang, sáng sủa, cứ theo đó mà đi thôi, không đắn đo do dự gì cả!”. Vậy là “Núi cao ngước trông. Đường sáng thẳng rong” hoặc “Núi cao ta ngước mắt trông. Đường thênh thang, sáng, giục lòng ruổi theo”(13). Nghĩa ban đầu cụ thể, rõ ràng: Trên đường rước dâu về qua nhiều chặng đèo dốc, rừng cây... bây giờ ra đến nơi phóng khoáng “ngước trông lên là ngọn núi cao, phía trước là đường cái thênh thang, sáng sủa, cuốn hút”, khiến cho “Bốn ngựa thoải mái phi đều. Sáu cương căng tựa bấy nhiêu giây đàn…”(14).
Song đó mới chỉ là tầng nghĩa thứ nhất, nghĩa đen, Còn có tầng nghĩa thứ hai, nghĩa bóng, đậm tính ẩn dụ. Nhất là khi tách khỏi bối cảnh xe ngựa rước dâu về thì hai câu thơ ấy càng có ý nghĩa khái quát hơn, được truyền tụng phổ biến nên đã trở thành danh cú và rút gọn lại thành danh ngôn “Cao sơn cảnh hành” hay “Cao sơn cảnh hàng”. Vì là danh cú, danh ngôn súc tích nên người đời sau luôn nhắc tới, Từ hải lớn khi giải thích những chữ “cảnh”, “cảnh ngưỡng”, “cảnh hành” hay “cảnh hàng” thường viện dẫn chúng. Nhưng cũng từ đây, chữ 行 trong 景行 thường bị đọc tùy tiện, sai trệch đi.
Liệu có thể đọc là “Cao sơn ngưỡng chỉ, Cảnh hạnh hành chỉ” = “Núi cao: ngước trông. Đức lớn: dốc lòng”, tức không có tầng nghĩa thứ nhất (ra đến đường cái lớn – “cảnh hành” hay “cảnh hàng”) nữa được không? Đọc là “Cảnh hạnh” thì nghe hiểu ngay được. Song, nếu chú ý đây là một trong hai câu chốt trong đoạn kết của bài thơ thì có điều chưa ổn: hầu như cả bài đều đã tập trung ca ngợi đức hạnh cô dâu, sôi nổi bộc lộ tâm tình mến mộ tân nương trẻ khỏe tươi xinh, nổi danh đức hạnh rồi mà cuối cùng cũng chỉ kết ở ý đức hạnh thì chỉ lặp lại, không nâng được tầm tư tưởng, nghệ thuật của bài thơ. Vả lại, trong nghĩa “cảnh hành” hay “cảnh hàng” là “đường lớn và sáng” thì “con đường” ấy đã bao hàm cả “hạnh” rồi. Cho nên, đọc là “Cao sơn cảnh hạnh” tuy dễ hiểu nhưng hạn hẹp, cũng chưa đạt về mặt tu từ đối ngẫu vốn rất được chú trọng trong thơ văn cổ của Trung Quốc.
4)Điểm qua cách lý giải ở Trung Quốc về hai câu thơ đã trở thành danh cú, danh ngôn này, chúng ta thấy:
a) Từ thời Đông Hán, nhà sử học nổi tiếng Tư Mã Thiên (145-86 TCN) khi kết thúc chương “Khổng Tử thế gia” của Sử ký đã rất trân trọng dẫn hai câu “Cao sơn ngưỡng chỉ, Cảnh hành (hàng) hành chỉ” để tán dương Khổng Tử, coi Khổng Tử là một thứ vua, là bậc chí thánh, sau khi đã dành cho Khổng Tử một tiểu sử dài, viết rất kỹ, rất công phu, xếp Khổng Tử vào hàng thế gia:
“Thái sử công nói:
Kinh Thi có câu:
‘Núi cao ta trông, đường lớn ta đi’
‘Tuy đích chưa đến, nhưng lòng vẫn hướng về’.
Tôi đọc sách của họ Khổng, tưởng tượng như thấy người. Tới khi đến Lỗ xem nhà thờ Trọng Ni, nào xe cộ, nào áo, nào đồ tế lễ, học trò tập về lễ nghi ở nhà Khổng Tử theo đúng từng mùa, tôi bồi hồi nán lại, bỏ đi không dứt. Trong thiên hạ, các bậc vua chúa và người tài giỏi rất nhiều, khi sống thì vinh hiển, nhưng chết là hết. Khổng Tử là một người áo vải thế mà truyền hơn mười đời, các học giả đều tôn làm thầy, từ thiên tử tới vương hầu ở Trung Quốc hễ nói đến lục nghệ đều lấy Khổng Tử làm tiêu chuẩn. Có thể gọi là bậc chí thánh vậy”(15).
Do chép lầm, in lầm hay Tư Mã Thiên muốn thuật chí mình mà gắn thêm câu “Tuy đích chưa đến, nhưng lòng vẫn hướng về” cũng trong ngoặc kép vào sau hai câu thơ Kinh Thi? Điều đó gây hiểu lầm và thắc mắc cho đời sau! Bởi trong Kinh Thi, nguyên văn bài Xa hạt đã dẫn ở trên chỉ có hai câu “Cao sơn ngưỡng chỉ, Cảnh hành (hàng) hành chỉ” (“Núi cao ta trông, đường lớn ta đi”). Cho nên, câu sau “Tuy đích chưa đến, nhưng lòng vẫn hướng về” chỉ là lời tự bạch của chính Thái sử công Tư Mã Thiên: “(Tôi) tuy chưa đến được tầm ấy, nhưng lòng vẫn hướng về. Tôi đọc sách của họ Khổng v.v…”.
Thời Tư Mã Thiên chưa có máy ghi âm hay chú âm chữ Hán bằng chữ cái La tinh nên không biết đích xác ông đọc 景行 là “Cảnh hành”, “Cảnh hàng” hay “Cảnh hạnh”. Song cứ xem ông tán dương học thức và cống hiến của Khổng Tử cao như núi khiến mọi người đều ngưỡng mộ, đều lấy hành vi của Khổng Tử làm chuẩn tắc sống trong đời thì đủ biết đối với nhà sử học này, 景行 không phải là “Cảnh hạnh” tức không chỉ là “đạo đức sáng ngời” mà là “Cảnh hành” (hay “Cảnh hàng”), tức “con đường lớn và sáng”, là “đường đời”, cuộc đời chí thánh của Khổng Tử.
Vậy, ít nhất từ Tư Mã Thiên trước Công nguyên, hai câu “Cao sơn ngưỡng chỉ, Cảnh hành (hàng) hành chỉ” đã mang tính ẩn dụ, nói về con đường hành xử quang minh chính đại có cống hiến vẻ vang mãi mãi soi sáng cho đời.
b) Sau Tư Mã Thiên vài ba trăm năm, học giả Hán nho Trịnh Huyền tức Trịnh Khang Thành (127-200) cuối thời Đông Hán, khi chú giải Xa hạt của Kinh Thi đã viết: “‘Cao sơn’ ví với đạo đức cao cả; ‘ngưỡng’ là ngưỡng mộ. ‘Cảnh hành’ = đường sáng tức là hành vi chính đại, quang minh, theo đó mà làm, mà noi theo. ‘Cao sơn ngưỡng chỉ, Cảnh hành hành chỉ’ là ‘Người xưa ngưỡng mộ những ai có đạo đức cao cả, noi theo những ai có hành động sáng ngời’”. Trịnh Huyền giải thích bao quát, tròn trịa, đủ cả “đạo đức cao cả” (“Cảnh hạnh”), “đường sáng” (“Cảnh hành”) và “hành động sáng ngời” (“hành” này là hành động, việc làm).
c) Gần nghìn năm sau Trịnh Huyền, Tống nho Chu Hy (1130-1200), triết gia Thi kinh tập truyện, chú giải toàn bộ 311 bài Mao Thi (Kinh Thi) đã nặng về huấn hỗ và lý tính để tuyên truyền, minh họa đạo lý Tống Nho. Triết lý của ông trở thành tư tưởng chính thống của triều đình từ cuối đời Tống (960-1279) đến thế kỷ 19, liên quan đến những tín điều cứng nhắc, bắt buộc sự tin phục từ một phía của quần chúng đối với nhà cầm quyền, con đối với cha, vợ đối với chồng, em đối với anh... Cho nên, khi chú giải Xa hạt, ông cũng dứt khoát cho rằng: “‘Ngưỡng’= chiêm vọng, núi cao thì ngửa mặt lên mà nhìn. ‘Cảnh hàng’= đường lớn và sáng thì đi theo; trực chỉ người ta ngước nhìn núi cao, đi theo đường lớn và sáng, chẳng tỉ dụ gì ở đây cả”, nhằm nhấn mạnh việc đi theo đường lối của Tống Nho. Đến đời Minh (1368-1644), Thanh (1644-1911), trào lưu giải thích Kinh Thi thời Chu Hy bị phản đối, người ta coi trọng thi ý và tình cảm hơn.
d) Trên các trang mạng Trung Quốc ngày nay có khá nhiều bài giải đáp hai câu thơ “Cao sơn ngưỡng chỉ, Cảnh hàng hành chỉ” và thành ngữ “Cao sơn cảnh hàng” này. Đại thể đều lược lại các chú giải của người xưa rồi nói: chữ 行 trong 景行 chú âm “xíng” - âm Hán Việt là “hành”, hoặc chú âm “háng” - âm Hán Việt là “hàng” đều có nghĩa là “con đường”; chỉ từ khi hai câu thơ Xa hạt nói trên được rút lại thành thành ngữ độc lập “Cao sơn cảnh hàng” thì chữ “hàng” mới bị đọc lầm là “xíng” - âm Hán Việt là “hành” (hành động) hay “xìng” - âm Hán Việt là “hạnh” (đức hạnh) v.v... Bởi về mặt tu từ, thơ văn người xưa rất chú trọng phép đối ngẫu, vế trước đã là “cao sơn” (高山, âm Trung Quốc là “gāoshān”) = “núi cao” thì vế sau có thể phải là “cảnh hàng” (景行, âm Trung Quốc là jĭng háng) = “đường lớn” mới đạt được cả đối ý, thanh âm và từ loại, chứ không thể trực tiếp đối bằng “cảnh hạnh” (景行, âm Trung Quốc là jĭng xìng) = “đức sáng” của con người. Rồi dường như để cho rõ ràng, dứt khoát hơn, không ít bài đã chua thêm cả chú âm bằng chữ cái La tinh cho hai câu thơ và thành ngữ này: “Cao sơn ngưỡng chỉ, Cảnh hàng hành chỉ” = 高山仰止, 景行行止 đọc là “gāoshān yăng zhí, jĭng háng xíng zhĭ”, hoặc rút gọn thành danh ngôn “Cao sơn cảnh hàng” = 高山景行 đọc là “gāoshān jĭng háng”.
5)Chỉ vì nhược điểm tiên thiên của chữ Hán là không giữ được liên hệ ngữ âm cố định với thực tế ngôn ngữ, lại thêm yếu tố thời gian biến đổi, nên khi chưa có chú âm bằng chữ cái La tinh thì chỉ một chữ 行 trong 景行 đang bàn cũng tốn bao giấy mực! Song đến đây đã có thể kết luận:
a) Trong văn cảnh xe ngựa rước dâu ở bài Xa hạt, hai chữ 景行 ở đầu đoạn kết không đọc là “cảnh hạnh” (đức hạnh cao quý) mà xưa đọc là “cảnh hành” hay “cảnh hàng”, sau chỉ đọc là “cảnh hàng”: “Cao sơn ngưỡng chỉ, Cảnh hành (hàng) hành chỉ”.
b) “Hành” hay “hàng” ở đây đều là “con đường”, nhưng khi hai câu thơ này tách khỏi văn cảnh nói trên, mở rộng và phổ cập, trở thành danh cú, danh ngôn thì càng nên đọc là “Cao sơn ngưỡng chỉ, Cảnh hàng hành chỉ”, bởi “hàng” nghĩa rộng hơn, phóng khoáng, khái quát hơn, không chỉ là đường sá thông thường mà còn là hàng lối, tuyến đường, đường lối(16). Và tất nhiên, khi được rút gọn lại thành một danh ngôn cũng đọc là “Cao sơn cảnh hàng” (高山景行) = “Núi cao đường lớn”.
6) Bốn đại tự 高山景行 (Cao sơn cảnh hàng) viết theo lối chữ chân trên cổng Đền Hùng thật đắc địa. Tuy cổng mới được xây dựng từ năm Khải Định thứ 2 (1917) nhưng nền móng kiến trúc Đền Hùng đã có từ thời Đinh Tiên Hoàng (980-1005), nghĩa lý của bốn đại tự ấy vốn cũng đã tiềm ẩn trong các thế hệ con Lạc cháu Hồng từ rất xa xưa và mãi mãi thường trực.
Bốn chữ ấy là biển đề nơi thờ cúng các vua Thủy tổ nước Việt Nam ta (“Nam Việt triệu tổ” 南 越 肇 祖, chữ đề trên Đền Thượng) đã có cống hiến và đức độ như núi cao, đã mở ra rồi truyền lại cho con cháu muôn đời sau con đường lớn và sáng dựng nước, giữ nước, làm cho đất nước phồn vinh.
Bốn chữ ấy là lời nhắc nhủ mọi người dân Việt Nam luôn ghi nhớ công đức của các vị vua tổ như núi cao, “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”(17), luôn đi theo con đường lớn và sáng hướng tới những giá trị cao đẹp đã trở thành yếu tố nội sinh của văn hóa Việt Nam như lòng tự hào dân tộc, nghĩa đồng bào – từ một bọc sinh ra – để sống với nhau có tình có nghĩa, thủy chung son sắt, đoàn kết, đại đoàn kết, chung sức chung lòng bảo vệ và xây dựng Tổ quốc mạnh giàu, sẵn lòng tiếp thu mọi cái hay cái quý của bốn phương. Tóm lại là luôn hướng về những giá trị cao quý, đi theo con đường chính đại quang minh.
Từ bốn chữ 高山景行 (Cao sơn cảnh hàng = núi cao, đường lớn và sáng), chúng ta nhớ trọn cả hai câu 高山仰止, 景行行止 (Cao sơn ngưỡng chỉ, Cảnh hàng hành chỉ = Núi cao ta ngước mắt trông. Đường thênh thang, sáng, giục lòng ruổi theo)!
______
(1) Nguyễn Minh Tường: “Suy nghĩ về lợi ích của việc dạy chữ Hán cho lớp trẻ hiện nay” (Tạp chí Hán Nôm, số 3 (70) năm 2005).
(2) Blogdulich ngày 24-9-2007, báo Giáo Dục & Thời Đại cập nhật ngày 8-4-2010.
(3) Không có trong tay bộ Kinh Thi, bản dịch của Tạ Quang Phát, đã xuất bản từ lâu, chúng tôi phải tự dịch lấy.
(4) Quý nữ: thiếu nữ, em út. Thệ là đi xa, đi không về, ở đây là xuất giá.
(5) Trong Kinh Thi, hai chữ “đói, khát’’ này thường dùng để chỉ chuyện gối chăn nam nữ.
(6) Đức âm: Nhờ một lời nói mà ơn suốt đời. Ở đây là nhờ mối manh nên duyên chồng vợ.
(7) Chim dẽ giun, mỏ dài, lưng sắc tro, có hoa trắng, ngực và bụng trắng toát.
(8) Thạc nữ: Thạc là to lớn, có tầm cỡ; thạc nữ là người con gái có danh vọng, nổi tiếng, được mến mộ.
(9) Chữ 射 ở đây đọc là “dịch’’. Vô dịch: không chán.
(10) Chỉ tửu là rượu ngon, ở đây dịch thoát là rượu đào.
(11) Gia hào: thức ăn thượng hảo hạng, quý hiếm. Thịt thú rừng ăn cỏ được ưa chuộng hơn thịt vật nuôi trong nhà.
(12) Cả một chuỗi liên tưởng: Thấy rặng sồi, nghĩ đến bổ củi sồi, việc bổ củi lại gắn với việc lấy vợ trong câu ngạn ngữ quen thuộc đương thời: “Bổ củi phi búa rìu chẳng đặng, lấy vợ phi mai mối không xong”và sánh vợ mình với cây sồi xanh tốt.
(13) Bản dịch Pháp văn của Granet L.X.: “On peut admirer les hautes montagnes! On peut cheminer sur les grands chemins!”.
(14) Không chỉ chữ 行 trong 景行 ở đây mới có nghĩa là “con đường” mà trong Kinh Thi, bài Tháng bảy, chương Uất Phong, cũng có chữ 行 là “con đường”: “女執懿筐, 遵彼微行, 爰求柔桑” (Nữ chấp ý khuông, Tuân bỉ vi hàng, Viện cầu nhu tang) = “Gái mang giỏ xinh, Men theo đường nhỏ, Hái lá dâu tơ” mà Granet L.X. cũng dịch là: “Les filles tenant leur corbeille, vont le long des petits sentiers, prendre aux mûriers la feuille tendre”.
(15) Tư Mã Thiên: Sử ký, Nhữ Thành dịch, T.1, NXB Văn Học, 1971, tr.251. Ở đây, người dịch cũng lầm trong câu thơ trích từ Kinh Thi.
(16) Từ điển Hán - Pháp do trường Đại hoc Bắc Kinh biên soạn, NXB Thương Vụ, Bắc Kinh, 1959, tr.174: 行 (háng) = “ligne” có nghĩa là “hàng, tuyến, tuyến đường, đường thẳng, đường lối” (thí dụ “ligne du parti” = đường lối của đảng).
(17) Hồ Chủ tịch nói với Trung đoàn Thủ đô ngày 19-9-1954 khi dừng lại thăm Đền Hùng trên đường về tiếp quản thủ đô Hà Nội năm 1954: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
1. 間關車之舝兮
思孌季女逝兮
匪飢匪渴
德音來括
雖無好友?
式燕且喜
2. 依彼平林
有集維鷮
辰彼碩女
令德來教
式燕且譽
好爾無射
3. 雖無旨酒
式飲庶幾,
雖無嘉殽?
式食庶幾
雖無德與女
式歌且舞
4. 陟彼高岡
析其柞薪
析其柞薪
其葉湑兮
鮮我覯爾
我心寫兮
5. 高山仰止
景行行止
四牡騑騑
六轡如琴
覯爾新昏
以慰我心
(詩經,Wengu, Classics chinois et traductions,
N. 218, Section II –小 雅, Chapiter 7)
Xa hạt
1. Gian quan xa chi hạt hề,
Tư luyến quý nữ thệ hề.
Phỉ cơ phỉ khát
Đức âm lai quát.
Tuy vô hảo hữu?
Thức yến thả hỉ.
2. Y bỉ bình lâm,
Hữu tập duy duật.
Thìn bỉ thạc nữ,
Lệnh đức lai giáo.
Thức yến thả dự,
Hiếu nhĩ vô dịch.
3. Tuy vô chỉ tửu?
Thức ẩm thứ kỷ.
Tuy vô gia hào?
Thức thực thứ kỷ.
Tuy vô đức dữ nữ
Thức ca thả vũ?
4. Thiệp bỉ cao cương,
Tích kỳ tạc tân
Tích kỳ tạc tân,
Kỳ diệp tư hề.
Tiên ngã cấu nhĩ,
Ngã tâm tả hề.
5. Cao sơn ngưỡng chỉ,
Cảnh hành (hàng) hành chỉ.
Tứ mẫu phi phi,
Lục bí như cầm.
Cấu nhĩ tân hôn,
Dĩ ủy ngã tâm.
Cái chốt đầu trục xe
(Tâm tình chú rể trên xe ngựa dọc đường đón dâu về)
1. Tang tình chuyển bánh xe hoa,
Chốt xe cất tiếng mừng ta đón nàng(4).
Phải đâu đói khát chiếu giường(5),
Mà vì mối kết(6) người thương nhớ thầm.
Bạn thân còn vắng bên thềm?
Tiệc vui vẫn cứ sáng đèn tối nay.
2. Ven rừng bát ngát xanh cây,
Dẽ giun điểm trắng(7) từng bầy sánh đôi.
Nàng son trẻ, khỏe, xinh tươi,
Nổi danh đức hạnh cho đời ganh đua(8).
Chén mừng thêm thắm duyên ưa,
Yêu nàng mãi mãi chưa vừa khát khao(9)!
3. Dù nay chưa sẵn rượu đào(10),
Rượu ngang sẽ sớm góp vào vui chung.
Đưa cay chưa sẵn mồi rừng,
Cùng nàng thưởng thức chút hương mồi nhà(11).
Đức độ dù kém nàng xa,
Cũng mời cùng múa cùng ca một chầu.
4. Gò cao in đậm vó câu,
Rặng sồi kia hẹn dồi dào củi đun.
Cành sồi bửa lấy củi đun,
Tán sồi xanh mượt vẫn còn xanh thêm(12).
Từ ngày ta bén duyên em,
Lòng vui phơi phới, ưu phiền sạch không.
5. Núi cao, ta ngước mắt trông,
Đường thênh thang, sáng, giục lòng ruổi theo.
Bốn ngựa thoải mái phi đều,
Sáu cương căng tựa bấy nhiêu dây đàn.
Nay ta đã cưới được nàng,
Thỏa bao ao ước dạ càng yên vui!
LÊ XUÂN VŨ dịch