Trong đời sống vợ chồng, được yêu thương là một nhu cầu thường trực, suốt đời. Thế nhưng với nhiều người, được yêu mà không được hiểu, nhiều lúc cũng bằng không. Có những thời điểm người ta có nhu cầu được hiểu còn mạnh mẽ hơn cả được yêu… vì thế có những cặp vợ chồng luôn trong tình trạng… mất đoàn kết chỉ vì không hiểu nhau hoặc một trong hai người luôn dằn dỗi chỉ vì người bạn đời không hiểu mình… và không hiếm khi nhận được sự thấu cảm từ một kẻ… thứ ba, họ dám bỏ hết để chạy theo người “tri kỷ”…
Thế nhưng oái oăm thay, Thượng Đế nếu có, thì người đã “lập trình” ra đàn ông và đàn bà với rất nhiều khác biệt, thậm chí trái ngược nhau… Và dường như đó là một thâm ý, để hai nhân vật này ngàn đời cứ chơi trò cút bắt. Họ thu hút lẫn xô đẩy nhau, không ngừng khám phá, chinh phục rồi lại phủ nhận nhau, si mê rồi chán nhau… Họ tồn tại, quấn quýt với những chuỗi tương phản, tương hợp không ngừng biến hóa trong vòng sinh tồn của loài người.
Vì thế, chuyện để những cặp nam – nữ hay đôi vợ - chồng hiểu nhau là vô cùng phức tạp, khó khăn, cứ như một bức họa bí ẩn hay một bài toán cao siêu chưa từng có ai hiểu hết hoặc “giải mã” cho rốt ráo, đó luôn là một thách thức cho cuộc sống vợ chồng.
Có một câu nói nổi tiếng: “Với đàn ông nên hiểu họ nhiều và yêu họ ít thôi, còn với phụ nữ thì nên yêu họ nhiều và hiểu họ ít thôi”. Nếu câu này đáng được xem như một chân lý thì ít người chồng, người vợ nào lại “an phận” với điều đó, họ luôn muốn hiểu nhau.

Đến nỗi, nhà văn Thạch Lam đã từng viết trong tác phẩm Theo giòng của ông, đại ý Thạch Lam cho rằng để hiểu được đàn bà, ông bằng lòng đánh đổi cả một đời… Thế đấy, người ta không chỉ có khát vọng được hiểu mà còn muốn hiểu nhiều về người khác phái, nhất là người khác phái của riêng mình.
VỢ CHỒNG CÓ HIỂU NHAU ĐƯỢC KHÔNG?
Ông Phiệt là giám đốc một cơ quan Nhà nước, một thủ trưởng được tiếng là “tâm lý” hay quan tâm đến mọi người nên được cấp dưới yêu mến, gần gũi. Vợ ông là một bác sĩ, họ có hai cậu con trai đã trưởng thành, nhìn vào trông họ khá hạnh phúc…
Thế nhưng, khi biết có cặp vợ chồng trẻ trong cơ quan lục đục, ông thường nói với họ một cách hài hước: “Vợ chồng cậu không hiểu nhau chứ gì? Tớ nói thật, tớ với vợ sống với nhau gần 30 năm mà còn không hiểu nhau nổi nữa là, dù bọn mình sống trong một nhà, cùng nói tiếng Việt mà cứ như hai người ngoại quốc ấy!”. Bây giờ, đến lúc sắp về hưu rồi, ông cũng chẳng cần vợ hiểu mình nữa, thế mà cảm thấy nhẹ lòng.
Còn T. Dung, một phụ nữ nhan sắc, thông minh, khoa bảng… luôn được những cộng sự quý mến, được lớp trẻ ngưỡng mộ, chị khá bằng lòng với những gì mình làm cho gia đình và cho cộng đồng nhưng nghĩ đến chồng, chị lại ấm ức vì “ông ấy không hiểu mình” nhiều lúc không kìm được T. Dung đã bộc bạch như vậy. Vì từ lâu, với chị học hành, nghiên cứu là một nhu cầu tự thân nhưng ông chồng lại xem chị là người “háo danh”.
Là một phụ nữ đức hạnh nên dù chung quanh không hiếm những người đàn ông ngưỡng mộ nhưng chị rất giữ ý trong những mối quan hệ nhạy cảm này. Có lúc T. Dung thú nhận: “Không phải mình không có “khả năng” ngoại tình nhưng có lẽ vì quá tự trọng, mình không làm như thế được”. Trong khi chồng thì luôn nghi ngờ, ghen bóng ghen gió, dằn vặt vợ, ngay cả những lúc gia đình êm ấm nhất… khiến chị cảm thấy tủi cực, vì mình như một vầng trăng trong trẻo, nhưng chồng xem như một… đồng xu dễ dàng bị vấy bẩn, bị mất.
Có những cặp trong thời đầu yêu đương hay mới chung sống họ thấy rất hiểu nhau, đoán biết được những suy nghĩ, nhu cầu của nhau hoặc chỉ cần biểu lộ một ánh mắt, một cử chỉ là người kia đã hiểu thấu “ruột gan” mình, thế là sung sướng lắm…
Và nhiều người thích tìm được “một nửa” của mình là người nhạy cảm, thông minh vì cho rằng những phẩm chất ấy giúp đối tượng hiểu được mình một cách nhanh chóng, dễ dàng mà không cần phải nói ra. Đặc biệt phái nữ rất cần được người bạn đời hiểu đúng về mình, nhận ra giá trị của mình. Nhưng phái nam thì thường khó đáp ứng nhu cầu này.
Khi còn theo đuổi, tán tỉnh họ cũng tỏ vẻ “hiểu” nàng để chiếm được trái tim người đẹp nhưng khi đã cưới được rồi, họ không quan tâm lắm đến chuyện hiểu vợ, nhất là tâm lý của các bà vợ thì hay diễn biến… thất thường, cứ như thời tiết, ông chồng nào mà “dự báo” cho nổi. Họ cảm thấy làm tròn bổn phận là đủ rồi. Trong khi vợ họ thường ấm ức vì chồng không hiểu mình.

Nhiều cô vợ trẻ, dù chồng mang về tiền bạc đầy đủ, lo toan được nhiều việc cho gia đình, thế nhưng vẫn than thở: “Ảnh chẳng biết mình muốn gì, vui buồn ra sao…”, “Không hiểu” ở đây bao gồm việc chồng không quan tâm, không công nhận, không hiểu đúng, không ủng hộ về những nỗ lực hay giá trị bản thân của họ… Nhiều đức ông chồng thú nhận dù yêu vợ nhưng hiểu được vợ là điều khiến họ đau đầu nhất.
ĐÀN ÔNG… DỄ HIỂU?
Trái với các ông chồng, nhiều bà vợ tỏ ra chủ quan trong việc hiểu chồng, không ít bà tuyên bố: “Tôi đi guốc trong bụng ổng” hoặc cho rằng: “Biết rõ tim đen” của chồng. Thật ra cũng có người hiểu chồng thật, nhưng số đó không nhiều. Họ thường hiểu lầm chồng mình thì đúng hơn, nhất là cái kiểu “suy bụng ta ra bụng… chồng”. Đây chính là bi kịch lớn nhất của phái nữ.
Chẳng hạn khi người phụ nữ ngoại tình, đó là một biến động lớn trong đời, một cơn bão mạnh có thể tàn phá mọi thứ. Nhưng với đàn ông, nhiều khi chỉ là một cơn gió thoảng, một cuộc rong chơi vô tội vạ, ham muốn nhất thời, rồi quên, “lá rụng về cội”. Nhưng không hiếm phụ nữ vật vã đau đớn, làm lớn chuyện, thậm chí muốn chết quách cho xong khi biết chồng lăng nhăng với cô đồng nghiệp, vui vẻ với cô hàng xóm hay vụng trộm với cô giúp việc trong nhà…
Có những bà vợ vô cùng cả tin vì chồng mình là người đạo mạo hay có địa vị xã hội, có học vấn cao, có uy tín trong cộng đồng hay chí thú làm ăn hoặc đã “no đủ” trong chuyện chăn gối với vợ nhà thì không bao giờ “thèm phở”. Thực tế cho thấy rằng cả những vị tổng thống có uy tín trên thế giới (như cố Tổng thống Pháp Mitterrand hay cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton) thì cũng “thèm phở” như một anh… xe ôm thiếu “cơm” lâu ngày.
HIỂU NHAU ĐẾN ĐÂU LÀ ĐỦ?
Vợ chồng luôn cần hiểu nhau, “có hiểu mới có thương”, hiểu để chấp nhận và cả đề phòng những nguy cơ đe dọa tổ ấm. Nhưng hiểu một con người đâu phải là chuyện dễ, có khi hiểu được rồi nhưng ngay sau đó họ lại khác đi, vì diễn biến tâm lý là một dòng chảy không ngưng nghỉ, suốt đời, tùy thuộc vào rất nhiều thứ như hoàn cảnh, tâm sinh lý, tuổi tác, những thành công thất bại trong đời…
Liệu có phải là một đòi hỏi quá cao cấp, khi cứ muốn người bạn đời phải hiểu mình thật đầy đủ hay lúc nào cũng phải thấu hiểu, trong khi chính mình hiểu được cái “vũ trụ” của mình cũng chẳng là điều dễ dàng. Nếu có ai đó thú nhận vợ chồng họ “hiểu nhau quá mà” nhiều khi là một sự báo động, vì khi ấy người ta không còn yêu nhau được nữa mà chỉ có thể xem như bạn bè.
Chỉ e rằng khi khám phá hết rồi thì còn gì là bí ẩn, còn gì để chinh phục, cuốn hút nhau nữa?