Về câu tục ngữ “Gái thương chồng…”

HÀ VĂN THÙY

Mấy năm trước, trên tờ báo mạng của người Việt ở nước ngoài, có bài viết giảng giải câu tục ngữ “Gái thương chồng đang đông buổi chợ / Trai thương vợ nắng quái chiều hôm”. Thấy đây là đề tài lý thú, tôi xin bàn góp đôi lời…

NẮNG QUÁI HAY NẮNG XẾ?

Để giảng một câu tục ngữ, điều trước hết là phải có văn bản chính xác của câu đó. Câu tục ngữ ở dạng văn bản trên gợi ra sự hoài nghi. Vì vậy, trước khi vào chuyện, không thể không xem xét tính xác thực của văn bản.

Với câu trên, ta thấy: từng cặp vần chồng / đông, chợ / vợ được bố trí đúng quy luật gieo vần của tục ngữ. Vậy thì sau từ vợ, theo quy tắc hiệp vần phải là vần , được gọi là chính vận. Nhưng nếu cứng nhắc như thế, câu tục ngữ với liên tục 3 vần sẽ lâm vào tình trạng khổ độc. Để tránh chuyện này, dân gian dùng phép biến vận. Trong những biến vận có thể có, dân gian tìm được những từ xế, quá để tạo thành nắng xế hay nắng quái chiều hôm.

Tuy nhiên, nếu phân tích theo luật hợp vận thì vợ chỉ gồm một phụ âm và một nguyên âm, nên hiệp vần với nó cũng chỉ có thể là một từ gồm một nguyên âm và một phụ âm: xế. Từ quá là sự chọn lựa gượng ép, còn quái lại càng gượng ép hơn nên không thể chấp nhận! Từ những phân tích trên, tôi cho rằng, nguyên bản của câu tục ngữ phải là trai thương vợ nắng xế chiều hôm! Cách nói này tôi gặp khoảng 50-60 năm trước, trong dân gian đồng bằng Bắc Bộ.

THỬ GIẢI NGHĨA CÂU TỤC NGỮ

Nói nôm na, tục ngữ là lời nói thông tục. Nhưng đó không phải lời thông thường mà là những lời đúc kết từ những kinh nghiệm, tri thức của dân gian trong quá trình sinh hoạt lao động sản xuất, phản ánh quy luật chung nhất của tự nhiên và xã hội, phản ánh một cách khách quan, vô tư, không mang tính chất của lời dạy đạo đức. Thuốc đắng giã tật; trung ngôn nghịch nhĩ; khôn sống mống chết… là những tục ngữ như vậy.

Từ lâu rồi, tôi có cách hiểu của mình: cuộc đời của con người ví là một ngày thì người vợ thương chồng vào lúc chợ đông, tức lúc tuổi đang trẻ, đang xuân, khoảng 9 giờ 30 tới 10 giờ 30 sáng. Còn vào lúc xế bóng cuộc đời, người chồng mới biết thương vợ.

Quả thật tôi không yên tâm lắm vào cách lý giải này nhưng thời gian dài cũng chưa tìm ra cách giải xuôi hơn. Một lần trên xe từ Thành phố Hồ Chí Minh về Rạch Giá, tôi hỏi người bạn. Anh nói: “Anh là người thứ hai hỏi tôi câu ấy. Trước đây nhiều năm, cũng trên xe thế này, một cô gái hỏi tôi. Lúc đầu, tôi cũng phân vân. Nhưng sau rồi hai anh em bàn luận, tôi thấy, câu đó nói rằng, đang đông buổi chợ là lúc ồn ào, sôi nổi.

Gái thương chồng là tình thương ồn ào bộc phát, nhưng sau đó là chợ chiều vắng lặng. Còn người trai thương vợ lặng lẽ như nắng quái chiều hôm, không gay gắt nhưng sâu bền; cũng gần với câu Đàn ông nông nổi giếng khơi / Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”.

Tôi thấy lời giải của bạn có vẻ xuôi tai. Nhưng rồi sau đó, ngẫm nghĩ lại, tôi nhận ra, không hẳn vậy! Đúng là đàn bà nông nổi nhưng là sự nông nổi về tư tưởng, còn tình cảm không hẳn là bột phát bột tàn. Thêm nữa, nếu sau chợ đông là chợ chiều lặng lẽ thì sau nắng xế lại là nắng tắt, tức là cùng dễ quên như nhau! Sự so sánh không còn ý nghĩa.

Mặt khác, đâu phải tình thương của người vợ không sâu đằm khi xế chiều? Ở đây còn có sự không phù hợp trong nguyên tắc so sánh. Nếu mọi sự so sánh đều khập khiễng thì so sánh trạng thái tình cảm bằng cảnh chợ đông với nắng quái càng khấp khiễng hơn vì là so sánh giữa hai đối tượng khác loại!

Không chịu dừng, tôi đi hỏi một nhà nghiên cứu. Ông nói: “Tôi cũng băn khoăn về câu này, suốt cả một phần cuộc đời không tìm ra cách giải. Nhưng rồi một lúc nào đó, tôi ngộ ra. Trước hết, tôi nhớ lại câu đó là nắng xế chứ không phải nắng quái. Thực ra nó rất đơn giản, rất gần với nghĩa đen. Câu này sinh ra trong cộng đồng nông nghiệp chồng cày vợ cấy.

Hãy tưởng tượng, buổi sáng mùa hè, người vợ trẻ dậy sớm nấu cơm nước, chăm gà lợn sau đó dọn cơm cho chồng ăn uống để đi cày đồng xa. Chồng đi rồi, nàng cũng vội vàng ra đồng cắt cỏ. Khoảng gần trưa – vào lúc đang đông buổi chợ, 9 giờ 30 tới 10 giờ 30, theo cách tính thời gian của cư dân nông nghiệp - người vợ trẻ về nhà, vội vàng lo cơm nước, lúc này lòng thấy thương chồng: nắng bức, mệt nhọc, khát, đói. Nấu xong cơm, cho lợn gà ăn rồi đầu đội bó cỏ, tay xách cơm nước, chân bước vội ra đồng.

Người trai cày đồng xa, suốt ngày làm việc một mình với con trâu, một công việc đơn độc và buồn tẻ. Khi nắng xế chiều về, người thấm mệt, càng thấy vắng vẻ nên càng nhớ nhà: thương vợ tảo tần vất vả, mong chóng hết buổi về nhà sum họp cùng với niềm vui ban tối… Như vậy, câu tục ngữ chỉ nói về thời điểm thương nhớ trong một ngày của vợ chồng nông dân trẻ thời xưa. Chỉ đơn giản vậy thôi và không hề nói tới trạng thái của tình cảm.

Câu tục ngữ là sản phẩm của nền tiểu nông xưa nên con người hiện đại khó cảm được. Hiểu như vậy cũng phù hợp với nguyên tắc so sánh: trong thời gian một ngày thì người vợ thương chồng lúc này, còn người chồng thương vợ lúc khác.

Cách giải này thoả đáng không, xin bạn đọc vui lòng chỉ giáo!


Bài liên quan: