1) Tôi thật sự ngạc nhiên về cuộc đời ông. Những người dòng dõi hoàng tộc như ông, giỏi lắm cũng chỉ là người đi theo cách mạng. Đến khi cách mạng nổ ra, nhiều người đi theo kháng chiến, tham gia kháng chiến. Người chống Pháp như vua Duy Tân là rất hiếm, thậm chí là duy nhất. Còn người đi làm cách mạng trở thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp như Nguyễn Minh Vỹ (tên thật là Tôn Thất Vỹ), có lẽ cũng chỉ có mình ông.
Duyên do là nhờ ông có một người anh họ là Tôn Thất Cự, giáo viên tiểu học, đã tham gia cách mạng, là đảng viên Tân Việt Cộng sản đảng. Người anh này đã ảnh hưởng đến việc hình thành tư tưởng của chàng thanh niên học giỏi, ham hiểu biết này. Thế nên ở tuổi choai choai, người khác thì chăm học, học giỏi để được vinh thân phì gia, nhưng ông đã quan tâm đến những vấn đề chính trị, nên được các học sinh cùng chí hướng, ở các lớp trên giác ngộ dìu dắt, tuyên truyền về Đảng rồi giao những công việc chẳng to tát gì như đọc báo Đảng, truyền lại cho người cùng muốn tìm cái mới, cái tiến bộ để thử thách. Không có những chuyện nhỏ nhặt, bước đầu để thử thách như thế thì làm sao có những việc lớn hơn?
Một may mắn nữa, Tôn Thất Vỹ lại được học một ông thầy yêu cái mới, cái tiến bộ là thầy giáo Trần Đình Đàn (sau này là Nhà giáo Nhân dân). Những tư tưởng tiến bộ của cuộc cách mạng tư sản Pháp (1789) là ước mơ của người dân thuộc địa Việt Nam. Bài quốc ca Pháp cũng tác động mạnh đến tâm hồn yêu nước, yêu cái mới, cái tiến bộ của ông. Chả thế sau này, trong cảnh tù khổ sai, cái tinh thần cách mạng của bài quốc ca ấy đã trở thành ngọn lửa thôi thúc ông giữ vững tinh thần. Thời ông, có một người khác mà khi ấy ông hoàn toàn không biết, nhưng cũng trải qua một chặng đường giác ngộ tư tưởng như ông, cũng được bài quốc ca Pháp cổ vũ khích lệ như ông, nên sau này (1944) đã sáng tác bài Tiến quân ca, đó là Văn Cao. Bài ca ấy đã cổ vũ bao thanh niên theo tiếng gọi yêu nước lên đường thề phanh thây uống máu quân thù. Còn bài La Marseillaise thì có ca từ: hãy để cho dòng máu hôi tanh (của quân thù) tưới đẫm những luống cày của chúng ta. Cả hai bài đều được chọn làm quốc ca của hai nước; đều là hai khúc tráng ca, hào hùng như nhau. Sau năm 1975, ta có sửa lời bài Tiến quân ca cho phù hợp với lịch sử đất nước đã sạch bóng quân thù, nhưng bài La Marseillaise của người Pháp thì trước nay vẫn giữ nguyên. Có điều cả hai ông Tôn Thất Vỹ và Văn Cao đều không biết thông tin này: Trang web CracRed.com của Mỹ, chuyên thực hiện những thống kê thú vị về văn hóa, nghệ thuật, khoa học, xã hội… thế giới với hàng triệu người truy cập hằng ngày đã bình chọn xem quốc ca nào hào hùng nhất thế giới thì kết quả là: 1. Việt Nam; 2. Pháp; 3. Thổ Nhĩ Kỳ; 4. Hungary; 5. Ý!
Khi đã được kết nạp vào Sinh hội đỏ, Thanh niên cộng sản đoàn, rồi là đảng viên, Tôn Thất Vỹ được Đảng tín nhiệm giao cho tờ báo Búa Liềm để đọc, đọc xong thì truyền lại cho người cùng chí hướng, tin cậy xem. Sau đó ông trở thành người biên tập, cả viết bài và phát hành tờ Búa Liềm (in litô). Bây giờ, những việc ấy là quá bình thường, nhưng thời ấy đều là những việc chết người, tù đày như bỡn.
Và tuy không bị bắt vì làm báo, nhưng sau đó, vì tham gia bãi khóa ở Vinh (khóa học 1930-1931) nên trường bị đóng cửa. Ông chuyển vào Quy Nhơn học, nhưng cuối cùng cũng bị địch bắt (ngày 19-7-1931), kết án 7 năm tù khổ sai. Trong tù, bài quốc ca Pháp vẫn tác động đến tinh thần của ông và các đồng chí nên các ông nghĩ ra một hình thức đấu tranh là dịch ca từ quốc ca Pháp ra tiếng Việt:
… Mau mau ta tiến lên đoàn
Cờ trương trống gióng sắp hàng ngũ đi
Hề hề tiến tới phen ni
Làm cho máu chúng chảy đầy ruộng ta!
Dịp thuận lợi là đây. Hôm ấy, chi bộ nhà tù tổ chức kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga. Tất nhiên anh em tù bị dùi cui nện vào bất cứ chỗ nào trên người. Lệnh phát ra, bài quốc ca Pháp đồng thanh vang lên. Xem chúng có đứng nghiêm theo đúng nghi thức của bất kỳ quốc gia nào không? Không, chúng vẫn vụt, vẫn quật vào bất kỳ chỗ nào. Các ông vẫn hát. Hát hết quốc ca Pháp, lại hát Quốc tế ca (bằng tiếng Pháp). Một đằng cứ hát, một đằng cứ đánh. Hát đi hát lại. Nếu bấy giờ đã có Tiến quân ca thì các ông cũng hát rồi! Chúng đánh chán tay, mỏi tay, cũng không khuất phục được các ông. Cuối cùng cũng phải chùn tay bỏ cuộc, chịu mấy cha cộng sản gan cóc tía, rắn mặt, cứng đầu!
 |
Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris. Hàng đầu từ phải sang: nhà báo Nguyễn Minh Vỹ, Bộ trưởng Xuân Thủy, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ... |
2) Ông từng là đại biểu Quốc hội khóa 1 mà vì hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ tư cách ấy tồn tại suốt 30 năm (từ 1946 đến 1976), nhưng không phải đại biểu nào cũng được gia hạn như thế. Từng là Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Khánh Hòa. Tập kết ra Bắc, ông giữ chức Vụ trưởng Vụ Quan hệ Bắc - Nam; Chủ nhiệm báo Thống Nhất; Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin kiêm Phó ban Tuyên huấn Trung ương; Phó trưởng đoàn đại biểu chính phủ tại hội nghị bốn bên ở Paris suốt 5 năm. Người đảng viên tên gốc là Tôn Thất Vỹ dòng dõi hoàng tộc này đã được trao Huân chương Độc lập hạng nhất, truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.
3) Tôi kính trọng những trọng trách ông đã đảm nhiệm. Nhưng đặc biệt thích thú rất nhiều chi tiết ông ghi lại với tư cách là người trong cuộc trong cuốn sách Con người và quê hương do con gái ông, PGS-TS Tôn Nữ Bích Thu, gom lại cho cha mình - nhà cách mạng, nhà báo, nhà ngoại giao Nguyễn Minh Vỹ.
Hóa ra hình ảnh con voi một ngà, nặng mấy tấn lơ lửng giữa trời trên cần cẩu tàu Ba Lan Kilinxki chở cán bộ, quân nhân ta từ quân cảng Quy Nhơn ra Bắc tập kết là do trung tá Nam - bí danh của ông - chỉ huy quân cảng này chỉ đạo thực hiện để đưa nó ra Bắc sung vào đoàn xiếc Trung ương.
Hóa ra trong những năm chống Pháp, 300km đường sắt của vùng tự do từ Phú Yên qua Bình Định, Quảng Ngãi vào đến nửa tỉnh Quảng Nam vẫn hoạt động được dù chạy bằng đầu máy hơi nước, máy kéo hay đẩy tay xe goòng! Ông vốn đã phục vụ trong ngành đường sắt Đông Dương với chức vụ trưởng ga nên rất tự hào về việc ấy!
Sau này ở Paris, một lần Công đoàn Đường sắt Pháp có mời ông đến nói chuyện. Khi Ban tổ chức giới thiệu nhà ngoại giao vốn là dân đường sắt thì có người đứng lên chất vấn ngay: điều gì chứng tỏ ngài là dân đường sắt? Ông liền đọc thuộc lòng Khoản 1, chương 1 quy chế ngành đường sắt Đông Dương: mọi nhân viên, bất kỳ ở cấp bậc nào cũng phải tuân thủ thụ động và tức khắc theo các hiệu lệnh. Cả hội trường vỗ tay vang dội, vì họ nhận ra đúng là đồng nghiệp. Thế là hết lời đả đảo Mỹ, ủng hộ Việt Nam. Bởi người đường sắt dù ở châu lục nào cũng phải tuân thủ 2 chữ T: tính nền nếp, kỷ cương, giờ giấc; T thứ hai là tính đường sắt. Bất cứ ở đâu dù là áo xanh (vận hành), áo trắng (cơ khí), áo vàng (cầu đường) khi nhận ra đồng nghiệp, đều phải đối xử với nhau như người thân…
Ông cũng là con người của chữ nghĩa, thơ phú không phải với cái nghĩa đã từng tham gia sáng lập nhóm Thái Dương văn đoàn cùng Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan, Nguyễn Viết Lãm… ra tập san Nắng xuân - 1937. Ông từng viết Con người Hàn Mặc Tử qua thơ anh dài tới 20 trang sách in, vì khi ra tù (năm 1934), sau bốn năm khổ sai, hai năm quản thúc ông được thi sĩ giúp đỡ nhiều. Ông mở lớp dạy hè cho học sinh ở Bình Định. Chả biết dạy theo chương trình nào, hay cứ tự biên tự diễn. Ông chỉ nhớ mình đã nói với học trò về Cách mạng tư sản Pháp, Cách mạng tháng 10 Nga, về Những kẻ khốn nạn của V.Hugo (do Nguyễn Văn Vĩnh dịch)…, về quãng đời mình... Trong số học trò ấy, một người có đôi mắt luôn mở to, luôn háo hức nghe thầy kể chuyện và thường nài thầy kể thêm… Đó là Phan Ngọc Hoan, nhà thơ Chế Lan Viên sau này. Chả thế, khi nói về những bước đường thơ của mình trong Bước đầu của tôi trên báo Văn Nghệ (1-7-1986), Chế Lan Viên đã trân trọng đề: “Kính tặng anh Nguyễn Minh Vỹ, người đã đưa tôi vào con đường văn học”. Còn ông thì đã viết về tập Điêu tàn của Chế Lan Viên (tới 14 trang sách in) để trao đổi với một nhà phê bình về đánh giá Điêu tàn. Ông cũng đã có một bài nghiên cứu về Cuộc sống và con người trong ngọn lửa chiến đấu ở miền Nam, dài 10 trang trên tạp chí Văn Học tháng 5-1964.
4) Nói ông là con người chữ nghĩa không chỉ vì, như con gái ông đã nói, ba chị cái gì cũng đá gà đá vịt một tí. Phê bình một tí, nghiên cứu một tí, thơ phú một tí. Báo chí thì ông viết nhiều lại từng lãnh đạo một tờ báo, đã từng đứng đầu cơ quan quản lý báo chí cả nước, ngày ấy là Tổng cục Thông tin, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông.
Mặc dù những công việc trên đều là việc chữ nghĩa nhưng nói Tôn Thất Vỹ là con người của chữ nghĩa, là tôi muốn nhắc đến việc ông đã từng phải đau đầu nhức óc suy nghĩ về nội dung chính trị bài viết mà còn phải cân nhắc từng từ, từng dấu lúc được giao chủ trì soạn thảo bản tuyên bố của Quốc hội ta giữa năm 1962, khi Mỹ lập Bộ chỉ huy quân sự ở miền Nam. Chọn nhóm từ nào giữa (người Mỹ) “tăng cường chiến tranh” hay “mở rộng chiến tranh” hoặc “trực tiếp tiến hành”, “lên án” hay “phản đối”, “làm thất bại” hay “đánh bại”, “yêu cầu” hay “mong nhận được sự ủng hộ giúp đỡ” v.v… Tất cả đều phải xem xét dưới cả hai khía cạnh rất nhạy cảm về chính trị và rất chính xác về từ ngữ. Và với lối phát âm phương ngữ miền Trung của ông thì dấu hỏi và dấu ngã, nói một đằng lại viết một nẻo, nên ông bị lầm lẫn làm Bác phải dặn “người mình phải viết chữ mình cho đúng chứ”!
Văn kiện này thảo xong, ông trực tiếp trình lên Bác Hồ, sau đó ông Trường Chinh, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng sẽ xem lại. Trước đó, Bác đã cẩn thận nhắc ông “người Mỹ sẽ nghiên cứu kỹ bản tuyên bố” đấy. Cuối cùng bản thảo cũng được duyệt (hiện nó được trưng bày trong Bảo tàng Cách mạng Việt Nam do ông tặng).