Vụ gian lận lớn nhất lịch sử giáo dục Mỹ

Những hệ lụy của cách nhìn sai lầm về tỉ số thi đỗ (tt)
Kỳ II: Vụ gian lận lớn nhất lịch sử giáo dục Mỹ


Hệ thống trường tiểu học - trung học công lập Atlanta (APS = Atlanta Public Schools) gồm 100 trường với khoảng 55.000 học sinh trong đó khá nhiều dân Mỹ gốc Phi và Mỹ La tinh, gần 3/4 học sinh có mức sống ngang hay dưới mức nghèo khổ.

Trước năm 1999, hệ thống học đường này đã và đang lâm vào tình trạng gay go: chỉ có khoảng 2/5 số học sinh tốt nghiệp trung học năm 2000 và điểm số trên những bài thi kiểm tra điều hành toàn quốc như SAT, ACT đã tụt sau xa mức trung bình của các bang và của quốc gia.

Gian lận để lấy thành tích

Trong bối cảnh đó, năm 1999, chính quyền thành phố Atlanta đã tuyển chọn Beverly Hall, người phụ nữ thuộc loại nhà quản lý hàng đầu trong hệ thống trường học của thành phố New York (là học khu lớn nhất nước Mỹ) và đã vừa trải qua 3 năm được bổ nhiệm làm Giám đốc Giáo dục học khu Newark, N.J. Bà Hall đến Atlanta năm 1999 và nhà lãnh đạo giáo dục được mệnh danh là “nói không với những điều vô nghĩa” này đã thề sẽ làm thay đổi tốt học khu Atlanta trong thời gian tới.

Quả nhiên, người ta thấy hệ thống trường công lập Atlanta nổi bật lên trong cả nước Mỹ trong suốt thập niên 2000 vì điểm các bài thi kiểm tra học lực của học sinh tăng liên tục, hiện nay (2011) hơn 65% học sinh có bằng Tốt nghiệp Trung học (High School Diploma), và học khu Atlanta là một trong những khu đô thị lớn được ghi nhận có độ nhảy vọt lớn nhất về điểm thi theo NAEP (National Assessment of Educational Progress = Đánh giá quốc gia về tiến bộ giáo dục).

Với những thành tích vượt trội ấy, học khu Atlanta đã nhận được sự lưu ý và tài trợ từ Quỹ Broad (Broad Foundation) và Quỹ Gates (Gates Foundation).

Thành tích ấy đã giúp cho bà Hall đoạt các giải thưởng quốc gia: giải thưởng hàng đầu dành cho những nhà lãnh đạo giáo dục đô thị của Hội đồng trường các đô thị lớn năm 2006 (Council of the Great City Schools), giải thưởng “Người giám đốc sở giáo dục quốc gia của năm” trong năm 2009 (National Superintendent of the Year Award) và được ghi tên vào danh sách những người được tuyên dương vì những công việc tốt của Sở Giáo dục Mỹ. Danh tiếng của bà Beverly Hall nổi như cồn, ngay cả việc trụ lại dài lâu 12 năm ở cương vị Giám đốc Sở Giáo dục Atlanta cũng nổi bật lên cả nước, vì ít Giám đốc Sở Giáo dục đô thị nào ở tại một học khu hơn 4 năm.

Nhưng mới đây (tháng 6/2011), các nhà điều tra của Văn phòng điều tra bang Georgia (Georgia Bureau of Investigation) đã phát hiện: Các giáo viên, hiệu trưởng và nhân viên trong 44 trường của học khu Atlanta dưới quyền lãnh đạo của bà Hall đã tẩy xóa và thay đổi những câu trả lời của học sinh trong các bài thi kiểm tra trình độ để nâng tỉ số đỗ lên!(1).

Thống đốc bang Georgia, Nathan Deal, họp báo công bố báo cáo điều tra dày 800 trang vào ngày 5/7/2011. Ảnh: AP

Đây được xem là vụ gian lận lớn nhất trong lịch sử giáo dục Mỹ và từ vụ này đã có hàng chục vụ gian lận trên khắp nước Mỹ bị phanh phui trong thời gian gần đây. Ngày 5/7/2011, ông Nathan Deal, Thống đốc bang Georgia, đã nói là chính nhờ những gian lận này mà ngành giáo dục công lập tiểu học - trung học Atlanta đã giành được những giải thưởng!

Văn phòng của ông đã đưa ra một báo cáo từ Georgia Bureau of Investigation, nêu tên 178 giáo viên và hiệu trưởng tham gia gian lận - trong đó 82 người đã nhận tội. Bản báo cáo cho thấy một âm mưu “lan rộng” trong các giáo viên, hiệu trưởng và cán bộ quản lý để tẩy sửa, điều chỉnh những câu trả lời của học sinh trong bài thi kiểm tra trình độ so với chuẩn CRCT (Criterion-Referenced Competency Test), che giấu các việc làm sai trái, trừng phạt những người tiết lộ với công luận hay thượng cấp(2).

Vụ điều tra về gian lận này làm nhơ danh thời kỳ ngự trị 12 năm Giám đốc Sở Giáo dục Atlanta của bà Berverly Hall, người đã được vinh danh là Giám đốc Sở Giáo dục nước Mỹ năm 2009 (US Superintendent of the Year in 2009) do công lao đem lại hiệu quả giáo dục của hệ thống các trường học.

Văn phòng điều tra bang Georgia không nói bà Hall trực tiếp dính líu vào vụ gian lận, nhưng họ nói rằng bà hầu như biết, hay đáng lý phải biết, những gì đã và đang xảy ra. Cũng có dư luận rằng, bà đã ra lệnh che giấu những thay đổi bất hợp pháp trong việc thi kiểm tra. Bà Hall đã từ nhiệm và trong bài phát biểu rời chức vụ, từ biệt các giáo viên vào tháng 6/2011, bà lần đầu tiên xác nhận có việc làm sai trong học khu, nhưng đổ lỗi cho những người quản lý khác.

Những hành động của bà Hall trước đây được cho là đem lại hiệu quả tốt cho giáo dục học khu Atlanta thì nay thuộc trong số những việc đang bị soi xét tỉ mỉ trong cuộc điều tra kéo dài cả năm về những gian lận trong các kỳ thi kiểm tra chuẩn hóa cho học sinh Atlanta năm 2009. Học khu Atlanta đang đối mặt với sự mất tín nhiệm, đang bị đặt vào thời gian thử thách bởi Hiệp hội miền Nam các trường cao đẳng và trung học (Southern Association of Colleges and Schools) trong việc công nhận giá trị.

Một trong những khía cạnh rắc rối nhất của vụ tai tiếng này - bản báo cáo cho biết - là học khu Atlanta đã nhiều lần từ chối việc điều tra một cách thích hợp hay từ chối chịu trách nhiệm về việc gian lận. Hơn nữa, một số hiệu trưởng không hợp tác với các điều tra viên. Một cán bộ quản lý đã chỉ thị cho các nhân viên nói với các điều tra viên là “đừng quấy rầy tôi nữa”. Khi các giáo viên cố gắng cảnh báo tình hình gian lận với các giới chức có thẩm quyền, họ bị gán cho là “bất mãn”. Một hiệu trưởng đã mở một cuộc điều tra về tư cách đạo đức chống lại một giáo viên tiết lộ thông tin ra bên ngoài.

Bà Beverly Hall, người bị nghi ngờ đã che đậy các sai phạm của ngành giáo dục thành phố Atlanta. Ảnh: AP

Các cuộc điều tra do báo AJC (Atlanta Journal-Constitution) và của Văn phòng điều tra bang Georgia đã tìm thấy cùng một mô thức phù hợp với các vụ gian lận ở nơi khác: Điểm thi kiểm tra của năm mà học sinh phải dự thi kiểm tra thì nổi cao lên một mức và năm sau không kiểm tra thì lại giảm xuống gần như cùng một mức ấy. Theo Thomas Haladyna, một chuyên gia về thi kiểm tra tại Đại học bang Arizona, một cuộc điều tra của USA Today vào tháng 3/2011 đã tìm thấy những dữ liệu tẩy xóa trong 6 bang và vùng District of Columbia, và cũng đã chỉ ra những “mô thức bất thường” này. Cuộc điều tra đang tiến hành và người ta nói sẽ sớm kết thúc để đưa ra tòa án trong tương lai gần.

Tại sao có gian lận?

Có thể nói thủ phạm được gán cho việc “lấy tỉ số đỗ làm thành tích đánh giá giáo dục” của các chương trình cải cách giáo dục NCLB (No Child Left Behind = Không trẻ em nào bị bỏ tụt hậu) của Tổng thống Bush, và RTTT (Race To The Top = Chạy đua lên hàng đầu) của Tổng thống Obama.

Chương trình cải cách giáo dục NCLB (Không trẻ em nào bị bỏ tụt hậu)(3)

Tuy chính phủ liên bang Mỹ có Bộ Giáo dục, nhưng nội dung chương trình học hệ thống K-12, từ Kindergarten (4-6 tuổi) tới lớp 12 (16-19 tuổi), trong bang nào thì do Sở Giáo dục của bang ấy lo, và từ những năm khoảng 2000 trở về trước các bang giao cho các trường tự lo liệu bài thi, chấm thi mà hầu như không có bài thi kiểm tra chung trong một bang.

Tình trạng để cho các trường tự lo liệu đó đã khiến cho nền giáo dục hệ K-12 của Mỹ không có chuẩn trình độ chung và sa sút về nhiều mặt: tỉ lệ bỏ học cao, không chăm học, nhiều học sinh tuy tốt nghiệp trung học nhưng thực học thì rất kém. Do đó, chính quyền thời Tổng thống George W. Bush đã ký ban hành Luật cải cách giáo dục NCLB (No Child Left Behind = Không trẻ em nào bị bỏ tụt hậu) ngày 8/1/2002. NCLB hỗ trợ công cuộc cải cách giáo dục dựa trên các chuẩn (standards-based education reform) là dựa trên niềm tin rằng việc thiết lập các tiêu chuẩn cao và các mục tiêu đo được có thể cải tiến được kết quả học tập của mỗi học sinh.

Theo luật này, Bộ Giáo dục liên bang không thiết lập chuẩn chung cho cả nước mà bang nào muốn nhận tài trợ cho giáo dục của chính phủ liên bang thì tự mình phải thiết lập các bài thi chuẩn hóa (standardized tests) cho học sinh của bang mình. Điểm thi này của học sinh sẽ được dùng để xác định xem một trường có hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo hay không.

Cụ thể là buộc tất cả học sinh trong bang từ lớp 3 tới lớp 8 phải thi các bài kiểm tra chuẩn hóa ấy hàng năm về tiếng Anh và Toán và ít nhất một lần trong 4 năm ở cấp 3 (high school, từ lớp 9 đến lớp 12). Các trường mà nhận tài trợ mức Title I(4) theo luật giáo dục tiểu học và trung học ban hành năm 1965 (Elementary and Secondary Education Act of 1965) phải thực hiện AYP (Adequate Yearly Progress = Tiến bộ thích hợp hàng năm) về điểm thi.

Nghĩa là, mỗi năm, học sinh mỗi lớp trong hệ thống K-12 phải thực hiện tốt hơn trên các bài thi kiểm tra chuẩn hóa về đọc/viết tiếng Anh và Toán so với lứa học sinh lớp ấy của năm trước đó, và với trường cấp 3 là tỉ số tốt nghiệp, với trường cấp 1 và cấp 2 là tỉ số có mặt trong lớp.

Nếu kết quả thi của một trường mà cứ tiếp tục kém thì cần phải thực hiện một loạt các biện phải để cải tiến(5). Cụ thể: Những trường không đạt AYP trong 2 năm liên tiếp thì bị công khai dán nhãn “đang cần cải tiến” (in need of improvement), buộc phải triển khai một kế hoạch cải tiến 2 năm cho các môn mà trường không dạy tốt, và học sinh được quyền xin chuyển tới trường khác tốt hơn trong học khu.

Trường không đạt AYP liên tiếp 3 năm sẽ phải phụ đạo và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ học tập miễn phí cho học sinh yếu kém. Nếu trường không đạt AYP liên tiếp 4 năm thì bị công khai mang nhãn cần “hành động sửa sai” (corrective action) có thể bao gồm các việc như: thay thế toàn bộ nhân viên, đưa vào chương trình học mới, tăng thời lượng của học sinh trong lớp học.

Nếu không đạt AYP liên tiếp 5 năm, đặc biệt không đạt AYP vào năm thứ 6 thì trường sẽ bị tái cấu trúc toàn diện: Có thể sẽ bị đóng cửa (hiệu trưởng, cán bộ, giáo viên sẽ mất việc), chuyển trường qua chế độ charter(6), thuê một công ty tư nhân điều hành trường, hay yêu cầu Sở Giáo dục của bang trực tiếp điều hành trường.

Luật cũng buộc các bang phải cung cấp những giáo viên “có trình độ cao” (highly qualified) cho tất cả học sinh. Mỗi bang phải tự thiết lập các tiêu chuẩn riêng cho cái được xem là “có trình độ cao” mà giáo viên phải đạt. Nếu một giáo viên không đạt chuẩn này thì xem như chưa chuyên nghiệp (para-professional). Nhà trường phải thông báo cho phụ huynh biết về kết quả AYP của trường và giáo viên dạy con em họ là giáo viên “có trình độ cao” hay “chưa chuyên nghiệp”.

Luật cũng buộc các bang thiết lập “một chuẩn cao, thách thức” (one high, challenging standard) cho học sinh. Mỗi bang tự quyết định như thế nào là “chuẩn cao, thách thức” riêng cho bang mình, nhưng các chương trình chuẩn phải áp dụng cho tất cả mọi học sinh, chứ không có các chuẩn khác nhau cho học sinh trong các địa phương khác nhau của bang. Luật quy đinh năm 2014 là thời hạn cuối, các trường phải có 100% học sinh đạt trình độ tinh thông trong các môn thi kiểm tra chuẩn!

Từ khi luật này có hiệu lực, Quốc hội Mỹ đã tăng quỹ liên bang về giáo dục lên khá nhiều, từ 42,2 tỉ USD năm 2001 tới 54,4% năm 2007. Riêng quỹ đi liền với luật NCLB tăng 40,4% từ 17,4 tỉ USD năm 2001 tới 24,4 tỉ USD năm 2007, chỉ riêng tiền dành cho việc đọc tiếng Anh đã tăng gấp 4 lần từ 286 triệu USD năm 2001 lên tới 1,2 tỉ USD năm 2007(7).

Nhưng kết quả ra sao? Tất nhiên có những mặt tích cực và đồng thời phát sinh nhiều tiêu cực, và kết quả chung cuộc không thể theo duy ý chí là đến năm 2014, 100% học sinh đạt tinh thông các môn thi kiểm tra chuẩn hóa.

Ngoài Atlanta, một số nơi khác trong nước Mỹ cũng bị nghi ngờ có hoạt động gian lận thi cử. Ảnh minh họa.

Nhà nước thì bao giờ cũng bênh vực chương trình của mình đề ra. Bộ Giáo dục Mỹ chỉ vào bản kết quả của NAEP (National Assessment of Educational Progress) đưa ra tháng 7 năm 2005, chứng tỏ thành tựu của học sinh về đọc/viết tiếng Anh và Toán đã cải thiện:

1. Học sinh 9 tuổi đã có được tiến bộ về đọc trong 5 năm qua nhiều hơn tổng hợp của 28 năm trước đó.

2. Học sinh 9 tuổi của Mỹ đã ghi được điểm tốt nhất về đọc (từ năm 1971) và về Toán (từ năm 1973). Học sinh 13 tuổi của Mỹ đã đạt được điểm Toán cao nhất chưa từng có được ghi lại.

3. Các điểm đọc và Toán của học sinh 9 tuổi da đen và Mỹ La tinh (Hispanic) đạt cao nhất trong mọi thời kỳ.

4. Khoảng cách thành tựu trong việc đọc và Toán giữa học sinh 9 tuổi da trắng và da đen, và giữa da trắng và Mỹ Latinh là thấp nhất trong mọi thời kỳ.

5. 43 bang và khu District of Columbia hoặc đã cải thiện học lực hoặc duy trì đều đặn (việc đọc và Toán của các lớp từ 3 tới 8).

Nhưng nhiều người cho rằng những số thống kê trên đây đã lừa dối quần chúng. Họ chỉ ra mức tăng điểm giữa năm 2000 và năm 2003 là năm mà luật NCLB thực sự chưa có ảnh hưởng thì cũng gần như mức tăng giữa 2003 và 2005, cho nên nêu ra nghi ngờ mức tăng thật sự gán cho NCLB là bao nhiêu. Họ cũng lập luận rằng một số nhóm nhỏ được chọn để tính điểm là thuộc loại tốt nhất hay theo mong muốn (cherry-picked), còn trong những nhóm nhỏ khác thì điểm vẫn như cũ không tăng hay thật sự giảm(8).

Ngoài ra sự tăng điểm thi còn do các nguyên nhân sau đây: Lãnh đạo Sở Giáo dục các bang sợ rằng nếu nhiều học sinh của bang mình không vượt ngưỡng bài thi kiểm tra thì bị chỉ trích, bị mất tài trợ từ liên bang, bản thân họ có thể bị mất chức... nên cố ý tạo ra đề thi có trình độ thấp hơn bình thường, như bang Missouri đã thừa nhận như thế(9).

Một nghiên cứu năm 2007 của Bộ Giáo dục liên bang chỉ ra rằng những sai biệt quan sát được trong các điểm báo cáo lại của các bang phần lớn là do những sai biệt theo khuôn khổ khác nhau của những chuẩn riêng khác nhau của các bang(10).

Hơn nữa, điểm thi kiểm tra chuẩn còn được dùng như một phương cách đánh giá khả năng giảng dạy của giáo viên, nên họ có nguy cơ có thể bị giảm lương, bị mất việc nếu điểm thi của học sinh thấp khiến họ tìm cách đối phó để sinh tồn: chỉ dành thời giờ dạy một số ít các kỹ năng mà họ tin là sẽ làm tăng điểm thi kiểm tra của học sinh chứ không tập trung vào việc giúp học sinh am hiểu sâu của nội dung đầy đủ, rộng của chương trình(11), nghĩa là chỉ dạy để thi (teaching to the test) chứ không thể dạy theo nghĩa nghiêm túc của giáo dục (có giống ở ta không?).

Thí dụ, các giáo viên chỉ dành thời giờ rèn luyện học sinh những áp dụng máy móc cốt làm thạo những câu trắc nghiệm bằng số cụ thể mà không dạy lý luận trên ngôn từ những quan hệ giữa những tính chất tổng quát của định lý, khiến học sinh thiếu khả năng vận dụng các tính chất, các định lý để giải quyết vấn đề. Bằng chứng là qua các bài thi kiểm tra và NAEP (National Assessment of Educational Progress) thì 2/3 học sinh lớp 8 của hai bang New York và Michigan đã không làm được những bài toán diễn tả bằng lời đòi hỏi một áp dụng của định lý Pythagore để tính khoảng cách giữa hai điểm(12).

Ban giám hiệu, nhân viên hành chánh và các giáo viên đều sợ nhiều học sinh của trường mình không vượt ngưỡng bài thi kiểm tra thì có thể trường bị đóng cửa, cả tập thể bị mất việc làm cho nên hè nhau tìm cách tự cứu: Luật NCLB tập trung chủ yếu vào khả năng đọc/viết tiếng Anh và Toán, trong hoàn cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế cuối thập niên 2000, khiến cho nhiều trường đã cắt giảm hay loại bỏ các môn học khác mà dành thời gian cho các môn thi theo NCLB(13).

Từ 2007, hầu như 71% số trường đã giảm thời gian dạy các môn không có trong chương trình thi như Lịch sử, Nghệ thuật, Ngoại ngữ, Âm nhạc, để có nhiều thời giờ hơn cho các môn thi là Anh văn và Toán(14) (có giống ở ta không?). Đó là những đối phó tuy đã sai nguyên tắc giáo dục, nhưng chưa phạm pháp. Rồi trên cái đà tự cứu để sinh tồn đó, người ta đã liều mạng vi phạm pháp luật: gian lận bằng cách hè nhau tẩy sửa các câu trả lời của học sinh trong các bài thi kiểm tra để nâng điểm thi lên. Việc gian lận này có thể đã lan tràn từ lâu trong nhiều bang mà mới bị phanh phui gần đây.

Chương trình cải cách giáo dục NCLB còn đề ra năm 2014 là thời hạn chót để 100% học sinh Mỹ đạt trình độ “tinh thông” (proficient) trong các bài thi kiểm tra chuẩn. Nay gần tới thời hạn ấy, nên đó cũng là một trong những nguyên nhân góp phần tạo ra sự gian lận ở các bang. Cái mục tiêu 100% học sinh “tinh thông” cũng đã bị nhiều người phê bình là “mục tiêu phi thực tế, mục tiêu không thể đạt được” (unrealistic goal, unattainable goal).

Ngày 11/8/2010, Giám đốc Sở Giáo dục Joe Morton của bang Alabama cho rằng “Điều đó không thể xảy ra vì có quá nhiều yếu tố biến động và quá nhiều cảnh huống”. Mary Jane Caylor, một thành viên của Hội đồng Giáo dục bang Alabama, nói: “Mục tiêu 100% học sinh tinh thông là mục tiêu không thể đạt được”(15).

Vì vậy, người ta không ngạc nhiên lắm khi nghe tin học khu Atlanta đang bị tiếp tục điều tra để đưa ra tòa án vụ gian lận được cho là lớn nhất trong lịch sử giáo dục Mỹ.

(Kỳ tới: Các cuộc cải cách giáo dục của Mỹ căn cứ trên tỉ số thi đỗ đã bị chỉ trích như thế nào?)


(1)

Dorie Turner - Associated Press/ AP 29/6/2011.

(2)

Patrik Jonsson. America's biggest teacher and principal cheating scandal unfolds in Atlanta. Christian Science Monitor 5/7/ 2011.

(3)

http://en.wikipedia.org/wiki/No_Child_Left_Behind_Act

(4)

Title I là một phần trong Elementary and Secondary Education Act ban hành ngày 11/4/1965, quy định các chương trình trợ cấp kinh phí từ chính phủ liên bang với chu kỳ 5 năm cho các trường tiểu học, trung học và các học khu có ít nhất 40% học sinh trong các gia đình có thu nhập dưới mức thu nhập thấp theo định nghĩa của Văn phòng điều tra dân số Mỹ. Các kinh phí trợ cấp này được dùng cho các chương trình như: giúp cải thiện nhà trường nói chung, giúp ngăn ngừa sự bỏ học của học sinh, giúp các học sinh trong các gia đình mới di cư tới Mỹ, các học sinh gặp khó khăn như bị bạo hành...

(5)

Dillon, Erin & Rotherham, Andy. States Evidence: What It Means to Make “Adequate Yearly Progress” Under NCLB. Retrieved 19/8/2009.

(6)

Một trường charter (charter school) là một trường công lập trong hệ K-12 nhưng được điều hành độc lập bởi một Hội đồng do Cộng đồng địa phương, Hội phụ huynh... bầu chọn, chứ không dưới quyền quản lý của Ban giám đốc giáo dục công lập địa phương như các trường công lập khác, thường là chương trình học và triết lý giáo dục khác với những trường công lập khác trong hệ thống giáo dục địa phương.

(7)

U.S. Department of Education. Press Releases, 2006.

(8)

Congress To Weigh “No Child Left Behind”. Washington Post. Retrieved 13/11/2011.

(9)

Mapping 2005 state proficiency standards onto the NAEP scales. NCES 2007-482. National Center for Education Statistics. 6/2007.

(10)

High-Stakes Assessments in Reading. International Reading Association. Retrieved 7/6/2007.

(11)

Wiggins, G. & McTighe, J. (2005). Understanding by design, 2nd Edition. ASCD. ISBN 978-1-4166-0035-0. p. 42–43.

(12),(14)

Beveridge, T. (2010). No Child Left Behind and Fine Arts Classes. Arts Education Policy Review, 111(1), 4–7. doi:10.1080/10632910903228090.

(13)

Grey, A. (2010). No Child Left Behind in Art Education Policy: A Review of Key Recommendations for Arts Language Revisions. Arts Education Policy Review, 111(1), 8–15. doi:10.1080/10632910903228132; Pederson, P. (2007). What Is Measured Is Treasured: The Impact of the No Child Left Behind Act on Nonassessed Subjects. Clearing House, 80(6), 287–291. Retrieved from Education Research Complete.

(15)

Times Watchdog Report: No Child Left Behind on the way out, but not anytime soon. Retrieved 12/8/2010.database.


Tin liên quan: Những hệ lụy của cách nhìn sai lầm về tỉ số thi đỗ (kỳ I)

Lê Tự Hỷ