Về giải PHAN CHÂU TRINH

Không ai nghĩ rằng, một ngày nào đó, có những người muốn sửa đổi lại lịch sử. Không ai nghĩ rằng, cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thần thánh của dân tộc Việt Nam lại bị “xét lại”, hạ thấp, thậm chí xóa bỏ (trừ đối phương - Nhưng ngay cả đối phương, ở Pháp và Mỹ, họ cũng không bao giờ không thừa nhận thất bại, sai lầm…). Trào lưu xét lại lịch sử này là một dòng gồm nhiều nhánh, trong đó có nhánh âm thầm xóa bỏ hiện trường, sắp xếp lại các sự kiện theo ý chủ quan, theo cảm tính, cảm tình của họ. Việc này xin sẽ nói sau.

Ở đây, nhân Giải thưởng Phan Châu Trinh của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh do bà Nguyễn Thị Bình - ông Nguyên Ngọc chủ xướng, chúng tôi xin bày tỏ đôi lời.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Nguyên Ngọc chọn Phan Châu Trinh (và bà Nguyễn Thị Bình) để tiến hành công việc của ông. Phan Châu Trinh - Phan Tây Hồ tiên sinh là người yêu nước nhiệt thành, được người đời kính trọng vì khí phách và tấm lòng của ông đối với dân, với nước. Cụ chọn con đường “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” (mở mang trình độ, chấn chỉnh tinh thần, nâng cao đầy đủ mức sống) và con đường Pháp Việt đề huề (đề huề (提攜) nghĩa là dắt tay nhau đi, nâng dắt lẫn nhau). Thực ra, đó là con đường không phải không có ích, không hay nhưng nó chứa đựng sự mơ hồ ảo vọng về đế quốc thực dân, và nó đã không thành! Không thể nào đòi tự do, dân chủ trong lúc nước mất chủ quyền, mất độc lập. Cụ Phan yêu nước thương dân, muốn giúp dân giúp nước. Nhưng cụ chủ trương chống vua quan quân chủ mà không đụng tới thực dân xâm lược, chủ trương đòi dân chủ tự do mà không kêu gọi giành lại độc lập cho dân tộc. Đường lối của cụ bị ngay những người cùng thời với cụ không tán thành. Trong bức thư gửi Phan Châu Trinh năm 1907, cụ Phan Bội Châu viết: Nay nghe huynh ông rán sức đem thuyết dân chủ để cổ động người nước ta… DÂN không còn nữa mà CHỦ với ai? Khi đó thì dầu huynh ông có bầu máu nóng đến mấy đi nữa, rồi cũng chả biết đem rưới vào đâu nữa!(1).

Cụ Phan Văn Trường, từng ở chung một nhà với cụ Phan Châu Trinh nhiều năm ở Paris, kể lại: sau khi ở Nhật về, cụ Phan Châu Trinh có ý định viết cho toàn quyền Beau một bản thỉnh nguyện trong đó cụ sẽ nêu vấn đề giáo dục cho dân bản xứ. “Trước khi viết bản thỉnh nguyện, ông hỏi ý kiến nhiều nhà Nho bạn bè của ông. Họ khuyên ông đừng viết” vì “nếu (Pháp) thấy việc mở trường cho người Việt Nam là cần thiết cho lợi ích thống trị của Pháp thì họ sẽ thực hiện mà không cần ông phải yêu cầu”. Ngược lại, nếu “người Pháp nhận thấy quyền lợi của họ đối lập với quyền lợi của chúng ta (...) thì dù có trăm ngàn người hay cả đến toàn thể nhân dân Việt Nam có ký vào bản thỉnh nguyện của ông thì chính phủ Pháp cũng sẽ chẳng chấp thuận cho ông một điều gì”(2). Cụ Phan vẫn viết cho Beau. Hậu quả, khi phong trào chống sưu thuế nổ ra, cụ Phan bị kết án tử hình, sau giảm xuống đày đi Côn Đảo.

Trong đêm 20-12-1919 tại Paris, Nguyễn Ái Quốc đã thẳng thắn nói với cụ Phan: “nếu trong dân chúng [Việt Nam] có ai lên tiếng bày tỏ với nhà đương cục cao cấp [Pháp] những yêu cầu và nỗi thống khổ của họ và kêu xin những phương thuốc chống đỡ nỗi khổ đau họ phải gánh chịu, thì người ta trả lời họ bằng nhà tù, bằng lưu đày và tử hình. Nếu Bác luôn tin cậy vào sự quan tâm của chính phủ (Pháp) để cải tiến mọi tình trạng hiện nay, thì Bác sẽ phải ĐỢI ĐẾN MUÔN ĐỜI” (báo cáo của mật thám Édouard). Ta đã chiến đấu với Pháp 9 năm, mà chiến đấu là do Pháp quyết tâm xâm lược nước ta lần nữa, như ai nấy đều biết. Dư luận Pháp thừa nhận đó là một cuộc “chiến tranh bẩn thỉu”. Sau Điện Biên Phủ, Pháp mới từ bỏ dã tâm xâm lược, thống trị nước ta. Thế thì lúc chưa thua, nó đã nào chịu buông để cho ta làm việc khai dân trí… hậu dân sinh! Các cụ mới mở Đông Kinh nghĩa thục, mở các trường Duy tân ở Quảng Nam, nó đã dẹp, đàn áp. Nói chi đến đề huề: sự đề huề giữa chủ nô và nô lệ! Dân ta đến 1945 chết 2 triệu người, thực đã tàn tạ, có chí sĩ đã thốt lên: “Nòi giống ta biết có còn không?”. Thế mà đánh Pháp, từ chân đất, 9 năm ta thắng Pháp, làm nên Điện Biên - một Đống Đa, Chi Lăng, Hàm Tử… của thời đại Hồ Chí Minh.

Con đường của Phan Châu Trinh là vô vọng. Ngày nay, Nguyên Ngọc và một số người khác - muốn phế bỏ con đường cách mạng, con đường kháng chiến của Hồ Chí Minh và nhân dân ta, định giương lại ngọn cờ của Phan Châu Trinh là có ý gì!? Thay đổi con đường của lịch sử đâu dễ! Thắng lợi rồi, nhưng họ muốn xét lại, cho là tốn xương máu nhiều quá; còn đi con đường “đề huề”… thì rồi cũng độc lập, mà còn sướng hơn, dân chủ - tự do hơn! Xa hơn hay gần hơn, là xóa bỏ luôn chế độ, thể chế chính trị này, đi con đường khác.

Nguyên Ngọc, trong cuộc Hội thảo ở Viện Văn học với Đại học Harvard (năm 2011) tuyên bố Phan Châu Trinh là nhân vật số 1 của thế kỷ 20 là với ý đó. Ông K.W. Taylor, trong “diễn từ” nhận giải Phan Châu Trinh, thấu rõ tim gan của Nguyên Ngọc, nên đã có những lời đề cao tột bậc Phan Châu Trinh (chúng tôi trích theo dưới đây) cũng nhằm phê phán Cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh, các lãnh đạo Việt Nam. Ông ta đứng về phía bọn xâm lược. Ông ta tiếc là chúng ta đã chiến đấu. Giơ tay quy hàng, chiêu hồi đi, thì “độc lập”, “hạnh phúc”. Nhân dân ta đã chiến đấu mấy chục năm ròng, giác ngộ chính trị rất cao, đâu có thể lầm lẫn với những ngụy thuyết như vậy. Nhưng bọn họ vẫn cố nói, và dùng cả văn hóa - quỹ, giải thưởng khoa học (Hội đồng khoa học!) để hành động. Họ còn đưa cả Trương Vĩnh Ký vào ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam cùng với Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu. Một việc tày đình như thế mà lại do ông Nguyên Ngọc, Chu Hảo… làm được sao? Nhưng vấn đề là ở chỗ Trương Vĩnh Ký hoàn toàn không xứng đáng để đưa vào ngôi đền Panthéon “ảo” của Việt Nam ấy; và ông K.W. Taylor thì hoàn toàn không xứng đáng để trao giải gì. Vấn đề ở đây, trước khi là vấn đề chính trị, là vấn đề lương thiện tri thức, lương tri khoa học (xin xem các bài phân tích về hai ông này trong số này). Đâu có thể biến đen thành trắng, rồi cứ thế mà xây đền, dựng tượng, làm đảo lộn lịch sử, thay đổi con đường!

Chúng tôi mong bà Nguyễn Thị Bình và nhà văn Nguyên Ngọc suy nghĩ lại. Chúng tôi quý trọng những ngày anh chiến đấu, viết văn; những ngày anh tin yêu nồng nhiệt hiến dâng cho kháng chiến, còn kháng chiến, còn chúng tôi thì tin yêu anh. Không có lẽ cái câu tính cách sinh ra số phận lại đúng? Oán giận, cực đoan…, rồi từ đó đi đến tìm mọi cách phản kháng: ký tên vào hầu như tất cả các văn kiện đòi phế bỏ Hiến pháp, lập Liên đoàn nhà văn độc lập, lập Đại học Phan Châu Trinh “hoa tiêu” để nhằm mục đích đào tạo những người “phản kháng” (theo mạng Lê Thiếu Nhơn). Không thể vì địa vị, vì bất mãn, nhìn đời toàn tiêu cực hay vì trái ý hay vì lẽ gì khác mà oán giận, căm thù… Còn có đất nước, nhân dân… trên lương tâm anh, những người đã có lúc tin yêu anh. Cái nào nặng cái nào nhẹ, nên cần suy tính kỹ. Không thể vì “trào lưu”, vì tình hình diễn biến, vì cá nhân… mà quay lưng. Anh có thể và cần phải trăn trở, phê phán, phản biện…, nhưng anh phải tính đi đường nào thì có lợi cho nước, cho dân.

Còn chuyện tranh luận (mà chúng tôi muốn là đối thoại chân thành) với những người muốn chọn con đường khác như anh, thì cần bình tĩnh, kiên nhẫn. Trước hết phải thành tâm, chính tâm; chứ không thể làm rối lên. Cuộc đối thoại này hay đấy, mục đích là phân rõ họa, phúc, phải, trái… rồi cùng nhau tìm phương cách tốt nhất cho sự tiến lên của đất nước (ở tầm mức lý luận hay tầm mức thực tiễn). Suy nghĩ, trăn trở trước con đường tiến lên, phát triển của dân tộc, phẫn nộ trước tham ô, đòi hỏi lo cho văn hóa, giáo dục, đòi hỏi ứng dụng kinh nghiệm của nước ngoài, đổi mới hơn nữa… thì chắc ai cũng tán thành. Vấn đề con đường đi của Việt Nam cũng thế. Nó nên là một cuộc thảo luận chân thành, minh bạch nói hết suy nghĩ mà không sợ rào cản nào… Nhưng rốt lại, những trăn trở, phê phán, phản biện… ấy phải được tính trên lợi ích trước mắt và lâu dài của đất nước, nhân dân; phải được tính trên cơ sở lịch sử cụ thể của nước ta, chứ không phải là nóng vội sao chép phương Tây. Phương Tây, chỉ cần nói một chuyện thôi, là họ đã đi trước ta 600 năm, từ thời Phục hưng; còn ta mới ra khỏi chiến tranh, khủng hoảng - trước đó là đói nghèo rơm rạ, làm sao theo kịp ngay? Còn con đường lịch sử cũng mỗi nước mỗi khác. Hegel chả đã từng nói: "Các chính phủ không học được điều gì ở quá khứ cả, bởi vì mỗi hoàn cảnh lịch sử đều là quá đặc thù". Không thể một bước mà nhảy vọt ngay vào hiện đại, thành La Mã không thể xây xong trong một đêm! Việt Nam đang hội nhập vào kinh tế toàn cầu với sự độc lập tự chủ về chính trị, đó là một bảo đảm cho sự thành công sắp tới.

 

_____

(1) Đặng Thai Mai (1960), Văn thơ Phan Bội Châu, NXB Văn Hóa, Hà Nội, tr.155-156.

(2) Phan Văn Trường (1928), Une histoire de conspirateurs annamites à Paris, ou, La vérité sur l’Indochine, Nhà in Đông Pháp Nguyễn Kim Đính, Gia Định.


* Phan Châu Trinh không đồng ý với bất kỳ hình thức bạo lực nào. Theo ông, con đường bạo lực là con đường đau khổ vô ích của nhân loại. Trong bài thơ Chí thành thông thánh, Phan Châu Trinh đã viết: “Giang sơn vô lệ khấp anh hùng”. Phan Châu Trinh tin tưởng rằng sự bạo lực không thể giải quyết được vấn đề nào, thậm chí chỉ làm cho người dân đau khổ mà thôi. Ông rất đồng cảm với sự đau khổ của người dân trong thời kỳ chiến tranh. Phan Châu Trinh đã thấu hiểu rằng chiến tranh không đem lại vinh quang, mà sự kiên nhẫn về việc cải cách, giáo dục, dân chủ - chính điều đó mới là con đường anh hùng thật sự.

Nếu bỏ được bạo lực thì phải tìm con đường giải hòa. Muốn giải hòa thì phải có cuộc đối thoại giữa những người cầm quyền và những người bị cai trị. Tuy nhiên, người cầm quyền thì lại không thích đối thoại, mà chỉ thích làm độc thoại thôi. Hoàn cảnh Phan Châu Trinh cũng giống như hoàn cảnh của nhiều người Việt hiện nay, và cũng hơi giống kinh nghiệm của tôi”.

(Trích diễn từ nhận giải Việt Nam học của Keith Weller Taylor)

 

* K.W. Taylor phản đối con đường bạo lực, tức cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của ta. Ai muốn bạo lực? Chính là bọn thực dân, đế quốc đã dùng bạo lực cướp nước ta, và dự định tiêu diệt chúng ta - cho chúng ta quay lại thời đồ đá! “Chiến tranh không đem lại vinh quang”. Dân tộc ta bị bắt buộc cầm súng, cầm súng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ bát cơm manh áo, bảo vệ cái bàn thờ tổ tiên, đâu phải để tìm vinh quang! K.W. Taylor còn rất nhiều quan điểm sai lệch. Nhưng đó là việc của ông ta. “Diễn từ” này chỉ là sự minh họa, sự tán đồng với Nguyên Ngọc, người chủ trương trao giải cho ông, qua tay bà Nguyễn Thị Bình.

(Hồn Việt)

HỒN VIỆT