Về hai chữ “phiêu bạc”

Ngày 12/7/2010, Tạp chí Hồn Việt có trao cho tôi bức thư nguyên văn như sau: “Đồng Tháp, ngày 06 tháng 3 năm 2010. Kính gửi ông Nguyễn Quảng Tuân, đề nghị ông xem bài viết này (Chữ phiêu trong phiêu bạc không có nghĩa là “thổi”) của học giả An Chi trên Đương thời số 15 (39). Nếu đồng ý với ý kiến của học giả An Chi thì xin ông vui lòng cải chính trên Hồn Việt, còn nếu không đồng ý thì cũng xin ông có bài phúc đáp đối với học giả An Chi. Kính chúc ông sức khỏe và vạn an. Trân trọng. Ký tên: Tư Nụm”.

Trước hết, tôi xin cảm ơn ông đã gửi cho tôi bài viết của học giả An Chi, mà tôi không được biết, đã đăng trên tạp chí Đương thời số 15 (39). Trong bài ấy, học giả An Chi cũng không nêu đích danh tôi mà chỉ nói là “một tác giả đã viết”.

Nay để độc giả của Hồn Việt biết được nhận xét của học giả An Chi về hai chữ phiêu bạc, chúng tôi xin ghi lại câu tôi đã giải đáp cho ông Nguyễn Đức Tính ở Thành phố Biên Hòa (trong Tạp chí Hồn Việt số 27, tháng 9/2009) như sau:

Phiêu bạc 飃 泊 là từ Hán Việt. Chữ phiêu viết với bộ (phong) có nghĩa là thổi như trong Kinh Thi có nói 風 其 飃 汝 (phong kỳ phiêu nhữ: gió thổi mây bay); chữ bạc viết với bộ 氵(thủy) có nghĩa là ghé vào bến, đỗ thuyền vào bờ nghỉ ở bất cứ nơi đâu, tùy ý muốn. Theo nghĩa của từng chữ ấy, thì phiêu bạc có nghĩa là đi lang thang, nay đây mai đó, thường bằng thuyền, không định ở hẳn chỗ nào, tiện đâu thì ghé bến ở đó”.

Học giả An Chi đã trích lại lời giải thích ấy của tôi mà chỉ ghi là “của một tác giả”. Ông lại thêm chữ “sic” ở sau chữ “mây”, để lưu ý mọi người rằng chữ ấy tôi giải thích sai, nhưng bốn chữ “phong kỳ phiêu nhữ” ấy là của Thiều Chửu đã giải nghĩa trong quyển Hán-Việt từ điển.

Học giả An Chi lại cho rằng, tôi đã giảng sai chữ phiêu 飄 thuộc bộ phong 風 (gió) và cho rằng phiêu bạc phải giảng là nổi, trôi, trôi nổi, trôi giạt chứ không phải là “thổi”. Ông đã giảng theo tầm nguyên, căn cứ vào các tự điển xưa như Cổ đại Hán ngữ tự điển, Từ Hải, Từ nguyên, Dictionnaire classique de la langue chinoise (F.S. Couvreur)… để viết chữ phiêu 漂 với bộ thủy.

Nhưng quyển Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh đã ghi chữ phiêu 漂 được dùng như chữ 飃 (chữ 風 ở bên trái) và quyển Từ điển Hán - Việt (Thương vụ ấn thư quán, in ở Bắc Kinh, 1994) cũng đã ghi chữ phiêu 飘 (飄, 飃) bằng ba cách viết (chữ phong 風 bên phải hay bên trái đều như nhau) và đã ghi chú: 飄 泊 (piáobo) như 漂 泊 (piáobó).

Học giả An Chi cho rằng, chữ phiêu 飄 trong phiêu bạc 飄 泊 chỉ có thể có nghĩa là nổi, trôi chứ không thể có nghĩa là thổi được vì có nổi trôi thì mới có thể có chuyện ghé vào bến, đỗ thuyền vào nghỉ ở bất cứ nơi đâu, tùy ý muốn được. Ông lại bảo rằng: Nếu bị “thổi” bay ở trên không như chiếc lá khô kia thì làm sao “ghé vào bến” được?

Chúng tôi cho rằng, chữ “thổi” phải hiểu là gió thổi vào những cánh buồm trên thuyền, giúp cho thuyền trôi đi trên sông nước (như ta thường nói gió thổi thuyền trôi, thuận buồm xuôi gió). Buồm phải có gió thì mới lướt đi mau được nên chữ phiêu vì vậy mới viết bằng hai cách:

- Với bộ phong 風 (飄) để chỉ gió thổi vào cánh buồm cho thuyền đi mau.

- Với bộ thủy 氵(漂) để chỉ nổi, trôi trên sóng nước.

Như vậy, chữ phiêu 飄, 飃 hoặc 飘 mà giảng là “thổi” như các từ điển đã chú thích thì đâu có thể bảo là sai nghĩa được.


Bài liên quan:

NGUYỄN QUẢNG TUÂN