Chẳng biết từ bao giờ nhiều tầng lớp cán bộ và nhân dân xứ ta trở nên mê đắm các kỷ lục Guinness và khoái làm gì cũng phải đạt mục tiêu “hoành tráng”. Căn bệnh nguy hiểm này lây lan nhanh nhất trong các giới lãnh đạo các địa phương, thậm chí chiếm lĩnh được đầu óc một số thành viên chính phủ...
Có lẽ vì cái hội chứng tai hại ấy mà ở nước ta đã phát sinh cái bệnh “thành tích chủ nghĩa” luôn thổi phồng các thành quả nhỏ xíu, giấu nhẹm các thất bại… Tệ trạng này thường có trong báo cáo tổng kết các phong trào thi đua của các đảng bộ, các ngành và các địa phương… Có lẽ vì hội chứng đó mà chúng ta mới có những kỷ lục Guinness ngớ ngẩn: cái bánh dày, bánh chưng, chai rượu, ly cà phê, cái trống gỗ, cái trống đồng, biểu tượng con Rồng… “to nhất thế giới” cùng những tượng Phật, ngôi chùa, trung tâm Phật học, các cây cầu, các đường hầm trên bộ, các đường cáp treo trên biển, trên núi… dài nhất, hiện đại nhất Đông Nam Á, thậm chí “ngang tầm thế giới”…
Hàng chục năm nay, dù dân còn nghèo, ngân sách cho từng địa phương rất khiêm tốn, ngân sách Nhà nước bên trên còn hạn hẹp, nhiều hộ dân đói, nhiều gia đình chưa thoát chuẩn nghèo song người ta vẫn khoái đua nhau mở các lễ hội tưng bừng. Lễ hội ở bất cứ nơi đâu cũng phải đạt mục tiêu hoành tráng, long trọng, hơn hẳn nơi khác và đạt mức chi ghê hồn! Hết lễ hội cà phê, cà chua tới lễ hội gốm sứ, hết lễ hội trái cây lại lễ hội đánh bắt cá tôm, rồi thì lễ hội hoa Đà Lạt, lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, lễ hội cung đình Huế, lễ hội các làng xã, lễ hội các tôn giáo, các liên hoan ca nhạc, phim ảnh… Lễ hội nào cũng có chi phí tốn kém, tiêu phí hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Gần đây có Lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội kéo dài cả 10 ngày, chi phí không hề nhỏ!

Cặp áo dài được công nhận kỷ lục với danh hiệu "Cặp áo dài thêu
rồng phượng nhiều nhất" trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long.
Nguồn: Internet.
Chỉ nhìn lại 10 ngày lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội có thể thấy ngay chúng ta thu hoạch được những gì: Cả thành phố tràn ngập cờ, băng rôn, khẩu hiệu, lồng đèn… đỏ rực nhìn nhức cả mắt, che hết vẻ đẹp dịu dàng và thanh thoát của kiểu dáng kiến trúc dân tộc và nên thơ của phố cổ…
Đã đến lúc dân ta đòi phải tiết kiệm chi tiêu, dành dụm tiền bạc đầu tư vào các công trình cụ thể phục vụ thiết thực cho việc cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng sống của các đô thị như tăng cường công tác xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các gia đình chính sách đang còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống; tập trung tiền bạc và của cải để xây dựng thêm nhiều bệnh viện, trường học, nhà dưỡng lão, nhà vệ sinh công cộng…; cải tạo và nâng cấp đường sá, cải tạo hệ thống cấp điện, cấp nước và thoát nước, xử lý rác thải và tu bổ, gìn giữ tốt các công trình văn hóa, các công trình công cộng…
Hãy học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách thiết thực bằng cách tổ chức làm việc chí công vô tư, ra sức tiết kiệm, chống ăn cắp, tham nhũng, xa hoa lãng phí, cải cách hành chính thật tốt để người dân khỏi bị hành hạ và bị ép buộc phải đút lót các cán bộ, công chức mới lo êm các thủ tục giấy tờ…
Các tầng lớp quan chức từ thấp đến cao phải nhớ rằng mình sống nhờ tiền đóng thuế của dân, phải hết lòng làm việc tốt cho dân, phải tự giác và tình nguyện làm tròn vai trò “đầy tớ của dân” như lời Bác Hồ đã dạy…!