Mười hai năm đầu thế kỷ XXI đã trôi qua, thế giới có nhiều đổi thay so với cuối thế kỷ XX trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường sinh thái, từ quốc gia tới khu vực, từ cá nhân tới dân tộc và cộng đồng nhân loại. Sau những thăng trầm, thay đổi và biến đổi đa chiều, đa dạng và đa phương ấy, vẫn thấy nổi bật hơn cả là “vũ điệu khủng long” - trò chơi giữa các nước lớn trên sân khấu chính trị quốc tế. Vẫn như thưở xa xưa, quan hệ giữa các nước lớn luôn đóng vai trò quyết định đối với trạng thái an ninh cùng chiều hướng vận động và phát triển của thế giới.
Cảnh mới người xưa
Trong 12 năm qua, trên sân khấu chính trị quốc tế đã xuất hiện không ít cảnh mới: từ khủng bố quốc tế và chống khủng bố quốc tế tới biến đổi khí hậu và chống biến đổi khí hậu, từ khủng hoảng tài chính-kinh tế và chống suy thoái-nợ công tới nạn cướp biển và chống cướp biển, từ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tới vấn nạn nghèo đói và chống đói nghèo, từ mở rộng NATO sang phía Đông và phản đối mở rộng NATO sang phía Đông tới tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và chống vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và Công ước quốc tế về Luật biển 1982 (UNCLOC) v.v…
Đã ra đời những thuật ngữ mới trong đời sống quốc tế so với thời gian trước, đăc biệt là so với thời kỳ Chiến tranh lạnh như “an ninh phi truyền thống” và “thế giới phẳng”, “sự trỗi dậy hòa bình” và “thế giới hài hòa”, “sự phát triển xanh” và “sự phát triển cân bằng và bền vững”(1), “chiến tranh mạng” và “an ninh mạng” v.v… Đã hình thành những hình thức tập hợp lực lượng mới như “Tổ chức Hợp tác Thượng Hải” (SCO) và nhóm BRICS cùng những hình thái mới của quá trình hợp tác và liên kết khu vực như ASEAN+, EAS, AMM+, AU… Đã xuất hiện những chiều hướng mới như sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu và sự chuyển dịch quyền lực từ Tây sang Đông…
Thế giới đã và đang đổi thay mau lẹ: có thêm những diễn viên (player) mới như các tổ chức khủng bố quốc tế và vai trò ngày càng gia tăng của các tổ chức phi chính phủ (NGO) và liên chính phủ. Hệ thống các công ty xuyên quốc gia có ảnh hưởng ngày càng lớn hơn trong thế giới toàn cầu hóa do tác động cộng hưởng của bộ ba: cách mạng khoa học-công nghệ, phát triển kinh tế tri thức cùng khát vọng cuộc sống tự do và dân chủ. Chủ thể chính của bộ ba này là cá nhân và các nhóm xã hội. Công cụ chính của họ là trí tuệ, bản lĩnh và niềm tin. Không gian hoạt động của họ là toàn cầu - không biên giới. Mơ ước của họ là sáng tạo và hạnh phúc. Tuy nhiên, họ vẫn đang và sẽ còn rất lâu vẫn là những công dân cụ thể của một quốc gia (trong một số trường hợp họ có thể có nhiều hơn một quốc tịch).
Vẫn như ngày xưa, mỗi quốc gia không kể lớn hay bé, giàu hoặc nghèo đều cũng chỉ có một lá phiếu bầu ở Đại hội đồng LHQ, nhưng vị thế và ảnh hưởng quốc tế của họ không giống nhau vì vẫn như ngày xưa, Hội đồng Bảo an LHQ gồm 5 thành viên là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc vẫn đóng vai trò quyết định đối với việc giải quyết các vấn đề quốc tế hệ trọng. Vẫn như ngày xưa, có nước lớn vẫn chưa bỏ được thói ngạo mạn và chính trị cường quyền. Cuộc hành binh của Mỹ vào Iraq để “thay đổi chế độ” năm 2003, tham vọng lãnh thổ ở khu vực Biển Đông, sự phản đối của Mỹ đối với nghị quyết của Đại hội đồng LHQ vừa rồi về Palestine... cho thấy rõ điều đó. Khó có thể phủ nhận được xu thế dân chủ hóa quan hệ quốc tế trong đời sống quốc tế đầu thế kỷ XXI, đồng thời cũng không thể không thừa nhận vai trò quyết định của các nước lớn đối với chiều hướng vận động của chính trị quốc tế. Các diễn viên chính trên sân khấu chính trị quốc tế hiện nay là: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ và EU.

|
Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng với các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ngày 19/11/2012 |
Bình cũ rượu mới
Trong số 6 trung tâm quyền lực của thế giới đầu thế kỷ XXI, nổi bật hơn cả trong cạnh tranh chiến lược toàn cầu là Mỹ, Nga và Trung Quốc. Mục tiêu của Mỹ là lãnh đạo thế giới và không cho đối thủ nào nổi lên thách thức bá quyền lãnh đạo này. Nga và Trung Quốc không chấp nhận nguyên trạng, muốn có vai trò xứng đáng trong trật tự thế giới mới. Toàn cầu hóa cùng những thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố quốc tế, thảm họa tự nhiên và dịch bệnh hiểm nghèo... buộc các “khủng long” phải tăng cường hợp tác “cùng thắng”, tuy nhiên, vẫn không quên chính sách sức mạnh cùng những trận đấu “thắng thua”.
Cuộc chiến chống khủng bố từ cuối năm 2001 do Mỹ phát động với khởi đầu là cuộc chiến tranh ở Afghanistan (cuối 2001) và sau đó là chiến tranh Iraq (2003), cho dù có phất mãi ngọn cờ “dân chủ” thì vẫn là một mũi tên nhằm ba đích: an ninh, địa-chính trị và địa-kinh tế. Afghanistan thuộc Trung Á - vùng đất trái tim của đại lục Âu-Á có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng đối với sự kiểm soát đại lục này trong đó có các tuyến đường ống vận chuyển dầu lửa và thống trị thế giới. Vào được Trung Á, Mỹ còn mở rộng vòng vây để kiềm chế chiến lược cả Nga và Trung Quốc - hai thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, có bom nguyên tử và có khả năng cạnh tranh với vị thế bá quyền của Mỹ ở đại lục Âu-Á. Cuộc hành binh “thay đổi chế độ” của Mỹ vào Iraq không đơn thuần chỉ nhằm tiêu diệt chính quyền Saddam Hussein mà lúc này Mỹ không ưa nữa, mà còn nhằm thống trị Trung Đông - một biển dầu lửa của thế giới và cũng là vùng ngã ba giao thương của ba đại lục Á-Âu-Phi. Thời Chiến tranh lạnh, so với Mỹ, Liên Xô có ảnh hưởng vượt trội hơn ở Trung Đông. Còn lục địa đen cũng rất giàu có về tài nguyên khoáng sản quý hiếm và dầu lửa. Những hành động này của Mỹ không nằm ngoài quy luật về chính trị quốc tế là một cuộc đấu tranh giành quyền lực, còn quyền lực được xác định trong mối quan hệ chặt chẽ với lợi ích(2).
Nước Nga dưới thời Tổng thống Putin tiếp tục bị Mỹ bao vây, phong tỏa bằng việc tiếp tục mở rộng NATO sang phía Đông, công nhận Kosovo độc lập, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu và Kaliningrad, lợi dụng cuộc chiến chống khủng bố để lôi kéo, xác lập và mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á và Trung Đông để thu hẹp dần khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga được thừa kế từ Liên Xô trước đây. Mục tiêu chiến lược của Mỹ chưa thay đổi: đó là tiếp tục kiềm chế đẩy Nga xuống loại “công dân hạng hai hoặc hạng ba”. Tại Hội nghị An ninh Munich (CHLB Đức) tháng 2/2007, Tổng thống Nga Putin đã công khai bày tỏ sự phản đối chính sách sức mạnh ngang ngược của Mỹ. Tháng 8/2008, Nga tiến hành cuộc chiến tranh chớp nhoáng 8 ngày ở Nam Ossetia (Gruzia), và sau đó công nhận Abkhazia và Nam Ossetia độc lập.
Trong 12 năm qua, Trung Quốc đã phát triển và trỗi dậy mạnh mẽ. Trung Quốc đã vượt Đức trở thành quán quân xuất khẩu cuối năm 2008 và vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào cuối năm 2010. Trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc đã đạt được 3 thặng dư lớn về mậu dịch, tài chính và chiến lược. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ là 273 tỉ USD vào năm 2010. Hiện Trung Quốc nắm giữ khoảng gần 1.160 tỉ USD trái phiếu của chính phủ Mỹ. Trong khi Mỹ phải tập trung vào Afghanistan và Iraq, Trung Quốc đã xác lập và mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á, Trung Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh. Trong cuốn Về Trung Quốc (On China) Henry Kissinger đã viết về “ngoại giao cờ vây” của Trung Quốc. Trong chuyến thăm Mỹ năm 2006, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã tặng Tổng thống Mỹ G.W.Bush bản sao cuốn Binh pháp Tôn Tử trong đó có câu: “Không chiến mà thắng”.
Dưới thời Tổng thống G.W.Bush, mối quan hệ Mỹ-Trung có không ít thăng trầm trong khuôn khổ vừa hợp tác, vừa đấu tranh kiềm chế lẫn nhau. Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Barak Obama triển khai chính sách tăng cường can dự ở châu Á với quyết định đầu tiên là tăng thêm 2.500 quân ở Australia, thúc đẩy TPP, thắt chặt hơn mối quan hệ với đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời quan hệ chặt chẽ hơn với ASEAN như ký TAC, tham gia EAS. Mới đây, Tổng thống Mỹ Obama đã tới thăm 3 nước Đông Nam Á là Myanmar, Thái Lan và Campuchia. Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khẳng định quyết tâm xây dựng Trung Quốc thành một “cường quốc biển” và “Xây dựng quân đội hùng mạnh và củng cố quốc phòng ngang tầm với địa vị quốc tế của Trung Quốc, phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia và phát triển quốc gia… Cần gấp rút hoàn thành đồng thời hai nhiệm vụ lịch sử là xây dựng cơ giới hóa và tin học hóa theo ý tưởng chiến lược “ba bước đi” về xây dựng quốc phòng và hiện đại hóa quân đội, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản đạt được tiến triển to lớn về xây dựng cơ giới hóa và tin học hóa”(3). Đồng thời Đại hội cũng khẳng định quyết tâm đi theo con đường phát triển hòa bình. Cả khu vực và thế giới đang chờ đợi sự chuyển dịch từ ngôn ngữ văn kiện sang ngôn ngữ hành động thực tiễn. Có như vậy thì mới có thể có cảnh trời yên bể lặng ở khu vực biển Đông.
Độc lập tự chủ và khôn khéo
Trong cuốn Thảm kịch của chính trị cường quốc lớn (The tragedy of great power politics), John J. Mearsheimer đã chỉ ra tính quy luật của chính trị nước lớn: các cường quốc lớn hiếm khi bằng lòng với sự phân bố quyền lực hiện tại, ngược lại, họ luôn kiên trì động cơ thay đổi sự phân bố quyền lực này sao cho ngày càng có lợi cho họ. Tuy nhiên, do cái giả phải trả và sự rủi ro trong việc thay đổi cân bằng quyền lực là quá lớn, nên các cường quốc buộc phải chờ đợi những tình huống thuận lợi hơn cho họ để tìm kiếm các cơ hội nhằm thay đổi sự phân bố quyền lực theo hướng có lợi nhất. Họ sẽ tận dụng mọi cơ hội nếu như họ có khả năng cần thiết. Mục tiêu cuối cùng của các cường quốc lớn là trở thành bá quyền - cường quốc lớn duy nhất trong hệ thống quan hệ quốc tế(4). Đồng thời các nước lớn cũng có thể thỏa hiệp, đổi chác, mua bán với nhau “trên lưng” các nước nhỏ.
Trong tình thế phức tạp đó, các nước vừa và nhỏ phải tỉnh táo trong phân tích tình hình, âm mưu và thủ đoạn của “khủng long” để có cách ứng phó phù hợp và có hiệu quả thiết thực theo tinh thần độc lập tự chủ và khôn khéo. Nhớ lại năm 1972, sau khi bắt tay với cả Trung Quốc và Liên Xô (tổng thống Mỹ thăm Trung Quốc tháng 2/1972 và thăm Liên Xô tháng 5/1972), Mỹ đã không ngừng gây sức ép với ta trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris. Sau khi tái thắng cử ngày 7/11/1972, Tổng thống Mỹ Nixon đã bộc lộ rõ nguyên hình “con diều hâu” hung hãn. Y đã lật lọng, phản bội lại lời xác nhận “văn bản Hiệp định coi như đã hoàn thành” trong thông điệp ngày 20/10/1972 gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng và cam kết Hiệp định sẽ được chính thức ký kết ngày 31/10/1972 tại Paris. Ngày 18/12/1972, Tổng thống Nixon dùng chính sách sức mạnh, cho pháo đài bay B-52 rải bom xuống Hà Nội, Hải phòng và một số nơi khác hòng “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá” và đảo thế cờ trên bàn Hội nghị Paris.
Từ năm 1967, Bác Hồ đã nói với tướng Phùng Thế Tài, lúc này là Phó tổng tham mưu trưởng, lời dự báo: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Chú nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”(5). Nhờ vậy mà ta đã chủ động trong chuẩn bị đối mặt với B-52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Trong 12 ngày đêm của trận “Điện Biên phủ trên không” ấy, đã có 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 34 chiếc B-52 và 5 chiếc F-111; 43 giặc lái đã bị bắt. Chiến dịch Linebacker II của Lầu Năm góc đã bị phá sản. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký tắt ngày 23/1/1973 và được ký chính thức ngày 27/1/1973 với nội dung cơ bản như dự thảo của ta đã chủ động đưa ra hồi tháng 10/1972. Mục tiêu “đánh cho Mỹ cút” đã được thực hiện. Hai năm sau, mùa xuân 1975, ta đã tiếp tục “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lời Bác Hồ chúc tết đêm giao thừa xuân 68 đã được thực hiện trọn vẹn.
Phân tích nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng tháng Tám (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng tới 3 chữ “khéo”: “…vì ta khéo lợi dụng điều kiện quốc tế ở bên ngoài, vì ta khéo đoàn kết và khéo tổng động viên trong nước, cho nên ta đã đổi thế yếu thành thế mạnh, đã thắng ba kẻ địch, đã đưa cách mạng đến thắng lợi, độc lập đến thành công”(6). “Độc lập tự chủ và khôn khéo” là một bài học lớn của Đảng ta trong lãnh đạo kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng muốn “khéo đoàn kết và khéo tổng động viên trong nước” thì trước hết phải làm cho dân tin tưởng vì “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ” trên không chính là thắng lợi của thế trận lòng dân. “Thân dân”, “huệ dân”, “khoan thư sức dân”… là bí quyết thành công của dân tộc Việt Nam trong mọi thời đại. Ngày nay, thời hiện đại, nói như Bác Hồ, tất cả quyền lực đều của dân, tất cả sức mạnh là do dân, phải triệt để thực hiện tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh.
_______
(1) NSS 2010.
(2) Morgenthau: Politics among nations.
(3) TTXVN, 24/11/2012
(4) John J.Mearsheimer, The tragedy of great power politics, W.W.Norton&Company, New York, 2001.
(5) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Sự nghiệp và Tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 1990.
(6) Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2000, tập 6.