Cuối năm 1963, để nhanh chóng tăng cường cán bộ cho miền Nam, Trung ương cho phép một số cán bộ được đi tàu hải quân ngụy trang là tàu đánh cá chở vũ khí chi viện cho miền Nam. Mỗi tàu được chở 5 cán bộ. Những cán bộ này chỉ là hành khách không có nhiệm vụ , quyền hạn gì trên tàu. Người chỉ huy là thuyền trưởng. Lúc này địch phong tỏa vùng biển và bờ biển rất gắt gao. Tuy biển rộng mênh mông, nhưng khi tàu ta vào bến phải đi theo những trục nhất định và địch có thể phát hiện, đánh chìm được. Muốn phóng một chiếc tàu vào Nam, bộ phận phụ trách phải theo dõi chặt chẽ tình hình trên biển ở phía nam và tình hình địch trên bờ biển mà tàu ghé vào để chuyển vũ khí. Khi tình hình cho phép, tức là sự phong tỏa trên biển phía nam của Hạm đội 7 có sơ hở và địch trên bờ biển cũng bị bao vây co hẹp lại, Quân giải phóng có thể tiếp nhận tàu chở vũ khí thì ta phóng các tàu chở vũ khí vào Nam. Chiếc tàu mà chúng tôi đi nhờ đã chở đầy vũ khí, sẵn sàng chờ lệnh. Chúng tôi tập trung trên bờ chờ ngày xuất phát.
Khi có lệnh xuất phát, chúng tôi mới được xuống tàu, được giới thiệu với thuyền trưởng trong đêm tối dưới ánh sáng của đèn pin. Sau khi động viên thuyền trưởng, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vu, chúc cán bộ quá giang thượng lộ bình an, anh Đoàn Hồng Phước, người chỉ huy đơn vị hải quân này tạm biệt anh em lên bờ. Tàu nhổ neo không kèn không trống, trong màn đêm giá lạnh, nhắm hướng đông chạy thẳng ra đại dương.
Tàu xuất phát từ một bến cảng ở Hải Phòng, chạy một đêm thì đến hải phận quốc tế, từ đó quay mũi về phía nam theo đúng hướng kim la bàn tiến tới. Đêm đầu vì tàu chạy gối đầu trên sóng nên có một vài anh say sóng, nhưng khi xuôi theo sóng vào Nam anh em tỉnh lại dần. Bềnh bồng giữa đại dương, hít thở không khí trong lành, ăn uống đầy đủ theo chế độ bồi dưỡng nên ai cũng khỏe. Tàu còn trên biển phía Bắc thì không có gì phải lo, khỏe thì ngồi trên sàn tàu xem trời xem biển, hứng gió, mệt thì ngủ. Có đêm tàu chạy ngang vùng có cá chuồn (loại cá có vi rộng có thể xòe ra thành hai cánh để đáp xuống nước sau khi phóng vọt lên), cá phóng lên rơi vào sàn tàu liên tục, cứ lượm đem nướng ăn uống bia rất ngon.

|
Ông Nguyễn Văn Tòng thời kháng chiến chống Mỹ, nguyên Chánh ủy Trung đoàn Bình Giã, nguyên Chánh ủy Sư đoàn 9 anh hùng |
Khoảng đến ngày thứ tư, thuyền trưởng cho biết tàu đã qua vĩ tuyến 17, đề nghị anh em góp phần quan sát phía trước mặt và phía tây.
Tàu vẫn chạy một mình giữa đại dương mênh mông, không thấy tàu nào khác ngoài một tàu buôn đầy ánh sáng đèn điện chạy bên phía đông hướng lên phía bắc. Nhưng ngày hôm sau, lúc xế chiều, trên Đài quan sát phát hiện một pháo hạm rõ dần, ngồi trên sàn tàu cũng thấy. Có đồng chí đề nghị mình nên chạy dạt ra phía đông của pháo hạm đó tức là ta ở sâu ngoài hải phận quốc tế hơn. Nhưng đồng chí thuyền trưởng nói ta cứ thẳng hướng mà đi, vì phía tây không có tàu địch, nếu ta lái sang hướng đông có khi rơi vào giữa đội hình của nó. Quả thật một lúc sau thấy xuất hiện một pháo hạm thứ hai chạy bên phía đông chiếc thứ nhất theo đội hình bậc thang. Tàu ta cứ bình tĩnh, “nín thở” chạy thẳng hướng nam nhưng không ngừng theo dõi động thái của hai pháo hạm địch cho đến khi khuất dạng. Đó là thử thách đầu tiên đáng kể. Khi đêm đến thì tàu ta một mình một cõi, thủy thủ đoàn và khách tiếp tục nghe đài, đánh tú lơ khơ hay đón cá chuồn nướng, nhậu.
Sau bảy ngày bềnh bồng trên đại dương, sáng ngày thứ tám, tàu đến vùng biển có rải rác vài đảo san hô, đúng là cột mốc địa hình, để dừng lại chuyển hướng về phía tây vào đất liền. Vì còn sớm nên tàu chạy vòng vòng quanh các hòn đảo chờ đến chiều. Những con hải âu bay là xà trên mặt biển xung quanh đảo san hô làm cho cuộc sống thêm chất thơ. Đến 4 giờ, nắng đã dịu, sóng bạc long lanh, thuyền trưởng cho tàu nhắm hướng mặt trời đang xuống thấp tiến tới. Ngoài biển Đông chạy về hướng Tây tức là vào bờ biển Nam Bộ. Đây là đoạn đường nguy hiểm nhất trong hải trình từ Hải Phòng vào các căn cứ kháng chiến dọc bờ biển các tỉnh Nam Bộ. Sau bảy ngày đêm sống trên biển khơi, sức khỏe mọi người đều tăng lên. Ai ai cũng phấn khởi và đều sẵn sàng trước thử thách lớn lao trên đoạn đường này. Mừng là đã vượt qua một đoạn đường dài, an toàn, lo là làm sao vượt qua đoạn chót trong đêm nay.
Con tàu tiếp tục chạy trong đêm tối theo hướng la bàn. Bỗng mọi người la lên “Đèn Cấp” (Cap = mũi). Đúng là ngọn hải đăng của Vũng Tàu. - Bắt được đèn Cấp rồi! – một thủy thủ la lớn. Con tàu như chạy nhanh hơn nhờ sức hút của ngọn hải đăng, ngọn hải đăng mà mọi người đang mong đợi, nhất là thuyền trưởng. Bắt được ngọn hải đăng có nghĩa là tàu đã chạy đúng hướng và quan trọng hơn là đoạn đường đến bến không còn xa nữa và đây là đoạn đường có nhiều khả năng gặp tàu chiến của Hạm đội 7 nhất, đoạn đường sinh tử. Mọi người như nín thở, trông chờ. Con tàu vẫn đang tiến với tốc độ bình thường của nó, nhưng dường như nó đang chạy chậm rì mà sóng biển đen sì từng lượng đang đẩy lùi nó trở lại biển Đông. Thời gian trôi qua nặng nề, thầm lặng. Con tàu vẫn chồng chềnh giữa đêm tối mịt mùng, sương lạnh đã thấm vào làm cho mọi người tỉnh dậy, mặc dù không ai ngủ. Kẻ đứng người ngồi tập trung về phía trước. Đồng chí dẫn đường người Bến Tre bỗng nhiên lên tiếng: - Đã đến làn nước đục. Mọi người nhìn xuống biển, đúng là nước đã đổi màu không còn xanh trong như ngoài khơi, nước đục của chín cửa sông Cửu Long đã đổ ra chan hòa với nước biển, thủy triều đang xuống. Tàu đã chạy gần đến bờ. Mọi người cố nhìn về phía trước tìm một giang cây. Không thấy gì khác hơn là một bức tường màu đen. Bỗng xuất hiện trước mũi tàu một chiếc tàu đánh cá đang bồng bềnh trên ngọn sóng. Đồng chí dẫn đường hỏi lớn: - Đây là đâu vậy? Không nghe trả lời và chiếc tàu đánh cá theo sóng đùa trôi ra xa, phút chốc đã mất dạng. Sau này mới biết, tàu ta có thập ác trên buồng lái nên giống như tàu tuần tiễu của địch, làm cho ngư dân sợ. Gần sáng, đã nhìn thấy được bờ biển như là một bức tường đen. Mọi cặp mắt đều ghim vào bức tường đen đó để tìm một ánh chớp. “Ánh chớp tín hiệu”, nhất là đồng chí dẫn đường. Đồng chí hết sức tập trung tìm ánh chớp đó như không dám nháy mắt vì sợ có ánh chớp mà không kịp nhận ra. Nhưng trông đã mòn con mắt mà không thấy gì hết, chỉ thấy ở chân trời phía đông dần dần có mây ngang, dấu hiệu của hừng đông, trời sẽ sáng. Trời sáng mà chiếc tàu còn chạy khơi khơi ngoài biển, chưa có tín hiệu, chưa có ai đón để đưa nó vào căn cứ để che giấu địch. Con tàu đang ở cận làn mức nguy hiểm có thể dẫn tới sự hy sinh của tất cả cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Bỗng đồng chí dẫn đường giật mình thốt lên: - Lạc rồi, lạc xa lắm rồi! Đây không phải bờ biển Bến Tre. Biển Bến Tre nhiều cồn cát không chạy cập mé biển được. Tim mọi người như thắt lại, cái đầu muốn nổ tung. Đúng là con tàu đang chạy cập theo mé biển. Trời đã sáng đến mức có thể phân biệt được cây bần, cây đước trên bờ và con tàu đang lướt dọc hàng cây băng băng chạy tới nơi vô định vì không có một ai đón nó và chưa có mệnh lệnh nào khác. Phải xử trí ngay không thể chậm trễ. Đồng chí thuyền trưởng hỏi ý kiến chúng tôi: - Không có ai đón mà trời sắp sáng rồi, nên thả neo hay chạy ra ngoài khơi rồi kéo cờ “ba sọc” lên để ngụy trang? Tôi đề nghị: - Tàu đã chạy cập bờ biển độ 10km mà không thấy dấu hiệu gì của địch , đoạn đường đã đi qua có thể là an toàn. Trên bờ có thể là một vùng giải phóng. Đề nghị đồng chí cho quay lại, chạy trở lại độ nửa đường đã đi qua, thả neo lên bờ hỏi dân. Đồng chí thuyền trưởng đồng ý ngay vì có lẽ không còn con đường nào khác.
Tàu chạy trở lại. Tình hình hết sức căng thẳng. Trước mắt chúng tôi nhiều nguy cơ hơn là hy vọng. Một số thủy thủ đã sẵn sàng vào vị trí chiến đấu, sẵn sàng tử chiến với địch.
Thủy triều xuống, bãi biển đã lộ dần ra. Tàu phải chạy xa bờ hơn. Vượt đoạn đường độ 5km, đồng chí thuyền trưởng ra lệnh thả neo. Vì thủy triều xuống nhanh nên thả neo vừa xong con tàu cũng đã nằm cạn trên bãi cát cách mé nước không xa. Thủy thủ vội vàng thả chiếc xuồng ba lá xuống biển để bơi vào bờ. Nhưng chiếc xuồng bị sóng đánh chìm ngay. Đồng chí Quyền, Đại úy hải quân, liền nhảy xuống biển. Nước chỉ ngập đến cổ, hai thủy thủ cùng nhảy theo. Cả ba người nhanh chóng vượt khỏi biển lên bờ. Chúng tôi dõi theo ba bóng người đi vào xóm, chờ đợi trong căng thẳng tột độ, các thủy thủ còn lại đều sẵn sàng bên súng.
Một lúc sau, độ 10 người ăn mặc thường dân từ trong xóm đi ra, tín hiệu của sự may mắn là gặp dân mà không gặp địch. Chúng tôi vô cùng phấn khởi nhảy xuống bãi biển đón người trong xóm đi xuống. Anh Quyền nói lớn:
- Gặp anh em ta rồi.
Tuy vậy nhưng phía chủ nhà vẫn chưa lên tiếng. Các đồng chí nhìn chiếc tàu, nhìn chúng tôi tìm hiểu… Bỗng một đồng chí tới gần tôi hỏi thân mật:
- Có phải anh là anh Tư không? Anh Tư Tòng Chánh trị viên Tiểu đoàn 311?
Nghe hỏi đúng tên mình, tôi mừng vô kể nhưng chưa kịp nhận ra người quen đã xa cách gần một chục năm, kẻ tập kết ra Bắc, người trụ lại miền Nam, thì anh nhanh chóng giới thiệu:
- Tôi là Ba Lợi đây, Ba Lợi xã đội Đông Thái đây.
Còn tôi cũng xưng tên mình:
- Tôi là Tư Tòng đây, đúng là tôi đây.
Bây giờ anh mới nắm chặt hai tay tôi nói:
- Gặp nhau rồi anh cứ yên tâm.
Tôi hỏi:
- Anh làm gì ở đây?
Anh nói:
- Đây là Trạm phân phối vũ khí của Quân khu, tôi phụ trách công việc này.
- Vậy thì đúng nghề anh rồi, đây là tàu hải quân ngụy trang tàu cá chở 100 tấn vũ khí về chi viện cho đồng bào đây. Theo kế hoạch là Bến Tre đón nhưng không bắt được tín hiệu nên chạy lạc lên đây.
- Đây là cồn Nóc - Sóc Trăng, căn cứ du kích của ta. Hồi nãy nếu các anh chạy trờ tới một chút là đụng đồn Mỹ Thanh rồi. Ở đó có một đại đội địch. Bây giờ các anh lên bờ nghỉ, đã trải qua một đêm cũng căngthẳng lắm rồi. Để công việc này tụi tôi lo cho.
Cuộc trao đổi diễn ra nhanh chóng. Anh Ba gọi thêm anh em bắt tay cưa liền một chục cây bần để ngụy trang chiếc tàu vì hôm trước máy bay địch vừa bắn phá xóm này. May là chiếc tàu mắc cạn gần một cụm bần nên khi được ngụy trang thì nó giống như một cụm bần mọc tự nhiên.
Đến đây, chiếc tàu chở 100 tấn vũ khí với đoàn thủy thủ và 5 cán bộ đi nhờ đã cập được đúng bến của Quân giải phóng, hoàn toàn tránh khỏi cái bẫy khổng lồ giăng trên biển của Hạm đội 7 Mỹ và hệ thống đồn bót dọc bờ biển, cửa sông ngăn chặn, rào đón của ngụy Sài Gòn. Chúng tôi vô cùng phấn khởi đi vào nhà dân tạm nghỉ.
Chiến tranh nhân dân thật là kỳ diệu. Tuy địch vẫn còn đồn bót khắp nơi nhưng sau Đồng khởi, nhân dân Nam Bộ đã mở ra nhiều vùng, nhiều Khu giải phóng, trong đó có một số vùng ven biển. Nhờ đó mới tiếp nhận được sự chi viện của hậu phương miền Bắc trên đường biển. Con tàu của chúng tôi tuy không gặp người đón theo kế hoạch, nhưng với lòng tin vào dân đã cập đúng bến của ta. Đó là một điều may mắn nhưng chủ yếu là nhờ vào thế trận chiến tranh nhân dân dã tạo thành. Dân ta đã cứu nguy cho con tàu.
Suốt ngày hôm đó, chiếc tàu được canh phòng cẩn mật. Súng 12 ly 7 được bố trí trên bờ để bảo vệ nó. Dân cồn Nóc vui mừng chào đón các chiến sĩ hải quân Việt Nam anh hùng đóng vai dân làm nghề cá đã lái các con tàu chở vũ khí vượt qua bao nhiêu nguy hiểm, có thể phải hy sinh, để chi viện cho miền Nam, trực tiếp ở đây là các tỉnh Nam Bộ. Các cán bộ Mùa Thu theo tàu trở về Nam cũng được đón mừng nhiệt liệt. Trong một ngày mà dân địa phương tổ chức hai bữa tiệc linh đình sáng, chiều để chiêu đãi chúng tôi.
Đến chiều, nước lớn, mặt trời vừa lặn, xuồng đuôi tôm đưa chúng tôi trở lên tàu trong sự chia tay nồng ấm của dân. Tàu quay mũi hướng Ba Động - Trà Vinh, bến đón đích thực của con tàu này dưới sự hướng dẫn của đồng chí dẫn đường người địa phương. Đồng chí đã đưa con tàu chở 100 tấn vũ khí vào những con sông nhánh, những con rạch nhỏ một cách thông suốt không một lần mắc cạn. Thiếu đồng chí thì con tàu đánh cá ở đại dương này khó mà luồn lách vào sông lạch được. Vũ khí được nhanh chóng chuyển đến các kho trong đêm hôm đó và ngày hôm sau. Vừa chập tối hôm sau, đồng chí thuyền trưởng và thủy thủ đoàn rời bến tiếp nhận ở Trà Vinh với sự thương yêu, trìu mến, kính phục của cán bộ và dân công có mặt để vượt đại dương trở ra miền Bắc trong sự phong tỏa chặt chẽ của Hạm đội 7 Mỹ. Cùng với các con tàu khác của Hải quân Việt Nam, các đồng chí đã vẽ nên con đường Hồ Chí Minh trên biển. Thật xứng đáng là những Anh hùng.
(Trích Hồi ký kháng chiến chống Mỹ, tháng 3/2012)