Võ Nguyên Giáp - một cuộc đời của Alain Ruscio

Tháng 3/1979, Alain Ruscio, một nhà báo Pháp gốc Ý, được phái sang Hà Nội làm phóng viên thường trú báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp giữa lúc Việt Nam đang sôi nổi chuẩn bị kỷ niệm 25 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là một dịp tốt để cho nhà báo Pháp, hơn nữa là một nhà sử học chuyên nghiên cứu về quan hệ giữa Pháp và Việt Nam, đưa ra đề nghị được phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lời đề nghị được nhanh chóng chấp nhận nhưng Vụ báo chí Bộ ngoại giao Việt Nam vẫn lưu ý vị khách: Đại tướng rất bận nên chỉ có thể tiếp ông một thời gian ngắn. Ruscio thích thú thấy cái thời gian ngắn đó cuối cùng đã diễn ra trong ba giờ đồng hồ! Có thể nghĩ rằng, giữa người phỏng vấn đã chọn báo chí và sử học làm nghề nghiệp và từ năm 1968, ở tuổi 20, đã tham gia biểu tình chống “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” của Pháp ở Việt Nam và người được phỏng vấn, cựu Tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, đã nhanh chóng tìm được sự đồng cảm.

Sau cuộc gặp đầu tiên này, trong 30 năm tiếp theo, mỗi khi có dịp trở lại Hà Nội - mà những dịp đó rất nhiều - Ruscio lại xin gặp Đại tướng để tiếp tục cuộc phỏng vấn. Chỉ đến đầu năm 2010 Ruscio đã không làm được việc đó vì Đại tướng đã đến gần tuổi thọ 100, sức khỏe già yếu, phải vào sống trong bệnh viện.

Trong các lần gặp trước Ruscio đã nhiều lần xuất trình bản ghi chép của mình, đề nghị Đại tướng xem lại và đồng ý cho công bố nhưng lần nào cũng chỉ nhận được một câu trả lời: Nên chờ đã! Câu chuyện đó giữa hai người đã trở thành một trò đùa vui:

- Chờ đến bao giờ?

- Đến thời gian thích hợp.

Không hiểu đến nay thời gian đã thích hợp chưa, nhưng cuối năm 2010 cuốn sách đã ra mắt bạn đọc, tuy chỉ đề cập đến các sự kiện trước 1975, người đọc hiểu sự thận trọng của Alain Ruscio.

Bìa sách Võ Nguyên Giáp - một cuộc đời, NXB Les Indes Savantes, Paris, 2010.

Đây chỉ là một cuốn sách mỏng, khổ nhỏ, hơn 100 trang, được dàn thành 6 tiểu mục, bao quát toàn bộ cuộc đời Võ Nguyên Giáp:

- Thầy giáo dạy Lịch sử.

- Nhà ái quốc trẻ tuổi.

- Người chiến sĩ du kích.

- Nhà lý luận chiến tranh cách mạng.

- Nhà thực hành chiến tranh cách mạng chống Pháp.

- Nhà thực hành chiến tranh cách mạng chống Mỹ.

Để đọc giả có một ý niệm cụ thể về nội dung cuốn sách chúng tôi xin lược thuật vài lời Hỏi – Đáp của cuộc phỏng vấn, nhưng trước hết xin gợi lại chút ít lịch sử: Năm 1953, chính phủ Pháp nhận ra tình trạng của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương “rất tồi tệ”, bèn quyết định phái một viên tướng xuất sắc – tướng Navarre – sang Đông Dương. Một tháng sau vị tân chỉ huy này đệ trình một bản kế hoạch cứu vãn tình hình, về sau được gọi là “Kế hoạch Navarre”.

Tướng G.Catroux, từng làm Toàn quyền Đông Dương, liền viết một bài tràng giang đại hải trên báo Figaro (21/7/1953): Kế hoạch mang dấu ấn của một vị chỉ huy không chịu khuất phục trước ý chí của kẻ thù. Thế rồi trên các báo Pháp dần dần bùng lên một dọng bình luận mới, từ hy vọng lạc quan đến tin tưởng cuồng nhiệt.

Tháng 11/1953, chiến dịch Con hải ly bắt đầu ném quân xuống một thung lũng rất ít được biết đến ở Tây Bắc Việt Nam mà gần đây từ điển Wikipedia trên Internet vẫn tự tin giảng giải một cách sai lệch ý nghĩa của cái địa danh sẽ trở thành nổi tiếng này: Điện Biên Phủ(2).

Nhà báo Robert Guillain, một trong những nhà báo đầu tiên được đến tận nơi Điện Biên Phủ, đã viết trên Le Monde (15/2/1953): “Một cảnh tượng yên ổn ... Thật tuyệt vời. Một cái bẫy khổng lồ”. Tướng Cogny, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Việt Nam tuyên bố với báo Figaro: “Chắc chắn Việt Minh sẽ phải chịu một thất bại nghiêm trọng ở Điện Biên Phủ. Chúng ta sẽ chiến thắng (13/1/1953)”.

Nhà báo Alain Ruscio hỏi Võ Nguyên Giáp: “- Ở Pháp người ta cho kế hoạch Navarre, nhất là việc nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là một hành động ngu xuẩn. Ý kiến Đại tướng thế nào?”.

Võ Nguyên Giáp trả lời: Kế hoạch Navarre không phải là một sự ngu xuẩn thuần túy. Không nên quên rằng kế hoạch đó đã được đón nhận một cách hào hứng ở Pháp và cả ở Mỹ. Kế hoạch Navarre là một mưu toan về sự đáp trả chiến lược của Pháp và của cả phương Tây, vì rằng Mỹ đang can thiệp ngày một trực tiếp vào việc đưa ra quyết định nhằm đối phó với một tình hình chung đã bị suy yếu. Đây là mưu toan cuối cùng của phương Tây nhằm xoay chuyển tình thế từ phòng ngự sang phản công. Dù điều này đã quá muộn nhưng chúng tôi vẫn không coi nhẹ nó.

Cũng không nên quên rằng, Navarre đã mở đầu việc chỉ huy của mình bằng hai thành công: chiến dịch Chim én nhảy dù xuống hậu phương của chúng tôi ở Lạng Sơn và Lộc Bình, và cuộc rút quân đặc biệt thành công ở Nà Sản, đã làm chúng tôi bị bất ngờ. Trong những tháng đầu, Navarre đã chứng tỏ cho tôi biết đây là một đối thủ tầm cỡ.

Nhưng rồi điều gì đã xảy ra?

Navarre muốn giam chân đại bộ phận quân chính quy của chúng tôi ở miền Bắc để tránh khỏi bị uy hiếp ở miền Nam mà ông muốn kiểm soát một cách chắc chắn. Tôi muốn nhấn mạnh rằng: Kế hoạch Navarre không thiếu tính liên kết chặt chẽ cũng như tính sáng tạo, nhưng nó không giải quyết được mâu thuẫn cơ bản của mọi cuộc chiến tranh xâm lược: nếu tập trung quân viễn chinh lại để tạo ra sức mạnh ưu thế ở một vài điểm cụ thể thì lại mất đi, theo một tỉ lệ tương xứng, việc không kiểm soát được địa bàn rộng lớn.

Alain Ruscio, tác giả cuốn Võ Nguyên Giáp - một cuộc đời.

Alain Ruscio: - Trong đời mình Đại tướng đã đối đầu và đánh thắng nhiều tướng lĩnh của phương Tây. Tôi đề nghị Đại tướng nói về một người trong số họ, một trong những người nổi tiếng nhất, De Lattre de Tassigny. Không ai như ông ta lại có uy danh như vậy ... Ở phương Tây, có một số người cho rằng nếu ông ta còn sống thì cuộc chiến Đông Dương có thể sẽ diễn ra khác. Đại tướng nghĩ thế nào về điều đó ?

Võ Nguyên Giáp: - Tôi biết huyền thoại đó. Vì nó là huyền thoại. De Lattre cũng như tất cả mọi viên tướng thực dân và đế quốc đều phải chịu thất bại ở Việt Nam. Ông ta cũng không thể khác. Hãy nói đến chiến dịch Hòa Bình.

Tháng 11/1951, khi De Lattre quyết định mở một chiến dịch không vận, cả phương Tây gào lên thán phục: “Quân viễn chinh đang giành lại thế chủ động!”. Nhưng quân Pháp đã tìm được gì? Một thành phố bị tiêu hủy và dân chúng đã bỏ đi. Một chiến thắng tuyệt đẹp!

Nhật lệnh chiến thắng được công bố nhưng De Lattre chỉ bắt được gió. Có thể ông ta dùng cái “chủ động” đó để biện minh cho những khoản vay của Mỹ. Quân đội chúng tôi không đối địch nhưng đã tập hợp lực lượng để chuẩn bị phản công, ở đâu, khi nào do chúng tôi định. Tốt hơn nữa, chúng tôi đã lợi dụng hoàn cảnh đó để thâm nhập vào vùng châu thổ, vì quân viễn chinh do tập trung lực lượng ở Hòa Bình, nên việc kiểm soát các nơi khác kém đi. Như vậy về chiến lược chúng tôi vẫn làm chủ tình hình.

Chúng tôi đã chiến thắng hai lần, ở vùng châu thổ và ở cả Hòa Bình. Cái thành phố “bị chiếm” này chúng tôi sẽ biến nó thành cứ điểm tấn công. Thời điểm phản công là do chúng tôi định. Lúc đó ban tham mưu Pháp sẽ bị đặt trước một sự lựa chọn: rút quân hoặc cố thủ. Lúc đó De Lattre bị ốm nặng và Salan, phó tướng của ông ta cuối cùng buộc phải ra lệnh rút khỏi Hòa Bình vào tháng 2/1952.

Một việc cuối cùng: phòng tuyến De Lattre nổi tiếng. Ý tưởng nảy sinh trong đầu De Lattre về việc xây dựng một phòng tuyến để ngăn chặn các chiến binh của chúng tôi chứng tỏ ông ta thực sự không hiểu tính chất cuộc chiến mà ông ta đang theo đuổi. Một sai lầm nghiêm trọng!

Người ta không thể ngăn chặn được một cuộc chiến tranh nhân dân, ở đây mặt trận có khắp nơi, không giống như một cuộc chiến tranh “cổ điển”, ở đó có thể cần củng cố một phòng tuyến phân chia ranh giới giữa hai đội quân đối địch. Thế mà sai lầm đó, về sau còn được tái phạm bởi người Mỹ, với phòng tuyến Mac Namara nổi tiếng !

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tác giả bài viết - GS Nguyễn Văn Hoàn.

Cuốn sách của Alain Ruscio sẽ là một tài liệu hết sức quý cho những ai muốn viết lại tiểu sử chính trị của huyền thoại sống Võ Nguyên Giáp (báo Nhân Đạo, Pháp, 3/6/2011) cũng như những người muốn nghiên cứu cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Việt Nam chống lại hai lực lượng xâm lược đáng sợ của thế kỷ XX là Pháp và Mỹ.

Như Alain Ruscio đã cho biết, vì lý do sức khỏe, Đại tướng đã không có điều kiện đọc trước bản thảo cuốn sách này, do đó cuốn sách cũng có một chi tiết không chính xác, chi tiết nhưng quan trọng, đó là nói Võ Nguyên Giáp bị giam hai năm ở nhà tù Lao Bảo – Quảng Trị (trang 27). Không, Võ Nguyên Giáp chỉ bị giam ở nhà lao Thừa Phủ - Huế, cùng một lần với người nữ đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái, về sau thành người vợ đầu của ông, với Vũ Thuần Nho, em trai của ông và Giáo sư Đặng Thai Mai, thầy học của ông.

Trong hoạt động nghiên cứu, có vẻ như Alain Ruscio muốn đi theo kinh nghiệm của người đồng nghiệp tiền nhiệm đáng kính, Charles Fourniau. Cả hai đều nhận làm phóng viên thường trú của báo Nhân Đạo ở Hà Nội để nghiên cứu tại chỗ về lịch sử Việt Nam. Fourniau nghiên cứu thời kỳ đầu chủ nghĩa thực dân Pháp thiết lập ở Việt Nam, Ruscio nghiên cứu thời kỳ kết thúc sự thống trị đó.

Cả hai đều đem thành quả nghiên cứu về lịch sử Việt Nam của mình để làm luận án tiến sĩ quốc gia bảo vệ ở Pháp. Những điều đó cùng nội dung luận án đã nói lên lập trường nhân văn và lương tri cao quý của hai người bạn chiến đấu của nhân dân Việt Nam.


(1)

Võ Nguyên Giáp – Une Vie, NXB Les Indes Savantes, Paris, 12/2010.

(*)

Theo Wikipedia: Dien bien phu, means Fine farm of the Mountain.

GS Nguyễn Văn Hoàn