Vào dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay, một buổi giao lưu với chủ đề: “Vẻ đẹp nữ tính trong xã hội hiện đại” được Hội quán Các Bà Mẹ tổ chức tại tư thất của GS-TS Trần Văn Khê ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Buổi nói chuyện hôm đó do GS-TS Trần Văn Khê chủ trì, ông đã nói say sưa về vẻ đẹp của chiếc áo dài cùng lịch sử của nó, vẻ đẹp của vóc dáng và tâm hồn người phụ nữ Việt Nam. Ông nhận định: “Phụ nữ Việt Nam có nét duyên dáng riêng, nhìn càng lâu càng không quên được”. Theo ông, nét duyên ấy chính là vừa giữ được truyền thống, vừa thích nghi với cuộc sống hiện đại.
Để duy trì được điều đó, GS-TS Trần Văn Khê nhấn mạnh sự vận dụng uyển chuyển về “công, dung, ngôn, hạnh” của phụ nữ ngày nay: “Chữ công thời nay không chỉ là vén khéo việc nhà mà còn nên giỏi việc xã hội; tương tự chữ ngôn cũng cần có uy lực trong điều hành và xử lý công việc, bên cạnh nếp nghĩ truyền thống như đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên; chữ dung không bó hẹp trong dung mạo bên ngoài (và cũng không nhất thiết có mắt lá răm, mày lá liễu, thắt đáy lưng ong) mà là sự duyên dáng lịch thiệp trong tâm hồn và ứng xử; chữ hạnh xưa và nay đều đề cao lòng chung thủy, sự đằm thắm “kính trên, nhường dưới”…
Tôi cũng cho rằng, nữ tính chính là khúc nhạc hay nhất giúp lòng người được thư thái và làm say đắm trái tim của những đấng mày râu xưa nay… Nhưng tiếc thay, ngày nay nhiều bạn gái đã nhầm lẫn rằng người phụ nữ có cá tính phải “lắp ráp” cho mình nam tính thì mới là… đúng mốt. Nhiều cô tin rằng, phải tỏ ra ngổ ngáo, cử chỉ lấc cấc, nói năng táo tợn… mới là hiện đại mà không hiểu nữ tính, sự mềm mại, dịu dàng, kín đáo mới là thế mạnh của phái nữ, ngay cả khi họ mặc quần soọc, cắt tóc ngắn, đi giày thể thao vẫn toát ra vẻ nữ tính.
Hiện nay, chuyện nữ sinh đánh nhau đang là một vấn đề xã hội, đó là một tệ nạn, một nỗi đau của cả cộng đồng. Liệu những nữ sinh hung hăng, thích bạo lực ấy sẽ ra sao khi sau này họ thành người vợ, người mẹ trong gia đình và mang lối hành xử bạo lực ấy vào tổ ấm của mình? Cho nên, việc giữ gìn nữ tính cho phái nữ phải được hun đúc càng sớm càng tốt, bắt đầu từ lòng nhân hậu, sự dịu dàng ngay từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội… Đó chính là cái gốc để ngăn chặn tệ nạn bạo hành ở phụ nữ để tránh cho họ, gia đình họ rơi vào bi kịch (như những vụ án xảy ra gần đây: chuyện vợ cắt “của quý” chồng hay vợ một nhà báo đốt chồng…).
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nêu nhận xét: Hiện nay, phái nam và phái nữ đang… “cầm nhầm” giới tính của nhau. Nhiều cô gái bây giờ thật mạnh mẽ, cứng cỏi trong khi nhiều chàng trai lại ẻo lả, mềm yếu, mặc quần áo màu mè, đeo nữ trang, để tóc dài, xức nước hoa thơm phức (gần đây nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu nam còn chụp ảnh khỏa thân để khoe những… đường cong của mình cho thiên hạ ngắm).
Cũng theo bác sĩ, trong mỗi người nữ cũng chứa một ít hormone nam và ngược lại, trong mỗi người nam cũng có phần hormone nữ và càng lớn tuổi thì loại hormone “tầm gởi” này càng phát triển, cho nên khi có tuổi, nhiều ông già trông cũng giống phụ nữ và nhiều bà trông giống như đàn ông. Theo bác sĩ, lối sống hay trang phục cũng góp phần giữ gìn giới tính, như chiếc áo dài không chỉ là công cụ hữu hiệu để chống béo phì mà còn giúp phái nữ giữ gìn nét thùy mị, vì khi mặc áo dài các bà các cô cũng trở nên dịu dàng, khoan thai hơn, không thể chạy nhanh hay… đánh lộn được.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã đọc bài thơ rất nổi tiếng Còn gặp nhau của bà, bằng phong cách nền nã, phúc hậu và chứa chan niềm yêu đời đồng thời rất nữ tính, dù nhà thơ nữ người Huế dòng dõi hoàng tộc này đã ngoài 70… đã tạo sự đồng cảm sâu sắc ở người nghe.
Ở phần giao lưu, nhiều khán giả trong đó có những bạn gái trẻ đặt những câu hỏi khá thú vị với các diễn giả. Chẳng hạn, có bạn gái hỏi: “Những phụ nữ năng động, theo đuổi sự nghiệp và lấy chồng muộn có phải là thiếu nữ tính hay không?”. Tôi đã trả lời rằng, nữ tính ngày nay được thể hiện rất phong phú, miễn là họ giữ được những đặc điểm mà nhà văn Aleksey Tolstoy đã viết trong tác phẩm Con đường đau khổ của mình khi tả về nàng Katia: “Năm tháng rồi sẽ phôi pha, chiến tranh rồi sẽ thôi gào thét và những cuộc cách mạng rồi sẽ im ắng dần, chỉ còn lại không phôi pha là tấm lòng em nhẫn nại, dịu dàng và chan chứa tình yêu thương…”.
Một bạn gái khác hỏi rằng, ngày nay họ phải lo học hành rồi bận đi làm, tìm cơ hội nâng cao nghiệp vụ để được thăng tiến nên không thời gian trau dồi chuyện bếp núc, nữ công gia chánh, vậy họ có bị xem là “nam hóa” hay không. Đây là một câu hỏi rất thực tế, vì phái nữ bây giờ rất bận rộn, vất vả, họ cũng phải chen vai thích cánh với phái nam khẳng định mình, để có chỗ đứng trong xã hội hay có thu nhập tốt nên không có thời gian nấu nướng, may vá thêu đan… Một phần do hàng hóa làm sẵn bây giờ rất rẻ, tiện lợi và đẹp nên phụ nữ đâm ra… lười.
Nhưng chuyện nữ công không hẳn là lợi ích về tiền bạc hay tiết kiệm cho ngân sách gia đình mà chính là cách vun đắp nữ tính, thể hiện sự thương yêu, tận tụy của phụ nữ dành những người mình thương yêu…
Lại có một người đàn ông khá thành công trong sự nghiệp, giàu có, đủ con trai con gái nhưng tự xưng mình là người đàn ông bất hạnh chỉ vì vợ ông ta là người thiếu nữ tính: “Cô ấy sống có trách nhiệm, kiếm được nhiều tiền, không có lỗi gì nghiêm trọng với gia đình nhưng đó là “người đàn ông… mặc váy” vì tính tình đốp chát, thô thiển và có phần khô cứng…”.
Nữ tính cũng chính là cái duyên, là vẻ đẹp bên trong tỏa sáng ra bên ngoài. Sắc đẹp là trời cho nhưng cái duyên thì người phụ nữ nào cũng có thể vun đắp cho chính mình. Sự dịu dàng nữ tính là nhan sắc khó phai tàn…