Đó là câu tục ngữ do nhà giáo quá cố Vũ Dung sưu tầm.
Còn nhớ, nhà thơ Xuân Diệu khi nghe câu ấy “đã sửng sốt cả người!”. Ông thú nhận mới đầu thấy lạ nhưng chưa hiểu lắm. Càng suy ngẫm càng thấy hay, thấy thú. Thậm chí không dừng được, trong một cuộc nói chuyện thơ, ông đã nhắc đi nhắc lại câu tục ngữ này và cho rằng đây là một trong những câu hay nhất của kho tàng văn học dân gian mà nhà thơ được biết.
Tại sao Xới cơm thì xới lòng ta? Xuân Diệu giảng: “Người dân quê miền Bắc hiện nay đa phần còn nấu cơm bằng rơm rạ. Cơm chín rất ngon, nhưng người sành ăn vẫn có thể đánh giá chất lượng cơm thành ba phần khác nhau. Phần trên nồi có thể bị nhão, do nước đọng ở vung chảy xuống. Cũng có thể khểnh vung lẫn tro bụi. Cạnh nồi và đáy nồi thường bị cháy, rắn. Chỉ có phần cơm giữa nồi là chín đều, dẻo và săn. Người có ý, ngồi xuống bên mâm, sau khi đã hớt cơm phần trên cùng bỏ ra, thì bát cơm xới đầu tiên là tự nhận về mình. Sau đó, lần lượt đến người khác. Bát cơm xới ở giữa bao giờ cũng dành cho người được quý trọng nhất trong mâm, hoặc là ông bà, hoặc là cha mẹ, hoặc là khách khứa.

Lại còn nữa: dân ta ăn uống rất điều độ: Cơm ba bát, áo ba manh. Xới cơm xới lòng ta, tức là ta ăn bao nhiêu, xới cho người khác bấy nhiêu. Xới đầy bát quá “lấp mắt lấp mũi”, không đẹp đã đành, mà có thể người ăn mãi không hết, cũng là làm tội người ta!
Tại sao so đũa thì phải so ra lòng người? Đũa của ta thường vót bằng tre. To, nhỏ, dài, ngắn không đều. Khi ăn gặp phải đũa lệch thì Vợ dại không hại bằng đũa vênh! So đũa so ra lòng người, tức là chọn đôi đẹp, không so le, không cong vênh dành cho người. Tất nhiên phần mình có thể là đôi đũa xấu!
Chú ý: xới cơm cho người thì xới sau, so đũa cho người lại so trước. Chỉ trong một bữa ăn mà có hai thao tác sau, trước trái ngược hẳn nhau, song mục đích lại giống nhau. Thế mới tài tình!
Nhưng ai là Ta, ai là Người? Khi ta xới cơm, so đũa thì ta là Ta. Khi ta được người khác xới cơm, so đũa thì ta lại là Người. Là người hay là ta tùy vị trí, hoàn cảnh. Nghĩa là ai cũng có lúc là Ta, có lúc là Người. Như cách nói của dân gian, đó là “sự đồng lần”.
Với một công việc hằng ngày nhỏ nhặt là so đũa, xới cơm, người xưa đã nâng lên thành thái độ ứng xử vừa chu đáo, ân cần, vừa thanh lịch, tinh tế như vậy, thật đã đạt đến cái đẹp của phong cách đối nhân xử thế, đạt tới đỉnh cao của nhân tình, nhân văn. Suy ra, việc tuy nhỏ nhưng ý nghĩa chẳng nhỏ chút nào!
Câu tục ngữ 14 từ, kiệm lời mà dùng chữ, đặt câu thật khéo! Xới cơm / xới lòng. So đũa / so ra lòng.
Ấy là cách sáng tạo từ mới lạ!