Vì sao phụ nữ phạm tội?

Xưa nay, ở xã hội nào thì những trọng tội như lừa đảo, cướp của, giết người… cũng thường phần nhiều rơi vào nam giới. Bởi bản tính của phái nam nóng nảy, hiếu chiến, liều lĩnh, thiếu kiềm chế nên không lường hết hậu quả, vì thế họ mới dám phạm tội.

Còn phái nữ được xem là hiền lành, nhút nhát, dè dặt và nhân hậu hơn nên không mấy khi dám nhúng tay vào tội ác tày đình. Nếu có cũng rất hiếm, chiếm tỉ lệ rất thấp.

Tuy nhiên, gần đây dư luận cả nước lên tiếng báo động về tội phạm tăng về số lượng lẫn mức độ, đặc biệt là phụ nữ. Những cô gái trẻ ngày nay dám xông vào những gia đình bình yên để “cướp” đi những người đàn ông đã có vợ con, hoặc phạm những tội ác hung hiểm như giết người tình, đốt chồng, giết con riêng của chồng, rồi buôn người, buôn ma túy, chống người thi hành công vụ…

Nếu phái nam phạm tội với rất nhiều động cơ thì phái nữ phạm tội vì những nguyên nhân chính khá rõ:

Nôn nóng được yêu

Là phụ nữ ai không muốn được yêu, thế nhưng phụ nữ ngày nay lại nôn nóng được yêu, muốn chiếm hữu tình yêu bằng bất cứ giá nào mà không cần phải chinh phục. Thời gian gần đây có những vụ trọng án mà hung thủ chính là những cô gái rất trẻ, có học. Như một cô gái khuyết tật đã giết người tình rồi cắt làm nhiều khúc chỉ vì biết anh ta định bỏ rơi mình.

Một cô gái khác tạt át xít vào một sinh viên là bạn tình vì nghi anh ta có người yêu khác, khi sinh viên này đang đi làm thêm ở một siêu thị tại TP Hồ Chí Minh, vết bỏng quá nặng nên anh sinh viên đã tử vong. Còn một cô sinh viên xinh đẹp đã dùng dao đâm chết người tình cũ trong một chiếc xe hơi đắt tiền tại Hà Nội, chỉ vì cô này có người tình mới nhưng người đàn ông đã có vợ con này cứ theo quấy rối, gạ tình…

Với phụ nữ, tình yêu là rất quan trọng, thậm chí là tất cả, vì thế nguy cơ mất người yêu hay tình cảm bị chia cắt khiến họ hoảng loạn, mất phương hướng là điều dễ hiểu. Song một trái tim nhân hậu thì dù đau đớn, mất mát đến đâu cũng không nỡ xâm hại đến thân thể người khác, nhất là làm tổn hại đến sinh mạng của người mình từng yêu dấu…

Cũng có những tội ác không rõ người phụ nữ ấy gây ra vì tình hay tiền. Như cách đây khá lâu một phụ nữ trẻ, có con nhỏ đã nhẫn tâm ném đứa con gái riêng của chồng xuống sông Hồng. Không biết cô ta muốn chiếm hết tình cảm của người chồng hay tài sản của anh ta?

Hay vừa qua, ở Long An, vợ một nhà báo tưới xăng đốt chồng khi người chồng đang ngủ… Và cho đến nay, cơ quan điều tra vẫn chưa kết luận được là nguyên nhân nào khiến một người vợ dám làm như vậy? Vì chị ta đang ngoại tình với một người đàn ông khác, hay vì muốn chiếm toàn bộ nhà cửa, đất đai của chồng để ăn chơi, bài bạc?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nôn nóng đổi đời

Muốn mau giàu có, kiếm được thật nhiều tiền mà không phải làm lụng vất vả cũng là một nguyên nhân khiến nhiều bạn gái phạm tội. Trau dồi nghề nghiệp hay cần cù học tập để đổi đời thì lâu quá, họ không đủ kiên nhẫn…Việc buôn bán ma túy khiến người ta liên tưởng đến những tay xã hội đen, là thành phần bất hảo, ít học trong xã hội, sống ngoài vòng pháp luật và thường là cánh đàn ông bậm trợn, liều lĩnh cố kiếm tiền cho nhanh để đổi đời.

Thế nhưng lắm khi thủ phạm buôn thứ hàng trắng chết người ấy lại là phụ nữ, là nữ sinh viên. Như V. lớn lên trong gia đình tương đối đầy đủ, được vào TP Hồ Chí Minh học đại học, nghe lời rủ rê của bạn xấu V. đã dấn thân vào con đường tội lỗi và bị bắt tại trận, V. đã phải chịu một mức án nghiêm khắc.

Phụ nữ bị đem đi buôn bán như là một món hàng là điều vô cùng bất nhân trong xã hội hiện nay. Thế mà cùng là phụ nữ, họ không hề thương xót, thông cảm mà tìm cách lừa phỉnh những phụ nữ cần công ăn việc làm hay một tấm chồng để đưa những người nhẹ dạ ấy vào con đường mại dâm, biến thành những nô lệ tình dục hoặc phải lao động trong tình trạng tồi tệ nhất, bị bóc lột và không có con đường trở về với quê hương, gia đình, tương lai hoàn toàn đen tối…

Rùng rợn hơn là cô bé 14 tuổi (lúc bị bắt) ở Hà Nội, biệt danh My “sói”, đã tổ chức nhiều vụ hiếp dâm, cướp của, đánh đập, quay phim những cô gái trẻ nhẹ dạ để cưỡng đoạt tài sản!

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ghen tuông, ganh ghét…

Đó là những thói xấu mà giới nữ thường vướng phải. Nhiều bà vợ ghen đến mất trí, ra tay cắt “của quý” của chồng hay giết người, đốt nhà để rồi phải tù tội, ray rứt cả đời. Lòng ganh ghét cũng dễ dẫn đến hậu quả khôn lường, ai chứa đựng lòng ganh ghét giống như nuôi một con rắn độc trong tim. Nhiều cô, nhiều bà rất khó chịu khi thấy ai đẹp hơn, giỏi hơn, giàu hơn, hạnh phúc hơn và nhất là được phái nam “hâm mộ” hơn.

Họ ganh ghét, nhẹ nhất là nói xấu, vu khống hoặc viết blog để bêu riếu, kể cả những phụ nữ được xem là “nhà” này “nhà” nọ cũng sẵn sàng dùng thủ đoạn đê hèn. Còn với các cô gái trẻ, vị thành niên, thiếu suy nghĩ thì có thể ra tay bạo hành vì “mặt con đó thấy ghét”; nhiều nữ sinh vô tội bị đánh oan khi bị cho là “chảnh”, vì xinh đẹp, học giỏi hay là “cây văn nghệ” nổi bật của trường như một nữ sinh ở quận 4 cách đây ít lâu. Nhiều cô gái trẻ vào tù vì đã giết bạn cho… bõ ghét hay vì những mâu thuẫn nhỏ nhen, vì những mặc cảm tự ti ẩn sâu trong tiềm thức khiến họ ra tay mà không kịp nghĩ đến hậu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có vay có trả là quy luật muôn đời, thế nhưng với phụ nữ, lắm khi vay một mà phải trả gấp hai, ba lần so với phái nam. Nhiều người đàn ông sau khi tù tội họ vẫn còn cơ hội làm lại cuộc đời, vẫn tìm được cho mình một tổ ấm. Còn phụ nữ đã vướng vào tai tiếng, tội ác, tù tội thì rất khó được cộng đồng tin cậy hoặc được gia đình chấp nhận. Ai dám lấy một người vợ từng ăn ở với chồng người khác, lừa đảo, giết người? Liệu mình có là nạn nhân tiếp theo? Nhất là không ai dám chắc họ sẽ là người vợ tốt, người mẹ hiền, bà chủ gia đình gương mẫu để nuôi dạy con cái nên người.

Dù cho những giá trị đạo đức bị đảo lộn, cuộc sống tinh thần của xã hội bị ố tạp nhưng những gia đình có nền giáo dục lành mạnh, có định hướng tốt, các bậc cha mẹ dạy con kỹ lưỡng thì các cô con gái lớn lên sẽ biết suy xét phải trái, hạn chế được những sai lầm và sẽ là những phụ nữ lương thiện, trở thành vợ hiền, mẹ hiền và là những công dân tốt.

Câu nói từ thế kỷ trước của phu nhân Tổng thống Mỹ Roosevelt vẫn còn nguyên giá trị: “Giáo dục con trai là giáo dục một con người, còn giáo dục một cô con gái là giáo dục một gia đình”. Nếu với phái nam, khi lớn lên họ chịu nhiều tác động của xã hội, dễ bị bạn bè lôi kéo thì phái nữ chịu ảnh hưởng của gia đình rất lớn, đặc biệt người mẹ luôn là tấm gương, là kim chỉ nam cho con gái.

Thúy Ái