L.T.S: Cuối tháng 6/2010 Viện Hàn lâm Hunggari, bộ phận đóng trụ sở tại Rôma, được sự tài trợ của quỹ Rúpbéttinô (Côsenxa, Italia) và sự hợp tác của một số viện của các nước châu Âu hoạt động ở Rôma như Rumani, Ba Lan, Đan Mạch, Nauy… đã tổ chức một cuộc gặp quốc tế các nhà dịch thuật và nghiên cứu các tác phẩm của Đantê. Giáo sư- Dịch giả Nguyễn Văn Hoàn đã được mời tham dự cuộc gặp nói trên và đã có bài phát biểu sau đây.
Tôi rất sung sướng được có mặt trong cuộc gặp gỡ hôm nay, tại Rôma, giữa các nhà dịch thuật và nghiên cứu về Đantê đến từ nhiều nước trên thế giới.
Thú thật tôi chỉ mong được đến đây - để như một câu tục ngữ Việt Nam nói “dựa cột mà nghe”, nhưng tôi hiểu rằng: nếu tôi làm như thế thì người bạn đồng nghiệp thân thiết của chúng ta, Giáo sư Janốt Kalêmen, Chủ tịch Hội nghiên cứu Đantê của Hunggari, sẽ không tán thành, vì vậy giờ đây tôi đang phải làm cái việc “múa rìu qua mắt thợ”! Mong các bạn thông cảm và đừng chờ đợi ở tôi một bản tham luận khoa học thực sự, đây chỉ là đôi điều tâm sự của một người, ở giữa đường đời, tình cờ bị lạc vào một khu rừng bí ẩn có tên là Thần khúc.
VÌ SAO TÔI CÓ CAN ĐẢM DỊCH THẦN KHÚC CỦA ĐANTÊ?
Ở nước chúng tôi, do những hoàn cảnh lịch sử nhất định, trước đây người đọc Việt Nam chỉ có thể tiếp cận tương đối có hệ thống văn học Trung Quốc, văn học Pháp, văn học Nga và Xô Viết…, còn đối với các nền văn học khác thì sự hiểu biết tương đối hạn chế. Chẳng hạn, cách đây không lâu, số người Việt Nam biết tiếng Ý rất ít, giới trí thức Việt Nam hiểu hiết về Italia là nhờ nguồn sách báo Pháp.
Năm 1975, nhân dân Việt Nam loại bỏ được chính quyền Sài Gòn, do Mỹ ủng hộ và lập lại nền thống nhất lâu đời của đất nước. Một kế hoạch hàn gắn các vết thương chiến tranh và xây dựng lại đất nước được vạch ra, bao gồm cả việc tăng cường trao đổi văn hóa với nước ngoài.
Cuối năm đó, nước Cộng hòa Italia lần đầu tiên mở Đại sứ quán tại Hà Nội; vị đại sứ đầu tiên là một nhà Trung Quốc học nổi tiếng của Italia - Giáo sư Giulianô Béctúcsiôli - đã lưu ý là trong số sinh viên Việt Nam nhận học bổng đi du học ở Italia cần có người học về ngôn ngữ và văn học Italia.
Đầu năm 1978, tôi được chỉ định nhận nhiệm vụ đó. Đến lúc này, tôi đã là một giảng viên đại học trẻ tuổi, đã qua trên 20 năm nghiên cứu và giảng dạy văn học cổ điển Việt Nam, mặc dầu vậy tôi vẫn phấn khởi nhận nhiệm vụ sang Italia học tập, vì có một nguyện vọng riêng thầm kín là sẽ có dịp đến đọc sách, báo tại Thư viện Vaticăng và các Thư viện Dòng Tên, nơi có nhiều tư liệu quý và hiếm liên quan đến lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Nhưng tại trường Đại học Italia dành cho người nước ngoài ở Pêrugia các giáo sư Ý rất chuyên nghiệp và tài giỏi trong việc dạy tiếng Ý cho người nước ngoài, đã truyền cho tôi tình yêu tiếng Ý và văn học Ý. Sau Pêrugia tôi còn có một thời gian nghiên cứu tại trường Đại học Rôma “La Sapienza”, từ đây kiệt tác của Đantê trở thành điều tò mò và thích thú của tôi.
Trở về nước, tôi được mời giảng về Đantê và văn học Italia tại Khoa Văn học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong quá trình giảng dạy tôi nhận ra rằng, nếu như tôi có một bản dịch Thần khúc, dịch thẳng từ tiếng Ý sang tiếng Việt, thì công việc giảng dạy của tôi sẽ thuận lợi hơn. Thế là tôi mạnh dạn tự đặt ra kế hoạch dịch Thần khúc.
Tóm lại, yêu cầu của công tác giảng dạy, cộng thêm sở thích về văn học cổ đại Italia, đã thúc đẩy tôi liều lĩnh xông vào việc dịch Thần khúc, từ tiếng Ý sang tiếng Việt, mặc dù tôi đã được đọc nhiều lời cảnh báo về các khó khăn không thể vượt qua trong việc dịch Đantê từ những dịch giả người Pháp đi trước, đầy tài năng như Rivarôn và Anđờrê Pêda.

Đantê tay cầm bản Thần khúc, bên cạnh là cổng vào Địa ngục,
bảy tầng Núi Luyện Ngục, và thành phố Florence,
với thiên cầu Địa đàng phía trên. Tranh của Michel Angelo.
NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA TÔI…
Những khó khăn của tôi trong việc dịch Thần khúc thì có nhiều nhưng ở đây tôi chỉ xin nêu một vài điểm chính.
Khó khăn thứ nhất nằm trong sự khác biệt giữa hai thứ tiếng: Ý và Việt. Nhà truyền giáo Dòng Tên người Milanô, Cờríttô Bôri (1583-1632) đến miền Trung Việt Nam từ năm 1618 đến 1622, có thể là người Ý đầu tiên nói thông thạo tiếng Việt, trong tác phẩm của ông Tường trình của phái đoàn mới của các cha Dòng Tên tại Vương quốc Đàng Trong, bằng tiếng Ý, in lần thứ nhất ở Rôma năm 1631, đã nhấn mạnh sự phong phú về nguyên âm của tiếng Việt, do có ngữ điệu ngọt ngào và êm ái. Ông hầu như muốn xem sự phong phú về nhạc tính là một điểm gần gũi giữa tiếng Ý và tiếng Việt.
Nhận xét của Bôri là có cơ sở, nhưng mặt khác không thể phủ nhận là nếu đi vào các phương diện cụ thể khác thì tiếng Ý và tiếng Việt rất khác nhau.
Trái với các đồng nghiệp người Pháp của ông, Bôri không tỏ ra sợ hãi trước khó khăn do các dấu giọng của tiếng Việt gây ra mà ông chỉ lấy làm lạ là tất cả các từ của tiếng Việt đều không biến dạng. Không có biến cách của từ, không có chia động từ mà chỉ có rất nhiều tiểu từ để xác định loại từ, thời và thể cách của động từ… Khác với tiếng Ý, tiếng Việt lại có rất nhiều đại từ nhân xưng để chỉ rõ địa vị của mỗi người trong gia đình và vị trí cao, thấp của người đó trong xã hội.
Trong Thần khúc thì lại có nhiều tên riêng Ý và thường rất dài, ở trường hợp này người dịch chỉ có thể sử dụng biện pháp phiên âm, kết quả là câu dịch tiếng Việt thường dài hơn câu tiếng Ý tương ứng, trong lúc đó tôi lại muốn giữ lại hình thái cấu trúc của thể thơ ba câu của Đantê nên cố diễn đạt mỗi câu tiếng Ý chỉ thành một câu tiếng Việt, mặt khác tôi cũng hết sức tránh việc xáo trộn vị trí của một câu nào đó trong trật tự của một khổ thơ ba câu.
Nhưng khó khăn lớn nhất và có thể nói khó vượt qua là việc dịch thơ. Chính Đantê, với kinh nghiệm nhà thơ, đã viết trong tác phẩm Bữa tiệc: “Mọi người đều biết rằng: không có cái gì được kết hợp bằng mối liên hệ thơ ca mà khi bị chuyển đổi sang một ngôn ngữ khác lại không mất đi tất cả sự êm dịu và hài hòa của nó”. Nhưng bản thân tôi lại không phải là nhà thơ nên đành tự bằng lòng với việc dịch Thần khúc sang một thứ văn xuôi ít nhiều có nhịp điệu.
Năm 2005, tôi đã dịch và hoàn chỉnh xong phần thứ nhất: Địa ngục và đem xuất bản để thăm dò phản ứng của các bạn đọc Việt Nam (1). Nhân dịp này tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến một người bạn và đồng nghiệp thân thiết của chúng ta - Giáo sư Antôniô Lanxa - đã cho đăng lên số báo của năm 2006 của niên san Văn học Cổ đại Italia, do ông làm Chủ nhiệm, bài báo của tôi nhằm giới thiệu với các bạn đọc Italia về bản dịch Địa ngục (2).
Về phần tôi, đến lúc này đã có ít nhiều tự tin là mình sẽ có thể dịch được trọn bộ kiệt tác của Đantê nhưng một vài bạn Ý đã cảnh báo tôi là hai phần tiếp theo của Thần khúc còn phức tạp và rắc rối hơn.
Quả đúng như vậy. Để sáng tác phần Địa ngục dầu sao Đantê còn có hình mẫu thực tế là cuộc đời trần thế và diễn biến của các sự kiện lịch sử, nhưng khi mô tả Thiên đường thì trí tưởng tượng của Đantê lại phải từ bỏ một phần nào những hình mẫu thực tế đó và nâng cao sự sáng tạo độc đáo của mình theo hướng trừu tượng và siêu hình; do đó trong hai phần cuối Đantê sẽ thuyết giảng nhiều về giáo lý đạo Thiên Chúa và một người dịch không phải là Công giáo như tôi lại càng khó khăn hơn khi phải dịch những phần đó.
Mặc dầu vậy tôi đã đi theo Đantê suốt cuộc du hành của ông từ Địa ngục đến tận Thiên đường (3) và đến lúc kết thúc, trạng thái tâm hồn của tôi thật giống như Đantê đã mô tả trong khúc mở đầu Thần khúc nổi tiếng:
Như một người đã kiệt sức, Thoát lên bờ từ biển cả mênh mông, Ngoái lại nhìn sóng nước hiểm nghèo Trong lòng vẫn còn run sợ! |
(1) | Địa ngục (Phần I của Thần khúc), Hà Nội, Nxb Khoa học Xã hội, 2005, 382 trang. |
(2) | Nguyễn Văn Hoàn, Giới thiệu bản dịch tiếng Việt đầu tiên Địa ngục của Đantê, Rôma, Niên san Văn học Cổ đại Italia, 2006, trang 279 - 283. |
(3) | Thần khúc (Trọn bộ), Hà Nội, Nxb Khoa học Xã hội, 2009, 1047 trang. |