Võ Tắc Thiên là một nhà thơ

Đài truyền hình Việt Nam VTV3 đã kết thúc bộ phim dài về Võ Tắc Thiên từ lâu, nhưng nhiều người xem vẫn còn nắc nỏm bàn tán về nhân vật nữ đặc biệt này. Phải nói là bộ phim khá hấp dẫn, về kịch bản, đạo diễn, diễn xuất… nhiều mặt chứng tỏ phim Trung Quốc về đề tài lịch sử được khai thác và dàn dựng khá công phu và rất hay.

Chuyện về Võ Tắc Thiên trong phim có phần hư cấu, song đặc điểm cơ bản của nhân vật này được phản ánh tương đối đúng với sự thật lịch sử. Ở Trung Quốc cũng có những nghiên cứu và đánh giá cụ thể.

Võ Tắc Thiên là nữ hoàng đế duy nhất của đất nước Trung Quốc. Bà đã thống trị đất nước hơn 50 năm thời Sơ Đường. Nhưng suốt hơn 1200 năm nay, công và tội của bà vẫn được dư luận quan tâm bàn luận, cho đến bây giờ, khen chê vẫn không thống nhất.

Ý kiến khen cho rằng trong gần nửa thế kỷ bà cầm quyền, xã hội đời Đường ổn định, kinh tế phát triển, đặt cơ sở tốt cho “thời đại Khai nguyên phồn thịnh” về sau.

Ý kiến chê thì lên án bà tàn bạo, bức hại Vương hậu, sát hại con trai, thiên vị tộc họ, tin dùng bọn tham quan độc ác, ưa dùng hình phạt tàn khốc khiến án oan xảy ra không biết bao nhiêu mà kể.

Có một điều trong phim có đề cập song không gây ấn tượng. Đó là: Bà vua Võ Tắc Thiên là một nhà thơ, một nhà thơ đích thực. Trong sách Tân Đường thi thiên Nghệ văn chí có chép bà làm thơ từ nhỏ, có lưu lại Thùy Củng tậpKim Luân tập song bị thất lạc nhiều bài. Nay lưu truyền lại có Võ Tắc Thiên thi tập gồm 58 bài trọn vẹn. Thơ Võ Tắc Thiên có phong cách đa dạng. Có bài cổ kính tao nhã, có bài cao ngạo uy phong, lại có bài tình ý triền miên tràn đầy nữ tính. Sau đây là mấy bài tiêu biểu:

Như ý nương

Khán chu thành lục (1) tứ phân phân
Tiều tụy chi li vị ức quân
Bất tín tị lai thường hạ lệ
Khai sương kiểm thủ thạch lựu quần

Bài thơ theo điệu từ Như ý nương

Nhìn xanh hóa đỏ, lạ thay
Xác thân tiều tụy, vì ai võ vàng
Chẳng tin thiếp khóc nhớ chàng
Mở rương xem: lệ thấm loang quần hồng

Bài thơ này làm khi Võ Tắc Thiên còn đang tuổi thanh xuân. Mới 14 tuổi được tiến cung rồi được Đường Thái Tông yêu quý, đặt tên cho là Mỵ Nương và phong làm Tài nhân chuyên hầu hạ việc vua thay mũ áo ở hậu cung. Trong thời gian này, Mỵ Nương đã có tư tình với Lý Trị tức vua Đường Cao Tông sau này. Khi Thái Tông qua đời, theo lệ, Mỵ Nương phải vào chùa Cảm Nghiệp làm ni cô. Thời gian này bà sống buồn tẻ và luôn mong ngóng Cao Tông. Bài thơ nói lên tâm trạng tương tư đó.


Võ Tắc Thiên trong phim.

Bốn câu ngắn gọn nhưng giọng điệu thanh tân, miêu tả nhiều sắc thái tình cảm của nhân vật. Câu đầu nói lên sự nhớ thương hết mực đến nỗi đầu óc mông lung, tình si bối rối khiến mắt hoa lẫn lộn nhìn đỏ thành xanh. “Nhìn đỏ thành xanh” hai màu sắc đối lập còn hàm ý đớn đau vì cảnh ngộ, trước đây sung sướng vui vẻ biết bao mà nay lại tẻ nhạt cô đơn, buồn bã.

Câu thứ hai “Tiều tụy chi li vị ức quân”, thiếp tiều tụy võ vàng chỉ vì quá nhớ chàng. Tình cảm mới tha thiết làm sao, vừa yêu thương lại vừa ai oán.

Hai câu cuối cực tả nỗi tương tư vô hạn:

Bất tín tị lai thường hạ lệ
Khai sương kiểm thủ thạch lựu quần

Nếu chàng không tin rằng lâu nay thiếp nhớ chàng luôn rơi lệ thì chàng hãy mở rương ra xem cái quần màu thạch lựu của thiếp (bị nước mắt thấm loang). Có lẽ, Cao Tông đã bị bài thơ lay động con tim nên đã nhớ đến người tình cũ của mình và cho đón về cung làm cung phi.

Rồi bao biến cố xảy ra. Con người nhiều tham vọng và đầy quyền thuật này đã dẹp mọi trở ngại để rồi chiếm được ngôi Hoàng hậu. Lại được vua sủng ái tin cậy, lại được sống tột độ cao sang và có dịp thi thố tài năng, nhưng trong giai đoạn ngổn ngang trăm mối toan tính về chính sự này, Võ Tắc Thiên vẫn có hồn thơ, thậm chí làm thơ khá nhiều, phần lớn là thơ về cuộc sống cung đình. Thơ bà tươi sáng mới mẻ mà vẫn mang phong vị cổ kính tao nhã. Thí dụ bài Tùy loan du cấm uyển sau đây:

Tùy (2) loan du cấm uyển
Thị thưởng xuất lan vi
Vân yểm toàn phong cái
Hà đê tháp lãng kỳ
Nhật cung sơ giản hộ
Nguyệt điện khởi nham phi
Kim luân chuyển kim địa
Hương các duệ hương y.

Theo vua đi dạo vườn cấm uyển.
Hầu xe dạo vườn cấm
Ra khỏi dãy tường lan
Mây tụ lọng che núi
Ráng đỏ xen cờ vàng
Cung lớn cạnh khe suối
Điện nhỏ vách núi ngang
Óng ánh vòng xe chuyển
Hương thơm tỏa ngát đường.

Khí thế oai vệ và cảnh sắc huy hoàng trong cuộc dạo chơi của vua và hoàng hậu được miêu tả sinh động và giàu hình ảnh.

Bà hoàng hậu nhiều mưu thuật ham quyền lực đã không thỏa mãn với ngôi vị này, đã dùng nhiều biện pháp ghê gớm và cuối cùng đã lên ngôi Hoàng đế. Nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên trong quá trình cầm quyền, đã thể hiện bản lĩnh chính trị sắt đá của mình nhưng vẫn tiếp tục làm thơ. Một trong các bài ở giai đoạn này từng được lưu truyền khá rộng là bài Minh triêu du thượng uyển.

Minh triêu du thượng uyển
Hỏa cấp báo xuân tri:
Hoa tu liên dạ phát
Mạc đãi hiểu phong xuy!
Sáng mai dạo vườn thượng uyển
Cấp báo cho chúa xuân hay:
Ngay đêm hoa phải nở hết
Không được đợi gió sớm lay!

Thật là đầy uy quyền song lại có chút tinh nghịch như đùa rỡn nhẹ nhàng. Nét mới mẻ này hấp dẫn người đọc và từng có giai thoại tô vẽ thêm: Sớm đó đi dạo, quả nhiên muôn hoa nở hết. Riêng hoa mẫu đơn không chịu nở, Võ Tắc Thiên nổi giận, cất tiếng truyền phạt, đày loại hoa này đến vùng Lạc Dương. Từ đó vùng này nổi tiếng nhiều hoa mẫu đơn.

Võ Tắc Thiên không chỉ làm thơ, bà còn rất yêu văn chương và quý trọng người có văn tài. Sách Đường thư có chép: Khi Võ Tắc Thiên mới lên ngôi, nhiều cựu thần cho bà là phản nghịch, nổi quân đánh đổ, trong đó có lực lượng của Từ Kính Nghiệp.

Từ Kính Nghiệp có ban bố một bài hịch do Lạc Tân Vương, một nhà thơ lớn thời Sơ Đường viết. Bài hịch ngay từ đầu đã xỉ mắng Võ Tắc Thiên thậm tệ: Kẻ phản nghịch đương triều là Võ thị, vốn địa vị thấp hèn, tính tình ngang ngược. Từ khi được tiến nhập cung, thị đã có nhiều hành vi dâm loạn, làm ô uế chốn cung môn. Thị đã ngấm ngầm lung lạc Tiên đế, mưu đồ dựng nghiệp riêng tư…

Bài hịch được đưa đến Võ Tắc Thiên. Bà đã xúc động, không phải vì mình bị chửi rủa, mà vì thán phục cái hay của bài văn. Câu đầu tiên bà thốt lên là: “Chà, tuyệt hay! Ai là người viết bài văn này vậy? Thật đúng là một nhân tài!”.

Chỗ này cũng có thể là một thủ thuật chính trị. Phải chăng bà đã học tập Tào Tháo thời Tam Quốc? Tào Tháo khi đánh nhau với Viên Thiệu đã bị Trần Lâm mắng chửi nặng nề trong một bài hịch. Tháo đã không hề tức giận mà còn tỏ vẻ cảm phục để tranh thủ lòng người.

Bấy nhiêu thôi, cũng có thể biết rõ thêm nhiều nét phong phú của tính cách Võ Tắc Thiên, một trong những người đàn bà nổi danh đặc biệt của lịch sử Trung Hoa mà thế giới đã từng kể đến.


(1)

Có bản ghi là:
Bích

(2)

Có bản ghi là:
Bồi 

PHẠM THỊ HẢO