Vị trí người vợ trong gia đình của xứ ta

Mặc dù ngày nay mọi người luôn hô hào khẩu hiệu: “Nam nữ bình đẳng” để trấn an phái nữ và cũng để cho phù hợp với cuộc sống văn minh hiện đại, rằng phụ nữ cũng là con người nên có tất cả quyền lợi và nghĩa vụ ngang bằng với cánh đàn ông. Nhưng thực tế thì thế nào? Ta thử quan sát kỹ sẽ thấy…

Người phụ nữ ngày nay đã được xem là bình đẳng với nam giới nên phải xông pha gánh vác việc xã hội không thua gì đàn ông, một bộ phận cũng nắm được quyền hành chức sắc trong tay và cũng được tranh luận, phát biểu ý kiến về những vấn đề hóc búa mà dưới thời phong kiến, phụ nữ không có quyền và không có khả năng. Ngoài chuyện gánh gồng việc xã hội, người phụ nữ còn phải làm tròn thiên chức thiêng liêng của mình là làm vợ và làm mẹ mà thiên chức nào cũng đòi hỏi phải hoàn hảo, không thể thiên lệch được.

Tám tiếng đồng hồ quần quật ở cơ quan (hoặc dang nắng dầm mưa trên thửa ruộng, liếp vườn) thời gian còn lại phải làm tròn thiên chức của mình ở nhà với những công việc không tên, nặng nhọc và hiểm nguy là mang thai, sinh con, nuôi dạy con, chăm sóc chồng (có khi cả cha mẹ, anh chị em chồng).

Áp lực cuộc sống đè nặng lên vai người phụ nữ với trăm công nghìn việc nhưng người phụ nữ không được quyền than thở, trách móc mà phải tươi cười, phải dịu dàng xinh đẹp, phải chu đáo tận tình, phải đảm đang vén khéo và phải hết sức hiếu trung.

Thời chiến, phụ nữ Việt Nam còn tham gia đánh giặc, bản thân mình nếu không bị mất mát hy sinh thì cũng mang nặng nỗi đau chia cách với người thân. Nỗi đau đó chỉ có người trong cuộc mới thấm thía tận xương tận máu như thế nào. Nói ra không phải để “than nghèo kể khổ” nhưng người viết bài này muốn kể lại một phần nào nỗi khổ của phụ nữ Việt Nam mà chắc trên thế giới (kể cả phụ nữ của các nước lạc hậu) cũng chưa khổ bằng. Vậy mà cung cách cư xử của cánh nam giới và xã hội đối với phụ nữ có đúng với vị trí mà lẽ ra người phụ nữ phải được hưởng chưa?

Phụ nữ đơn thân vì hậu quả chiến tranh để lại hoặc khó kiếm tìm được người đàn ông vừa ý, họ sống âm thầm trong cô đơn đã đành; còn phụ nữ có gia đình rồi thì có bao nhiêu người được hạnh phúc? Nạn bạo hành về thể xác, tinh thần và tình dục vẫn tồn tại và ngày càng phát triển.

Gia đình trí thức thì có kiểu “chiến tranh đặc biệt” của nó; gia đình lao động thì nạn bạo hành hết sức dã man, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, người phụ nữ nông thôn do thiếu hiểu biết, quen nếp nghĩ là phải nhẫn nhục chịu đựng theo kiểu “chồng chúa vợ tôi”, họ không dám phản kháng vị “chúa tể”, mà đôi khi anh chồng là những kẻ dốt nát, rượu chè be bét, không ra con người.

 

Ta thử chịu khó đọc các sách báo của phụ nữ sẽ thấy nhiều trường hợp chồng đánh đập, đày đọa vợ đau đớn, tủi nhục còn hơn cả đối với con vật. Nếu không đày đọa thể xác thì hành hạ bằng tinh thần với những mức độ tinh vi khác nhau, đã khiến cho phụ nữ đau khổ. Đa số họ không còn thiết tha với cuộc sống, gia đình chỉ là cái vỏ bên ngoài để che mắt thế gian. Tình trạng nhẹ nhất là chồng không có vợ bé vợ mọn nhưng thờ ơ vô trách nhiệm, bỏ mặc vợ gánh vác chuyện gia đình, còn mình thì rong chơi đàn đúm với bạn bè.

Hiện nay, khá nhiều phụ nữ ở nông thôn và phụ nữ ít học, nghèo khó thấy trước viễn cảnh lấy chồng Việt Nam sẽ không đạt được điều gì tốt đẹp nên rủ nhau đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc; dẫu sao cũng còn chút hy vọng là lấy được ông chồng giàu tốt bụng hoặc chí ít cũng có được chút tiền mà đền ơn cha mẹ sinh thành, dưỡng dục. “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, họ những tưởng đi lấy chồng ngoại là đổi đời nhưng rồi có lắm cô gái đã lạc vào “hang hùm miệng sói”, sống dở chết dở với những cảnh đời quá đỗi khủng khiếp. Nhưng họ vẫn không nguôi hy vọng vào số mệnh của riêng mình và tình trạng rủ nhau đi lấy chồng ngoại vẫn âm thầm phát triển.

Hỡi ơi! Phụ nữ của một đất nước đã từng được tôn vinh là đất nước anh hùng và từng được Bác Hồ phong tặng 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Bác cũng từng nói cuộc cách mạng giải phóng dân tộc vừa qua có sự góp sức to lớn của phụ nữ, không có phụ nữ cách mạng khó thành công, vậy mà lẽ nào những người phụ nữ trung hậu và đảm đang kia đang làm một cuộc “bán mình” hết sức tủi cực như thế sao?

Sự tồn tại ý thức “nam tôn nữ ti” vẫn còn ăn sâu vào đầu óc mọi người khiến cho người đàn ông lúc nào cũng chiếm thế “thượng phong”, còn phụ nữ thì quen với nếp nghĩ là phận nữ nhi không nên lấn lướt đàn ông. Vì vậy, họ vẫn giữ thế “thua”, cam phận “tam tòng tứ đức”, nhẫn nhịn một cách vô lối, hèn yếu một cách khó chấp nhận và thường tự biến mình thành nô lệ cho phái mạnh.

“Gia đình là tế bào của xã hội”, ai cũng hiểu câu nói ấy. Nhưng hiện nay tế bào này đang bị “đột biến gen” vì người phụ nữ không được quý trọng, không được chăm chút thương yêu, xứng đáng với những gì mà lẽ ra họ được hưởng. Ngoài một số gia đình may mắn có hạnh phúc, người phụ nữ thực sự được tôn vinh trong gia đình và ngoài xã hội, còn lại đa số sống chỉ là tồn tại chứ chưa phải là sống theo đúng ý nghĩa của nó.


Bài liên quan:
KIM QUYÊN