Vài ý kiến về sự phát triển kinh tế và phát triển văn học – nghệ thuật

Để ngắn gọn và thiết thực khi bàn về một vấn đề quá rộng, tôi chỉ xin nêu lên mấy điều để quý vị cho ý kiến như sau:

  1. Về mặt lý thuyết, chắc khỏi phải nhắc lại quan điểm kinh tế quyết định thượng tầng kiến trúc, trong đó có văn hóa – văn nghệ. Nhưng cũng cần nhắc lại luận điểm có những thời kỳ của sự phát triển văn học – nghệ thuật tuyệt nhiên không có liên hệ gì với kinh tế cả. Tức là có tính độc lập tương đối của kiến trúc thượng tầng, của văn hóa – văn nghệ.
  2. Hiện nay, khi ta đi vào kinh tế thị trường, khi ta hội nhập đầy đủ, sâu rộng với kinh tế thị trường thế giới, chúng ta càng thấy vai trò quan trọng quyết định của kinh tế, và càng thấy sự dịch chuyển ra biên của văn hóa – văn nghệ. Nó đá mất vị trí trung tâm của tư tưởng, vị trí “diễn đàn duy nhất mà dân tộc đó  kêu lên tiếng kêu của mình” (ý của Ghéc-xen). Văn hóa – văn nghệ càng mở rộng chức năng giải trí, nhạt nhòa mặt tư tưởng – triết học. Người đọc, người xem, theo lý thuyết tiếp nhận, nhân tố quyết định của văn học nghệ thuật ( nghệ sĩ “sản xuất” còn người đọc, người xem “tiêu dùng”), càng ngày càng phân hóa và diễn biến nhiều khi không theo chiều tích cực (nặng về giải trí, và có những giải trí “vọng ngoại” nhất là giới trẻ,…).

Bản chất của văn học – nghệ thuật dường như đã thay đổi, người đọc thay đổi, giao lưu quốc tế thay đổi… Trong khi chúng ta muốn giữ vững định lý xã hội chủ nghĩa trong văn hóa – văn nghệ; trong khi chúng ta muốn kế thừa và phát huy thành tựu văn hóa – văn nghệ thời chiến tranh – cách mạng – xã hội chủ nghĩa, dân tộc… Cái gì là thuận và cái gì là nghịch ở đây? Trên thực tế sáng tác, tình hình diễn ra phức tạp, đan xen mặt tích cực, mặt tiêu cực. Và ai cũng rõ, trên lĩnh vực này, tình hình không đơn giản, không yên bình, thông đồng bén giọt như thời trước. Thế mà có người cho là chả có vấn đề gì, văn học– nghệ thuật vẫn phát triển theo hướng tích cực, đa dạng, tốt lên. Có lục quan tếu không, có pha cốc nước đường ngọt ngào nhưng dối lừa không?
Nói thế để thấy cái phức tạp mà ra sức, mà tổ chức và huy động lực lượng sáng tác – phê bình – nghiên cứu. Nhất thiết phải đi sâu vào cả hai khâu: sản xuất (với vai trò trung tâm là văn nghệ sĩ) và tiêu dùng (bạn đọc, người xem), nghiên cứu kỹ và trung thực, toàn diện để đưa ra những kiến nghị hợp lý, khả thi. Thứ tình hình là vẫn đang rất phức tạp nếu chúng ta nhìn thẳng vào những tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, văn học: những cái tích cực luôn đi bên những tiêu cực, nhiều khi là tiêu cực có tính chiến lược.

  1. Nói đến mối quan hệ kinh tế  – văn hóa là nói đến một vấn đề quá rộng, khó bàn cho ra lẽ hết ở đây. Nếu chăng, nên nói như thế này:

Vượt qua được thời khủng hoảng kinh tế những năm 80-90, ta bước vào thời phát triển và có được những thành tựu, chủ yếu là thành tựu kinh tế, đáng gọi là có ý nghĩa lịch sử. Nhờ đó mà ta ổn định, và phát triển, nhờ đó mà ta ổn định, và phát triển, nhờ đó mà ta có vị thế quốc tế, nhờ đó mà đời sống nhân dân được cải thiện, được chăm lo, tuy không phải một thời gian ngắn mà chăm lo, mà khắc phục được hết mặt khiếm khuyết có tính lịch sử.
Đến nay nước ta trở thành nước có thu nhập bình quân (độ 1000 USD), nước có tiềm năng phát triển nông nghiệp, có triển vọng về công nghiệp và năm 2000 sẽ trở thành một nước công nghiệp mới... Tất cả các mặt, kể cả văn hóa – nghệ thuật đều được hưởng thụ từ sự phát triển kinh tế. Nếu không có sự tài trợ sự chăm lo do việc phát triển kinh tế, thì có thể nói tình hình văn hóa – văn nghệ… của đất nước sẽ ra sao?
Tuy nhiên, ai cũng nói, ai cũng thấy sự mất cân bằng phía phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Văn hóa theo nghĩa rộng, bao gồm cả giáo dục, khoa học, y tế… Sự xuống cấp về chất lượng, sự khủng hoảng chưa có lối ra của giáo dục, khiến cho toàn bộ xã hội, trong đó có văn hóa – văn nghệ lo lắng. Cái nền tảng của xã hội là giáo dục, nơi có 23 triệu học trò và thầy giáo, nơi là cái bệ phóng vào tương lai của cả dân tộc.
Tình hình đạo đức xã hội cũng làm mọi người lo lắng, không yên. Tình hình này không cần nói ai cũng rõ. Nhưng nó do đâu và cần phải khắc phục ra sao, thứ chúng ta còn thấy những sự trì trệ kéo dài, nói nhiều mà làm còn ít. Ở đây ta nên nhớ đến câu: một tá cương lĩnh không bằng một hành động kịp thời, cụ thể.

  1. Ngay trong kinh tế cũng có những mất cân đối, thiếu lành mạnh, bất cập… mà Nghị quyết Trung ương 3 vừa rồi đã chỉ ra nhiệm vụ “tái cơ cấu” lại kinh tế - tài chính. Ngay trong kinh tế, so với thể chế chính trị, cũng có nhiều việc phải tính toán để có thể có cải cách thể chế chính trị, có sự điều chỉnh, sự sáng tạo, năng động, kịp thời… để cả hai mặt kinh tế và chính trị xã hội cùng hài hòa, tiến bước, tránh một sự mất cân đối không đáng có, bởi vì dân chủ chính là bản chất của chúng ta. Nhưng không khéo, do cách làm, do quan niệm, do thói quen cố hữu không chịu đổi mới cho khoa học, theo kịp thời đại, giá từ cách nghĩ cách làm cũ kỹ vừa là phong kiến gia trưởng phương Đông vừa là tập trung mà thiên dân chủ…, chúng ta sẽ lâm vào khủng hoảng lại lúc nào không biết mặc dù chúng ta đang tiếp tục đổi mới. Tư duy lý luận phải đi trước một bước, nhưng điều đó cần những cái đầu thông minh, tỉnh táo, uyên bác, trung thực nắm được xu thế của thế giới và nắm được thực tiễn trong nước. Không phải cứ chép nguyên sách cũ, pha chế nước đường mà giải quyết được công việc lớn lao đó.
  2. Trong những kỳ vọng đó về mặt lý luận, có kỳ vọng về văn hóa – văn nghệ. Rõ ràng, chúng ta không thể chỉ đổ lỗi tất cả cho sự mất cân đối giữa kinh tế và văn hóa – văn nghệ. Chúng ta yêu cầu, mong mỏi một sự cân đối trong phát triển giữa kinh tế và văn hóa, đặc biệt là giáo dục. Sự chăm lo cho sự cân đối này rõ ràng là chưa đủ, do nhiều lý do, trong đó có nhận thức, trình độ, tổ chức…

Nhưng về phía văn hóa – văn nghệ. Đặc biệt là văn nghệ thì chúng ta không thể chỉ thụ động ngồi chờ. Cũng không thể chỉ một chiều chờ đợi kinh tế sẽ làm gì cho chúng ta. Tác phẩm văn học – nghệ thuật xét đến cùng, gắn với sự phát triển tổng thể của nền văn minh – văn hóa.
Nhưng nói riêng, một mặt, nhận thấy vai trò cực kỳ năng động, tâm huyết, vai trò của tài năng, bản lĩnh… trong sáng tạo. Làm sao để có được sự chung sức sáng tạo dưới ngọn cờ dân tộc, nhân văn, theo hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta mong đợi. Do đó, cần có nhiều thêm nữa những hoạt động và tổ chức khất thực, hiệu quả để gây một cảm hứng mới, một sinh khí mới, một sự tìm tòi sáng tạo mới, lành mạnh, tích cực, dấn thân vào đời sống nhân dân, vào đất nước… để có được những tác phẩm lay động lòng người.
Hội thảo dĩ nhiên là quan trọng và cần có. Nhưng, hội thảo quá nhiều, nói quá nhiều mà không giải quyết được những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực, hiệu quả… thì sẽ đổ ra sông ra biển, sẽ chỉ là từ chương, vốn có,… Tôi cho rằng, trong tình hình hiện nay, phải đề ra được một ngọn cờ đồng thuận được tư tưởng và lòng người, tâm trạng… để cổ vũ cho một nền văn hóa – văn nghệ của một giai đoạn hết sức đặc thù: 7 giai đoạn phát triển kinh tế thị trường mà lại muốn giữ định hướng xã hội chủ nghĩa!
Sự lệch pha, lệch hướng, sự mất cân đối, sự phức tạp chính là bắt nguồn từ hiện thực, từ sự phân hóa trong chính đời sống. Văn nghệ sĩ đang lo lắng và trăn trở, phân tâm… Khó có những tác phẩm lớn mà ta hằng mong đợi. Phải làm sao giải đáp được câu hỏi này, thật là khó, trong khi chúng ta đang đối mặt với một hiện thực đầy kịch tính, mà không một đầu óc giàu tưởng tượng nào có thể tưởng tượng nổi. Chính đó là thời của văn chương, nghệ thuật, một thời phục hưng mới trong văn chương Việt đó chăng? Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, các khiếu lại là chính những “người khổng lồ” về tư tưởng, về tính cách, về nhiệt tình… như những nhà văn hóa thời Phục Hưng?
Phải chăng, câu hỏi đó đang đặt ra cho chính chúng ta, và chúng ta phải soi lại mình, trước khi bàn đến kinh tế và sự mất cân đối của nó đối với văn hóa – văn nghệ?

Mai Quốc Liên