Với lịch sử, không có chữ “nếu”…

Với lịch sử, không có chữ “nếu”, chỉ có sự thừa nhận như nó vốn có, để rồi từ đó rút ra các bài học, những kinh nghiệm để tránh sai lầm cho hiện tại, thậm chí là tránh cho cả tương lai.

Thiển nghĩ, chỉ từ cái nhìn khách quan về lịch sử mới có thể đưa ra ý kiến khách quan về nó, còn nhìn nhận lịch sử từ cảm hứng yêu - ghét thì sẽ khó có thể đưa tới thái độ và sự đánh giá công bằng.

Đọc phần đầu bài viết Có nên ca ngợi Trần Thủ Độ vào dịp lễ “1000 năm Thăng Long - Hà Nội”? trên Hồn Việt, số 31, tháng 01/2010, tôi thật sự muốn chia sẻ với tác giả Tử Văn, vì quả là có cái gì đó hơi “phản cảm” nếu bộ phim về Trần Thủ Độ được trình chiếu đúng dịp kỷ niệm ngày Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long (tôi sử dụng chữ “nếu” bởi đó mới chỉ là một khả năng). Nhưng đọc đến đoạn sau, với việc nói về “quy luật tất yếu của lịch sử”, thì tôi thấy Tử Văn đã viết rất thiếu thuyết phục, nên xin được bàn lại đôi điều:

- Tử Văn viết: “Vẫn biết rằng, trong lịch sử các triều đại phong kiến nước ta, dù trải qua thời kỳ rực rỡ đến mấy nhưng khi đã lâm vào con đường suy vong thì tự nó phải kết thúc vận mệnh lịch sử hoặc lịch sử sẽ chấm dứt nó, ở đây không có Trần Thủ Độ cũng sẽ có thế lực khác làm việc đó, âu cũng là quy luật tất yếu của lịch sử”.


Lễ hội đón năm mới ở Thủ đô. Ảnh: Phạm Hải.

Thiết nghĩ, lịch sử không phải là cái gì đứng ngoài sự vận hành cuộc sống của con người để khi nào thấy cần thiết thì ra tay can thiệp, đưa tới tình thế “lịch sử sẽ chấm dứt nó” như Tử Văn viết. Mà ngược lại, chính nhận thức và hành động của con người với các biến thiên đa dạng, phức tạp đã làm nên điều chúng ta vẫn gọi là lịch sử.

Xét từ cách nhìn đó, sự suy tàn của nhà Lý và các biện pháp mà Trần Thủ Độ tiến hành để đoạt vương quyền về cho nhà Trần, dù có thể là tàn bạo, thì cũng là sự kiện trực tiếp góp phần làm nên tính liên tục của lịch sử và cũng nằm trong điều Tử Văn gọi là “quy luật tất yếu của lịch sử”.

Tuy nhiên, quy luật tất yếu của lịch sử không phải là cái gì đó ngẫu nhiên, mà là kết quả của một xu hướng tất yếu gắn liền với việc con người giải quyết các yếu tố khách quan - chủ quan cụ thể của xã hội - con người trong một thời đoạn lịch sử nhất định.

Dù là Tử Văn hay là ai nữa thì vẫn cần phải thừa nhận một điều là lịch sử vốn thế và không thể thay đổi.

Dù không đồng tình với những việc Trần Thủ Độ tiến hành thì cũng không thể nói “không có Trần Thủ Độ cũng sẽ có thế lực khác làm việc đó”, đấy là quan niệm phi lịch sử, tương tự như đôi khi vẫn thấy người ta nói “nếu thế này” thì “sẽ thế kia”…

Với lịch sử, không có chữ “nếu”, chỉ có sự thừa nhận như nó vốn có, để rồi từ đó rút ra các bài học, những kinh nghiệm để tránh sai lầm cho hiện tại, thậm chí là tránh cho cả tương lai.

Thiển nghĩ, chỉ từ cái nhìn khách quan về lịch sử mới có thể đưa ra ý kiến khách quan về nó, còn nhìn nhận lịch sử từ cảm hứng yêu - ghét thì sẽ khó có thể đưa tới thái độ và sự đánh giá công bằng.

Theo tôi biết thì Trần Thủ Độ đang được thờ tại Đền thờ các vua Trần - Thái Đường Lăng (Thái Bình) và còn được thờ tại chùa Cầu Đông - trước thế kỉ XVIII có tên là Đông Hoa Môn nội tự, ở số 38B phố Hàng Đường, Hoàn Kiếm, Hà Nội; gần đây, các nhà sử học đã nghiên cứu và khẳng định đền Lim trên núi Hồng Vân thuộc thị trấn Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) với bức hoành phi Trần triều Thượng phụ và hai câu đối treo trước bàn thờ: Công đáo vu kim, bất đán Trần gia nhị bách tải - Luận định thiên cổ, kỳ tại Nam thiên đệ nhất lưu. (Công đức của ông để mãi đến ngày nay, không chỉ bó hẹp trong hai trăm năm đời nhà Trần - Sau nghìn đời, công luận đã định, ông đáng liệt vào bậc thứ nhất dưới trời Nam) chính là nơi thờ Trần Thủ Độ…


Thái Đường Lăng - Thái Bình. Nguồn: Internet.

Tôi cũng xin dẫn lại điều được viết trong Đại Việt sử ký toàn thư:

Năm Nhâm Thìn (1232), “Trần Thủ Độ giết chết tôn thất nhà Lý. Khi ấy, Trần Thủ Độ chuyên chính lâu ngày, đã giết Huệ Tông, tôn thất nhà Lý đều bùi ngùi thất vọng. Mùa Đông năm ấy, nhân nhà Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, NXB Khoa học xã hội, H.1998, tr.14) và Ngô Sĩ Liên bình luận: “Xét thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng, hơn nữa Phan Phu Tiên không ghi lại, việc này chưa chắc có thực, hãy tạm chép vào đây” (Sđd, tr.14), tức là Ngô Sĩ Liên chưa tin vào sự xác thực của sự kiện nên viết “việc này chưa chắc có thực, hãy tạm chép vào đây”.

Tác giả Ngô Vũ Hải Hằng - Viện Sử học, cho rằng: “Dưới con mắt của nhân dân, Trần Thủ Độ hoàn toàn khác với những nhận định của các sử quan phong kiến. Nhân dân biết ơn ông đã cứu đất nước thoát khỏi cảnh loạn lạc, và nhờ có tài thao lược, khí phách hiên ngang, tinh thần kiên quyết của ông mà Đại Việt mới thoát khỏi cảnh nô lệ ở nửa sau thế kỷ 13”.

Theo tôi, ý kiến của nhà sử học Ngô Vũ Hải Bằng đã chỉ rõ sự khác nhau giữa “đạo trung quân” của Nho giáo với nhận thức của nhân dân. Và xin dẫn thêm một đoạn từ Đại Việt sử ký toàn thư có liên quan tới Trần Thủ Độ để bạn đọc tham khảo:

Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc bảo Thủ Độ: “Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế”. Thủ Độ tức giận, sai đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc là phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ hỏi vặn trước mặt, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực trả lời. Thủ Độ nói: “Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa”. Lấy lụa thưởng cho rồi về. Thủ Độ có lần duyệt định số hộ khẩu, công chúa Thiên Cực xin riêng cho một người làm câu đương. Thủ Độ gật đầu, rồi ghi họ tên quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi tên mỗ ở đâu, người đó mừng rỡ chạy đến, Thủ Độ bảo hắn: “Ngươi vì có công chúa xin được làm câu đương, không thể ví như những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt người khác”. Người đó kêu van xin mãi mới tha cho. Từ đó không ai không dám đến thăm vì việc riêng nữa” (Sđd, tr.34).

Nhân đây xin nói thêm, cho đến thời điểm hiện tại, trong phạm vi tôi được biết, đường phố mang tên Trần Thủ Độ đã có tại ba đô thị lớn, đó là: Hà Nội (Pháp Vân, Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai), TP. Hồ Chí Minh (Phú Thạnh, quận Tân Phú), TP. Thái Bình (tỉnh Thái Bình).

Từ những dẫn dụ trên, tôi cho rằng, hậu thế đã có những đánh giá khá công tâm về Trần Thủ Độ.

NGUYỄN HÒA