Vài nhận xét về chủ trương "Đổi mới giáo dục"

Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành chủ trương "đổi mới giáo dục" mà Bộ tự cho là "toàn diện". Nhiều người khen, cũng lắm người nghi ngờ tính hiệu quả.

Mới nhìn qua(1), chúng ta thấy ngay: chương trình đổi mới giống Mỹ ở các điểm sau đây:

1. Cấp 2 (trung học cơ sở): không phân thành các môn riêng như trước là Vật lý, Hóa học… mà nhập lại thành một môn là Khoa học tự nhiên gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học trái đất, Chủ đề liên môn. Và tương tự cho môn Khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Kinh tế, Xã hội, Chủ đề liên môn.

2. Ở cấp 3 (trung học phổ thông): lại tách ra thành các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa…

3. Học sinh học một số môn bắt buộc và được chọn một số môn.

4. Chỉ thi bài tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) gồm 2 môn Văn và Toán.

5. Cho mỗi đại học quyền tự tuyển chọn sinh viên theo tiêu chuẩn riêng.

Tuy nhiên, nếu bắt chước Mỹ mà không hội đủ các điều kiện “cần” như Mỹ để kiểm tra chất lượng thì sẽ không có kết tốt đẹp như mong muốn, mà nhiều khi tạo ra “tình trạng loạn” cho giáo dục và nguy hiểm cho xã hội.

Sau đây là một số nhận xét về “giống mà không giống Mỹ” của giáo dục ta qua chương trình đổi mới:

I. Về phân phối chương trình:

Chương trình đổi mới không nêu rõ những kiến thức tối thiểu và thời lượng học. Căn cứ vào những điều Bộ GD-ĐT nêu ra(2), điều thắc mắc đầu tiên là Bộ chỉ nêu ra số môn phải học mà không nêu ra mức yêu cầu về nội dung và thời lượng cho mỗi môn, cho nên không thấy rõ được sự chuẩn hóa kiến thức tối thiểu mà người học phải kinh qua để tốt nghiệp THPT. Đúng ra, về nguyên tắc, phải bắt đầu từ mục tiêu cần đạt được ở mỗi môn, từ đó mới quy ra bao nhiêu giờ (hay tiết cần phải học) trong suốt quá trình, rồi mới phân bố vào từng năm học. Điều này không thấy mà chỉ thấy tên các môn. Chẳng hạn, ở lớp 10, Bộ nêu ra 11 môn học bắt buộc, thêm một số hoạt động và một số môn tự chọn, như vậy, mọi học sinh phải học ít ra là từ 13 tới 15 môn mỗi tuần hay sao?, và giả sử mỗi môn ít nhất là 3 tiết/tuần thì phải mất ít nhất 45 tiết/tuần, là quá tải đối với học sinh. Riêng Giáo dục công dân trở thành một môn quan trọng trong 7 môn bắt buộc suốt 4 năm cấp 2 và năm lớp 10 cấp 3, ngang hàng với các môn khác, nhưng đi vào thực tế, người thầy định dạy cái gì? với thời lượng bao nhiêu? Tôi e rằng nếu quá 1 tiết/ tuần thì lấy gì mà dạy trong 5 năm? Có lẽ do tình hình mất kỷ luật, học sinh quậy phá, và tình hình suy đồi đạo đức trong nhà trường và xã hội và bị xã hội lên án là nhà trường không dạy “học làm người” mà Bộ “đâm hoảng” mới đối phó bằng cách đưa môn Giáo dục công dân như là một môn chính trong suốt 5 năm học? Ở cấp 2, nhiều môn lại thành một môn như Vật lý, Hóa học, Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên, các môn Lịch sử, Địa lý… thành môn Khoa học xã hội trong suốt 4 năm, nhưng không quy định thời lượng học là bao nhiêu tiết trong tuần, không quy định ở cuối cấp 2, là người học sinh có thể chuyển qua học nghề thì về Lịch sử Việt Nam họ đã phải biết những gì? Tương tự như vậy, ở cuối cấp 3 không thấy các mức tối thiểu về các môn “cốt lõi” để tốt nghiệp trung học. Với thiết kế chương trình này, sẽ có nhiều học sinh Việt Nam đỗ tốt nghiệp THPT mà không biết gì về Lịch sử và Địa lý nước Việt Nam, là điều rất nguy hiểm, mà lắm khi học sinh Việt Nam sẽ biết sử Tàu hơn sử Việt qua các phim của Tàu.

Trong khi đó, Mỹ quy định rất rõ về kiến thức tối thiểu và thời lượng bắt buộc cho các môn trước khi người học sinh tốt nghiệp trung học. Việc này tùy theo bang, nhưng không sai biệt nhiều lắm. Chẳng hạn, ở bang Georgia, muốn tốt nghiệp trung học, mọi học sinh phải đạt được 23 đơn vị học trình và phải thi bài thi viết của bang(3) và thi cuối môn hoặc một số môn cốt lõi. Trong 23 đơn vị này, phải có 19 đơn vị bắt buộc cho mọi học sinh (gồm 4 Anh ngữ, 4 Toán, 1 Vật Lý, 1 Hóa, 1 Sinh học, 1 về Quả đất và môi trường, 1 Lịch sử Mỹ, 1 Lịch sử thế giới, 1 về Chính quyền Mỹ và Kinh tế, 1 về Sức khỏe bản thân, 3 về Nghề, Ngoại ngữ hay La tinh, nếu học sinh muốn lên cao đẳng hay đại học thì trong 3 này phải có 2 cùng một ngoại ngữ hay La tinh) và sau cùng là 4 Tự chọn. Mỗi đơn vị ứng với thời lượng 5 tiết học/tuần, mỗi ngày học 1 tiết 50 phút và học liên tiếp 2 học kỳ/năm. Căn cứ vào yêu cầu tối thiểu đó, mỗi học sinh ở từng lớp được thầy chủ nhiệm (homeroom teacher) hướng dẫn dựa trên năng lực của học sinh nên chọn giáo trình nào để học.

Ở đây xin mở ngoặc nói thêm một chút: Tiếng La tinh ngày nay thì không người Mỹ nào nói, nhưng chương trình học của Mỹ cho học sinh từ cấp 2 chọn La tinh để học vì La tinh là cội nguồn của tiếng Anh, học sẽ rất có lợi cho những học sinh đi vào nghiên cứu tiếng Anh (và học Y Dược), trong khi chữ Hán Nôm chiếm tỷ lệ khá lớn trong tiếng Việt thì không một ai có thẩm quyền trong ngành giáo dục nước ta đặt vấn đề cho học sinh Việt Nam học chữ Hán Nôm. Vì vậy mà học sinh và cả trí thức của ta không am hiểu sâu sắc và đôi khi dốt tiếng Việt!

II. Về tổ chức lớp học:

Lớp học ở Việt Nam của ta là “lớp cứng”, nghĩa là một nhóm học sinh ngồi chung trong một lớp, học nhiều môn như nhau, do thầy đến lớp đó dạy. Hiện nay ở ta là thế. Chương trình đổi mới của Bộ vừa đưa ra cũng sẽ thế, bằng chứng là ở lớp 11 và 12, mọi học sinh phải học như nhau 3 môn gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1 và 4 hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Thể chất, Hướng nghiệp, Quốc phòng - An ninh, Tập thể. Như vậy là xem như chúng có cùng trình độ về 3 môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ 1. Vậy thì sự tự chọn học chuyên sâu ở các môn này từ những năm lớp dưới trở thành vô nghĩa vì lên lớp 11, 12 chúng lại học chung một chương trình ở 3 môn ấy. Hơn nữa “lớp cứng” sẽ gây rất khó cho việc sắp xếp thời khóa biểu cho các môn tự chọn của học sinh.

Kinh nghiệm ở Mỹ như thế nào? Từ cấp 2 trở lên, không còn lớp cố định mà mỗi thầy được cố định trong một phòng dạy, mỗi môn học trong ngày chỉ kéo dài 50 phút, học sinh tùy trình độ, học với thầy nào thì giờ đó đi tới phòng thầy mà học. Sau mỗi tiết học, học sinh có 7 phút để đổi phòng học. Chẳng hạn, cùng là học sinh lớp 6, mà A có thể học Toán với học sinh lớp 8 ở phòng của thầy T1, học sinh B học toán lớp 6 ở phòng của thầy T2. Các môn khác cũng tương tự. Nhờ tổ chức mềm dẻo như vậy, người học sinh giỏi Toán có thể hoàn tất 4 đơn vị Toán bắt buộc cho Tú tài ở lớp 9 hay 10 chứ không cần đợi đến lớp 12, và sau khi hoàn tất 4 đơn vị tối thiểu đó, học sinh có thể chọn học các môn Toán ở trình độ đại học dưới tên chung là AP (Advanced Placement). Các môn này do Hội đồng Giáo dục đại học toàn liên bang Mỹ (College Board) ấn định nội dung và lịch thi chung cho toàn học sinh trung học Mỹ vào tháng 6 hàng năm, mặc dầu được học trong trường trung học với thầy dạy cấp 3; điểm thi cho theo hệ thống từ 0 đến 5, trong khi các môn ở trung học từ 0 đến 4. Kết quả những môn AP này không những củng cố uy tín học bạ của của học sinh trung học khi xét tuyển đại học, mà còn được chuyển kết quả lên đại học, có đại học nhận chuyển tín chỉ (Credit) (xem như học rồi) khi AP được từ 3 điểm trở lên, có đại học chỉ cho chuyển khi điểm AP là 5. Nhờ cách tổ chức này, có những học sinh khi tốt nghiệp lớp 12 đã học xong AP các môn: Toán giải tích I, II, III (Calculus I, Calculus II, Calculus III), Đại số tuyến tính (Linear Algebra), Toán rời rạc (Discrete Mathematics), Xác suất (Probability), Thống kê (Statistics), nghĩa là đã hoàn tất hơn mọi lớp Toán cơ bản của 2 năm đầu đại học của ta.

III. Về thi và kiểm tra:

Chương trình đổi mới Bộ vừa đưa ra chưa cho thấy thi và kiểm tra như thế nào, chỉ thấy nói học hết môn nào thi môn ấy và thi tốt nghiệp chỉ 2 môn Tiếng Việt và Toán. Nhưng chưa cho thấy, những môn nào là môn cốt lõi và kiểm tra, thi các môn ấy như thế nào? Để cho mỗi trường tự lo, hay thi chung với cùng một đề do Sở GD-ĐT ra với các học sinh khác trong cùng một tỉnh? Việc chỉ thi môn tiếng Việt và Toán ở kỳ thi tốt nghiệp THPT và dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT cũng như kết quả trong học bạ thì về hình thức thì gần giống Mỹ, nhưng nếu không có quy trình kiểm tra chặt chẽ thì sẽ rất khác Mỹ và sẽ đưa giáo dục nước ta tới chỗ hỗn loạn: ai cũng sẽ có bằng tốt nghiệp THPT, bằng đại học, mà sẽ chẳng làm được việc gì ứng với tấm bằng ấy.

Ở Mỹ, việc tốt nghiệp trung học ở mỗi bang được quy định bởi Hội đồng giáo dục của bang ấy (State Board of Education). Chẳng hạn, ở bang Georgia, như trên đã nói, muốn tốt nghiệp trung học, học sinh phải học những môn cốt lõi (Core Courses) và một số môn tự chọn mà tổng số đơn vị là 23 đạt chuẩn trong các môn ấy. Lứa 2011 và về trước qua kỳ thi tốt nghiệp (Georgia High School Writing Test) do Hội đồng giáo dục bang ấn định nội dung thi gồm Anh ngữ và Toán. Nhưng lứa 2012, 2013 và 2014 thì hoặc qua kỳ thi Georgia High School Graduation Test gồm các môn Anh ngữ, Toán, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, hoặc phải qua các kỳ thi cuối môn học (EOCT = End of Courses Tests) trong các môn cốt lõi Anh ngữ, Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Lứa từ 2015 trở đi phải qua Georgia High School Writing Test và phải qua tất cả kỳ thi cuối môn hoặc của các môn cốt lõi. Kỳ thi cuối môn học (EOCT) cũng do Hội đồng giáo dục bang ấn định nội dung thi, lịch thi chung cho toàn bang, tổ chức nhiều lần trong một năm để giúp học sinh dễ chọn thời điểm thi, nếu thi không đạt thì thi lại. Mỗi môn gồm 2 bài thi trong 60 phút/bài, điểm thi chiếm tỷ lệ 20% trong tổng điểm của môn ấy (80% còn lại là bài kiểm tra do thầy ra và chấm ở trường). Một học sinh ở cấp 3 có thể dự kỳ thi Tốt nghiệp trung học ở cuối lớp 10 hay 11 chứ không cần phải đợi đến cuối lớp 12 mới thi. Chỉ tổ chức như vậy thì việc lựa chọn môn học tùy trình độ, khả năng của học sinh mới có nghĩa, chứ cho chọn môn học mà tổ chức lớp học “cứng ngắc” như ở ta và buộc mọi học sinh ở lớp 11, 12 học cùng trình độ các môn bắt buộc thì không những không tổ chức được việc học các môn tự chọn, mà việc nâng cao trình độ qua các môn tự chọn đều trở thành không ích gì cho học sinh.

Ngoài ra, ở Mỹ việc tuyển chọn vào mỗi trường đại học thì do mỗi trường quyết định dựa vào kết quả tốt nghiệp trung học, học bạ như ta, nhưng hầu hết các trường (trừ khoảng 800 trường trên khoảng 4.000 trường, tự ra đề thi riêng) buộc mọi ứng viên Mỹ phải thi SAT hay ACT(4) để lấy kết quả nộp đơn vào đại học. Tuy SAT hay ACT cũng chỉ 2 môn Tiếng Anh và Toán nhưng trình độ khó hơn rất nhiều so với bài thi tốt nghiệp cấp 3. Các trường y thì mọi học sinh phải học ít nhất 3 năm đại học, thường đa số phải tốt nghiệp Cử nhân, rồi thi chứng chỉ MACT (Medical College Admission Test), vào trường dược phải thi PCAT (Pharmacy College Admission Test) được tổ chức chung cho mọi sinh viên trên toàn quốc và nhiều lần/năm. Như vậy, ở Mỹ, tuy nói để cho mỗi trường tự quyền đưa ra tiêu chuẩn tuyển chọn sinh viên, nhưng ngoài học bạ trung học, văn bằng tốt nghiệp cấp 3 v.v… người ta vẫn có cái chuẩn chung khác trên phạm vi toàn quốc, chứ không phải chỉ căn cứ vào bằng tốt nghiệp THPT, học bạ trung học, rồi mỗi trường tự quyết định như đề nghị đổi mới của Bộ GD-ĐT nước ta. Hơn nữa, trường của người ta, chỉ trừ một số trường “dỏm”, đều được xem xét công nhận giá trị và dù là trường tư họ cũng giữ uy tín tuyển chọn số sinh viên đạt chuẩn với số lượng phù hợp với cơ sở thực hành sẵn có. Chẳng hạn, trường y phải có bệnh viện thực hành và chỉ nhận số sinh viên phù hợp với cơ sở thực hành và thầy hướng dẫn. Cho nên có những trường y rất danh tiếng ở Mỹ, dù có lịch sử trên trăm năm mà mỗi năm chỉ nhận vào có hơn 100 sinh viên, chỉ có một trường thuộc loại kém nhất như ở bang Indiana nhận hơn 300 sinh viên. Còn ta thì sao? Hiện nay một số trường mới mở ngành y-dược (mà lại do Sở GD-ĐT tỉnh, thành phố – là nơi thực chất không đủ thẩm quyền chuyên môn để cấp phép cho ngành y-dược – cấp phép đào tạo), và dù Bộ cho thi chung, nhưng “liều mạng” nhận vào gần cả ngàn sinh viên. Nói trắng ra thì không hay ho gì, nhưng thực tế hiện nay ở ta thì hầu hết mọi trường tư đều là vì lợi nhuận: chỉ tuyển tối đa những ngành quanh quẩn trong kinh tế, quản trị, Anh văn, tin học ứng dụng, nay đổ xô vào ngành sức khỏe vì dễ tuyển sinh, không một trường tư nào vì phi lợi nhuận mà dạy những ngành hướng về nghiên cứu, khoa học cơ bản... Bây giờ để cho các trường tự tổ chức thi tuyển thì nhiều trường, đặc biệt là cao đẳng mới “lên đời” thành đại học và các trường tư, dù thiếu thầy, thiếu phương tiện thực hành cũng sẽ tuyển tối đa, có khi lên cả ngàn sinh viên vào một ngành thời thượng. Và như vậy, trong tương lai không xa, xã hội ta sẽ có “tỷ số sinh viên trên vạn dân là cao”, vậy là “đạt” mục tiêu giáo dục! Nhưng xã hội gồm rất nhiều người đầy bằng cấp mà không đủ khả năng làm được những công việc mà đáng ra với văn bằng ấy phải làm, họ là những người thầy không ra thầy, thợ không ra thợ thì xã hội sẽ tiến về đâu? Chẳng hạn rất nhiều chuyên viên y-dược thiếu khả năng chuyên môn thì người dân có dám giao sinh mạng cho họ chăm sóc sức khỏe không? Rõ ràng việc “tự chủ” trong đại học mà cả trường công lẫn trường tư đều đòi cho bằng được thì không đơn giản ở một xứ sở như nước ta hiện nay. Tự chủ và tự do chỉ có lợi cho xã hội khi “chủ thể” được tự chủ và tự do hành động, có đủ “tâm và trí” biết chọn cái gì lợi cho vừa mình vừa xã hội, mà không chọn những gì chỉ có lợi cho mình còn “mặc xác” thiên hạ. Tiếc thay, thực tế xã hội ta, thì các đại học cả công lẫn tư, đặc biệt là tư thì chưa “đạt” cái tầm “tâm và trí” ấy, nghĩa là còn “vị thành niên”. Còn vị thành niên mà được giao quyền tự chủ, tự do hành động, như giao súng, giao gươm cho họ xài thoải mái thì quần chúng không mất mạng cũng ngất ngư mà thôi!

Sau cùng: Theo Mỹ, không phân ban và rồi sẽ “nhỡ tàu Mỹ”. Trong chương trình cải cách Bộ mới đưa ra không đặt vấn đề phân ban vì như Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết “Thí điểm phân ban đã thất bại”. Mà Bộ lại chủ trương cho “phân hóa mạnh” ở các lớp 11 và 12 bằng cách buộc học sinh phải tự chọn 3 môn trong 9. Nhìn vào 9 môn ấy, người học sinh sẽ chọn 3 môn mà đại học họ muốn học sẽ thi tuyển. Như vậy làm việc này, thật ra Bộ đã “đùn đẩy” việc chọn ban cho học sinh thay vì đứng ra chọn giúp học sinh, để tránh cái tiếng thất bại vì Bộ phân ban. Việc phân ban ở cấp 3 theo thiên hướng và khả năng của học sinh như “Khoa học cơ bản”, “Khoa học ứng dụng”, “Khoa học xã hội” v.v… thì nhiều nước trên thế giới vẫn làm, và không có gì khó khăn. Ở ta, việc phân ban thất bại là vì ta không làm một cách khoa học, thiếu nhất quán trong hệ thống từ trung học lên đại học và vì ta quản lý “tồi” chứ không phải việc bản thân việc phân ban là “tồi”. Trái lại việc phân ban là cần thiết cho học sinh cấp 3 để giúp học sinh dễ học vì các môn phù hợp với khả năng và giúp định hướng sớm nghề nghiệp. Ở Mỹ, lâu nay trung học không phân ban, buộc mọi học sinh đạt cái “lõi” tối thiểu để tốt nghiệp cấp 3 và cho học sinh cái quyền chọn học các môn theo sở trường và năng khiếu. Nhưng nay họ đang trong giai đoạn chuyển tiếp phân ban: Lớp tốt nghiệp trung học năm 2017 phải hoàn tất chương trình theo một trong các hướng: Đại học (Advanced Academic Pathway), Nghệ thuật (Fine Arts Pathway), Học nghề về Kỹ thuật hay Canh nông (CTAE = Career Technical Agriculture Education Pathway) hay Ngoại ngữ (World Languages Pathway)(5). Học sinh vào lớp 8 từ năm 2014 (lớp cuối Middle school, tức cấp 2 của Mỹ), sẽ phải chọn 2 ban trong các ban nói trên và qua quá trình điều chỉnh từ lớp 8 đến lớp 10 sẽ ổn định ở một ban trong lớp 11 và 12. Cho nên nếu ta “bắt chước Mỹ hiện nay” để có chương trình ổn định áp dụng sau năm 2015, thì sẽ “nhỡ tàu Mỹ” vì khi đó Mỹ đã chuyển qua “tàu phân ban” từ năm 2017 rồi! Điều cần lưu ý là ở Mỹ các phân ban này đều nằm chung trong một trường cấp 3, chứ không nằm riêng trong các trường khác nhau. Điều này có 2 cái lợi: Học sinh có thể chuyển ban ở các lớp 9 hay 10 (trường cấp 3 ở Mỹ gồm 4 lớp: 9,10,11 và 12); thứ hai là học sinh chọn ban “nghề” không có mặc cảm là vì “dốt” mà bị dồn vào trường nghề riêng biệt, mà chọn nghề vì hợp với khả năng, với sở thích và muốn ra kiếm tiền sớm ngay sau khi tốt nghiệp trung học.

Tóm lại, “đổi mới giáo dục” là cần thiết, học theo Mỹ cũng là điều hay, nhưng nếu không có đủ “tầm” và “tâm” trong kiểm tra chất lượng, trong quản lý nghiêm túc như Mỹ mà thả lỏng cho thiên hạ tha hồ tự tung tự tác, chỉ cốt lấy thành tích và thu lợi nhuận thì sẽ là rước họa cho giáo dục nước ta.


--------------------

(1), (2) Ba năm tới cặp học sinh có những sách gì?, http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/146526/ba-nam-toi-cap-hoc-sinh-co-nhung-sach-gi-.html

(3), (5) Academic Planning Guide Walton High school,
http://waltonhigh.org/files/filesystem/Academic%20Planning%20Guide%202013-2014.pdf

(4) SAT: Scholastic Aptitude Test, bây giờ là SAT Reasoning Test do College Board quản lý điều hành. ACT: American College Testing do ACT, Inc. quản lý điều hành. SAT và ACT là những bài thi thẩm định khả năng học tập mà các đại học Mỹ yêu cầu học sinh trung học Mỹ phải nộp kết quả thi trong hồ sơ xin nhập học vào năm thứ nhất đại học.

Lê Tự Hỷ (Mỹ)