Khái niệm “Việt hóa” xuất hiện nhiều trên các bộ phim truyền hình gần đây. Không phải chỉ có phim truyền hình, nhiều lĩnh vực văn hóa - truyền thông khác cũng có không ít các tác phẩm “Việt hóa”. Thế nhưng, bên cạnh các tác phẩm “Việt hoá” theo đúng các quy trình về bản quyền thì vẫn có nhiều tác phẩm được đóng mác “Việt hóa” những mong “vải thưa che mắt thánh”.
Từ hiện tượng sao chép phim ngoại thành phim mình…
Trong vài năm gần đây, những bộ phim được “Việt hóa” tràn lan trên các sóng truyền hình Trung ương và địa phương, nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả Việt Nam. Thế nhưng, bên cạnh những bộ phim lớn như Nhật ký Vàng Anh, Cô gái xấu xí, Những người độc thân vui vẻ, Có lẽ nào ta yêu nhau, Ngôi nhà hạnh phúc… được xác định rõ ràng bản quyền, thì hiện tượng nhập nhằng “kẻ mua người bán” cũng bắt đầu.
Trong tháng 9 và tháng 10 năm 2009, bộ phim Tin vào điều không thể (đạo diễn Vũ Hồng Sơn) của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam được phát sóng vào 21 giờ trên VTV3 đã làm xôn xao các diễn đàn điện ảnh vì “na ná” bộ phim Xin cảm ơn anh đã yêu em của Trung Quốc (bộ phim đã từng được phát sóng trên HTV7). Mặc dù đã có rất nhiều chi tiết khác vì bối cảnh nhau nhưng bất kỳ ai đã xem cả hai bộ phim này, đều nhận ra một điều, cả hai có nội dung khá giống nhau.

Cảnh trong phim Tin vào điều không thể
Ở Xin cảm ơn anh đã yêu em và Tin vào điều không thể, nhân vật đều là nữ nhà báo phụ trách một tờ tạp chí (phim Trung Quốc là Vũ Vy còn phim Việt Nam là Tường Vy). Khi tạp chí đứng trước bờ vực phá sản, một anh chàng giám đốc hào hiệp ra tay cứu giúp, tình cảm giữa cô nhà báo và chàng giám đốc dần dần nảy sinh. Vợ chàng giám đốc phát hiện mối tình vụng trộm này và khéo léo ngăn cản. Cô nhà báo còn được đến hai anh chàng khác theo, trong đó có anh phó giám đốc công ty. Để chạy trốn tình cảm với giám đốc và chiều lòng mẹ, cô chấp nhận yêu phó giám đốc. Nhưng khi cô sắp đính hôn thì vị giám đốc lại tìm đến cô, vì anh phát hiện vợ đã lừa dối mình về việc mang thai.
Nếu chỉ giống nhau về ý tưởng chính thì có thể gọi là “chẳng may trùng hợp”, nhưng ở trường hợp này, một số chi tiết phụ giống nhau đến lạ lùng như: bố cô nhà báo bỏ mẹ cô để lấy một cô làm nghề dọn vệ sinh; hay chàng trai trẻ theo đuổi cô nhà báo chính là con của anh vợ giám đốc... Khi được hỏi về chuyện này, đạo diễn Vũ Hồng Sơn trả lời rằng bộ phim là tác phẩm được “Việt hóa”, ở generique có đề “Tác giả chuyển thể: Vũ Thu Dung”, nhưng kỳ lạ là lại không ghi rõ xuất xứ và tên của tác phẩm gốc. Rõ ràng ở đây có một sự nhập nhèm trong việc mua bán bản quyển của bộ phim.
Chuyện “trắng đen lẫn lộn” trong những bộ phim được Việt hóa cũng khá phổ biến gần đây, ví như phim Gió nghịch mùa (Sena Film và Công ty Kiết Tường phối hợp sản xuất) ghi rõ tác giả là Phạm Đào Uyên – Châu Thổ đã bị báo chí phanh phui là sao chép gần như nguyên xi phim Khăn tay vàng của Hàn Quốc. Nhưng trường hợp một bộ phim của hãng phim nhà nước như VFC (Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam), được chiếu trên khung giờ Vàng của VTV3 thì thật sự đáng để cho khán giả phải lưu tâm.
Đến Gala cười…
Quay ngược trở lại chương trình Gala Cười trong “Gặp nhau cuối tuần”, cũng do Trung tâm sản xuất phim Truyền hình Việt Nam tổ chức, phát sóng trên VTV3 vào các buổi trưa thứ 7, chúng ta bắt gặp một chuyện trùng hợp đến nực cười.
Vở kịch Bệnh nói nhiều của đạo diễn Lê Hùng, diễn viên chính Đức Khuê, đã gây xôn xao dư luận bấy giờ vì sự hài hước và thâm thuý. Câu chuyện kể về một anh chàng bị nhốt vào bệnh viện tâm thần vì bệnh nói nhiều. Vào bệnh viện, căn bệnh của anh vẫn vô phương cứu chữa, khiến cho từ bác sĩ đến y tá ai ai cũng khó chịu. Bác sĩ liền nghĩ ra một mưu, đóng giả làm một tên giết người bệnh hoạn, nhốt chung buồng với anh nói nhiều. Anh nói nhiều bắt đầu “bật đài” không ngừng, tay bác sĩ kể rằng hắn vì giết một người nói nhiều quá nên bị tống vào đây. Anh nói nhiều sợ hãi cả đêm, cuối cùng bệnh khỏi.

Vở kịch Bệnh nói nhiều, có nhiều chi tiết giống truyện ngắn Một đêm kinh hoàng của Azit Nêxin.
Nếu ai là người hâm mộ Azit Nêxin thì đều nhận thấy rằng, câu chuyện trên có nhiều chi tiết giống hệt với truyện ngắn Một đêm kinh hoàng của ông. Thế nhưng, khi vở diễn được công chiếu và diễn đi diễn lại trên nhiều sân khấu lớn nhỏ thì chẳng thấy ai có một lời nhắc tới cái tên “Azit Nêxin”.
Không chỉ giới kinh doanh giải trí (Showbiz)
Qua nhiều năm, vở kịch Bệnh nói nhiều nhận được giải thưởng, được nhiều nhà tổ chức biểu diễn mời diễn và được lưu trên You Tube. Vẫn không ai nhắc một lời nào, từ nhà sản xuất đến giới truyền thông, về sự giống nhau đến đáng kinh ngạc này. Báo chí đã đưa tin về trường hợp “sinh đôi” của Tin vào điều không thể và Cảm ơn anh đã yêu em đã gần hai tháng nhưng chưa thấy một đại diện nào ở phía Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam lên tiếng hay nhận trách nhiệm. Như vậy, rõ ràng rằng, chuyện nhập nhằng bản quyền và gán cho một mỹ từ “Việt hóa” đã trở thành một thói quen lâu năm.
Không phải chỉ có giới kinh doanh giải trí mới xảy ra chuyện “bình nội rượu ngoại”, mà trong lĩnh vực phát hành sách cũng lắm vấn đề nghiêm trọng. Theo Khối liên minh Quốc tế về Sở hữu trí tuệ (IIPA), Việt Nam là một trong những nước có mức vi phạm bản quyền cao nhất thế giới.
Theo ước tính năm 2008, một năm các nhà xuất bản nước ngoài có mặt ở Việt Nam cấp phép chưa đến 100 đầu sách, thế nhưng 90% số sách có mặt trên thị trường đều không có sự cấp phép hợp pháp này. Trong số 393 đầu sách vi phạm bản quyền mà các Nhà xuất bản này đưa ra, chiếm “thành tích” cao nhất phải kể đến Nhà xuất bản Đồng Nai và Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát hành sách Sài Gòn (nhà sách Quỳnh Mai).

Cảnh trong phim Gió nghịch mùa
Chị Song Thuỷ, giám đốc Song Thủy Bookstore, một nhà sách có tên tuổi phát hành các sách nghiên cứu và triết học (bộ Phân tâm học, Osho…) than thở: Nhà sách chúng tôi là nhà sách đầu tiên phát hành loạt sách của Thiền sư Osho và bán rất chạy. Chúng tôi phải mua bản quyền đầy đủ của Hiệp hội Osho quốc tế. Thế nhưng hiện nay trên thị trường, nhiều sách Osho được một số nhà sách khác phát hành không hề có bản quyền và được núp dưới cái tên “Biên dịch”. Vậy là không có một cơ quan chức năng nào xử lý họ cả. Như vậy, quả là thiệt thòi lớn cho những người chấp hành luật pháp nghiêm chỉnh!
Nhìn toàn cảnh mà nói, hai chữ “Việt hóa” trở thành một công cụ hữu hiệu để những kẻ hám lợi tung hỏa mù che mắt các nhà chức trách, khán giả và giới truyền thông. Những hành vi vi phạm này ngang nhiên, không một chút e dè đối với chính quyền, là một ảnh hưởng lớn đối với đạo đức doanh nghiệp. Một cách vô tình, phương pháp làm ăn bất chính, buôn gian bán lậu được cổ vũ.
Việt Nam đã ký hiệp ước Berne, là thành viên của WTO, trở thành một bộ phận của thị trường chung toàn thế giới, việc vi phạm bản quyền cũng chính là vi phạm luật pháp quốc tế. Nếu không mau chóng có những biện pháp xử lý cho hiện tượng nhập nhằng bản quyền những mong “vải thưa che mắt thánh” này, thì văn hóa – truyền thông nước ta sẽ tiếp tục đi xuống, không thể bắt nhịp cùng với sự văn minh, tiến bộ của thế giới.