Việt Nam hóa tiếng Anh hay Anh hóa Tiếng Việt?

KHẢI NGUYÊN

Theo Việt báo ra ngày 3/8/2009, báo Lao Động cuối tuần số 36/2009 dẫn lại, thì ở Hoa Kỳ “Khu nào có cộng đồng người Việt đông như khu Little Saigon, một số từ Mỹ thông dụng… đã được Việt Nam hóa làm phong phú tiếng Việt. Đơn cử vài từ. Nếu ai hỏi vợ anh làm nghề gì thì hầu hết ông chồng trả lời “vợ tôi làm nghề nails”, ít người trả lời “vợ tôi làm nghề móng tay”; hoặc “vợ tôi bán food to go” chứ ít ai trả lời “vợ tôi bán thức ăn mang đi”.

Từ “Little Saigon” cũng được Việt Nam hoá. Các bạn bè ở xa thường rủ nhau xuống “Little Sai Gon” ăn uống, ít người dùng “Tiểu Sài Gòn”…”.

Chuyện này chẳng đáng lạ lắm. Đáng lạ là chuyện như vậy đang xảy ra ở trong nước. Trước, mọi người vẫn quen nói “gọi điện cho tôi” thì nay nhiều người nói “phone cho tôi”; trước vẫn quen nói “đi mua sắm” thì nay nói “đi shopping”; trước vẫn quen nói “hàng bán chạy” thì nay nói “hàng bestseller”; trước vẫn quen nói “là số một” thì nay nói “là number one”…

Như vậy là Việt Nam hoá tiếng Anh hay Anh hoá tiếng Việt? Là “làm phong phú tiếng Việt” hay làm nghèo tiếng Việt? Là du nhập những “từ” tiếng nước ngoài mà tiếng Việt không có hay thay thế những “từ” tiếng Việt tương đương có sẵn? Là “mượn” hay lạm dụng? Là “sành điệu” hay…?


Ảnh minh họa.

Với người Việt xa xứ, giữ được tiếng Việt ở mức độ nào cũng là điều đáng quí, nhất là cho các thế hệ tiếp nối. Ở các nơi tập trung đông người Việt như khu Little Saigon chẳng hạn thì có điều kiện hơn. Nhiều nơi, các lớp sau không biết tiếng Việt. Có những cố gắng đầy thiện chí nhưng kết quả khá là hạn chế.

Một cặp vợ chồng làm ăn khá giả ở Đức kể rằng, họ rất có ý thức truyền tiếng Việt cho con mà chỉ đạt đến “trình độ” đại loại như: Bảo con rằng hè này sẽ về Việt Nam thăm ông nội thì nó hỏi “ông nội là thằng(!) nào?”. Chẳng phải đứa bé hỗn, “mất dạy”, mà nó không thấu hiểu tiếng Việt.

Giữ “nguyên vẹn” tiếng Việt là không thể. Ngay với những cộng đồng tụ cư, dân tộc tính cao, cốt cách văn hoá sâu như người Do Thái, người Hoa, người Ý… định cư ở nước khác, tiếng dân tộc của họ về lâu dài cũng không còn giống hoàn toàn như ở bản quán (dẫu vậy, bản sắc văn hoá của họ khá bền).

Người Việt Nam ở nước ngoài nếu sống phân tán, nguy cơ bị đồng hoá càng cao. (Ngoài ra, có một nhận xét khác không biết có đúng không: Trong các “loại” ngoại kiều trên thế giới thì lớp người Việt trẻ dễ bị “hòa tan” hơn cả (?)). Việc liên hệ với “nước cũ” là vấn đề tình nghĩa, là sợi dây tinh thần, là yêu cầu tự thân nhiều hay ít tùy thuộc mỗi người (không nói chuyện làm ăn). Không như sự gắn bó, tự nguyện và bắt buộc, với “quê mới”.

Nghĩ gần thì, chẳng hạn, tổng thống Mỹ Obama là người Mỹ chứ không phải là người Kenia. Nghĩ xa thì như những hậu duệ của hoàng tử Lý Long Tường tìm về thăm quê Việt của tổ tiên xa xưa, song họ hoàn toàn là người Hàn, trừ tình ái mộ của họ đối với quê gốc.

Tình trạng trong nước mới đáng nói. Vượt xa tiếng Pháp thời nước ta còn bị Pháp đô hộ, ngày nay tiếng Anh được chêm, lấn vào hầu khắp mọi lĩnh vực, không chỉ nói và viết với nhau, không chỉ trên sách, báo, truyền hình… mà còn ở các khu du lịch, nghỉ dưỡng, nơi thư giãn thì là resort, spa… này nọ. Từ “khách sạn” hầu như thay bằng “hotel”. Tên khách sạn thường bằng tiếng Anh; thảng hoặc bằng tiếng Việt thì không dấu.

Hồi nào số khách sạn có tiếng tăm ở các thành phố lớn được đổi lấy tên Việt, “một ngày đẹp trời nào đó” bỗng nhất loạt lại mang tên theo tiếng nước ngoài! Rồi nhiều tên xí nghiệp, tổ chức… nhiều tên hàng, biển hiệu… cũng thay bằng tiếng Anh như đội bóng Sai Gon united! Thậm chí đài Tiếng nói Việt Nam từ trước vẫn ghi tên tắt là TNVN, chẳng biết tự bao giờ đã đổi ra VOV! (Cho ngang ngửa với đài VOA chăng?!).

Ta thường thích nghe nói người Việt Nam “anh hùng”, “tự chủ”, “tự tôn”… và khó nghe (hay không chịu nghe?) nói đến những tật xấu có khi thuộc “dân tộc tính”. Hãy bình tĩnh ngẫm mà xem, chỉ riêng trong việc “xài” tiếng Anh, có là biểu hiện của tinh thần tự ti, sùng ngoại, đua đòi, lệ thuộc,… không?

Ngôn ngữ cũng như văn hoá nói chung có sự giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau. Có sự “mượn”, du nhập; song, cũng có thể có cả sự thôn tính (tự nhiên hoặc áp đặt). Đừng bảo thủ khiến ngôn ngữ của mình trở nên nghèo nàn, trì trệ; nhưng cũng đừng vô tình tiếp tay cho sự “xâm thực” và xa hơn, có thể là sự thôn tính.

Việc “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” không đơn giản và chẳng dễ dàng!