Văn hóa Hồ Chí Minh
Trong mục đọc sách ở phần cuối tập Nhật ký trong tù, Bác Hồ định nghĩa về văn hóa như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (Hồ Chí Minh toàn tập, tr.431).
Đó là cái nhìn bao quát nhất để chúng ta hiểu cụ thể và rõ ràng về văn hóa. Nhưng đồng thời cũng phải hiểu văn hóa của từng dân tộc không hề bất biến mà còn là sự tiếp thu có chọn lọc từ những nền văn hóa khác trên thế giới. Bác từng viết: “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam... có tinh thần thuần túy Việt Nam hợp với tinh thần dân chủ” (báo Cứu Quốc, 1946). Chúng ta thấy rõ ở Bác chính là sự tích hợp giữa hai luồng văn hóa Đông, Tây… Bác từng thừa nhận mình là học trò của Các Mác, Giêsu, Khổng Tử, Tôn Dật Tiên, vì “các vị ấy đều có điểm chung giống nhau là mưu cầu hạnh phúc cho loài người... Nếu họ còn sống và ở gần nhau, tôi tin họ sẽ chung sống thoải mái với nhau như những người bạn tốt”.
Bác viết: “Phải làm sao cho văn hóa đi sâu vào tâm lý quốc dân…”. Văn hóa ấy là gì? Đó chính là xây dựng được những tình cảm về lòng yêu nước, biết yêu thương con người, yêu sự thẳng thắn, trung thực, ghét và căm thù mọi thói hư, tật xấu như tham nhũng, hối lộ, xa hoa lãng phí mà Bác gọi đó là “giặc nội xâm”…
Ngay từ thời điểm cách đây gần 70 năm, ngày 27/11/1946 Bác đã ký Sắc lệnh 223 về việc “Xử phạt đối với tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ, biển thủ công quỹ hoặc của công dân”. Và Bác đã hết sức kiên quyết xử lý vụ tham nhũng của đại tá Trần Dụ Châu. Bác Hồ đã ra lệnh phải tường thuật trên báo Cứu Quốc và Đài Tiếng nói Việt Nam đầy đủ, tỉ mỉ về vụ án này. Lúc đó báo Cứu Quốc đăng 6 kỳ, trong đó 4 kỳ đăng trang nhất kèm xã luận. Bác muốn người dân phải được biết về vụ việc này. Bài học về việc chống lại “giặc nội xâm” của Bác Hồ đến lúc này vẫn mang tính thời sự nóng hổi.
Một bài học khác từ Bác về văn hóa cầm quyền là: Không được nhân danh vì quyền lợi của nhân dân mà có những quy định hạ thấp nhân phẩm của nhân dân. Văn hóa ấy cũng là văn hóa cách mạng. Đó là lúc Bác nghe nói các cửa hàng bán bánh vì muốn hạn chế các con buôn mua bán lòng vòng nên đã buộc khách hàng mua bánh ăn ngay tại chỗ mà không được mang về nhà. Bác đã ra lệnh ngưng ngay tức khắc, bởi vì: “Không thể vì căm ghét cái xấu mà giả định mọi người đều có thể xấu. Và không thể muốn đẩy lùi cái xấu, mà vô tình hay hữu ý hạ thấp nhân phẩm của quần chúng” Bởi cách mạng có mục đích cuối cùng là tôn trọng con người. Cũng như ngay khi ở nước ngoài, khi nghe tin trong nước cho các tù binh Mỹ diễu hành trên đường phố Hà Nội, Bác đã ra lệnh dừng ngay, bởi vì: “Họ là tù binh, nhưng họ là con người”. Một chính quyền cách mạng có văn hóa là chính quyền biết tôn trọng nhân phẩm con người.
Chiến lược bảo vệ văn hóa dân tộc
Tuy nhiên, phải hiểu sự chắt lọc từ các nền văn hóa khác trên thế giới là phải trải qua quá trình thẩm thấu lâu ngày, không hề là sự vay mượn, bắt chước một cách sống sượng. Trước sự du nhập dữ dội của nhiều luồng văn hóa nước ngoài, sự vay mượn trở nên đáng báo động! Đó không phải là vấn nạn của Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa mà chính là nỗi lo chung của hầu hết các nước đang phát triển trên thế giới hiện nay. Suy nghĩ của Thomas L.Friedman, một nhà báo nổi tiếng của tờ New York Times, đã khái quát vấn đề này: “Một đất nước không có rặng cây ô liu khỏe khoắn sẽ không bao giờ có được cảm giác nguồn gốc được duy trì hay an tâm để hội nhập với thế giới. Nhưng một đất nước chỉ có rặng cây ô liu không thôi, chỉ lo cội rễ mà không có xe Lexus thì sẽ không bao giờ tiến xa được. Giữ cân bằng hai yếu tố trên là cuộc vật lộn triền miên”(*) Sự “vật lộn ấy” chính là quá trình thẩm thấu để mỗi quốc gia vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà vẫn đứng ngang tầm thời đại.
Hiện nay ở Việt Nam đã và đang tồn tại nghịch lý giữa các quan điểm cơ bản về vai trò và sự phát triển văn hóa với sự triển khai các quan điểm này trong thực tiễn. Câu “Giữ gìn và phát triển nền Văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” dường như đã trở thành câu khẩu hiệu có thể tìm gặp ở bất cứ nơi đâu... Nhưng dường như không phải ai cũng hiểu và vận dụng đúng với tinh thần Nghị quyết V. Nói cách khác, quan điểm đúng đắn đó đã được (hay bị) biến thành khẩu hiệu của người quản lý, lãnh đạo mỗi khi đề cập tới sự phát triển văn hóa hơn là hiểu biết về văn hóa một cách sâu sắc…
Thực tiễn chứng minh cho thấy trong nhiều năm qua Văn hóa Việt đã và đang bị xâm thực dần bởi những cơn lốc của nhiều nền văn hóa du nhập vào nước ta, chủ yếu là từ Âu Mỹ và Hàn Quốc. Tinh thần dân tộc dường như đã trở thành một thứ xa xỉ trên một đất nước đã nhiều lần đánh bại những tên đế quốc hùng cường nhất trên thế giới để giành độc lập. Đó là một nghịch lý đau lòng, nhưng sự thật đó đang hiển nhiên, nhan nhản khắp nơi trên cả nước. Điều trước nhất có thể nhìn thấy rõ ràng nhất, cơ bản nhất đó là tiếng Việt đang có nguy cơ bị lai tạp.
Nhiều hiện tượng đáng báo động của tiếng Việt hiện tại với nỗi đau đáu nhất chính là sự tự giác đầy ý thức mang tính chất xã hội trước sự xâm lăng dữ dội của tiếng Anh vào ngôn ngữ Việt hiện nay. Đây là vấn đề không phải thuộc về cá nhân một số người, mà đang có cơ nguy trở thành lề thói và được mặc nhiên công nhận trong giao tiếp xã hội. Để đến một lúc nào đó, khi người ta cảm thấy nó bình thường trong đời sống văn hóa Việt thì có nghĩa là chính ta đang tự loại bỏ dần tiếng nước ta ra khỏi kho từ vựng và mặc nhiên chấp nhận sự xâm thực của tiếng Anh một cách đầy ý thức. Rất nhiều từ tiếng Anh đã trở thành thông dụng trong ngôn ngữ hằng ngày như shopping thay cho mua sắm, tuổi teen (tuổi mới lớn), festival (liên hoan), sale off (hạ giá), show (biểu diễn), fan (người hâm mộ), test (thử nghiệm), check (kiểm tra), tin hot (tin nóng)… Những từ này không chỉ sử dụng trong giao tiếp hàng ngày mà còn chính thức xuất hiện trên các cơ quan truyền thông đại chúng và đó chính là con đường nhanh nhất để truyền bá và bình thường hóa những từ nước ngoài này trong văn phong Việt (?!). Đó là chưa kể những kiểu nói chuyện xen tiếng Anh như là một cách để thể hiện đẳng cấp của mình, kiểu “Thằng boy này handsome (đẹp trai) nhưng không pro (chuyên nghiệp, sành điệu), tao thấy nó borred (chán) lắm, tao không fall (mê) nổi”, hay “Chúng ta nên discuss (thảo luận) lại rồi các bạn tự handle (xử lý) đi”.
Nhưng cái dễ thấy nhất về sự tự ti ngôn ngữ của đất nước ta hiện nay chính là các bảng hiệu, bảng thông tin. Các bảng quảng cáo, bảng hiệu cửa hàng ở Việt Nam sử dụng hoàn toàn tiếng Anh nhan nhản khắp nước, nhất là ở những thành phố lớn. Người nước ngoài đến Việt Nam, chỉ nhìn các bảng hiệu sẽ có sự so sánh rõ ràng về tinh thần dân tộc của Việt Nam với các nước Đông Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Vấn đề này cơ quan chức năng có thể xử lý trong tầm tay, nhưng lạ thay nó vẫn là vấn nạn kéo dài suốt bao năm nay (?!).
Nhìn vào đời sống nghệ thuật mới thấy sự áp đảo của văn hóa nước ngoài đối với giới trẻ hiện nay như thế nào. Từ con đường nghệ thuật, Hàn Quốc đã mang văn hóa xứ kim chi vào Việt Nam và từng bước trở thành làn sóng mạnh mẽ xâm thực dần vào văn hóa Việt. Trong một số bộ phim Việt, người xem bỗng dưng thấy bối cảnh ngôi nhà Việt không còn như xưa, nhân vật trong phim đã tiếp bạn bè bằng cách ngồi xệp dưới đất bên cái bàn thấp giống như người Hàn Quốc… Trang phục nam nữ trong phim cũng theo thời trang Hàn Quốc, và cốt truyện phim cũng lấy từ Hàn Quốc. May mà mâm cơm Việt vẫn còn bày món ăn truyền thống, nếu không, chắc là người Việt sẽ biến thành người Hàn Quốc mất. Phim ảnh và âm nhạc Hàn Quốc đã có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đối với giới trẻ Việt, nhất là tuổi mới lớn. Báo chí vẫn đăng tin và phê phán những hành vi quá cuồng dại của những người trẻ hâm mộ các Ban nhạc trẻ Hàn Quốc, hiện tượng không bình thường này đang trở thành một trào lưu đáng lo ngại hiện nay. Bên cạnh đó, với sự nhập khẩu phim tràn lan, các rạp chiếu hầu hết chỉ chiếu phim nước ngoài với tỷ lệ 17 phim Việt Nam trên 106 phim nước ngoài, trong đó phim Hollywood chiếm 80%. Tất nhiên hằng ngày tiếp xúc với phim bạo lực của Mỹ tràn ngập trên các rạp chiếu, vô hình trung giới trẻ Việt gần như đã được định hướng cho một lối sống mới mà họ gọi là “hiện đại” và “thời thượng”, một lối sống thực dụng, cá nhân, coi trọng vật chất hơn là đạo đức. Tâm lý vọng ngoại trở thành bình thường, và lý tưởng “Đâu cần thanh niên có” bỗng trở nên xa xỉ với một số đông thanh niên chỉ biết lao vào kiếm tiền bằng mọi giá.
Đạo đức xã hội xuống cấp là một báo động đáng lo ngại hiện nay. Tất cả những điều đó chính là sự báo động của một nền văn hóa thiếu định hướng. Ngay cả những cái gọi là “Về nguồn” và “Bản sắc” cũng đang bị lợi dụng để kiếm tiền. Hơn 8.000 lễ hội diễn ra tràn lan trên khắp nước kéo theo tệ mua thần bán thánh, mê tín dị đoan ngay trong chính những cán bộ, quan chức trong bộ máy chính quyền hiện nay là một minh chứng rõ nhất…
Văn hóa là nền tảng của xã hội. Vì vậy, khi Bác Hồ khẳng định “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đó là cách nói giản dị của Bác về vai trò rất lớn của văn hóa đối với con người. Một đất nước đánh mất đi bản sắc văn hóa của mình thì coi như mất tất cả. Nghị quyết V đã khẳng định điều đó, nhưng “Giữ gìn và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” không phải chỉ là câu khẩu hiệu, mà phải được thực thi bằng một chiến lược văn hóa. Chiến lược ấy phải là cái lá chắn bảo vệ các ngành công nghiệp văn hóa nội địa trên thế giới phẳng về văn hóa hiện nay. Chiến lược bảo vệ văn hóa phải được thực thi trên cơ sở pháp luật, phải xây dựng pháp luật về văn hóa cũng như việc hỗ trợ cho các lĩnh vực văn hóa trong nước. Bản sắc văn hóa dân tộc chính là cái lá chắn, cái bùa thiêng để chúng ta có thể bước ra bên ngoài giao lưu cùng thế giới mà vẫn ngẩng cao đầu giới thiệu cùng bè bạn năm châu. Đúng như Thomas L.Friedman đã khái quát: “Một đất nước không có rặng cây ô liu khỏe khoắn sẽ không bao giờ có được cảm giác nguồn gốc được duy trì hay an tâm để hội nhập với thế giới”.
(*) Trích Cây Ô liu và xe Lexux của Thomas L.Friedman