LTS: Viện Văn hóa - Thông tin (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức buổi tọa đàm : “Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Với sự góp mặt của GS Trần Văn Khê, GS Trần Thanh Đạm, GS Mai Quốc Liên, TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa), TS Bùi Kha; Nhà Nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân; Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mè; các nhà văn, nhà báo: Vũ Hạnh, Nguyễn Gia Nùng, Thúy Ái, Tôn Nữ Thu Thủy, Kim Quyên, Ánh Huỳnh... ông Nguyễn Văn Tòng (Nguyên Giám đốc sở VH - TT), ông Cao Đức Trường (Nguyên Trưởng phòng VHVN Ban Tuyên giáo Thành Ủy TPHCM), Đại tá-Họa sĩ Phạm Thanh Tâm...
Hội thảo đã đóng góp những ý kiến chân tình và đề xuất các giải pháp nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Dưới đây, Hồn Việt xin trích ý kiến của GS Trần Văn Khê, GS Trần Thanh Đạm, Nhà văn Nguyễn Gia Nùng, Nhà Nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân...
- GS Trần Văn Khê: Chúng ta cũng nên nhớ người nước ngoài có dịp vào nước ta, họ sẽ nhìn vào văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục và nếp sống hàng ngày của chúng ta... và qua đó đánh giá được phong cách văn minh, nền văn hóa của nơi họ đến.
Trong văn hóa ẩm thực, cần cẩn thận trong cách trình bày thức ăn, cách dọn bàn, tiếp khách, trang trí phòng ăn, lựa loại nhạc Việt Nam truyền thống, tạo một không gian và không khí rất Việt Nam, vì du khách đến nước ta là để tìm những gì không có ở nước họ chớ không phải để gặp những gì quen thuộc, hay của ta bắt chước họ. Chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam rất đẹp, rất duyên dáng. Và với trang phục truyền thống áo dài khăn đóng, ta được các nước khác đánh giá rất cao. Đó là điều đáng tự hào. Văn hóa về nếp sống hàng ngày phải nhìn nhận rằng, người Việt Nam ta có nụ cười chào khách rất thân thiện và dễ thương. Biết cách cười cũng là thể hiện văn hóa.
Vì chuyên môn của tôi là âm nhạc, nên tôi nhấn mạnh đến văn hóa âm nhạc. Những môn âm nhạc dân tộc chính xác như Ca Trù, Nhã Nhạc Cung Đình Huế hay Đờn Ca Tài Tử miền Nam cần giáo dục cho học sinh ngay khi ngồi trên ghế nhà trường, không phải đào tạo cho các em thành ca sĩ mà chủ yếu là giáo dục cho các em có kiến thức căn bản về văn hóa truyền thống của dân tộc. Ví dụ như Nhã nhạc thời xưa là của nhân dân sáng tác để phục vụ cung đình, nay không còn vua nữa thì Nhã Nhạc cần khôi phục lại để phục vụ quần chúng. Tất cả chúng ta phải có ý thức rằng công việc bảo tồn, phát huy, phổ biến nhạc dân tộc là bổn phận của mọi người: các nghệ nhân giảng dạy tận tình, các chuyên gia nghiên cứu phân tích, phổ biến rộng rãi những điểm đặc thù độc đáo của Âm nhạc truyền thống.
Theo tôi, Nhà nước cần có một chính sách rõ ràng như tôn vinh các nghệ nhân, đề ra những biện pháp cụ thể giúp cho âm nhạc Việt Nam cũng như các hình thức văn hóa khác có được điều kiện phát triển, xây dựng một bản sắc dân tộc bền vững và độc đáo. Chúng tôi nghĩ rằng việc đem âm nhạc vào học đường rất cấp bách, thay đổi cách dạy âm nhạc truyền thống trong các cấp học (mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học, nhạc viện...) là rất cần thiết.
Chúng ta không nên tự tôn hay tự ti mặc cảm, mà luôn luôn tự hào về văn hóa của chúng ta và tự tin vào sức sống tiềm tàng của dân tộc Việt Nam trên lĩnh vực văn hóa. Như vậy, văn hóa sẽ là một yếu tố quan trọng trợ lực cho chính trị, kinh tế trên con đường hội nhập. Và chừng ấy, chúng ta có thể vững lòng hòa nhập với cộng đồng thế giới mà không lo mình sẽ bị hòa tan trong ấy.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: B.Đ
- GS Trần Thanh Đạm: Tôi xin đề cập đến một vấn đề chung nhất: Hội nhập quốc tế và Bản sắc văn hóa dân tộc.
Ở Việt Nam ta, hai chữ hội nhập trở thành hai chữ cửa miệng từ ngày Việt Nam chính thức gia nhập WTO, làm thành viên 150 của tổ chức này. Trước đó, chúng ta đã là thành viên của UNESCO của Liên Hiệp Quốc, song ý thức hội nhập chưa thật rõ như khi trở thành thành viên WTO, có lẽ vì tổ chức sau có tính ràng buộc chặt chẽ hơn (kinh tế mà!). Nhiều người còn cho đó là một giai đoạn mới đáng mừng trong quan hệ quốc tế của chúng ta, tuy chỉ là thành viên thứ 150 thôi song như cơ hội bằng vàng, cũng có lẽ do sự đăng cai của chúng ta đối với Hội nghị thượng đỉnh APEC kèm theo đó.
Nhiều người thận trọng hơn khi dùng hai chữ hội nhập vẫn không quên đặt trước nó hai chữ giao lưu (giao lưu và hội nhập quốc tế) hoặc nói gồm hai vế phát triển quốc gia và hội nhập quốc tế, hoặc cụm từ chủ động và tích cực giao lưu và hội nhập quốc tế. Thiết tưởng, sự thận trọng đó cũng cần thiết. Về kinh tế như vậy, về văn hóa càng như vậy. Bởi vì cái tâm lý ỷ lại, vọng ngoại của nhiều người trong chúng ta, dù đã trải qua già nửa thế kỷ độc lập, song chưa phải đã hoàn toàn đứt rễ, bật gốc, ở một số người tưởng đã bật gốc rồi nay lại bén rễ trở lại. Các nhà trí thức miền Nam ta trước đây gọi đó là mặc cảm nhược tiểu.
Hai chữ bản sắc trong bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa cũng cần được minh định thêm một chút. Cuối thế kỷ XX, tổ chức UNESCO theo sáng kiến của vị Tổng thư ký lúc bấy giờ, người Senegal là Amadou Mahtar M’Bow đã chọn thập niên 90 làm thập niên văn hóa với sự đề cao cultural identity tức là nét đặc sắc riêng của dân tộc này khác với dân tộc khác, bảo vệ và phát huy tính đa dạng của văn hóa thế giới. Đó là một tư tưởng và chủ trương rất vĩ đại, có khả năng cứu vãn thế giới, nó xuất phát từ thế giới thứ ba, từ vị Tổng thư ký UNESCO nguyên là Bộ trưởng Giáo dục của nước Cộng hòa Senegal. Ông cũng là người khởi xướng và nhiệt tình ủng hộ quốc tế đối với việc phục hồi và tôn tạo cố đô Huế của Việt Nam.
Việt Nam ta đã tìm cách dịch chữ Identity ra tiếng Việt, hai chữ bản sắc được chọn và được thông dụng cho đến nay. Nó cũng đã đi vào NQTƯ V khóa VIII của Đảng: văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Song vấn đề ở đây là bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam ta là gì? Vấn đề này phức tạp hơn vấn đề định nghĩa nó. Đã có một số cố gắng nêu ra một loạt phẩm chất tạo nên bản sắc đó, như: yêu nước, cần cù, thông minh, sáng tạo, thương người, đoàn kết, anh dũng... Lập tức xuất hiện sự phản biện: lẽ nào chỉ dân tộc Việt Nam, văn hóa Việt Nam mới có những phẩm chất đó mà các dân tộc khác lại không có. Hơn nữa, ngoài phẩm chất ra còn có các khuyết tật, các thói xấu, há chăng phải thuộc về bản sắc dân tộc?
Thời đánh Mỹ, nhà văn Vũ Hạnh giả danh người nước ngoài, viết cuốn sách “Người Việt cao quý”. Sau chiến tranh, vào thời điểm phê phán, chửi rủa thay thế cho tán tụng, ngợi ca, có một số “nhà văn hóa” dự định (mới dự định thôi) bắt chước nước ngoài, chung nhau viết cuốn sách “Người Việt xấu xa”. Kể ra viết cả hai cuốn sách đó đều được cả. Người nào, dân tộc nào mà không có tính xấu và tính tốt, có người tốt có tính xấu, người xấu có tính tốt. Vấn đề là ở mỗi người cụ thể là như thế nào.
Ở đây, tôi xin nhấn mạnh:
- Muốn đi tìm bản sắc văn hóa Việt Nam, phải tìm nó ở lịch sử Việt Nam, lịch sử sinh thành, phát triển thăng trầm, vinh nhục của dân tộc Việt Nam trong quá trình lịch sử, ít nhất là trên 2000 năm nay: những phẩm chất chung tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc thì có thể giống nhau trên lý thuyết song khác nhau trên lịch sử.

Từ phải sang: Nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân, GS.Trần Văn Khê
tại Hội thảo. Ảnh: B.Đ
- Nhà văn Nguyễn Gia Nùng: Chúng ta đang sống trong một “thế giới phẳng”, theo cách nói của Thomas L.Friedman, do cuộc “Cách mạng số” đem lại càng trở nên một hiện thực hiển nhiên. Đổi mới và hội nhập để có thể tranh thủ khai thác tốt nhất những thuận lợi và hạn chế tối đa khó khăn, vượt qua những thách thức gay gắt do “thế giới phẳng” gây ra nếu không muốn bị đẩy ra khỏi “đường ray của con tàu phát triển” đang là đòi hỏi cấp bách mang tính sống còn với mỗi quốc gia, tổ chức cộng đồng và cá nhân trên phạm vi toàn cầu...
Theo thiển nghĩ của tôi, cần có sự chuyển biến về nhận thức, hành động đồng bộ với cả ba đối tượng chủ yếu: Người sáng tạo văn hóa, văn nghệ; người thưởng thức và nhà quản lý.
Hơn bao giờ hết, với người sáng tạo văn hóa, văn nghệ hôm nay phải không ngừng tự nâng cao trình độ và đặc biệt phải có ý thức trách nhiệm rất cao đối với cộng đồng mình đang sống, trước hết là quốc gia, dân tộc mình nếu không muốn vô tình hay cố ý làm ra những “rác” văn hóa gây “ô nhiễm môi trường sống” mà tác hại của nó không thể đo đếm được.
Khi công tác quản lý kém hiệu quả, một trong những nguyên nhân chủ yếu là chúng ta chủ quan, duy ý chí, xa rời thực tiễn, dẫn đến tình trạng “cái cần nắm lại không nắm, cái cần buông lại không buông”. Còn “nắm” cái gì, “buông” cái gì với các nhà quản lý văn hóa văn nghệ trong “thế giới phẳng” hôm nay rất đáng để chúng ta phải suy nghĩ để nhanh chóng đưa đất nước trở thành “sân chơi toàn cầu” mà vẫn mang bản sắc Việt Nam.
- Nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân: Chúng tôi đã sống ở cả ba miền: 30 năm ở miền Bắc, gần 20 năm ở miền Trung và trên 30 năm ở miền Nam. Chúng tôi đã được chứng kiến sự diễn tiến của nền văn hóa Việt Nam qua từng thời đại.
Thời Nho học đã suy tàn, sang đầu thế kỷ XX, khi còn lớp nhà nho cuối cùng thì nền văn hóa Việt Nam tuy đã bị ảnh hưởng của nền văn minh phương Tây do người Pháp đem lại nhưng vẫn còn giữ được nhiều nét cổ kính. Các cụ, thời đó đi học để trở thành một nhà nho, lấy đạo đức Khổng - Mạnh làm căn bản. Có một mẫu người hẳn hoi: người quân tử. Nếp sống cũng còn mang tính cách Việt Nam. Ở nhà Việt Nam, ăn cơm Việt Nam, mặc quần áo Việt Nam, giải trí theo phong cách Việt Nam (hát quan họ, hát ả đào, hát tuồng...) và người thành thị hay nông thôn đều tôn trọng các phong tục Việt Nam trong các lễ Tết hoặc hội hè đình đám.
Khi thời Tây học đã có ảnh hưởng trong cả nước thì nếp sống cũng lần lần đổi khác. Lớp trẻ lớn lên đã ở nhà Tây, ăn cơm Tây, mặc quần áo Tây, nói tiếng Tây, hát nhạc Tây, nhảy đầm, đi chợ phiên, xem đá bóng... cuộc sống đã lần lần Âu hóa. Văn học Việt Nam, mỹ thuật Việt Nam cũng bị ảnh hưởng của nền văn học Pháp. Hoàng Đạo đã viết quyển “Mười điều tâm niệm” hô hào theo mới, hoàn toàn theo mới.
Chúng ta phải cho họ thấy bản sắc của văn hóa Việt Nam, cái đẹp của văn hóa Việt Nam. Có thể nói, người nước ngoài vào nước ta ai cũng khen cái “áo dài” của người phụ nữ Việt Nam nhưng không ai nói đến cái quần Jean, cái mini jupe, cái mái tóc nhuộm màu vàng... Không có ai thích thú nghe những buổi trình bày âm nhạc Tây phương mà họ cần phải biết đến những buổi trình bày âm nhạc cổ truyền. Không mấy ai thích thú ăn những bữa cơn thịnh soạn theo phương Tây mà họ đều thích ăn những món ăn thuần túy Việt Nam.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, có rất nhiều nhà cao tầng xây theo kiến trúc Tây phương nhưng không có những khu phố cổ hoặc những ngôi nhà cổ như ở Hà Nội hay ở Huế. Tại sao chúng ta không cho xây ở Thủ đô một ngôi Nhà Quốc khách theo kiến trúc Việt Nam với vườn hoa, ao cá, với ngôi nhà năm gian bằng gỗ lim có đủ hoành phi, câu đối, sập gụ, tủ chè để tiếp các vị Quốc khách để họ biết đến kiến trúc thuần túy Việt Nam mà lại tiếp trong một ngôi nhà lầu theo kiến trúc Tây phương? Tại sao chúng ta không mặc quốc phục trong những buổi Đại lễ? Bộ áo dài khăn đóng (phải có khăn đóng) đâu phải là tàn tích phong kiến mà nó là tượng trưng của y phục cổ truyền Việt Nam.