Nếu căn cứ vào các bản Kiều Nôm cổ của Liễu Văn đường, Thịnh Mỹ đường, Quan Văn đường, Phúc Văn đường, Quảng Thịnh đường… còn sưu tầm lại được thì các sách ấy cũng chỉ được in ra vào đời Tự Đức, tức là cách năm Nguyễn Du mất khoảng nửa thế kỷ thì cũng khó chứng thực được.
Chúng tôi tạm căn cứ vào bốn bản Nôm sau đây để tìm hiểu vấn đề:
1. Bản Phường (miền Bắc)
Bản Kim Vân Kiều tân truyện của Liễu Văn đường tàng bản (1866 và 1871) tuy in ra vào đời Tự Đức nhưng đều không kỵ húy chữ THÌ tên của nhà vua. Thí dụ:
Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ (câu 70) Thì chi chút ước gọi là duyên sau (c.76) Người mà đến thế thì thôi (c.179) Thì treo giải nhất chi nhường cho ai (c.210) Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha (c.334) |
Chúng tôi chỉ nêu ra 5 thí dụ có chữ THÌ trong số 94 câu của toàn truyện. Điều này chứng tỏ việc kỵ húy cũng không triệt để bắt buộc trong các truyện Nôm nên các nhà xuất bản ở miền Bắc vẫn giữ nguyên chữ THÌ của Nguyễn Du đã viết ra. Riêng chữ LAN mà đổi thành HƯƠNG trong câu:
Nhà hương thanh vắng một mình (c.375) So vào với thiếp hương đình nào thua (c.1988) |
thì chúng ta có thể tin rằng, Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều vào thời Gia Long sau khi đi sứ nhà Thanh về như Đại Nam chính biên liệt truyện đã ghi chép.

Nàng Kiều
2. Bản Kinh (miền Trung)
Bản Đoạn trường tân thanh do Tiểu Tô Lâm – Nọa Phu – Nguyễn Hữu Lập san cải chép tay năm 1870 trong lúc đang làm quan ở Bộ Công nên tất cả các chữ THÌ đều viết khác đi hoặc đổi thành chữ khác như:
Thà chi chút đích gọi là duyên sau (c.76) Người mà đến thế là thôi (c.179) Chẳng sân ngọc bội cũng phường kim môn (c.410) Nguyện đem vàng đá mà liều với thân (c.422) Đã lòng dạy đến kính vì phải vâng (c.466) Nàng liền vội trở buồng thêu (c.527) Sinh liền dạo bước sân đào vội ra (c.528) |
Các chữ THÌ đã được Nguyễn Hữu Lập, vì đang làm quan trong triều Tự Đức phải kỵ húy mà đổi ra là thà, là, cũng, nguyện, vì, liền chứ không phải nguyên bản Nguyễn Du đã viết như vậy. Điều này chứng tỏ rằng việc kỵ húy là do người đời sau đã sửa lại nhiều hơn nên không thể căn cứ vào các chữ kỵ húy sửa lại ấy mà tìm hiểu niên đại Nguyễn Du đã viết ra Truyện Kiều được.
3. Bản Duy Minh Thị (miền Nam)
Quyển Kim Vân Kiều tân truyện đã được Duy Minh Thị ở miền Nam trùng san và cho in ở Phật Trấn (Trung Quốc). Người miền Nam thường tôn trọng kỵ húy nên trong tiếng nói giao tiếp thông thường cũng đổi khác đi nhiều chữ như hoa, cảnh, hoàng, trọng, nghĩa… thành huê, kiểng, huỳnh, trượng, ngãi…
Duy Minh Thị đã sửa nhiều chữ trong Truyện Kiều như: Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao (c.310) đã bị sửa thành: Mà lòng trượng nghĩa khinh tài xiết bao (c.310) theo cách nói của người miền Nam, hoặc đã sửa để kỵ húy như: Tuồng chi là giống hôi tanh (c.853) đã bị sửa là: Tuồng chi là chốn hôi tanh (c.853); hoặc câu 1310: Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa đã bị sửa là: Than hương nâng bức trướng hồng sạch hoa. Các chữ sửa ấy không thể coi là do kỵ húy được.
Qua ba phần trình bày ở trên, chúng tôi cho rằng, các bản phường ở miền Bắc vẫn là gần nhất với nguyên tác của Nguyễn Du và có thể căn cứ vào các văn bản ấy để tin rằng, Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều sau khi đi sứ nhà Thanh về như Đại Nam chính biên liệt truyện đã ghi chép.