Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một quần thể kiến trúc cổ đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia từ ngày 28/4/1962. Văn Miếu được xây dựng từ năm Thần Vũ thứ 2, đời Lý Thánh Tông (1070) và đã được dùng làm nơi học tập cho Thái tử Lý Càn Đức. Năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ nhất (1076), sau khi Thái tử lên nối ngôi là vua Lý Nhân Tông đã cho lập Quốc Tử Giám và chọn các quan có văn học bổ vào để dạy cho các hoàng tử và con các đại thần (nên gọi là Quốc tử).

Nếu kể từ những năm ấy đến nay thì Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trải qua gần 1000 năm lịch sử. Kiến trúc này xưa được xây dựng ở phía ngoài cửa tây nam hoàng thành Thăng Long, bên Thái hồ, thuộc thôn Minh Giám, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương, nay nằm giữa bốn con đường - mặt trước là phố Quốc Tử Giám, phía sau là phố Nguyễn Thái Học, bên trái là phố Văn Miếu và bên phải là phố Tôn Đức Thắng (xưa là phố Hàng Bột) - và được chia làm ba khu vực chính: Văn Hồ, vườn Giám và khu Nội Tự.

Ngoài vườn Giám ra, chúng tôi xin trình bày về hai khu Văn Hồ và Nội Tự vắn tắt như sau:

VĂN HỒ

Trước tứ trụ (nghi môn) của Văn Miếu, bên kia đường Quốc Tử Giám có một cái hồ rộng nhưng đã bị dân chúng lấn chiếm xây nhà nên chỉ còn được trên mười ngàn mét vuông. Ở giữa hồ có một cái gò tên gọi Kim Châu, xưa các tao nhân mặc khách thường lui tới đàm đạo văn chương nên gọi là Văn hồ, nhưng trong dân gian vẫn thường gọi là Hồ Giám.

Nguyễn Du trong bài Long Thành cầm giả ca viết năm 1813 cũng có nói đến Hồ Giám:

Dư ức thiếu thời tằng nhất kiến,
Giám hồ hồ biên dạ khai yến.

Tôi nhớ lúc trẻ đã từng gặp (người ca nữ) một lần,
Bên hồ Giám trong một cuộc dạ yến.

Hồ Giám phong cảnh chắc cũng đẹp nên đã được nhắc đến trong thi ca.

KHU NỘI TỰ

Nội tự Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hình chữ nhật bề dài 350 mét và bề rộng 70 mét, được ngăn cách với vườn Giám và bên ngoài đường phố bằng hàng tường gạch bao quanh đã được chia làm năm khu vực và mỗi khu được ngăn cách bởi một bức tường ngang có cửa thông nhau gồm một cửa chính và hai cửa phụ.

Từ ngoài vào trong có Tứ trụ, Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Khuê Văn các, Đại Thành môn - Khu điện thờ và đền Khải Thánh - Quốc Tử Giám.

Tứ trụ

Phía trước Văn Miếu là nghi môn gồm bốn trụ có bờ tường bằng gạch ngăn cách với ngoài đường cái nhưng đến nay bờ tường ấy đã bị phá đi chỉ còn lại bốn trụ.

Ở hai cột ngoài có cặp câu đối:

Đông tây nam bắc do tư đạo,
Công khanh phu sĩ xuất thử đồ.

(Đông tây nam bắc cùng theo học đạo Nho này,
Công khanh phu sĩ đều xuất thân từ con đường khoa cử này.)

(Chắc vế dưới đã viết sai thứ tự: đúng ra phải viết là Phu sĩ công khanh xuất thử đồ thì mới đúng luật bằng trắc trong phép đối).


Tứ trụ đầu thế kỷ XX còn có bức tượng ngăn phía trước.

Văn Miếu môn

Đây là một tam quan có ba cửa: cửa giữa cao to, xây hai tầng và mỗi bên có một cửa phụ. Tầng trên có ba chữ 文 廟 門 (Văn Miếu môn).

Trên các cột có những cặp câu đối bằng chữ Hán, đáng kể là đôi câu đối sau đây:

Đại quốc bất dịch giáo, bất biến tục, thả tôn sùng chi, diệc tín tư văn, nguyên hữu dụng;
Ngô nho yếu thông kinh, yếu thức thời, vô câu cố dã, thượng ân thánh huấn, vĩnh tương đôn.

(Nước lớn giáo dục chẳng thay, phong tục chẳng đổi, lại được tôn sùng, tư văn ấy hãy còn hữu dụng;
Nhà nho điển kinh phải thuộc, thời thế phải tường, không được cố chấp, ơn thánh kia truyền mãi lâu dài.)

Đại Trung môn

Qua khỏi Văn Miếu môn là vào tới khu nhập đạo. Khu vực này vuông vắn có trồng nhiều cây cao bóng mát, nay đã là cổ thụ. Ở hai bên lối đi, mỗi bên có một cái hồ hình chữ nhật càng làm tăng thêm vẻ thanh tịnh của nơi “văn vật sở đô”. Khách tham quan có thể theo con đường thẳng để đi tới cổng thứ hai là Đại Trung môn làm theo kiểu nhà ba gian, ở hai bên có cửa phụ: bên trái là Thành Đức môn và bên phải là Đạt Tài môn. Một bức tường ngang nối ba cửa ngăn cách với khu Bia đình.

Khuê Văn các và Thiên Quang tỉnh

Từ cửa Thành Đức khách tham quan có thể đi tới cửa Bi Văn và từ cửa Đạt Tài khách tham quan có thể đi tới cửa Súc Văn. Ở giữa hai cửa ấy là Khuê Văn các (gác có vẻ đẹp của sao Khuê, ngôi sao chủ về văn học) được xây dựng vào năm 1805, đời Gia Long triều Nguyễn. Gác xây trên một nền vuông cao, mỗi bề rộng 6,8 mét. Tầng dưới chỉ có bốn trụ gạch, bốn phía để trống. Tầng trên làm bằng gỗ, có lan can con tiện bao quanh với trang trí đề tài bát bảo.

Bốn phía đều có một cửa tròn gắn trong khung vuông với những thanh gỗ chống giữ chĩa ra bốn phía tượng trưng cho ánh sao Khuê đang tỏa sáng. Mé trên sát mái phía cửa ngoài vào có treo một biển sơn son thếp vàng ba chữ 奎 文 各 (Khuê Văn các). Mỗi mặt tường gỗ đều có chạm một đôi câu đối chữ Hán thếp vàng như câu sau đây rất có ý nghĩa:

Khuê tinh thiên lãng nhân văn xiển,
Bích thủy xuân thâm đạo mạch trường
.

(Sao Khuê trời sáng văn minh rạng,
Nước biếc xuân thâm đạo mạch bền.)

Mái ngói theo kiểu chồng diêm, ở các góc có trang trí hình rồng uốn cong lên trông thật thanh thoát.

Ở hai bên Khuê Văn các có cửa Bi Văn (tô điểm văn chương nên vẻ đẹp) và cửa Súc Văn (văn chương hàm súc phong phú).

Qua hai cửa này là đến Thiên Quang tỉnh (ánh mặt trời soi sáng trên mặt giếng) hình vuông, có bao lan bằng gạch xây quanh, in bóng gác Khuê Văn và những vòm lá cây xanh mát.


Khuê Văn các đầu thế kỷ XX.

Theo quan niệm người xưa, giếng hình vuông là tượng trưng cho mặt đất. Cửa sổ tròn của gác Khuê Văn là tượng trưng cho bầu trời, ý nói nơi đây là chỗ tập trung những tinh hoa của trời đất để đề cao tinh hoa của Nho giáo ngàn năm còn sáng tỏa như đôi câu đối sau đây đã diễn tả:

Khoa giáp trung lai danh bất hủ,
Cung tường (1) ngoại vọng đạo di tôn.

(Khoa giáp đến nay danh vẫn trọng,
Học đường chiêm ngưỡng đạo càng cao.)

Khách tham quan có thể theo hai con đường bên giếng để rẽ sang hai vườn bia đá, mỗi bên có 41 tấm bia dựng thành hai hàng ngang, mặt bia quay về phía giếng. Giữa hàng bia, ở mỗi bên, có một tòa đình vuông thờ bia.

Trong 82 tấm bia còn lại, khắc tên 1323 tiến sĩ, tấm được dựng sớm nhất vào năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông, khắc tên các vị tiến sĩ đỗ khoa Nhâm tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) là do Tiến sĩ Thân Nhân Trung, Thượng thư Bộ Lại phụng mệnh soạn. Trong bài ký có đoạn:

“Nghĩ rằng: Việc dựng bia một khi được thực hiện thì ý tốt cầu hiền tài, mưu thịnh trị của thánh tổ thánh tông được lưu truyền lâu dài. Đó chính là phép lớn để rèn giũa người đời và là điều rất may cho Nho học.

…Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp…

Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quí chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng…

Thế thì việc dựng tấm bia đá này ích lợi rất nhiều: kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện theo đó mà gắng, dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối tương lai, vừa để rèn giũa danh tiếng cho sĩ phu, vừa để củng cố vận mệnh cho Nhà nước…

Ai xem bia nên hiểu ý sâu như vậy”. (2)

Năm 1994, hai vườn bia đã được tu sửa lại thành tám nhà bia - mỗi bên bốn nhà - để che mưa nắng cho các di sản tư liệu quý giá này.

Khu văn bia như vậy đã được coi là một di sản văn hóa giá trị của dân tộc ta cần phải bảo tồn.

Đại Thành môn và khu điện thờ

Từ khu văn bia, khách tham quan đi tới cửa Đại Thành (cửa của sự thành công lớn) là một kiến trúc ba gian.

Bước qua cửa Đại Thành là tới Đại Bái đường gồm 9 gian có sân rộng ở phía trước và phía sau có Tiểu đình hình vuông nối với tòa Thượng Điện cũng xây 9 gian tạo thành một hình chữ 工 (công).

Năm Quí Mão, Hồng Đức thứ 14 (1483) vua Lê Thánh Tông cho trùng tu lại điện Đại Thành để thờ tiên thánh, Đông vu Tây vu để thờ các bực tiên hiền tiên nho, điện Canh phục (nơi thay quần áo trước và sau khi nhà vua làm lễ ở chánh điện), Minh Luân đường v.v… (3).

Thượng Điện là nơi thờ Khổng Tử và bốn vị tứ phối: Tăng Tử, Mạnh Tử, Nhan Tử và Tử Tư, tất cả đều có tượng gỗ sơn son thếp vàng.

Quần thể kiến trúc này mang nặng phong cách thời Hậu Lê, không có chạm trổ cầu kỳ.

Đền Khải Thánh - Quốc Tử Giám

Từ khu điện thờ khách tham quan có thể đi theo hai con đường lát gạch ở phía sau Tả vu và Hữu vu hoặc cũng có thể từ sau lưng Thượng Điện qua cửa Thái Học (cũng xây ba gian) để sang khu Khải Thánh - Quốc Tử Giám.

Đền Khải Thánh cũng có Tả vu và Hữu vu ở hai bên. Nơi đây xưa kia là Quốc Tử Giám từng đào luyện nhân tài cho nhiều triều đại. Kiến trúc thời ấy như thế nào thì không được rõ nhưng theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục thì vua Lê Thánh Tông cho sửa lại nhà Thái Học có Đông Tây giảng đường để giảng dạy cho các học sinh. Lại đặt thêm kho Bí thư để chứa các ván in sách. Phía đông phía tây đều có ba dãy nhà ở cho ba hạng “xá sinh”(4), mỗi dãy có 25 gian.

Nhiều nhân tài đã được đào tạo từ Quốc Tử Giám này trong suốt hơn 700 năm. Khi Gia Long chuyển trường Giám về Huế, ngôi trường cũ này được lấy làm nhà Khải Thánh thờ cha mẹ Khổng Tử.

Năm 1946, quân Pháp đã bắn đại bác vào làm đổ nát hoàn toàn khu Khải Thánh, chỉ còn lại cái nền. Kiến trúc hiện nay mới được xây lại hoàn toàn vào năm 1999, gồm Tiền Đường và Hậu Đường.


Tứ trụ và Văn hồ trước khi bị lấn chiếm.

Tòa Tiền Đường cũng 9 gian nhưng cao to hơn nhà Bái Đường. Nơi đây được dùng để tổ chức các cuộc hội thảo khoa học và các sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật. Một ống muống nối Tiền Đường với Hậu Đường và có hai cửa sang nhà chuông và nhà trống.

Tòa Hậu Đường là một kiến trúc gỗ hai tầng: tầng một là nơi thờ Danh sư Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An và nơi trưng bày các tư liệu lịch sử về Văn Miếu - Quốc Tử Giám và nền giáo dục thời Nho học để bảo tồn lấy truyền thống giáo dục và văn hóa dân tộc.

Tầng 2 là nơi tôn thờ các vị đã có công xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám như Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông.

Nói chung Văn Miếu - Quốc Tử Giám với kiến trúc hiện nay - phần lớn là công trình của thời Lê mạt và thời đầu Nguyễn - nhưng vẫn xứng đáng là một khu di tích lịch sử văn hóa đã kiến tạo từ thời Lý, cần phải được bảo tồn.

Trong một lần thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tôi có cảm tác một bài hát nói, xin chép lại để kết thúc cho bài viết này:

Cảm tác nhân dịp thăm Văn Miếu

Kể từ thời Lý,
Đến bây giờ mười thế kỷ đã qua.
Gác Khuê Văn nét đẹp vẫn hài hòa,
Thiên Quang tỉnh nước pha trời sáng mãi.

Thánh nhân Nho đạo như thiên đại,
Ngã quốc văn minh thử địa tôn (5).
Những tấm bia nét chữ vẫn chưa mòn,
Nhà Đại Bái xem còn nguyên dạng cũ.
Đền Khải Thánh xưa kia thờ Khổng Tử,
Trong chiến tranh giặc phá những điêu tàn.
Nhưng giờ đây tái thiết lại khang trang,
Khách du lịch tới tham quan đông đảo.
Lòng tưởng nhớ từ hồi sùng Nho giáo,
Nay chỉ còn vang bóng một thời qua.

Tìm đâu nữa cảnh Nho gia,
Bình văn giảng sách trong nhà Gíám xưa?
Lòng riêng cảm mấy cho vừa.


(1)

Cung tường: Nhà to lớn là cung, vách lũy bao chung quanh nhà là tường, vì có câu “thí chi cung tường” của Tử Cống hình dung đạo đức Khổng Tử, ví như nhà thực to mà tường ở tứ bề lại cao đến vài trăm thước, người đứng ngoài cửa không thể trông thấy được, nên hai chữ “cung tường” được người ta dùng để chỉ văn miếu, nhà học.

(2)

Theo bản dịch của cụ Nguyễn Văn Tố.

(3)

Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục - Quyển 23 - Trang 39b - 40a.

(4)

Xá sinh: Về đời vua Lê Thánh Tông, các giám sinh ở Quốc Tử Giám họp lại thi. Ai trúng tam trường được sung thượng xá sinh, ai trúng nhị trường được sung trung xá sinh, ai trúng nhất trường được sung hạ xá sinh, mỗi xá lấy 100 giám sinh. Tiền lương tháng thì thượng xá sinh được cấp một quan, trung xá sinh được cấp 9 tiền và hạ xá sinh được cấp 8 tiền.

(5)

Đạo Nho của thánh hiền cao lớn như trời; nền văn minh của nước ta được tôn kính ở nơi đây.

NGUYỄN QUẢNG TUÂN