Văn nghệ sĩ và sự tôn vinh

Đi dọc chiều dài đất nước, ta bắt gặp biết bao đài tưởng niệm nhằm tôn vinh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Lại có một đài tưởng niệm khác không hiển hiện giữa đất trời mà đã in sâu trong tâm trí người dân - đó là những là những bài thơ, những cuốn truyện, những ca khúc viết về cuộc trường chinh cứu nước trải dài mấy mươi năm của dân tộc.

Tác giả của những tác phẩm ấy có người đã nằm lại nơi chiến trường, có người đã ra đi vì tuổi cao sức yếu, người còn sống thì đã tuổi tác, có người đi qua cuộc chiến vẫn giàu cảm xúc mà hồi tưởng lại đã viết nên những tác phẩm mong để lại hoa thơm trái ngọt cho đời.

Dù ra đời trong hoàn cảnh nào, những tác giả - tác phẩm ấy vẫn cần được nâng niu, trân trọng và cần một sự tôn vinh.

Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu - Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về Văn học nghệ thuật.

Nhìn các văn nghệ sĩ còn lại hôm nay, trong đó nhiều người đã bước vào buổi hoàng hôn của đời người, lòng chúng ta thắt lại xen niềm kiêu hãnh mà nhủ thầm rằng: Có một thời như thế, có một lớp văn nghệ sĩ như thế. Một phần đời của họ ngập tràn trong lửa đạn đã viết nên những tác phẩm để đời để đến hôm nay chúng ta được phép tự hào rằng: Trong kho tàng của cuộc chiến tranh để lại, có một dòng tác phẩm phản ánh sâu sắc sinh động về cuộc chiến tranh cách mạng.

Là những nghệ sĩ chân chính, cầm bút viết về sự nghiệp anh hùng, hôm nay sống giữa đời thường, nhiều người rất ngại ngần nói những lời như là sự bon chen, có người không muốn nhắc lại mãi thuở hào quang, không đòi hỏi cho riêng mình một danh hiệu, một tấm huân chương hoặc tấm bằng công nhận. Dù vậy công chúng vẫn ghi nhớ và đòi hỏi được tôn vinh xứng đáng.

Lẽ đời một danh hiệu cao quý, sự tôn vinh đích thực luôn đi liền với sự thẩm định, xét duyệt thật nghiêm túc và ngặt nghèo, những người làm công tác thẩm định luôn gánh trên vai một trách nhiệm nặng nề, nó khác xa với việc bình xét các danh hiệu thi đua thông thường, nên rất cần một sự công tâm mà không kèm theo sự xin cho hay sự ban ơn.

Bởi thế, trong chừng mực nào đấy chưa nhận được sự cảm thông của toàn xã hội và của chính các văn nghệ sĩ cũng là điều dễ hiểu.

Dân ta có câu: Hữu xạ tự nhiên hương, một tác phẩm hay có giá trị đã được tôn vinh từ đáy lòng của công chúng, những người chưa xứng đáng nên tự rút lui, những nghệ sĩ mà nhân dân tôn vinh đang được công chúng ngóng chờ.

Đặng Đình Văn