Từ hai thập kỷ nay, phim truyền thống do nhà nước tài trợ từ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng, nhưng khi chiếu ra chỉ thu được vài triệu đến vài chục triệu đồng là chuyện mà báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực đến mức người đọc và cả người viết đều cảm thấy bão hòa. Nhưng gần đây, sự kiện chiếu phim Sống cùng lịch sử trong ngày lễ lớn kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã thực sự là một cú sốc lớn với câu hỏi lớn: Ngành điện ảnh đã sử dụng đồng tiền của nhân dân như thế nào cho những phim truyền thống cách mạng?
Nhiệm vụ chính trị hay sự lãng phí?
 |
Cảnh trong phim Sống cùng lịch sử |
Bắt đầu từ năm 1995, bên cạnh những phim được nhà nước tài trợ trên dưới 1 tỉ, còn có những phim nằm trong “Chương trình củng cố và phát triển điện ảnh”. Đó là những phim truyền thống, cách mạng, chân dung lãnh tụ được tài trợ gấp nhiều lần hơn những phim được tài trợ bình thường. Khởi đầu là phim Đất nước đứng lên được cấp kinh phí 1 tỉ 910 triệu, sau đó là Hà Nội mùa đông năm 46: 3 tỉ 463 triệu, Tổ quốc tiếng gà trưa: 2 tỉ 165 triệu, Ngã ba Đồng Lộc: 2 tỉ 165 triệu, Hà Nội 12 ngày đêm: 7 tỉ, Giải phóng Sài Gòn: 12 tỉ 500 triệu, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông: 15 tỉ, Ký ức Điện Biên: 13 tỉ, Cầu ông Tượng: 10 tỉ, Nhìn ra biển cả: 7 tỉ, Mùi cỏ cháy: 5 tỉ và gần đây nhất là phim Sống cùng lịch sử: 21 tỉ.
Ai cũng hiểu nhà nước khi bỏ ra số tiền lớn như thế là với mục đích tuyên truyền hơn là doanh thu. Nhưng nói như thế không có nghĩa là không cần quan tâm đến đầu ra của nó. Bởi đầu ra đâu phải chỉ có ý nghĩa kinh tế mà nó còn mang ý nghĩa chính trị. Phim không có người xem thì tất nhiên không thể có tác động xã hội, nói gì đến chuyện tuyên truyền… Nhìn qua kết quả doanh thu của Fafilm Việt Nam mà thấy mủi lòng khi biết rằng Hà Nội mùa đông năm 46 chỉ thu được 18 triệu 900 ngàn đồng, Tổ quốc tiếng gà trưa: 63 triệu 812 ngàn, Ngã ba Đồng Lộc: 113 triệu 200 ngàn… Đặc biệt phim Cầu ông Tượng chưa bao giờ được chiếu trên hệ thống rạp cả nước. Ở đây phải nói rõ, không ai nhìn vào con số doanh thu để đánh giá chất lượng bộ phim, nhưng điều đó đã chứng tỏ đồng tiền của ngân sách thực sự đã rơi vào khoảng không. Có nhiều bộ phim rất hay và được đánh giá cao ở các Liên hoan phim quốc tế, nhưng khi chiếu ra rạp lại thầm lặng đến đau lòng, ví như phim Đời cát trước khi đoạt Giải vàng của Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương chỉ được đem chiếu qua loa mấy ngày nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và doanh thu chỉ có 7 triệu đồng; phim Mùa ổi từng đoạt Giải vàng Liên hoan phim quốc gia cũng chỉ thu được 17 triệu 226 ngàn đồng… Sự thật đau lòng này đã kéo dài triền miên từ năm này sang năm khác suốt 2 thập kỷ nay, nhưng dường như không có cơ quan chức năng nào lưu tâm và tự đặt câu hỏi: “Số tiền nhà nước đã bỏ ra ngày càng nâng cao từ 2 tỉ đến hơn 20 tỉ, vì sao rất dễ dàng cho đầu vào mà không hề có ai quan tâm đến đầu ra? Đồng tiền đã được chi từ ngân sách nhà nước đã làm tròn trách nhiệm tác động xã hội và tuyên truyền chưa? Cá nhân nào, cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm về sự lãng phí này?”. Câu hỏi ấy báo chí đã đặt ra nhiều năm nay, nhưng dường như không thấy làm động lòng được bất kỳ ai!
Số phận lặng thầm của một bộ phim 21 tỉ!!
 |
Cảnh kéo pháo trong phim Sống cùng lịch sử |
Rất nhiều khán giả TP.Hồ Chí Minh đã hoàn toàn không biết gì về sự hiện diện của bộ phim Sống cùng lịch sử trong những ngày cả nước sôi động kỷ niệm 60 năm chiến thắng huyền thoại của cả dân tộc. Những năm trước, mỗi khi muốn đưa một phim truyền thống cách mạng ra rạp chiếu, Công ty Phát hành phim Việt Nam đều có tổ chức họp báo cả hai đầu Nam, Bắc và coi như đó là cách tiếp thị duy nhất cho một bộ phim do hãng phim nhà nước sản xuất. Nhưng năm nay, dường như việc đó cũng đã trở thành xa xỉ. Theo ông Trần Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm chiếu phim và dịch vụ Công ty cổ phần Fafilm tại TP.HCM, thì Cục Điện ảnh chỉ gửi cho công ty một công văn không đóng dấu đề nghị chiếu phim từ ngày 26-4 đến ngày 20-5. Do chỉ có 1 ngày để chuẩn bị, quá gấp gáp, công ty chỉ đủ thời gian in vé và đưa đến Hội Điện ảnh và một số cơ quan, trường học nhờ phát hành mà không kịp họp báo để nhờ đưa tin. Vé phát ra 5.000, nhưng mỗi suất chiếu lác đác chỉ chừng khoảng 10 người, có ngày không có một khách nào nên đành đóng cửa rạp. Kể cũng lạ, có lẽ từ trước đến nay chưa có đất nước nào chỉ biết quăng tiền đầu tư mà không cần biết đến hiệu quả của nó như đất nước ta. Thiết bị máy móc cũng vậy, mà những bộ phim lớn do nhà nước đầu tư cũng vậy. Dám bỏ ra vài chục tỉ đầu tư, nhưng khi phim hoàn thành, được đem chiếu ở đâu, bao nhiêu người xem thì không ai quan tâm. Phim ra rạp một cách âm thầm, có nơi chỉ chiếu được hai ngày thì dẹp. Nhiều người muốn xem phim cũng không biết nó đang chiếu ở đâu, khi nào thì chiếu. Vậy thì bộ phim ấy sẽ có tác dụng gì với công chúng? Mà chuyện này đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” của giới điện ảnh, như là một “đặc điểm nổi bật” của điện ảnh Việt Nam. Vì sao tư nhân có thể bỏ tiền tỉ để quảng cáo cho bộ phim của họ, còn nhà nước thì không thể, dù chỉ vài chục triệu? Câu trả lời sẽ rất rõ ràng, nhưng không kém phần chua xót, là vì tiền tư nhân là tiền máu thịt từ trong túi họ rút ra, họ bằng mọi cách phải lấy lại. Còn phim do nhà nước bỏ tiền đầu tư có lấy lại được hay không thì không thuộc trách nhiệm của ai. Những người làm phim có xót xa nhưng cũng đành chịu, khi chính nhà nước tự rẻ rúng đồng tiền của mình. Mà cũng lạ, tiền gì của nhà nước, thực sự là tiền của nhân dân đó thôi. Nhưng nói đến nhân dân thì bao hàm nghĩa quá chung chung. Vì vậy nên cuối cùng chẳng ai thấy có trách nhiệm cả…
Chúng ta đã từng tự hỏi: Vì sao ngay từ những năm ở thập niên 90, mạng lưới rạp cả nước đều trực thuộc Công ty Chiếu bóng và Phát hành phim nhà nước, nhưng phim truyền thống cách mạng vẫn bị xem nhẹ ở các rạp chiếu? Ở thập niên 90, khi các chủ tư nhân bắt đầu sản xuất phim, cũng là thời của phim nhiều tập Hồng Kông, Đài Loan xâm nhập vào Việt Nam với những bộ phim diễm tình lãng mạn của Quỳnh Dao khuynh đảo ở các cửa hàng dịch vụ video. Trên các rạp chiếu, ảnh hưởng từ những tập phim này mà hàng loạt phim Việt Nam mang hơi hướm Quỳnh Dao cũng ra đời. Đó cũng là thời vàng son của Công ty Chiếu bóng TP.HCM. Hàng loạt các chủ phim tư nhân chầu chực dưới trướng để được cho vào lịch chiếu tốt, nhất là ở các ngày lễ tết. Lợi nhuận ấy không phải là nhẹ. Đó là lý do vì sao, dù là Công ty Chiếu bóng của nhà nước, nhưng phim nhà nước bước vào rạp chiếu cũng không phải dễ dàng gì. Những phim truyền thống cách mạng được sản xuất từ các hãng phim nhà nước, từ ngân sách nhà nước được vào rạp chiếu để phục vụ những ngày lễ, hầu hết đều chỉ đứng được vài ngày là đã bị văng ra khỏi rạp chiếu với lý do là không có khách. Ngày trước, nhà nước có rạp trong tay mà chính phim của nhà nước còn bị rẻ rúng thì nói chi đến bây giờ khi hệ thống rạp chiếu hầu hết đều nằm trong tay tư nhân. Hơn 50 rạp chiếu thuộc Công ty Chiếu bóng TP.HCM đã dần dần xuống cấp, lạc hậu, máy móc rệu rã và đã chuyển công năng. Hiện nay rạp chiếu trực thuộc nhà nước chỉ còn rạp Đống Đa ở quận 5 và rạp Fafilm Cinéma ở quận 1. Vì vậy, phim truyền thống chỉ có thể quảng bá ở hai nơi này, còn tất cả các rạp tư nhân đều khước từ. Thật xót xa khi mà cả nước chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc, các rạp tư nhân ồn ào chiếu những phim bom tấn của Hollywood Người nhện siêu đẳng 2, Người đẹp và quái vật, Trí tuệ siêu việt… cuốn hút giới trẻ đến ùn ùn như ngày hội thì ở rạp Fafilm Cinéma, bộ phim kỷ niệm Điện Biên Phủ lặng lẽ chiếu với số khán giả không đến chục người. 60 năm, ngành điện ảnh đã kỷ niệm những dòng máu đổ xuống cho dân tộc một cách lặng lẽ và buồn thảm dường ấy!!
Nhớ lại, những năm trước giải phóng, chính quyền Sài Gòn cũ không hề có rạp chiếu nào trong tay, mạng lưới chiếu bóng tất cả đều là của tư nhân, nhưng có rạp nào dám không chiếu những thước phim của Trung tâm quốc gia Điện ảnh (thuộc Nha Thông tin) về những chuyến công du của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thời bấy giờ? Bao giờ trước khi vào suất chiếu phim truyện, tất cả các rạp đều phải chiếu phim thời sự khoảng 15-20 phút. Đó là lệnh, ai dám không tuân? Chúng ta mới bước vào kinh tế thị trường mấy mươi năm, mà đồng tiền dường như đã khuynh đảo tất cả. Bởi ngay từ thập niên 90, rạp nhà nước còn coi thường phim nhà nước thì nói gì đến rạp tư nhân?
Nhưng vấn đề ở đây không phải chỉ là chuyện kinh tế, mà thuộc về quan điểm chính trị. Những giọt máu thiêng của cả một dân tộc mà không được nuôi dưỡng và truyền vào những thế hệ nối tiếp, nghĩa là ta đã tự chặt đứt mạch sống của chính cơ thể mình. Đất nước nào cũng có mạch nguồn truyền thống và lòng tự hào dân tộc, nếu anh không biết nhen lên và gìn giữ ngọn đuốc trên bàn thờ thiêng của tổ quốc nghĩa là anh đã tự hủy hoại cả mầm sống tương lai của dân tộc anh. Mầm sống ấy chính là lý tưởng sống của cả một lớp trẻ đang làm chủ đất nước này, một lớp trẻ rừng rực sức sống, nhưng nếu không được vun trồng từ gốc thì hệ quả tương lai ai có thể lường trước được gì với những thế hệ trẻ chông chênh chỉ còn lý tưởng sống duy nhất là đồng tiền và sự thực dụng…