GS BÙI TRỌNG LIỄU (Paris)
Vàng và cát là chuyện muôn thuở. Ngoại trừ những chuyện kỳ dị dùng phương pháp phù thủy để chế vàng, đôi khi gây ra những tội ác mà tất nhiên không có kết quả - thí dụ như trường hợp Gilles de Rais (1404-1440), một nhà quyền quý Pháp, mà hậu thế coi là một trong những con “yêu quái râu xanh”, giết ít nhất hơn 30 đứa trẻ tế Quỷ để chế vàng - đãi cát để tìm vàng, là chuyện toàn cầu, nơi nào cũng thế.
Vàng là kim loại quý. Người ta đãi cát tìm vàng, không có ai đãi vàng tìm cát.
Theo truyền thuyết, với nhiều dị bản, Midas là vua xứ Phrygie ở Cận Đông (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) khoảng thế kỉ thứ VIII trước Công Nguyên - (tất cả các tên gọi trong bài này tôi đều dùng tên gọi trong nền văn hóa La Mã tuy sao chép từ nền văn hóa Hy Lạp cổ hơn nhiều).
Một hôm, thần Bacchus (Thần “rượu chè say sưa”) vì một ân huệ riêng, muốn trả ơn Midas, nên cho vua này được quyền hưởng một lời ước. Midas xin được hưởng phép ước tất cả những gì tay mình đụng tới đều biến thành vàng. Bacchus đồng ý. Midas đụng vào đồ ăn thức uống thì tất cả đều biến thành vàng, không sao ăn uống được nữa. Midas sợ quá, xin thần “giải” cho lời ước này. Bacchus bèn chỉ cho cách giải.
Giá mà có những ai đụng vào gì thì thứ ấy biến thành cát, thì tôi sẽ gọi là những Sadim - do chữ M-I-D-A-S xếp ngược lại thành S-A-D-I-M.
Nhưng mục đích của tôi không phải là kể chuyện về vua Midas, mà là liên tưởng tới nền Giáo dục Đào tạo Việt Nam.
Trải qua mấy thế kỷ theo Hán học, học mượn viết nhờ, giới quyền quý và Nho sĩ chế biến ra một thứ chữ (chữ Nho) mà đọc lên thì người Hoa cũng chẳng hiểu mà ta cũng chẳng thông. Có 2 giai đoạn ngắn ngủi định cải cách của Hồ Quý Ly và của Nguyễn Huệ muốn dùng chữ Nôm, (mà cách viết cũng không thống nhất), nhưng rốt cục việc không thành. Rồi khi bị Pháp đô hộ, phải học tiếng Pháp; chữ Quốc ngữ cũng theo đó mà nhen nhúm lên.
Thực sự chỉ bắt đầu từ 1945, tiếng Việt Nam với chữ Quốc ngữ, mới được dùng làm chuyển ngữ chính thức. Công lao của các vị quản lý điều hành và cộng tác viên, cùng với các trí thức thời đó thật là lớn, và trong khoảng mấy chục năm, dù là trong chiến tranh chống Pháp, rồi chiến tranh chống Mỹ, với những khó khăn thiếu thốn, nền Giáo dục Đào tạo đúng là “vàng mười” của Việt Nam. Mấy vị đó chính là những Midas trong việc quản lý điều hành, và đóng góp xây dựng cho nền Giáo dục Đào tạo của Việt Nam.
Những người làm ngược lại, thì là những Sadim, họ biến vàng thành cát.
(*) | Vàng và cát là một trong những bài viết của GS Bùi Trọng Liễu gửi cho Hồn Việt trước khi ông qua đời (9/3/2010). |