Vĩnh biệt Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn

Giáo sư Lê Trí Viễn đã từ trần lúc 8 giờ 50 phút ngày 3/2/2012 tại nhà riêng, thọ 95 tuổi (1918-2012).

Năm 1939, ông đã đi dạy ở làng Bảo An (Điện Bàn), một làng quê nổi tiếng về văn hóa. GS Toán Hoàng Tụy là học trò ông thời ấy. Nhà thơ Khương Hữu Dụng (1907-2005) lúc ấy cũng đi dạy, và hai người mê văn chương này kết bạn, một "tình trai mà rất gái", theo lời già Khương. Lê Trí Viễn tự học và năm 1945 thi đỗ tú tài (triết học), và đỗ đầu. Cách mạng và kháng chiến đến, Lê Trí Viễn dạy trung học ở Hà Tĩnh và rồi Liên khu 5. Trước khi tập kết, ông là Hiệu trưởng trường Trung học Lê Khiết ở Quảng Ngãi. Lúc bấy giờ, chúng tôi là học trò chân đất ở Quảng Nam, nhìn vào Lê Khiết – Quảng Ngãi thấy sao mà xa vời vợi, sao mà thiêng liêng thế! Những anh học trò lớp 8 – lớp 9 Lê Khiết hồi ấy đối với chúng tôi là mơ ước, nói chi tới ông Hiệu trưởng!

Năm 1958, ông làm Chủ nhiệm khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Ở đây tập hợp một đội ngũ nhà giáo – nhà nghiên cứu nổi tiếng: Huỳnh Lý, Trương Chính, Nguyễn Đức Nam, Trần Thanh Đạm, Đặng Thanh Lê… Lê Trí Viễn là thành viên của Nhóm Văn học Lê Quý Đôn, gồm Hoàng Ngọc Phách, Trương Chính, Đỗ Đức Hiểu… Họ ra bộ Lịch sử văn học Việt Nam và dịch văn chương Pháp. Sau này ông còn có bộ Ngữ văn Hán - Nôm (soạn chung với Đặng Đức Siêu…), Nguyễn Đình Chiểu, Thi pháp văn học Trung đại… Ông chuyên dạy văn chương cổ Việt Nam, và rất sành về giảng văn… Ông có những bài viết uyên bác và tinh tế về văn chương cổ, về Di chúc Bác Hồ. Ông coi trọng văn, chất văn… trong viết bài, trước thuật, bình giảng. Ông có cốt cách nghệ sĩ, thi nhân. Ông có một tập thơ và có nhiều bài thơ có dáng vẻ hiện đại. Như bài tả cảnh mấy ông già ôm nhau khóc khi gặp lại sau bao nhiêu năm xa cách. Thì ra đó chính là thầy (chính ông) và những học trò ngày xưa.

GS - Nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn

 

Cuối đời, ngoài tuổi 70 rồi, ông vẫn say mê dạy học và tự mở một trường trung học tại TP Hồ Chí Minh lấy tên Nguyễn Khuyến. Có 6.000 học sinh từ các tỉnh đổ về học, và ông quản lý giỏi đến nỗi trường trở thành nổi tiếng, người ta tranh nhau cho con cháu vào đó học.

Một điểm đặc biệt nữa là ông rất chú trọng dưỡng sinh. Khi mừng thọ ông tuổi 90, tôi có hỏi ông về thuật dưỡng sinh, rằng có phải ông sống lâu là do “tiên thiên”. Ông nói: Đâu có anh, anh Hai tôi cao 1,70m, còn tôi nhỏ con; tất cả do luyện thở, luyện khí mỗi ngày.

Đó cũng là một bài học lớn.

Sống hết mình với nghề dạy học, vừa là một người uyên bác vừa là một cốt cách nghệ sĩ (từ thời trẻ ông đã tính đi con đường sáng tác văn chương), lại là một biểu tượng thành công của thuật dưỡng sinh, GS Lê Trí Viễn là một tấm gương sáng cho đời. Học hàm giáo sư, danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh… là những phần thưởng mà người đời bày tỏ lòng quý trọng.

Tôi không có cái may được thụ giáo với ông, nhưng có duyên 30 năm cùng dạy, cùng đào tạo nghiên cứu sinh với ông. Ông thường gọi tôi là “chú em tôi” để tỏ tình thân mật. Ngoài tình đồng nghiệp, tình anh em, ông với tôi còn cùng quê Điện Bàn – Quảng Nam, nơi nổi tiếng ông đồ xứ Quảng bên cạnh ông đồ xứ Nghệ!

Trước hôm mất một ngày, ông nói với người nhà: Ngày mai tôi đi! Sáng hôm sau ông đi thật. Hình như ông có năng lực thấu thị do luyện công! Ông tự biết mình, tự biết giọt sống cuối cùng trong người đã cạn. Nhưng tuổi già ra đi nhẹ nhàng, nhanh chóng như thế, ai cũng cho là hạnh phúc và ai cũng mong được thế!

Vĩnh biệt GS Lê Trí Viễn! Và ông sẽ sống mãi trong niềm thương tiếc của hàng vạn học trò, đồng nghiệp.

GS MAI QUỐC LIÊN