Vĩnh biệt nhà khoa học Nguyễn Thị Nhất, phu nhân cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện

Sau gần 70 năm hy sinh, phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giáo dục của dân tộc, ngày 19-6-2013, bà Nguyễn Thị Nhất - phu nhân nhà văn hóa lỗi lạc Nguyễn Khắc Viện - đã nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng, để lại cho mọi người niềm tiếc thương vô hạn.

Bà tên thật là Nguyễn Thị Nhứt (tên thường gọi là Nhất) sinh ngày 10-5-1926 trong một gia đình viên chức yêu nước tại xã Tam Quan - huyện Hoài Nhơn - tỉnh Bình Định. Trước Cách mạng tháng Tám, phụ thân của bà đã từng bị đế quốc Pháp bắt giam do tham gia phong trào truyền bá quốc ngữ, sau đó phải trốn vào Sài Gòn và tham gia hoạt động tại đây. Tháng 9-1945, ông đưa cả nhà về Bình Định sinh sống và tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau đó, thân phụ bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản, từng đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Hành chánh kháng chiến Liên khu V. Thân mẫu bà cũng hăng hái tham gia mọi hoạt động của Hội Mẹ chiến sĩ. Một người em trai của bà Nhất gia nhập du kích và đã anh dũng hy sinh. Sau năm 1954, do thân phụ bà đau nặng, gia đình lại chuyển vào miền Nam sinh sống và kết hợp chữa bệnh cho cụ.

Ngay từ trước Cách mạng tháng Tám, do sớm giác ngộ, bà Nhất đã được Ban Tuyên truyền xí nghiệp lao động huấn luyện để làm tuyên truyền viên trong các xí nghiệp ở Sài Gòn. Trong hai năm 1945 và 1946, bà hoạt động trong đội cứu thương của tổ chức Thanh niên Tiền phong Khu Bàn Cờ - Sài Gòn. Năm 1947, bị lao phổi, bà đi Pháp chữa bệnh, tự học chương trình Tú tài trong bệnh viện. Năm 1948, sau khi xuất viện, bà đã thi đỗ Tú tài và tham gia phong trào yêu nước trong Hội Việt Nam ái hữu ở Paris. Năm 1949, bà hoạt động của Việt kiều và đăng ký học ngành Tâm lý sư phạm ở Đại học Sorbonne. Năm 1950, bà được Chi bộ ở Khoa Tâm lý Trường Đại học Sorbonne kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1951, bà Nguyễn Thị Nhất được cử bổ sung vào Đoàn đại biểu của Thanh niên Việt Nam tham dự Đại hội liên hoan của thanh niên - sinh viên thế giới tại Berlin (CHDC Đức). Chuyến “vượt biên” phải “quá cảnh bất hợp pháp” nhiều nước để tới được đại hội ấy thật gian lao, mạo hiểm nhưng cũng đầy lý thú và đặc biệt vinh dự. Năm 1952, trong đợt khủng bố Việt kiều yêu nước, bà bị đưa về Sở Nội vụ tra hỏi và đe dọa trục xuất, song không tìm được chứng cứ gì, nhà đương cục phải thả về.

 Bà Nguyễn Thị Nhất và ông Nguyễn Khắc Viện

Đầu năm 1954, bà được cử vào Đảng ủy Việt kiều tại Pháp. Cuối năm 1954, được sự đồng ý của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đảng Cộng sản Pháp đã bí mật tổ chức hai đoàn Việt kiều tiến bộ về nước, trong đó có bà Nguyễn Thị Nhất và em bà là Nguyễn Thị Hội, sang Pháp học ngành sinh học sau chị mấy năm và cũng là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Đoàn về tới Việt Nam vào những ngày đầu năm 1955, khi thủ đô Hà Nội vừa giải phóng! Cả hai chị em bà đều được chuyển trực tiếp về sinh hoạt ở Đảng Lao động (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Chẳng bao lâu sau, dân tộc ta lại bước vào cuộc trường chinh mới và gia đình bà lại chịu thêm một tổn thất nữa: một người em của bà nhập ngũ và hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hai người em trai còn lại của bà, trước sau đều gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, và như vậy, sáu anh chị em bà, trong đó có hai liệt sĩ, đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ khi về nước cho đến ngày nghỉ hưu, suốt 25 năm, trừ một thời gian học tập chính trị và đi tham quan thực tế ở nông thôn Hà Nam và hầm mỏ ở Quảng Ninh, bà liên tục công tác trong ngành giáo dục. Sau một thời gian ngắn công tác tại Sở Giáo dục Hà Nôi với nhiệm vụ chính là xây dựng trường mầm non đầu tiên tại phố Hàng Bông Nhuộm, năm 1956, bà được chuyển về Vụ Mẫu giáo chuyên theo dõi, chỉ đạo việc xây dựng, phát triển phong trào mẫu giáo của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Năm 1967, bà được chuyển về Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục phụ trách việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa cho mẫu giáo, và sau đó tham gia viết sách giáo khoa tiểu học cho đến ngày nghỉ hưu. Trong thời gian công tác trong ngành giáo dục, bà đã có những cống hiến xuất sắc. Hẳn những ai bước vào trường tiểu học cuối những năm 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ trước, đều không thể không ghi nhớ những ấn tượng sâu đậm và có phần mới lạ về Bộ sách Học vần do bà chủ biên được in với số lượng rất lớn. Bà đã có nhiều đóng góp cho việc bồi dưỡng cán bộ quản lý và giảng dạy của ngành mẫu giáo còn non trẻ. Bà đã phát biểu những ý kiến có trọng lượng trong việc đề nghị Nhà nước thực hiện những chủ trương chính sách để nâng cao vị thế của ngành mẫu giáo và cải thiện đời sống của chị em giáo viên. Bà và ông Nguyễn Khắc Viện là đồng tác giả kịch bản của bộ phim Học văn học vần được giải cao trong nước và cả giải quốc tế về điện ảnh.

Do có những cống hiến lớn cho sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp giáo dục, bà đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến (chống Mỹ) hạng nhất và Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục.

Sau khi về hưu, bà vẫn tiếp tục có những đóng góp không nhỏ trên lĩnh vực giáo dục và cả lĩnh vực y tế. Trong suốt 13 năm trời, từ lúc thành lập Trung tâm NT (nghiên cứu tâm lý và bệnh lý trẻ em), bà là trợ thủ hết sức đắc lực của người chồng thân thiết, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, Giám đốc trung tâm, người sáng lập ra tổ chức nghiên cứu khoa học phi chính phủ đầu tiên này của cả nước. Là tổ chức phi chính phủ, lại có quan hệ giao tiếp rộng rãi, để trung tâm hoạt động có hiệu quả, không phải chỉ có sức lực và trí tuệ là đủ, mà còn phải lo cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động nữa. Từ khi bác sĩ Nguyễn Khắc Viện qua đời vào năm 1997, trong suốt gần 15 năm, với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, bà đã vượt qua bao khó khăn, không chỉ vẫn duy trì được hoạt động của Trung tâm NT trong điều kiện sự tài trợ của quốc tế ngày càng giảm sút, mà còn sáng tạo được một số hoạt động mới. Hoạt động tư vấn, điều trị cho trẻ rối nhiễu tâm lý được mở rộng, đặc biệt là đã tổ chức được một số đợt xét tặng Giải thưởng Khoa học về Tâm bệnh lý mang tên Nguyễn Khắc Viện với sự tài trợ của Công ty TNHH Nhật Linh.

Cuộc đời của bà Nguyễn Thị Nhất, với 63 năm tuổi Đảng, là một cuộc đời hành động, đầy sáng tạo, hy sinh, cống hiến, qua đó chúng ta đều thấy phẩm chất cao quý, năng lực đa dạng ở bà. Trong gia đình, bà là người vợ đảm đang, hết lòng thương yêu chăm sóc chồng. Bà kết hôn với ông Nguyễn Khắc Viện năm 1967. Bấy giờ bà đã 42 tuổi và ông Viện đã vượt quá tuổi “tri thiên mệnh”. Hơn thế, sức khỏe của cả hai ông bà đều rất hạn chế. Lấy nhau cũng có nghĩa là phải quyết tâm hy sinh vô điều kiện cho nhau. Chính ông Viện cũng đã khẳng định sự hy sinh chịu đựng đó của bà Nhất qua một bài thơ tặng bà nhân dịp bà tròn 70 tuổi: Bà là bà Nhất/ Chị là chị Hai/ Dâu là dâu cả/ Tuổi Trâu tích cực/ 70 không già/ Hai vai gánh vác/ Việc nước việc nhà/ Việc dòng việc họ/ Chuyện phố chuyện phường/ Thêm một ông chồng/ Kiệt sức hết hơi/ Vẫn lắm trò chơi/ Sách sách vở vở/ Hết văn lại võ/ Khách khứa sớm chiều/ Chỉ được một điều/ Trải bao năm qua/ Từ nơi đất khách/ Về đến quê nhà/ Khi gần khi xa/ Ngày sướng ngày khổ/ Tơ lòng gắn bó/ Không bao giờ dứt/ Trước sau như một/ Coi bà là NhấtCho nên, trong thành tích của ông Nguyễn Khắc Viện đối với sự nghiệp chung, không thể không tính đến phần đóng góp âm thầm nhưng không hề nhỏ của bà Nguyễn Thị Nhất.

Mặc dù bận trăm công ngàn việc, nhưng bà Nhất luôn làm tròn bổn phận của người dâu cả trong gia đình. Đặc biệt, bà rất quan tâm đến quê hương, dòng tộc gia đình bên nội. Mỗi lần ở quê, dòng họ, gia đình có sự kiện lớn nhỏ nào, nếu không quá bận việc công, bà cũng đều tranh thủ về thăm quê, thăm anh em, chú bác, cô dì bên nội ở xã Sơn Hòa - huyện Hương Sơn - tỉnh Hà Tĩnh, tham dự và nhiệt tâm đóng góp cho các sự kiện của quê hương, dòng họ.

Còn có rất nhiều điều nữa có thể nói về cuộc đời riêng ít nhiều mang tính huyền thoại của bà. Mặc dầu có lắm nỗi truân chuyên, cuộc đời bà vẫn có một cái kết thật đẹp, một cái kết có hậu. Các con cháu của bà đã thực hiện được điều mà bà từng mơ ước là chúng đã “biết sống một cách tự trọng, cương nghị, độc lập và tự chủ, biết thích đổ mồ hôi để hiểu giá trị của cuộc đời…”, và quan trọng nhất, cuộc đời bà là một tấm gương sáng ngời về lao động khoa học và tinh thần hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc, dân tộc để mọi người kính phục và noi theo.

Phạm Quang Ái