Vĩnh biệt Đạo diễn – NSƯT Nguyễn Văn Khánh

Đạo diễn-Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Văn Khánh (biệt hiệu Khánh cao) sinh ngày 20/9/1918 tại Kim Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Mùa thu năm 1945, ông thoát ly theo kháng chiến và làm Phó ty Văn hóa Thông tin kiêm Chủ tịch Hội Văn nghệ, và năm 1947 làm Trưởng đoàn tuyên truyền Quân dân chính Sao Vàng tỉnh Bình Thuận (Đoàn Văn công Sao Vàng).

Đoàn Sao Vàng lúc ấy  gần như có mặt khắp Khu 6, tiếng vang ngày càng lớn. Đến năm 1948, trong một lần di chuyển, đoàn rơi vào ổ phục kích của giặc, 10 anh em đã hy sinh, Nguyễn Văn Khánh lúc đó đang bị sốt rét nên bị địch bắt đưa về nhà lao Phan Thiết. Rồi ông vượt ngục vào lại chiến khu, vì vậy, bọn Pháp đã bắt giam vợ ông là bà Nguyễn Thị Lựu để gây sức ép buộc ông phải trở về trong lúc bà đang có con nhỏ.

Thời gian đó, NSND Trà Giang – con gái của NSƯT Nguyễn Văn Khánh – mới  6 tuổi, mỗi ngày phải theo bà ngoại bế em đến giếng nước gần nơi giam giữ mẹ để mẹ cho em bú. Hình ảnh ấy sẽ không bao giờ phai nhòa trong trí óc non nớt của em bé  6 tuổi và nó đã theo chị suốt cuộc đời để làm nên những vai diễn để đời về người phụ nữ miền Nam hiền dịu, thương chồng, thương con mà vô cùng bất khuất trước quân thù.

Cũng ngay cuối năm 1948, khi dự Đại hội Văn hóa Thông tin Nam Bộ tổ chức tại kinh Dương Văn Dương (Khu 8), ông được thưởng thức bộ phim Trận Mộc Hóa lần đầu tiên được trình chiếu cho chiến sĩ, đồng bào xem. Ông đã gặp lại những người bạn thời niên thiếu, cũng là tác giả của bộ phim vừa mới trình chiếu là Mai Lộc và Khương Mễ và đề nghị được giúp đỡ để xây dựng Tổ Điện ảnh, Nhiếp ảnh cho chiến trường Cực nam (Khu 6).

Bắt đầu từ năm 1950, ngoài công việc quán xuyến đoàn văn công, ông còn xây dựng hai tổ chiếu phim và quay phim phục vụ chiến trường Khu 6.

Năm 1954, ông cùng gia đình tập kết ra Bắc, ông được cử đi học lớp kịch nói của Bộ Văn hóa tổ chức và làm trợ lý đạo diễn vở nhạc kịch Épghênhi Ônhêgin.

Năm 1959, khi Đoàn Văn công tổng hợp miền Nam tách ra lập Đoàn Dân ca Khu 5, ông phụ trách chỉ đạo nghệ thuật và làm đạo diễn các vở: Thoại Khanh, Châu Tuấn của Nguyễn Tường Nhẫn (đoạt Huy chương vàng), Đôi chim chèo bẻo của Nguyễn Văn Niêm(Huy chương bạc), vở Bông trắng của Nguyễn Khắc Phục (Giải Nhất sân khấu phía Nam) cùng các vở Kiều - Từ Hải, Dưới chân núi Đá Bia, Sóng ngầm vùng biển lặng, Một mạng người, Nghêu, sò, ốc, hến… Tất cả hơn 20 vở diễn lớn nhỏ.

pic
NSƯT Nguyễn Văn Khánh và con gái Trà Giang lúc mới thi vào trường điện ảnh


Đạo diễn Nguyễn Văn Khánh là người đặt những viên gạch đầu tiên cho nghệ thuật đạo diễn sân khấu kịch hát bài chòi, một đặc sản văn hóa tinh thần của Liên khu V. Năm 1965, ông được phân công trở về chi viện  cho chiến trường Liên khu 5. Cùng với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, các nghệ sĩ múa Phương Anh, Phương Thảo, ông mở Trường Nghệ thuật Khu 5 để truyền dạy nghề cho văn công các tỉnh vùng Tây Nguyên, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi về học.

Mặt trận Liên khu 5 lúc bấy giờ vô cùng ác liệt, lúc đó ông đã 60 tuổi, nhưng vẫn mang ba lô lên đường ra mặt trận. Rất nhiều văn nghệ sĩ đã hy sinh ở chiến trường này, ông đã bao lần khóc thương đồng chí mình như: Phương Thảo, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Văn Giá… Giọt nước mắt lá vàng thương khóc lá xanh, đau đớn lắm, nhưng mặt trận vẫn réo gọi và ông vẫn tiếp tục hành quân, mở lớp gieo trồng những hạt giống văn nghệ cách mạng, đưa đoàn văn công đi phục vụ khắp nơi trên những vùng đất đạn bom cày nát…

Sau 1975, ông về công tác tại Hội Sân khấu TP.HCM, phụ trách tờ báo Sân Khấu TP.HCM. Bốn năm sau, ông ra miền Trung giúp đỡ phong trào sân khấu dân ca kịch cho đến khi nghỉ hưu.

Hơn nửa thế kỷ, ông giống như cánh chim bay đi khắp hướng, mỗi lời ca, điệu múa, mỗi thước phim ông làm đều thắm đượm cả niềm tin tất thắng của dân tộc. Ở những nơi đầu sóng ngọn gió, những vùng đất giao tranh ác liệt nhất, ông vẫn mải miết gieo trồng tình yêu thương, và những bài ca cách mạng vẫn cất lên giữa rừng bom đạn.

Đó chính là chất thép của cách mạng Việt Nam, là điều mà kẻ thù không thể nào hiểu nổi vì sao tiếng hát ở đây có thể át được tiếng bom gầm, vì sao giữa chiến trường bom đạn, cô văn công vẫn bình thản múa bài Cánh chim mặt trời dưới ánh đèn măng sông leo lét, và dù đạn pháo rền vang, đoàn văn công vẫn biểu diễn bên cạnh đông đảo đồng bào, chiến sĩ…

63 tuổi Đảng, cuộc đời ông là một dòng chảy lặng lẽ, kiên trung hòa trong dòng thác cuồn cuộn của cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Ông chính là bệ đỡ cho con gái, là người bạn lớn của NSND Trà Giang khi động viên chị thi vào trường điện ảnh. Chị đã hưởng gần như trọn vẹn từ người cha tài hoa, từ vẻ đẹp bên ngoài đến tài năng nghệ thuật. Không phải chỉ tài năng diễn xuất mà còn cả gien di truyền hội họa. Chị vẽ tranh, những bức tranh của chị được đặt cận kề bên những bức tranh cắt giấy rất đẹp của ông...

Vĩnh biệt ông, đạo diễn-NSƯT Nguyễn Văn Khánh!

Bích Châu