Vĩnh biệt soạn giả Mai Quân...

Soạn giả Mai Quân, tên thật là Huỳnh Kim Thạch, sinh ngày 24-6-1934 tại xã Vĩnh Lợi - huyện Vĩnh Lợi - thị xã Bạc Liêu - tỉnh Bạc Liêu. Từ những ngày đầu của cuộc Cách mạng mùa thu, ông đã được truyền dạy về lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước. Lại thêm sống trong một gia đình có chí khí nên dù chưa được phép của gia đình nhưng cậu bé 13 tuổi mang theo chiếc cặp đựng đầy thuốc men và một ít quần áo tìm đường vào chiến khu tham gia kháng chiến chống Pháp. Vì còn là thiếu niên nên tổ chức cho ông tham gia chủ yếu là các nhiệm vụ văn thư nhẹ nhàng. Có điều kiện dùi mài chữ nghĩa nên chỉ một năm sau, ông thi đậu vào trường Trung học kháng chiến Nam Bộ Nguyễn Văn Tố. Chính tại ngôi trường kháng chiến này, Ông vừa học kiến thức vừa học cách thâm nhập vào quần chúng làm công tác xã hội để rèn luyện, rồi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc.

Mùa xuân năm 1950, do tình hình chiến sự, nên trường giải tán và các học sinh được phân về các cơ quan và vào bộ đội, ông được đưa về phòng Tu thơ, Sở Giáo dục Nam Bộ để phụ soạn các tài liệu giáo khoa. Từ đây đến năm 1954, ông tham gia sinh hoạt ở Chi hội Văn nghệ Nam Bộ. Năm 1954, Cà Mau được chọn làm điểm tập kết để đưa con em miền Nam ra Bắc. Ở lại miền Nam, người cán bộ trẻ đã nung nấu ý nguyện sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng và quyết định chọn chiến trường Sài Gòn là nơi thử thách khốc liệt nhất. Bắt đầu từ đó ông quyết tâm chuẩn bị chu đáo cho việc về thành. Ông trau dồi và trang bị kiến thức không chỉ là học lớp báo chí mà còn học cả lớp múa để làm hành trang cho công tác hoạt động văn học nghệ thuật nội thành sau này.

Từ Cà Mau, ông về Sài Gòn hoạt động nội thành. Và công tác đầu tiên là đến với các phong trào cứu tế đồng bào đang lâm cảnh màn trời chiếu đất. Bằng văn nghệ, ông đã xoa dịu nỗi đau của những con em đồng bào bị nạn. Từ những đêm văn nghệ cứu tế đồng bào ông đã vận động và thuyết phục được nhiều nhân tố mới để xây dựng thành cơ sở cách mạng cắm sâu giữa lòng thành phố Sài Gòn.

Đầu năm 1955, ông được kết nạp Đảng. Tổ chức chính thức giao nhiệm vụ gây dựng và phát triển Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam, trước nhất từ cánh âm nhạc và múa. Một vũ đoàn đậm mùi kháng chiến xuất hiện giữa lòng địch, ngay trước mũi lùng sục của địch, và ông trở thành cái gai nhọn trong mắt bọn dọ thám. Trước tình hình đó, ông được điều sang hẳn cánh sân khấu, theo các đoàn đi lưu diễn, trước dạy múa sau là viết tuồng. Ông đang bước vào một chiến trường mới!

Trong thời gian gần 10 năm bám trụ Sài Gòn, ông đã đi qua 10 gánh hát ở Sài gòn từ gánh Quê Hương, Thanh Tao, Lam Sơn, Phước Chung, Ngọc Kiều, Bích Thuận, Việt Hùng - Minh Chí, Kim Hoàng - Như Mai, Kim Chưởng, Kim Chung… vừa dạy múa vừa viết tuồng. Các vở diễn Nhụy hoa lan, Đêm trăng, Chiến tuyến nở mộng tình, Bên đồi trăng cũ, Giải phóng Hà Tiên, Dệt mộng tao phùng, Chiều xưa tuyết phủ, Lời thơ bên song cửa, Chiều thu sầu biệt ly, Cánh nhạn chiều sương, Lạnh hoàng hôn… đã ra đời trong giai đoạn này có lúc dưới nghệ danh Nhuận Đức, được xem như những phát súng chống lại văn hóa văn nghệ ngoại lai.

Dựa vào Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế Nam Việt, ông đã hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao cho: Phát triển văn nghệ dân tộc tiến bộ trong lòng địch, góp phần đấu tranh văn hóa, chính trị của toàn dân chống địch, giải phóng và thống nhất đất nước.

Cuối năm 1959, có giai đoạn ông bị mất liên lạc do các cơ sở cách mạng bị luật 10/59 phá tan, nhưng ông vẫn kiên trì áp dụng phương thức hoạt động bí mật, sinh hoạt đơn tuyến, giữ vững niềm tin để tìm mọi cách nối liên lạc. Sự kiên nhẫn đã dẫn đường cho ông tìm lại được tổ chức, và vui sướng biết bao khi Tiểu ban văn nghệ I.4 thành lập, thì ông đã có tên trong những người phụ trách đầu tiên. Ông có mặt trường kỳ với nhân dân vùng Hố Bò, Trại Hòm, Xóm Thuốc, Xóm Chùa, hăng hái đào địa đạo, hầm bí mật, các hố trú ẩn cá nhân dọc đường để tránh bom đạn, chống càn quét. Không dừng ở đó, từ các cơ sở đã xây dựng được, ông đã đẩy mạnh để phát triển lực lượng ngày càng mạnh lên góp phần đưa đến việc thành lập Ban cán sự văn nghệ (trong đó có sự tham gia của đồng chí Năm Triều, bí danh mới của ông).

Từ đó trong những chuyến ra vào nội thành, cánh tay làm cầu nối của ông đã lần lượt đưa vào chiến khu các văn nghệ sĩ Sài Gòn làm cốt cán cho đoàn Văn công I.4.

Từ năm 1967, ông bị địch bắt và chuyển qua nhiều trại giam từ nhà tù của Cục An ninh quân đội ngụy cho đến Côn Đảo và được trao trả tại Lộc Ninh năm 1974.

Trở về đơn vị chưa được bao lâu, ông được lệnh hành quân về chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn. Có mặt tại Sài Gòn ngay ngày giải phóng 30 tháng 4 năm 1975, ông bắt tay ngay vào việc tập hợp, tổ chức đội ngũ, hướng dẫn anh chị em làm công tác văn nghệ báo chí bước vào trận địa mới. Với cương vị Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ TP.HCM, ông lao vào tạo dựng sân khấu cho lực lượng biểu diễn, và nối liền các đoàn biểu diễn từ Nam ra Bắc và ngược lại. Từng bước bằng trách nhiệm và kinh nghiệm trong việc vận động văn nghệ sĩ nội ô trước đây, ông đã hoàn thành sứ mệnh của Đảng giao phó trước lúc hành quân về Sài Gòn là vận động văn nghệ sĩ nội thành đứng lên, góp sức vào công cuộc giải phóng Sài Gòn.

Lần lượt với các trách nhiệm được phân công: Trưởng ty Sân khấu, Trưởng phòng nghệ thuật sân khấu (Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM), Bí thư chi bộ Hội Văn nghệ TP.HCM, ông chính là cột trụ, là niềm tin của lực lượng sân khấu thành phố.

Từ nhiệm kỳ 1 đến nhiệm kỳ 4 của Hội Sân khấu TP.HCM, ông là Phó tổng thư ký Hội, khi thì ở Ban hội viên, lúc ở Ban ái hữu. Nhưng dù ở bất cứ cương vị nào, ông vẫn luôn sống và ở kề bên để bảo vệ các quyền lợi cho nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ già, yếu, cô thân. Khu dưỡng lão nghệ sĩ hình thành có bàn tay chắt chiu và đậm tình thương yêu của vị Trưởng ban ái hữu Năm Triều. Gần đây, dù đã nghỉ hưu hoàn toàn, nhưng ông luôn là vị cố vấn nhiệt tâm nhất của Ban ái hữu, là người dẫn đường sáng suốt cho những người kế nhiệm.

Bằng bấy nhiêu nhiệm vụ, ông đã sống mãi trong lòng của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ TP.Hồ Chí Minh... Vĩnh biệt ông, vĩnh biệt một nhân sĩ trung kiên, suốt đời vì lý tưởng cách mạng, vì một nền văn hóa dân tộc, vì một sự nghiệp sân khấu nhân văn.

Đạo diễn HỒNG DUNG - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM